Giáo dục

Phân tích cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

Đề bài: Phân tích cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

phan tich cam hung lang man trong bai tho doan thuyen danh ca

This post: Phân tích cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

Phân tích cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

I. Dàn ý Phân tích cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu chung về Huy Cận và tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”.
– Dẫn dắt giới thiệu về cảm hứng lãng mạn trong bài thơ.

2. Thân bài:

a. Cảm hứng lãng mạn được thể hiện qua bức tranh thiên nhiên biển rộng lớn, hùng vĩ, gắn với cuộc sống người lao động:

– Thời gian: buổi chiều tà, khi những tia nắng nhỏ nhoi cuối cùng lùi dần về phía chân trời.

– Không gian: hùng vĩ, tráng lệ, thơ mộng:
+ Phép so sánh “Mặt trời xuống biển như hòn lửa” kết hợp cùng biện pháp nghệ thuật nhân hoá tạo nên một bức tranh biển cả giữa hoàng hôn đầy tráng lệ, rực rỡ và ấm áp.
+ Phép nhân hoá: sóng” – “cài then”, “đêm” – “sập cửa”: hoạt động của tự nhiên.
+ Ánh trăng đêm dịu hiền soi sáng vẻ đẹp người lao động, cùng biển cả đồng hành với con người làm việc.
+ Phép liệt kê: “Cá nhụ, cá chim cùng cá đé/ Cá song lấp lánh đuốc đen hồng”: Sự phong phú, dồi dào của cá tôm mà mẹ thiên nhiên ban tặng.

b. Cảm hứng lãng mạn được thể hiện qua bức tranh cuộc sống lao động của người dân miền biển:

– Khi biển đêm vào trạng thái thư giãn, nghỉ ngơi thì cũng là lúc người lao động ra khơi.
– Từ “lại” trong câu thơ đã diễn tả được cái nhịp nhàng, đều đặn của công việc thường ngày mà người dân chài thực hiện.
– “Câu hát căng buồm”: câu hát khỏe khoắn mang theo cả ước mơ chinh phục biển cả, trong khí thế hồ hởi của buổi ra khơi.
=> Không khí ra khơi hào hứng, vui vẻ.
– Trên biển cả rộng lớn, dưới ánh trăng dịu hiền, đoàn thuyền đánh cá với niềm vui phơi phới đang thực hiện hành trình chinh phục thiên nhiên.

– Con người giữa thiên nhiên, làm chủ cuộc sống, tự do trong một cuộc đời mới:
+ Trước vũ trụ bao la, con thuyền không hề nhỏ bé, những tư thế đầy dũng mãnh “lái gió với buồm trăng”, “lướt giữa mây cao với biển bằng”, “dò bụng biển”, “dàn đan thế trận”,… đã khẳng định sức mạnh của người lao động đầy mạnh mẽ, khoẻ khoắn và can trường.
+ Người lao động nơi đây làm việc bằng cả một tinh thần dũng cảm, sự hăng say, nhiệt huyết, bằng cả kinh nghiệm, trí tuệ và tâm hồn mình trong mỗi chuyến ra khơi.
+ Thành quả: “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi” – minh chứng đẹp đẽ cho sức mạnh lao động chân chính của con người.

3. Kết bài:

Khẳng định lại giá trị của cảm hứng lãng mạn được sử dụng trong bài thơ.

II. Bài văn mẫu Phân tích cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá (Chuẩn)

Huy Cận là một trong những thi sĩ nổi bật của phong trào Thơ mới. Nếu như trước Cách mạng tháng Tám, người đọc được thưởng thức những vần thơ u buồn, sầu não thì sau Cách mạng, người đọc được chiêm ngưỡng những vần thơ căng tràn nhựa sống của ông. Có thể nói “Đoàn thuyền đánh cá” là một minh chứng tiêu biểu cho sự “thay da đổi thịt” trong phong cách sáng tác của Huy Cận sau này. Bài thơ tràn ngập cảm hứng lãng mạn với vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ và sức sống của những con người lao động mới.

Trước hết, cảm hứng lãng mạn được Huy Cận thể hiện qua bức tranh thiên nhiên biển cả tuyệt sắc: rộng lớn, hùng vĩ, gần gũi với con người.

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”

Thiên nhiên được khắc hoạ trong khung cảnh người lao động làm việc. Đó không phải là một sớm mai hồng khi trời trong, gió nhẹ, không phải là một ban trưa với nắng vàng rực rỡ mà là vào một buổi chiều tà, khi những tia nắng nhỏ nhoi cuối cùng lùi dần về phía chân trời. Phép so sánh “Mặt trời xuống biển như hòn lửa” kết hợp cùng biện pháp nghệ thuật nhân hoá tạo nên một bức tranh biển cả giữa hoàng hôn đầy tráng lệ, rực rỡ và ấm áp. Đó là một vẻ đẹp rất mới trong thơ Huy Cận, một bức tranh hoàng hôn đầy sống động chứ không đượm buồn, hiu hắt như trong thơ cổ. Với cảm hứng lãng mạn, tác giả đã có những liên tưởng phong phú về thiên nhiên. Tác giả nhìn màn đêm và những con sóng giữa biển khơi tựa như con người, có hoạt động, có cảm xúc: sóng”- “cài then”, “đêm”- “sập cửa”. Tất cả đánh dấu sự kết thúc của một ngày dài, thiên nhiên đang đi vào trạng thái nghỉ ngơi. Giữa biển đêm bao la, câu hát cất lên cùng gió căng buồm.

Giữa khung cảnh thiên nhiên tráng lệ, hình ảnh con người xuất hiện trong công cuộc lao động đầy khí thế. Khi biển đêm đi vào trạng thái thư giãn, nghỉ ngơi thì cũng là lúc người lao động ra khơi. Lúc này đây, một bức tranh lao động đẹp đẽ hiện ra tràn đầy cảm hứng lãng mạn. Từ “lại” trong câu thơ đã diễn tả được cái nhịp nhàng, đều đặn của công việc thường ngày mà người dân chài thực hiện. Đó là một nếp sống, một công việc quen thuộc của họ, những con người gắn với nghề chài lưới nơi biển cả. Đây hẳn là một nghề truyền thống từ bao đời của làng quê nơi đây. Giữa biển khơi bao la, câu hát cất lên cùng gió căng buồm đưa thuyền ra biển. Hình ảnh “Câu hát căng buồm cùng gió khơi” là một hình ảnh thơ lãng mạn, thể hiện sự liên tưởng phong phú của tác giả. Câu hát khoẻ khoắn mang theo ước mơ chinh phục biển cả, thể hiện khí thế hồ hởi của buổi ra khơi, chứa chan sự kì vọng về một chuyến đi bội thu tôm cá. Cái không khí hào hứng, vui vẻ khi ra khơi của người dân chài thật đẹp, thật đáng trân trọng biết bao!

“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng,
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”

Trên biển cả rộng lớn, dưới ánh trăng dịu hiền, đoàn thuyền đánh cá với niềm vui phơi phới đang thực hiện hành trình chinh phục thiên nhiên. Con người giữa thiên nhiên, làm chủ cuộc sống, tự do trong một cuộc đời mới. Xuyên suốt bài thơ, ta không hề thấy sự mệt mỏi, chán nản của người lao động trong một công việc nặng nhọc, phải thức đêm làm việc mà thay vào đó là sự hứng khởi, lạc quan, là niềm vui và tinh thần “sống – cống hiến” của họ. Đoàn thuyền cứ thế lướt qua từng đợt sóng, dàn thế trận, giăng lưới đợi cá tôm trong ánh trăng đêm huyền diệu. Cảnh vừa thực, vừa lãng mạn, hoành tráng và rất mực đẹp đẽ:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”.

Con thuyền trong lao động không còn tĩnh tại, vô tri vô giác nữa mà cùng người vượt gió, cưỡi sóng để chinh phục thiên nhiên. Trước vũ trụ bao la, con thuyền không hề nhỏ bé. Con thuyền với những tư thế đầy dũng mãnh “lái gió với buồm trăng”, “lướt giữa mây cao với biển bằng”, “dò bụng biển”, “dàn đan thế trận lưới vây giăng” đã khẳng định sức mạnh của người lao động đầy mạnh mẽ, khoẻ khoắn và can trường. Có thể nói, người lao động nơi đây làm việc bằng cả một tinh thần dũng cảm, sự hăng say, nhiệt huyết, bằng cả kinh nghiệm, trí tuệ và tâm hồn mình trong mỗi chuyến ra khơi.

“Cá nhụ cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng.
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở sao lùa nước Hạ Long.”

Những người dân chài đã hát lên khúc hát ca ngợi thiên nhiên giàu đẹp. Bằng biện pháp liệt kê kết hợp với các từ ngữ cùng trường từ vựng chỉ màu sắc “đen hồng”,”vàng chóe”… đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên đủ hình, sắc, thanh âm. Thiên nhiên mang vẻ đẹp như một miền cổ tích của xứ sở bình yên. Bằng cảm quan lãng mạn cùng sự tinh tế của mình, Huy Cận đã dựng nên một bức tranh lao động đầy đẹp đẽ khi mà thiên nhiên như hoà cùng con người trong công cuộc lao động. Và rồi người dân chài đã thốt lên đầy biết ơn và tự hào:

“Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.”

Khung cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về thắng lợi trở về trong bình minh rực rỡ, tráng lệ cũng được dệt nên từ cảm hứng lãng mạn. Thiên nhiên lúc này đây hoà trong niềm vui của ngày mới, của thành quả lao động sau những vất vả, hi sinh:

“Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”

Phép tu từ nhân hóa một lần nữa được sử dụng đầy tinh tế: “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời” khắc hoạ tư thế chủ động của con người trong việc chinh phục biển trời, vũ trụ. Kết thúc bài thơ là hình ảnh đầy tự hào “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi” – là minh chứng đẹp đẽ cho sức mạnh lao động chân chính của con người.

Có thể nói, cảm hứng lãng mạn trong bài thơ của Huy Cận được thể hiện qua sự ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người lao động. Những vần thơ đẹp được dệt nên từ cảm quan tích cực đã tạo nên sức sống lâu bền cho tác phẩm.

—————–Tổng kết——————

Bên cạnh bài Phân tích cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, các em có thể tham khảo thêm những bài làm văn hay cùng chủ đề để mở rộng thêm vốn hiểu biết cho bản thân và phát triển kĩ năng làm văn: Cảm nhận bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, Phân tích hình ảnh người lao động trong 3 khổ cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, Phân tích cảnh ra khơi của Đoàn thuyền đánh cá, Phân tích khổ 2 của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button