Đề bài: Cảm nhận về tấm lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ
This post: Cảm nhận về tấm lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ
Cảm nhận về tấm lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ
Bài làm:
Từ xưa tới nay, trong suốt 4000 năm văn hiến, nhân dân ta luôn có một tấm lòng yêu nước nồng nàn, thủy chung son sắt, từ thời bình đến thời chiến, ta chưa một ngày đánh mất hay làm phai mờ tấm lòng ấy. Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Tình yêu nước được thể hiện trong nhiều khía cạnh, từ những người anh hùng đứng lên cầm súng, cầm gươm giết giặc, đến những nghệ sĩ với ngòi bút tinh tế điêu luyện, viết ra những tác phẩm thật sâu sắc, ẩn chứa lòng yêu nước thiết tha. Trần Quốc Tuấn là tổng hòa của cả hai yếu tố ấy, điều đó thể hiện trong lịch sử và bài Hịch tướng sĩ.
Trần Quốc Tuấn (1231-1300), tước là Hưng Đạo đại vương, ông có công lớn trong cuộc chiến chống quân Mông – Nguyên, là một vị tướng tài ba của nhà Trần trong những năm triều đình hưng thịnh. Hịch tướng sĩ thuộc thể loại hịch. Hịch thường do vua chúa, tướng lĩnh thủ lĩnh viết để cổ vũ, khích lệ tinh thần của quân sĩ tham gia chống giặc, giọng văn tình cảm, hùng hồn, mạnh mẽ thể hiện được tinh thần của người viết, có sức lan tỏa. Thường sử dụng các câu văn biền ngẫu, hoa mĩ, trang trọng.
Văn bản thể hiện tấm lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn rất sâu sắc, có phong thái của một vị chủ tướng thống lĩnh ba quân, có trách nhiệm. Vì yêu nước, vì muốn chiến thắng quân Mông-Nguyên nên ngài viết bài Hịch để kêu gọi, ủng hộ, củng cố tinh thần tướng sĩ. Sau khi nói về những tấm gương sáng về lòng yêu nước chiến đấu hết mình Tổ quốc trong lịch sử thời Xuân Thu chiến quốc, nói về tình hình địch ta. Trần Quốc Tuấn bắt đầu bày tỏ nỗi lòng của mình, từng câu từng chữ nghe thật thấm thía, ngậm ngùi. Trước hết là ở thái độ căm tức khi chứng kiến cảnh “Ngó thấy sự giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, vét của kho có hạn, thật khác nào đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai hoạ về sau!”. Sự so sánh thật gay gắt, ví quân giặc như lũ thú vật ác ôn là diều hâu, cú mèo, vốn là những thứ xui xẻo, bị người đời khinh ghét. Rồi lại coi chúng chẳng khác nào loài gia súc như dê chó, tất cả những điều đó đều nhằm thể hiện thái độ khinh ghét, lòng căm phẫn sự nghênh ngang, vô sỉ của quân cướp nước. Ông yêu nước lại thương dân nên khi gặp cảnh giặc thù giày xéo quê hương, thì thân là chủ tướng mà trước hết là con dân Đại Việt ông luôn có một mối trăn trở, day dứt đến nỗi “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, nước mắt đầm đìa”. Đó là nỗi lo lắng đến mất ăn mất ngủ, nỗi đau xót khôn cùng khiến bậc đại trượng phu cũng phải khóc than. Là lòng căm thù quân giặc cùng cực “chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù”. Đó là tấm lòng nguyện hy sinh máu xương cho Tổ quốc “dẫu trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa cũng cam lòng”, đó là tấm lòng thật đáng quý trân trọng biết bao. Và hơn thế Trần Quốc Tuấn muốn lan tỏa tấm lòng ấy tình cảm ấy đến toàn thể các binh sĩ, khơi dậy trong họ lòng yêu nước, tinh thần hy sinh, lòng căm thù quân giặc. Ông dùng những lời lẽ động viên hết sức chân thành và thuyết phục “Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung, các ngươi cứ điềm nhiên không biết rửa nhục, không lo trừ hung, không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà chịu đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy rồi đây sau khi giặc đã dẹp yên, muôn đời để thẹn, há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa?”. Đánh đòn tâm lý, vào cái tinh thần yêu nước tiềm tàng của quân sĩ, vào cái lòng tự tôn dân tộc vốn đã tồn tại từ rất lâu chỉ đợi có người khơi gợi.
Hơn thế nữa, ông còn có một tấm lòng nhân hậu, yêu thương và quan tâm đến binh sĩ của mình mà nền tảng là tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc. Ông hết mực lưu tâm đến cuộc sống của họ, đối đãi công bằng, người có công thì được thưởng, cơm ăn áo mặc, thăng quan tiến chức đều đủ cả. Chủ tướng sát cánh cùng binh sĩ, sống chết có nhau, lúc thanh bình lại tán gẫu đàm đạo vui cười, quả thực là gần gũi thân thiết vô cùng. Rồi ông phê phán những kẻ bàng quan trước thế sự, không biết lo nghĩ, quên hết ân tình của chủ của đất nước, chỉ ham những thú vui chọi gà, đánh bạc tầm thường, ham vui thú đồng ruộng, vợ con, hay nghe hát kịch mà chẳng biết quân giặc đã mò đến tận cổng. Đó là không biết lo, không biết nhục. Ông vẽ ra viễn cảnh đất nước bị giặc thôn tính, nhân dân lầm than, mà trước hết là các binh lính sẽ chết trong nỗi nhục ê chề trăm năm, ngàn năm vì không bảo vệ được đất nước, được gia đình, “đau xót biết chừng nào!”. Sau đó ông vẽ ra viễn cảnh thái bình thịnh trị, vui vẻ nếu đánh bay quân giặc, câu nào cũng thật chí lý, thật hay, khiến người ta nghe mà hưng phấn và vui mừng, tinh thần binh lính lập tức được dâng cao hẳn, người người nhà nhà muốn ra sa trường bêu đầu giặc cho thỏa chí nam nhi.
Lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn còn thể hiện qua việc ông dồn hết tâm sức viết cuốn Binh thư yếu lược để cho binh sĩ đọc và học tập, để nâng cao binh pháp, tinh thần chiến đấu. Đó là tấm lòng chân thành tha thiết của người chủ tướng gửi gắm đến binh sĩ của mình. Ông chỉ có một mơ ước sao cho nước nhà sạch bóng quân thù, để muôn dân được ấm no, không phải chịu nỗi nhục mất nước, nỗi đau ly tán. Chỉ cần thế thì người chủ tướng như ông đã chẳng còn gì phải hối tiếc. Ôi một tấm lòng thật đẹp!
Qua tác phẩm Hịch tướng sĩ, với giọng văn vừa hùng hồn mạnh mẽ lại tràn đầy tình cảm có sức lay động tâm hồn của Trần Quốc Tuấn. Ta có thể thấy được tấm lòng yêu nước yêu dân của vị anh hùng đáng kính, ông tựa như một người cha, với những lời lẽ thật tâm huyết cho những đứa con còn nhỏ dại, còn mơ hồ về tình trạng đất nước. Qua đó thể hiện lòng yêu nước tha thiết, lòng căm thù quân thù sâu sắc cảu Trần Quốc Tuấn.
——————HẾT——————–
Hịch tướng sĩ là tác phẩm nổi tiếng của Trần Quốc Tuấn, bên cạnh bài làm văn Cảm nhận về tấm lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ, học sinh và giáo viên tìm hiểu thêm các bài văn mẫu như Lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn qua văn bản Hịch tướng sĩ, Chứng minh lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn qua Hịch tướng sĩ, Phân tích lòng yêu nước, căm thù giặc qua Hịch tướng sĩ, Em hiểu bài Hịch tướng sĩ như thế nào về hình thức và nội dung, hãy tóm tắt nêu một số ý lớn, hay cả phần nội dung Soạn văn Hịch tướng sĩ các bạn tham khảo và ứng dụng cho quá trình học tập và làm văn đạt kết quả tốt nhất.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục