Giáo dục

Qua việc phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông, chứng minh nhận định: Kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa

Đề bài: Qua việc phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông, chứng minh nhận định: Kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa

qua viec phan tich ai da dat ten cho dong song chung minh nhan dinh ki cua hoang phu ngoc tuong co rat nhieu anh lua

This post: Qua việc phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông, chứng minh nhận định: Kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa

Dàn ý, văn mẫu Qua việc phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông, chứng minh nhận định: Kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa

Bài làm:

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn có sự gắn bó sâu sắc với Huế từ khi sinh ra cho đến hết cuộc đời của mình, đó là nền tảng cơ sở để hình thành nên tình yêu, là cơ sở để tác giả có những nghiên cứu thật tường tận về văn hóa, lịch sử và địa lý của xứ Huế. Từ đó viết nên tác phẩm ký Ai đã đặt tên cho dòng sông thật xuất sắc và thấm nhuần dáng vẻ của Huế, của con người Huế, rất đỗi tình cảm và dịu dàng, mang đậm phong cách nghệ thuật mê đắm và tài hoa của tác giả. Nhà văn Nguyễn Tuân đã có một nhận định rất hay về phong cách viết bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường rằng: “Kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa”, ta có thể nhận thấy rõ điều đó thông qua một đoạn trích của tác phẩm, thể hiện trên vẻ đẹp của con sông Hương êm đềm, lững lờ trôi ôm ấp lấy Huế.

Bút ký là thể loại văn học đặc trưng có pha trộn giữa tùy bút và ký sự, tùy bút thì thiên về cảm xúc của người viết còn ngược lại ký sự thì hoàn toàn thuần túy kể lại những sự việc mà tác giả nhìn thấy theo một trình tự không gian, thời gian nhất định . Bút ký vốn là sở trường của Hoàng Phủ Ngọc Tường, thế nên trong tác phẩm Ai đã đặt trên cho dòng sông, từng trang bút ký đều thật xuất sắc khiến người đọc vừa cảm nhận được mạch cảm xúc của tác giả nhờ sự liên tưởng dồi dào, mê đắm, đồng thời cũng hiểu rõ hơn về thành phố Huế mộng mơ.

Nói rằng ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có nhiều ánh lửa bởi lẽ, đọc ký của ông độc giả bỗng cảm thấy ấm áp, thấy thật thêm yêu xứ Huế, thêm yêu dòng sông Hương, dường như tác phẩm đã thổi vào tâm hồn độc giả một hơi ấm lạ kỳ từ ngòi bút mê đắm và tài hoa ấy.

Ánh lửa ở đây có thể nói chính là tình yêu là niềm đam mê, nhiệt huyết bất diệt của nhà văn dành cho sự nghiệp cầm bút, sự nghiệp nghiên cứu những đặc điểm văn hóa, địa lý, lịch sử của thành phố Huế. Đồng thời ánh lửa ấy cũng là tấm lòng tự hào, ngợi ca từ một người con xứ Huế dành cho quê hương, dành cho dòng Hương giang xinh đẹp, mộng mơ, đó là tấm lòng ấm áp, chất chứa nhiều yêu thương, nhiều xúc cảm. Nguyễn Tuân vốn đã là một thiên tài trong làng tùy bút mà cũng phải khen ngợi, nhận xét tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường, điều ấy càng chứng tỏ được tài năng, phong cách nghệ thuật của nhà văn gốc Huế này.

Vẻ đẹp của sông Hương – ánh lửa chính của cả bài ký thể hiện qua nhiều góc độ. Đầu tiên là ở góc độ địa lý, vẻ đẹp của sông Hương thể hiện qua ba đoạn chảy, cảnh thiên nhiên rất đa dạng và mang một vẻ quyến rũ đến lạ kỳ. Sông Hương trong không gian giữa núi rừng Trường Sơn, được Hoàng Phủ Ngọc Tường ví như là “bản trường ca của rừng già”. Dòng sông vừa mang chất hào hùng, tráng lệ, “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc,…”, lại cũng rất đỗi trữ tình, thơ mộng, với “vẻ dịu dàng, say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Dòng sông ở đoạn chảy này cũng giống như một người, luôn tồn tại những nét tính cách đối lập nhau nhưng lại dung hòa bổ khuyết cho nhau, tạo nên một vẻ đẹp cá tính riêng biệt, nhiều màu sắc cho dòng Hương giang.

Để tô điểm thêm cho tính cách của dòng sông, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại tiếp tục nhân hóa sông Hương, ví nó như hình tượng của một cô gái Di-gan với những nét tính cách “phóng khoáng và hoang dại”, với điệu nhảy xoay tròn, lắt léo, rất quyến rũ và nồng nàn say mê. Như vậy dòng sông bỗng trở nên thật sinh động, thật cá tính, mang một “tâm hồn tự do và trong sáng”, cảm giác như một con người sôi nổi, yêu sống, yêu khám phá đến mãnh liệt. Mà thứ đã hun đúc gây dựng nên những nét đẹp trong tính cách của dòng sông ấy là chính là mảnh rừng già đang ôm ấp ở hai bên dòng sông. Nhưng dẫu có sôi nổi, nhiệt huyết đến thế nào thì sông Hương vẫn muốn thu liễm cái tính nết ấy lại, giấu gọn trong rừng già, “đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa vào lòng sâu của vực thẳm dưới núi Kim Phụng”. Chỉ có những con người thực sự đam mê, thực sự nhiệt huyết có ham muốn tìm tòi như Hoàng Phủ Ngọc Tường mới có thể khám phá ra được những điều mà bấy lâu nay sông Hương vẫn hòng giấu kín, quả đó là một công trình hao tổn nhiều tâm huyết, cần một tâm hồn tinh tế và nhạy bén và sự kiên nhẫn vượt khó của người làm nghệ thuật.

Khi ra khỏi rừng, sông Hương đã lập tức chuyển mình không còn mang dáng vẻ của một người con gái Di-gan hoang dại, quyến rũ nữa mà lại trở nên thật hiền hòa, ấm áp tựa như “người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở”. Người mẹ ấy đã nuôi nấng, bồi dưỡng đứa con thân yêu tên cố đô Huế bằng dòng sữa phù sa thật ngọt ngào, cũng dạy cho con mình những nét văn hóa lâu đời bằng sự “dịu dàng và trí tuệ”. Ở đấy ta thấy một sự hy sinh âm thầm lặng lẽ mà người mẹ đã hy sinh cho con cái của mình, niềm hy vọng to lớn, đầy yêu thương dành cho đứa con bé nhỏ, mộng mơ. Tác giả đã thật tài tình khi biến sông Hương thành một sinh thể có cảm xúc, có lòng yêu thương, biết hy sinh, đặc biệt là mối quan hệ mẫu tử giữa sông Hương và thành phố Huế lại càng khiến người ta ấn tượng không thôi.

Vượt ra khỏi lòng Trường Sơn, sự lột xác của con sông khiến Hoàng Phủ Ngọc Tường liên tưởng đến câu chuyện cổ tích “Nàng công chúa ngủ trong rừng”, thì ở ở đây nhà văn cũng có sự kiên tưởng rất độc đáo, ấy là con sông Hương được người tình trong mộng suốt từ mấy thế kỷ đánh thức giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Sở dĩ có sự ví von đầy cổ tích và thơ mộng như vậy là do dòng sông Hương qua khúc này thật hiền hòa êm dịu, nhìn từ trên cao xuống chẳng khác nào một tấm lụa mượt mà uốn lượn quanh thành phố Huế. Cái sự mượt mà ấy dễ làm người ta nghĩ đến hình ảnh của một người con gái còn son trẻ, vẫn đang trong hành trình tìm kiếm định mệnh đời mình, vừa mang nỗi niềm e ấp dịu dàng, nhưng cũng không kém phần mãnh liệt, bạo gan. Cái cách chảy của dòng sông khúc này giống như một sự rượt đuổi tình tứ của những con người yêu nhau, hết chuyển dòng liên tục lại “vòng giữa những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm”, tựa như bóng dáng một người con gái đẹp đang phô ra những vẻ thanh xuân mượt mà, khiến lòng người phải xôn xao, thổn thức.

Không chỉ mang những vẻ đẹp quyến rũ mềm mại mà ở đoạn này sông Hương còn mang nhiều dáng vẻ phong phú và đa dạng, “Có khi sắc nước trở nên xanh thẳm”, những lúc quanh co qua những ngọn đồi hai bên bờ, thì màu trời lẫn màu xanh của đồi soi bóng trên dòng Hương giang tạo nên những màu sắc thật đẹp, thay đổi theo thời gian trong ngày “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Khi sông Hương lững lờ chảy ngang qua lăng tẩm của những ông hoàng bà chúa khi xưa, nó lại mang một vẻ đẹp trầm mặc, cổ thi tựa như một bức tranh thủy mặc, dường như con sông đang trầm ngâm nghĩ suy điều gì đó, hẳn là tấm lòng thành kính, là những hoài niệm về kinh thành Huế những ngày còn vẻ vang,…

Tiếng chuông chùa Thiên Mụ đã đánh thức con sông ra khỏi dòng niệm tưởng của nó, gọi nó về với sự hồn nhiên vui tươi với “những bãi biền xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long”, tựa như đứa con thấy đường về nhà, tựa như cô gái trẻ thấy người yêu, một cảm giác thật yên tâm, yên bình biết bao. Vẫn bằng sức liên tưởng độc đáo Hoàng Phủ Ngọc Tường đã mường tượng ra hình ảnh “chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non” rất thơ mộng, trữ tình. Dòng sông lúc này đã qua khỏi cái thời kỳ rượt đuổi tình yêu, trở nên thật dịu dàng và e ấp, tựa như cô gái Huế trong vòng tay của người thương, “uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến cồn Hến”, làm con sông mềm mại hẳn đi, như một lời hồi đáp rất uyển chuyển, “một tiếng vâng không nói ra của tình yêu”.

Khi đã tiến hẳn vào đến thành phố Huế thì sông Hương lại được ví như một “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”, sở dĩ có sự so sánh như vậy là bởi nhà văn đã tinh tế nhận ra dòng chảy con sông khi vào Huế đã chậm lại rất nhiều tựa như “mặt hồ yên tĩnh”, bởi “những chi lưu ấy, những hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước”. Câu văn êm đềm, tựa như tiếng nhạc chậm rãi, du dương khiến con người ta chìm vào một khoảng không gian thi vị, trữ tình. Đặc biệt cái sự chậm rãi, êm đềm của dòng sông Hương càng trở nên rõ nét khi nhà văn so sánh với dòng “sông Nê-va cuốn trôi những phiến băng lô xô”, “mỗi phiến băng chở một con hải âu nghịch ngợm đứng co lên một chân, thích thú với chiếc thuyền xinh đẹp của chúng”. Nhà văn thật vui thú khi nhớ về những mơ ước thuở nhỏ, muốn hóa thành những chú chim cánh cụt để thỏa sức vui đùa, thế nhưng tàu băng đi nhanh quá, những chú chim ấy không kịp vẫy tay chào những con chim đang ngẩn ngơ ở lại. Có thế tác giả mới lại nhớ về dòng Hương giang thân yêu, dịu hiền, mới lại càng thêm yêu quý trân trọng cái điệu chảy chậm rãi, nhẹ nhàng như một người con gái còn lưu luyến người yêu, nửa muốn đi, nửa muốn ở lại nằm lâu hơn trong lòng chàng trai xứ Huế mộng mơ.

Khi rời khỏi thành phố Huế, sông Hương vẫn còn chưa muốn rời hẳn, vẫn lưu luyến lắm, tựa như một người tình chung thủy chẳng muốn chia xa. Thế nên nó mới “đột ngột đổi dòng rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao vinh xưa cổ”, nhà văn đã nhân cách hóa nó lên, gọi đấy là nỗi vương vấn, “một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu”.

Vẻ đẹp lịch sử của Huế là điều không có gì phải bàn cãi, suốt mấy trăm năm lịch sử cố đô, chứng kiến sự thăng trầm hưng thịnh của triều Nguyễn, triều đại cuối cùng của lịch sử phong kiến Việt Nam, “vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân”. Bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu biến cố, bao nhiêu đổi thay sông Hương đều âm thầm ghi nhớ, âm thầm cất giấu vào tận đáy lòng, tựa một nhà sử gia kín miệng. Thế nhưng dẫu có trải qua mấy ngàn năm, lịch sử gắn bó với Huế, với độ tuổi tưởng như già nua, nhưng tâm hồn của dòng Hương giang chưa bao giờ úa tàn. Nó vẫn luôn vậy, như có thuốc trường sinh bất lão, vẫn mang một tâm hồn cá tính, một dáng vẻ yêu kiều của cô gái đang tuổi đôi mươi, chưa khi nào hết khao khát và tìm kiếm tình yêu đích thực.

Như vậy ánh lửa trong bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thực sự xuất phát tình lòng yêu, niềm ngưỡng mộ, ngợi ca với dòng Hương giang, với mảnh đất mà ông gắn bó suốt bao năm trời. Từng dòng, từng chữ trong tác phẩm ta luôn nhận thấy được sự tỉ mỉ, chăm chút, đọc đến đâu người ta cũng nhận rõ được mạch cảm xúc của nhà văn, rất tâm huyết, yêu thương và trân trọng. Bởi phải có trân trọng, quý báu lắm, ông mới vất vả nghiên cứu tìm tòi con sông Hương từ ở khúc thượng nguồn, từ ở trong rừng già, nơi mà vốn dĩ dòng sông muốn giấu đi. Rồi ông không chỉ tìm hiểu về địa lý mà còn đi vào cả lịch sử, cả văn hóa Huế, con người Huế. Tổng hòa tất cả những điều ấy đã tạo nên một tác phẩm bút ký thực sự xuất sắc, chứa nhiều “ánh lửa” như Nguyễn Tuân đã nhận định.

——————————

Trên đây là chi tiết dàn ý, bài văn mẫu chứng minh nhận định Kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa trong bài Ai đã đặt tên cho dòng sông. Bên cạnh đề văn trên, liên quan đến chương trình Ngữ văn lớp 12, các em có thể tham khảo thêm các bài mẫu khác như chất thơ trong Ai đã đặt tên cho dòng sông, Phân tích Hành trình đi tìm vẻ đẹp của sông Hương nơi đầu nguồn trong đoạn Ai đã đặt tên cho dòng sông, Phân tích vẻ đẹp của con sông Hương trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông,… Đây là những tác phẩm hay, được chọn lọc từ danh sách các bài văn lớp 12 hay nhất, giúp các thầy cô, các em học sinh nắm được tổng quan kiến thức và rèn luyện cho kỳ  thi THPT quốc gia của mình.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button