Giáo dục

Bình luận về câu tục ngữ Chết trong còn hơn sống đục

Đề bài: Bình luận về câu tục ngữ Chết trong còn hơn sống đục

binh luan ve cau tuc ngu chet trong con hon song duc

This post: Bình luận về câu tục ngữ Chết trong còn hơn sống đục

 

I. Dàn ý Bình luận về câu tục ngữ Chết trong còn hơn sống đục

1. Mở bài

Giới thiệu về câu tục ngữ

2. Thân bài

– Giải thích câu tục ngữ:

+ Chết trong: Chết vì lý tưởng cao đẹp, chết vì lý tưởng vĩ đại

+ Sống đục: Sống một cách nhục nhã, hèn hạ

=> Đây là câu tục ngữ thể hiện lối sống cao đẹp, vĩ đại của con người

– Lối sống cao đẹp này trong quá khứ và hiện tại

– Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giáo dục nhân cách tốt đẹp:

+ Cá nhân:

Hiểu và tiếp thu giá trị cao đẹp của lối sống này

Giữ vững quan điểm lập trường đúng đắn nhưng không bảo thủ, chịu khó lắng nghe

+ Gia đình:

Tích cực hơn trong việc phối hợp với nhà trường để giáo dục con cái

Sống tích cực để làm gương cho con cái noi theo

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị của câu tục ngữ

 

II. Bài văn mẫu Bình luận về câu tục ngữ Chết trong còn hơn sống đục

Cuộc sống luôn là những thử thách, là những khó khăn không thể ngờ trước. Thật vậy nếu mỗi người không kiên cường vượt qua sẽ dễ dàng bị cuốn vào những cám dỗ của cuộc sống để rồi đánh mất nhân phẩm, nhân cách. Ai cũng có một lần để sống, nhưng sống sao cho đúng, cho đẹp thì không phải là một điều dễ dàng. Và thông điệp về lối sống cao đẹp đã được cha ông ta gửi gắm qua câu tục ngữ: “Chết trong còn hơn sống đục”.

Đúng vậy, ai trên đời cũng phải sống, lớn lên và trưởng thành, thế nhưng sống sao cho đúng, sống sao cho đẹp thì không phải là một điều dễ dàng. Câu tục ngữ “Chết trong còn hơn sống đục đã khẳng định một chân lý của cuộc sống, đó là lối sống cao đẹp, sẵn sàng chết vì lý tưởng của mình, sống hết mình, cố gắng hết sức để đạt được lý tưởng ấy. Khi mình đã đặt ra mục tiêu thì đồng nghĩa với việc phải tự mình vượt qua những thử thách, dẫu con đường phía trước có gian nan, dẫu nhiều khổ đau, nhưng đó là lựa chọn của mình, đã là đam mê thì không thể từ bỏ. “Chết trong” là cách nói ẩn dụ cho lối sống ngay thẳng, trong sạch, thà chấp nhận thiệt thòi, mất mát về vật chất nhưng quyết không đi ngược lại lẽ phải hay lí tưởng sống mà bản thân theo đuổi. Trái ngược với “Chết trong” là ” Sống đục”. Sống trong hèn nhát mà không có một chút cố gắng, sống mà cứ phải sợ hãi đủ thứ, chôn vùi khát vọng của bản thân mình hoặc hèn nhát và chọn con đường tắt đi đến vạch đích của mình để rồi trở thành tội phạm, trở thành kẻ xấu xa, bị tha hóa. Và không chỉ có vậy, kẻ sống đục còn là kẻ vong ân bội nghĩa, không coi trọng danh dự bản thân để rồi lừa lọc buôn gian bán lận nhằm thu lợi nhuận về phía mình.

Lối sống cao cả, xả thân vì nghĩa, thà chết trong chứ không chịu sống đục đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đó là Lê Lai xả thân cứu chúa, rồi lại đến Trần Bình Trọng với tư tưởng trung quân quyết làm ma nước Nam chứ không thèm làm Vương đất Bắc. Thời kì chống Pháp khi chúng đổ quân vào Bắc Kì, trong tình thế nguy nan ngàn cân treo sợi tóc hai vị tổng đốc Hà thành là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã tuần tiết để không rơi vào tay giặc, tự tay kết liễu sinh mạng mình không một chút do dự. Và rồi những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Pháp vẫn tiếp trong đầy thử thách và cam go, trong chín năm kháng chiến ấy quân dân Hà Nội đã tự nguyện đốt nhà ngăn giặc, hy sinh của cải và tính mạng của mình để phục vụ công cuộc bảo vệ tổ quốc. Bẵng qua những ngày tháng gian khổ chống Pháp dân tộc ta lại một lần nữa phải đối chọi với đế quốc Mỹ hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc bấy giờ. Dù cho giặc có trang thiết bị hiện đại, được trang bị vũ khí tối tân với uy lực mạnh thế nhưng quân và dân ta vẫn cứ thế anh dũng xông lên chiến đấu, bất chấp tất cả dù biết đi là không thể trở về, đi là phải hy sinh. Và một trong những tấm gương anh dũng đó là anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Đừng. Họ là những con người bằng da bằng thịt nhưng có tinh thần thép, dũng cảm chiến đấu hết mình mặc cho có phải hy sinh cả tính mạng. Bài ca vang dội về chiến công hiển hách của những vị anh hùng sẽ còn được vang lên mãi, trở thành tấm gương sáng ngời về lối sống cao đẹp ” Chết trong còn hơn sống đục” của dân tộc.

Và câu chuyện về lối sống cao đẹp ấy đã được cha ông ta gìn giữ và truyền lại cho đời sau rất tốt. Họ răn dạy con cháu phải sống sao cho đúng, sống sao cho sạch, họ giáo dục con em mình dựa trên những tư tưởng cao đẹp của đạo Nho, đạo Phật. Cứ thế chúng ta lớn lên với sự thấm nhuần những triết lý cao đẹp ấy, biết sống sao cho xứng đáng với công nuôi dạy của cha mẹ, sống có lý tưởng cao đẹp, chết trong còn hơn sống đục. Và cũng chẳng phải bởi vì thấm nhuần đạo đức, lối sống cao đẹp này mà dân tộc ta đã có những bức tượng đài bất diệt về cuộc đời sáng trong như Trần Minh và Nguyễn Trãi với những nỗi oan xé lòng. Cả đời ông sống minh bạch, là một trung thần vừa có tài vừa có đức thế nhưng lại luôn gặp phải những bất công oan ức để rồi ông phải chịu nỗi oan giết vua dẫn đến diệt tộc.

Còn chúng ta thì sao? Chẳng phải cuộc sống bây giờ tốt lắm hay sao? Chúng ta được sống trong hòa bình, có tự do, độc lập, no ấm, chẳng còn phải chịu những bất công đến vô lý như vậy nữa thế nhưng tại sao trong chúng ta lại có những người lựa chọn lối sống hèn hạ, luồn cúi, sống một cách mờ nhạt và để bản thân mình “sống đục” như vậy. Và lối sống đục đã không còn là câu chuyện của một vài người mà nó đã trở thành những vấn đề lớn làm điên đảo xã hội, quay cuồng các phương tiện thông tin đại chúng. Chẳng phải khi đọc báo chúng ta vẫn bắt gặp những tin tức giật gân đáng giận như việc ăn gian hối lộ, rút lõi công trình để rồi việc xây dựng bị trì trệ, công trình cầu cống kém chất lượng, sập cầu, sập nhà cửa do ăn gian phí đầu tư. Đó chẳng phải đều là tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân, là những đồng tiền xương máu vất vả lắm mới có được vậy mà chỉ trong chốc lát những kẻ xấu xa vẩn đục lại lợi dụng chức vụ để vơ đầy túi mình. Rồi cuối cùng dân vẫn là người khổ, chúng ta khổ và người bên cạnh chúng ta cũng khổ. Cả xã hội đầy rẫy những hành động ” không đẹp” mà đáng buồn nhất vẫn là việc trộm cắp của nhiều người trẻ. Họ trẻ, họ năng động và có đầy đủ sức khỏe cũng như điều kiện để tìm một công việc cho mình, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân và giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Biết vậy nhưng rất đáng buồn vì vẫn có những người trẻ ấp ủ trong mình tư tưởng làm giàu phi pháp, cướp đoạt của người khác để đổi lấy nhàn hạ cho mình. Nguy hiểm hơn cả là xã hội mà chúng ta đang sống đầy rẫy những trò lừa bịp, gian lận. Nhiều kẻ mua quan bán chức, học giả bằng thật, cuộc sống của con người bị đảo lộn vì quá coi trọng giá trị của đồng tiền, họ cho rằng có tiền là có tất cả, có tiền thì tội nặng cũng thành nhẹ, tội nhẹ coi như không có tội. Rồi nhờ tiền người ta bưng bít dư luận, tạo ra những hồ sơ lý lịch đẹp hơn ai hết nhưng thực ra đó chỉ là cái vỏ bọc hào nhoáng của kẻ dối nát chuộng lối “sống đục”.

Vậy nên sống sao cho đúng, sao cho xứng với công sức nuôi dạy của cha mẹ mới gọi là sống. Để hành động đúng đắn thì trước tiên suy nghĩ của chúng ta cũng cần phải đúng đắn. Luôn giữ vững lập trường, quan điểm, không sợ khó, ngại khổ, đừng thất bại mà nản lòng, nên thấy được những giá trị của khó khăn mà cuộc sống đem lại. Sống hài hòa, không bảo thủ và sẵn sàng lắng nghe sự đóng góp từ người khác sẽ giúp mình phát triển bản thân, sống tốt đẹp hơn. Đừng nghĩ rằng thời thế thay đổi và người có tiền là có tất cả. Dù xã hội có đổi thay nhưng chúng ta vẫn luôn tôn trọng và nể phục những tấm gương xả thân vì nước, những vị anh hùng cả đời minh bạch sáng trong. Và khi đất nước không còn gian khổ đớn đau như trước thì chúng ta phải học cách sống trong, lối sống cao đẹp toát ra từ cả lời nói lẫn hành động và suy nghĩ.

Nhưng trở thành một người tốt thì còn cần cả sự giúp đỡ của gia đình và xã hội. Gia đình, những người thân trong gia đình cần biết cách giáo dục con cái, sống gương mẫu để làm gương cho chúng vì trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường sống của chúng. Và một điều không thể thiếu đó là tìm một môi trường giáo dục phù hợp để từ đó phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục và phát triển nhân cách cho trẻ em.

Trái đất có hơn bảy tỉ người, ai cũng đều được sinh ra và lớn lên nhưng mỗi người lại có một cuộc sống khác nhau, mang trên mình một giá trị khác nhau. Thật vậy điều khiến cho mỗi người có giá trị khác nhau đó là cách suy nghĩ và hành động của họ. Thật vậy mạnh mẽ và đúng đắn từ trong suy nghĩ sẽ giúp cho người ta giữ được nhân cách, phẩm chất cao đẹp của mình. Thời gian qua đi và khi con người tự mình dũng cảm vượt qua sóng gió sẽ trở nên mạnh mẽ và cứng cáp hơn để tự vươn lên bằng chính đôi chân của mình. Sống sao cho sạch, cho xứng đáng với sự kỳ vọng và tin tưởng của người khác mới gọi là sống. Và nó cũng là thông điệp được gắm gửi qua câu tục ngữ: ” Chết trong còn hơn sống đục”.

Trên đây là bài Bình luận về câu tục ngữ Chết trong còn hơn sống đục, để củng cố kiến thức và kĩ năng viết bài, em cũng có thể tham khảo thêm các bài văn hay lớp 10 khác như: Bình luận câu tục ngữ Anh em khinh trước, làng nước khinh sau, Bình luận câu tục ngữ Trăm hay không bằng tay quen, Bình luận ý kiến sau: Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người, Giải thích và bình luận câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm.

Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button