Đề bài: Vai trò của yếu tố thần kì trong truyện Tấm Cám
This post: Vai trò của yếu tố thần kì trong truyện Tấm Cám
Vai trò của yếu tố thần kì trong truyện Tấm Cám
I. Dàn ý Vai trò của yếu tố thần kì trong truyện Tấm Cám
1. Mở bài
– Dẫn dắt vấn đề: Đi từ những câu chuyện cổ tích dân gian…
– Nêu vấn đề nghị luận: Yếu tố thần kì trong truyện Tấm Cám.
2. Thân bài
– Tìm hiểu chung về truyện cổ tích:
+ Những tác phẩm dân gian được lấy từ cảm hứng và kết tinh từ trí tưởng tượng của cha ông; chúng luôn chứa đựng trong mình những khát vọng lớn lao của cha ông ta thời xưa.
+ Mỗi chi tiết trong truyện đều miêu tả xung đột, mâu thuẫn giữa các tầng lớp trong xã hội, ở đó tác giả dân gian đã chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng những yếu tố thần kì.
– Trong truyện Tấm Cám:
+ Mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác, giữa một bên chính, một bên tà: Tấm đại diện cho cái tốt, cái thiện còn mẹ con Cám lại đại diện cho cái xấu xa, độc ác.
+ Mỗi khi Tấm bị mẹ con Cám hãm hại tới mức tủi thân phát khóc, Bụt lại hiện lên ban cho Tấm những điều tốt đẹp hơn…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Vai trò của yếu tố thần kì trong truyện Tấm Cám tại đây.
II. Bài văn mẫu Vai trò của yếu tố thần kì trong truyện Tấm Cám
Mỗi câu chuyện cổ tích xưa bao giờ cũng làm ta say mê, hứng thú. Bởi trong đó không chỉ có những cô Tấm, có những Sọ Dừa, Lang Liêu … mà còn có những ông Bụt, bà Tiên, những vị thần thánh, những thế lực siêu nhiên luôn giúp đỡ người tốt, người hiền. Yếu tố thần kì ấy không thể không xuất hiện trong những câu chuyện cổ tích. Bởi vì nó là đại diện cho khát vọng của nhân dân, cho những kì vọng lớn lao mà con người không thể thực hiện được, đặc biệt là trong truyện cổ tích “Tấm Cám”.
Truyện cổ tích là những tác phẩm dân gian, được lấy cảm hứng và kết tinh từ trí tưởng tượng của cha ông. Nó luôn chứa đựng trong mình những khát vọng lớn lao của cha ông ta thời xưa khi mà hiện thực không thể đáp ứng những kì vọng của con người. Sự ra đời của những câu chuyện cổ tích này có lẽ là sự đáp ứng cách phản ánh hiện thực của xã hội, của giai cấp. Mỗi chi tiết trong truyện đều có những tuyến đối xứng, miêu tả sự xung đột, mâu thuẫn giữa cách tầng lớp xã hội. Mâu thuẫn ấy chắc hẳn chẳng thể giải quyết trong hiện thực mà chỉ có thể gửi gắm trong những câu chuyện truyền tai nhau. Và trong những câu chuyện ấy, tác giả dân gian đã chọn cách giải quyết mâu thuẫn xung đột ấy bằng những yếu tố thần kì.
Đặt Tấm Cám vào trong hoàn cảnh ấy, xung đột hiện rõ ở trong đây là sự mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác, giữa một bên chính và một bên tà. Nếu như Tấm là đại diện cho cái tốt, cái thiện, là một cô gái hiền lành, chân thật, siêng năng thì đối lập với Tấm là mẹ con Cám, đại diện cho cái xấu xa, cái độc ác. Xung đột trong câu chuyện được đẩy lên khi Tấm hết lần này tới lần khác bị mẹ con Cám hãm hại. Trong những ngày đầu, mâu thuẫn được đặt trong hoàn cảnh gia đình, mẹ ghẻ xung đột với con chồng, chị xung đột với em kế. Mỗi lần Tấm bị bắt nạt, bị ức hiếp tới mức tủi thân phát khóc thì ông Bụt lại hiện lên ban cho Tấm những điều mới. Tấm bị Cám lừa mất giỏ tép, mất cái yếm đỏ thì Bụt ban cho Tấm cá bống để bầu bạn. Đến khi cá bống bị giết thì ông Bụt lại giúp biến những chiếc xương cá bống ấy thành quần áo, giày đẹp để Tấm đi dự hội. Đọc truyện, chúng ta luôn thấy những thế lực siêu nhiên, thần thánh luôn song hành cùng con người, giúp đỡ con người trong những lúc khó khăn. Họ luôn xuất hiện đúng lúc để giải quyết những mâu thuẫn tồn tại giữa con người mà con người chẳng thế giải quyết được. Những điều họ làm được dường như luôn là vô tận, họ có thể điều khiển được vạn vật, làm những điều tưởng chừng như không thể. Chính vì có sự giúp đỡ của Bụt, Tấm đã có cơ duyên trở thành hoàng hậu, thoát khỏi thân phận nghèo hèn trước kia. Cũng nhờ có Bụt, nàng mới có thể hưởng những ngày tháng hạnh phúc bên cạnh vua mà tạm thời thoát khỏi mụ dì ghẻ độc ác.
Yếu tố thần kì với sự xuất hiện của ông Bụt ngay đầu câu chuyện đã góp phần thể hiện ước mơ, khát vọng của nhân dân ta. Đó là ước mơ được hưởng hạnh phúc, giàu sang, bình đẳng, thoát khỏi cái nghèo, sự bóc lột của những người lao động nghèo, nhưng chăm chỉ hiền lương. Còn ông Bụt chính là hiện thân của thần linh, của thế lực siêu nhân, thần kì giúp nhân dân thực hiện ước mơ của mình. Yếu tố này cũng đóng vai trò như một công cụ lột tả khát vọng của nhân dân ta trước một hiện thực bế tắc. Nó chính là nơi mà họ gửi gắm niềm mơ ước nhỏ nhoi của mình đối với hiện thực tàn khốc.
Tiếp theo mạch truyện, chúng ta lại được bắt gặp yếu tố thần kì nhiều thêm nữa. Đó là khi Tấm đã trở thành hoàng hậu, ghen tức với sự may mắn của nàng, mẹ con Cám đã hết lần này tới lần khác hãm hại Tấm. Thế nhưng, lần nào cũng vậy, Tấm chết đi nhưng lại hóa thân vào những vật khác, khi thì là chim vàng anh, khi là cây xoan đào, khi là khung cửi, khi là quả thị. Đó đều là những vật dụng, cây cối quen thuộc với cuộc sống bình dị mộc mạc của người dân xưa. Bốn lần hóa thân là bốn lần nói lên sự phản kháng mãnh liệt của Tấm trước cái ác độc hãm hại này. Mỗi lần nàng hóa thân, nàng lại càng mạnh mẽ, kiên cường hơn trước. Nếu lúc trước này chỉ biết chịu đựng một mình, thì nay, nàng đã khiến cho kẻ thù phải run sợ. Sự hóa thân của Tấm cho ta thấy sức sống mãnh liệt của nàng, cũng như của cái thiện. Đến cuối cùng, cái ác cũng phải chịu khuất phục và nhận được sự trừng phạt thích đáng còn cái thiện thì có được hạnh phúc bền lâu. Tấm – đại diện cho cái thiện đã chiến thắng mặc dù chiến thắng ấy là sự trợ giúp của những yếu tố thần kì. Thế nhưng yếu tố thần kì ấy chính là khát vọng của nhân dân, khát vọng cái thiện sẽ thắng được cái ác, sự bất công đối với người dân lao động. Ngoài ra yếu tố thần kì ấy cũng để khẳng định rằng con người phải trải qua đấu tranh xương máu thì mới giành được hạnh phúc đích thực của mình.
Như vậy có thể thấy, yếu tố thần kì là yếu tố không thể thiếu trong các câu chuyện cổ tích của chúng ta. Bởi yếu tố thần kì ấy chính là khát vọng, là ước mơ của người dân lao động xưa. Nó cũng là một thủ pháp nghệ thuật giúp cho câu chuyện thêm hấp dẫn và lãng mạn hơn. Yếu tố thần kì trong truyện Tấm Cám giúp giải quyết những xung đột, những mâu thuẫn mà hiện thực không thể nào giải quyết được như mâu thuẫn giữa các tầng lớp xã hội hay xung đột giữa cái thiện và cái ác. Nhờ có yếu tố này, câu chuyện Tấm Cám đã giúp người dân lao động gửi gắm được khát vọng, quan điểm triết lý nhân sinh cũng như quy luật nhân quả từ bao đời nay của cha ông.
Khép lại một câu chuyện cổ tích, có lẽ nếu câu chuyện ấy thiếu đi chút kỳ ảo, thần kì thì hẳn đó chỉ là một câu chuyện kể hiện thực. Nó sẽ chẳng thể hiện được trí tưởng tượng bay bổng của người dân và cũng chẳng thể giúp người dân bày tỏ được nỗi lòng mình. Chính vì vậy, yếu tố thần kì trong truyện cổ tích, mà đặc biệt là Tấm Cám đã thực hiện được nhiệm vụ cao cả của mình: gửi gắm khát vọng, ước mơ của nhân dân lao động về một xã hội công bằng, nhân đạo hơn.
———————–HẾT———————–
Qua bài Vai trò của yếu tố thần kì trong truyện Tấm Cám, chúng tôi đã cùng các em tìm hiểu về giá trị tác phẩm trên phương diện nghệ thuật. Để khám phá những đặc sắc về nội dung, ý nghĩa được gửi gắm trong câu chuyện, các em không nên bỏ qua những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Phân tích các hình thức biến hoá của Tấm trong truyện Tấm Cám, Bản chất mâu thuẫn và xung đột trong truyện Tấm Cám, Phân tích truyện Tấm Cám, Phân tích nhân vật Tấm trong truyện Tấm Cám.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục