Giáo dục

Bình luận câu tục ngữ Cái nết đánh chết cái đẹp

Tài liệu hướng dẫn bình luận câu tục ngữ Cái nết đánh chết cái đẹp, gợi ý cách làm và lập dàn ý chi tiết bài văn nghị luận bàn về nội dung, ý nghĩa câu tục ngữ Cái nết đánh chết cái đẹp.

Hướng dẫn làm bàivăn bình luận câu tục ngữ Cái nết đánh chết cái đẹp

Đề bài: Bình luận câu tục ngữ: “Cái nết đánh chết cái đẹp“.

This post: Bình luận câu tục ngữ Cái nết đánh chết cái đẹp

1. Phân tích đề

– Yêu cầu: Trình bày suy nghĩ về nội dung câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp”.

– Dạng đề: Nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí.

– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : những sự việc, con người trong thực tế chứng minh vai trò của cái nết (vẻ đẹp bên trong con người)

– Thao tác lập luận : giải thích, phân tích, bình luận.

2. Hệ thống luận điểm

Luận điểm 1: Giải thích nghĩa câu tục ngữ

Luận điểm 2: Bình luận nội dung câu tục ngữ

+ Tại sao “cái nết” lại “đánh chết cái đẹp” ?

+ Ý nghĩa của câu tục ngữ

+ Dẫn chứng chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ

Luận điểm 3: Bàn luận mở rộng, bài học nhận thức và hành động.

3. Lập dàn ý chi tiết

a) Mở bài:

– Dẫn dắt, giới thiệu câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp”.

Ví dụ: Khi nói về nhan sắc và đức hạnh trong mối quan hệ của con người, cha ông ta có câu tục ngữ đặc sắc và ngắn gọn đó là “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Chúng ta cũng cần phải hiểu và có những đánh giá, quan niệm như thế nào cho đúng về nội dung câu tục ngữ này?

b) Thân bài

* Giải thích nghĩa câu tục ngữ

– “Cái nết”: chỉ tính cách, phẩm chất đạo đức, lí tưởng tinh thần của con người.

– “Cái đẹp”: nhan sắc, vẻ đẹp bề ngoài của con người.

– “Đánh chết”: sự hơn hẳn.

=> Nghĩa của cả câu : Phẩm chất, bản tính, tâm hồn bên trong con người có giá trị hơn hẳn hình thức bên ngoài, đề cao “cái nết” trong mối tương quan với cái đẹp bên ngoài.

* Bình luận câu tục ngữ

– Tại sao “cái nết” lại “đánh chết cái đẹp” ?

+ Phẩm chất đạo đức của con người là những thứ quý giá, được rèn luyện theo thời gian và nó sẽ còn trường tồn mãi.

+ Phẩm chất đạo đức tuy không thấy, không nắm bắt được nhưng nó luôn để lại ấn tượng đẹp và trường tồn với thời gian

+ Nhan sắc có thể thấy đẹp trong khoảnh khắc, nhưng sẽ nhanh chóng bị thời gian làm cho tàn lụi, héo úa.

=> Vấn đề hoàn toàn đúng: Phẩm chất, tính cách làm nên giá trị của con người.

– Ý nghĩa của vấn đề:

+ Phẩm chất, tính cách của con người là quan trọng.

+ Vẻ đẹp hình thức tôn lên vẻ đẹp phẩm chất, tính cách của con người.

+ Con người cần hoàn thiện cả về vẻ đẹp phẩm chất, tính cách và vẻ đẹp hình thức.

+ Nhìn nhận, đánh giá con người không nên chỉ qua hình thức bên ngoài mà quan trọng là phẩm chất, tính cách.

+ Không coi thường vẻ đẹp hình thức của con người vì có khi hình thức bên ngoài phản ánh phẩm chất bên trong: ăn mặc lôi thôi, luộm thuộm phản ánh tính cách cẩu thả…

– Dẫn chứng chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ:

+ Trong học tập, trong công việc, không đánh giá con người ở trang phục đắt tiền, sang trọng mà ở kết quả học tập, ở hiệu quả công việc. Những người có phẩm chất đạo đức tốt luôn được mọi người yêu quý.

* Bàn luận mở rộng, bài học nhận thức và hành động

– Cái nội hàm bên trong mỗi con người là quan trọng hơn cả

– Cần có cái nhìn đúng đắn về con người trong cuộc sống

– Nên đầu tư cho thế giới nội tâm, nuôi dưỡng và làm đẹp chúng, đừng chỉ cố gắng chăm chút vẻ bề ngoài.

– Tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, đồng thời không coi nhẹ biểu hiện hình thức bên ngoài.

– Đối với học sinh, cái nết chính là sự chuyên cần, chăm ngoan học giỏi, nghe lời ông bà cha mẹ, sống có ý thức trách nhiệm với bản thân, không ngừng phấn đấu…

c) Kết bài

– Nêu cảm nhận về câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp”.

Ví dụ: Câu nói “cái nết đánh chết cái đẹp” vẫn mang tính khẳng định theo thời gian. Vì con người dù ở thời đại nào cũng cần phải có một tâm hồn lương thiện, sống đúng đạo đức. Nhưng không nên vì thế mà để diện mạo bên ngoài của mình trở nên xấu xí, kém sang trọng, nếu đẹp người đẹp nết thì sẽ hoàn hảo hơn. Bởi những người có diện mạo bên ngoài đẹp đẽ thì vẫn dễ dàng thành công hơn.

Bài văn mẫu tương tự: Bàn luận về tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

4. Sơ đồ tư duy bàn luận về câu tục ngữ Cái nết đánh chết cái đẹp

Top 3 bài văn hay bình luận câu tục ngữ Cái nết đánh chết cái đẹp

Bình luận tục ngữ Cái nết đánh chết cái đẹp bài số 1:

Khi đánh giá về một con người chúng ta thường có những nhận xét về dáng vẻ bên ngoài và tính nết, phẩm chất của người đó. Vậy mối quan hệ giữa hình thức bên ngoài với phẩm hạnh của một người được thể hiện như thế nào? Từ những suy nghĩ đó và từ việc đúc rút từ kinh nghiệm qua nhiều thế hệ ông cha ta đã đưa ra quan niệm: “Cái nết đánh chết cái đẹp”.

Vẻ đẹp của con người được biểu hiện ở hai mặt: phẩm chất đạo đức hay còn gọi là cái nết và dung mạo bên ngoài. Trước kia câu tục ngữ này thường ứng với người phụ nữ. “Cái nết” của người phụ nữ phải là công, dung, ngôn, hạnh. Tuy nhiên ngày nay khi nam nữ bình đẳng thì “nết” còn để chỉ cả phẩm hạnh, phẩm chất của người đàn ông. “Nết” là cái bên trong còn “đẹp” là cái hình thức bên ngoài. Câu tục ngữ nhằm đề cao “cái nết” trong mối tương quan với cái đẹp bên ngoài. Con người đẹp không phải ở dáng vể bề ngoài xinh xắn, ưa nhìn mà là ở tâm hồn, nhân cách.

Cái đẹp có khi đã bao hàm luôn cái nết. Ở các cuộc thi hoa hậu, ngoài đòi hỏi về vóc dáng, nhan sắc thì tiêu chí để chọn ra một vị hoa hậu đại diện cho đất nước còn là cái đẹp ở trí tuệ, tư tưởng và tình cảm. Chính vì thế ngoài trình diễn những trang phục lộng lẫy thì các ứng viên còn phải thi những nội dung như trả lời vấn đáp, trả lời các tình huống ứng xử, cách xử lý tình huống khi gặp phải… Tất cả để kiểm nghiệm xem ai có đủ tài, đức và cả sắc đẹp để trở thành gương mặt đại diện cho quốc gia, trở thành hình mẫu lý tưởng.

Một người có dáng vẻ bề ngoài xinh đẹp như hoa hậu, quần áo sang trọng nhưng lại “xấu nết” thì liệu có đước mọi người yêu quý. Xấu ở đây là lười biếng, ăn nói, hành xử thô lỗ, tục tằn, sống ích kỉ, bất hiếu…và tất nhiên là sẽ bị mọi người chê cười, xa lánh. Ngược lại, có người mặc dù họ có thể hình thức không được đẹp, hay những người có những khiếm khuyết trên khuôn mặt thậm chí là bị mọi người khi nhìn thấy xa lánh. Tuy nhiên họ lại là người có những phẩm chất tốt đẹp, yêu thương, giúp đỡ người khác, có trình độ học vấn thì khi tiếp xúc lâu hơn họ sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng. Vì thế dân gian ta mới có câu:

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,

Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”

Cũng có nhiều người luôn đánh giá người khác chỉ qua bề ngoài. Họ cho rằng ai xinh đẹp, ăn mặc đẹp, hợp thời trang nghĩa là người làm việc cẩn thận, có học thức. Hay quan niệm về những người xăm trổ là người đầu gấu, đàn anh, đàn chị trong xã hội, phẩm chất đạo đức xấu. Đó là những cái nhìn nhận hoàn toàn sai lầm và dễ phải nhận những hậu quả không đáng có.

Là một học sinh thì “cái nết” được thể hiện qua vẻ đẹp tâm hồn, sự ngoan ngoãn, lễ phép, chăm ngoan, biết kính thầy yêu bạn và đoàn kết, giúp đỡ bạn bè. Những người như vậy sẽ được bạn bè xung quanh yêu mến, quý trọng. Có thể có những học sinh học kém nhưng có những phẩm chất đạo đức tốt thì sẽ vẫn được mọi người yêu mến. Có câu “Cần cù bù thông minh” nếu một bạn có sự tiếp thu chậm trong học tập, kết quả học tập không được cao nhưng ngược lại bạn rất chăm chỉ, cần cù học tập thì chắc chắn kết quả học tập sẽ được cải thiện. Bên cạnh đó, ở trường học còn tồn tại rất nhiều bạn đã học tập chưa tốt mà còn ngỗ nghịch, không lễ phép với người lớn, thường gây mất hòa với các bạn xung quanh. Hay có những bạn học giỏi nhưng lại kiêu căng, coi thường người khác… Những học sinh như vậy thường sẽ bị mọi người chán ghét, bị cách li giữa tập thể lớp.

Câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” đem lại cho ta một bài học sâu sắc về việc nhận định, đánh giá với một ai đó và trong quá trình học tập tiếp thu kiến thức phải luôn đi đôi với rèn luyện, tu dưỡng đạo đức. Có như vậy chúng ta mới có thể thành công trong cuộc sống, được mọi người yêu quý và trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

>>> Đọc thêm văn mẫu hay: Nghị luận xã hội về cách nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn

Bình luận tục ngữ Cái nết đánh chết cái đẹp bài số 2:

Trong xã hội hiện đại, nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp bị cái xấu lấn át. Nhưng những giá trị đạo đức đẹp đẽ thì luôn là kim chỉ nam để con người hướng đến. Cái tinh hoa của mỗi chúng ta không phải ở vẻ bề ngoài hào nhoáng mà chính là nét đẹp phẩm giá, tâm hồn. Bởi vậy, ông cha ta đã có câu: Cái nết đánh chết cái đẹp.

Có thể hiểu cái nết ở đây là những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của mỗi con người. Còn cái đẹp là vẻ bề ngoài, hình thức mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy ở mỗi con người. Cả câu tục ngữ muốn khẳng định cái cốt lõi, cái đẹp nhất của con người là những phẩm chất đạo đức tốt đẹp: khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, vị tha, bao dung,… chứ không phải là những nét hào nhoáng bên ngoài. Những thứ bên ngoài chỉ tồn tài trong chốc lát, rồi sẽ lụi tàn, còn vẻ đẹp phẩm chất đạo đức sẽ được muôn người ngợi ca, muôn đời nhớ đến. Câu tục ngữ ngắn gọn, súc tích, chia làm hai vế đối xưng nhau đã tóm gọn chân lí của cuộc sống.

Vậy tại sao cái nết, cái phẩm chất đạo đức của con người có thể “đánh chết” cái đẹp? Bởi phẩm chất đạo đức của con người là những thứ quý giá, được rèn luyện theo thời gian và nó sẽ còn trường tồn mãi. Người ta sẽ nhớ về một người con gái đảm đang, hiền thục, ứng xử có văn hóa, nhưng người ta sẽ quên ngay một cô gái xinh đẹp nhưng lại cộc cằn, thô lỗ, ứng xử kém tinh tế. Phẩm chất đạo đức tuy không thấy, không nắm bắt được nhưng nó luôn để lại ấn tượng đẹp và trường tồn với thời gian. Còn nhan sắc, ta có thể nhìn, thấy nó đẹp trong khoảnh khắc, nhưng cũng sẽ nhanh chóng bị thời gian làm cho tàn lụi, héo úa.

Câu tục ngữ trên cũng dạy chúng ta cách ứng xử trong cuộc sống. Đừng vội vàng nhìn vẻ bề ngoài của một con người mà đánh giá nội tâm của họ. Một người có vẻ xinh đẹp, nhưng chưa chắc đã là người ứng xử có văn hóa, lịch sự. Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ đến cô á hậu Lady sẵn sàng giật bỏ vương niệm của cô hoa hậu, cay cú vì mình không phải là người chiến thắng. Đó chẳng phải là minh chứng rõ ràng nhất cho việc đẹp người mà chẳng hề đẹp nết đó sao. Còn một người có hình thức bình thường, nhưng lại luôn biết yêu thương và quan tâm chăm sóc cho người khác. Ví như anh Trần Việt Anh với vẻ ngoài bình thường, làn da ngăm đen, sạm đi vì nắng đã mang đến trung thu ấm áp cho trẻ em vùng Sơn La. Ẩn đằng sau vẻ ngoài xù xì, gai góc ấy là một tâm hồn trong sáng, lương thiện, luôn yêu thương, quan tâm, chia sẻ và biết suy nghĩ cho người khác. Bởi vậy, mỗi khi nhìn thấy một người bạn đừng vội vàng đánh giá, mà hãy xem cách họ ứng xử với những người xung quanh, đó chính là thời gian tốt nhất để bạn biết về một con người.

Nhưng khi xem xét câu nói này chúng ta cũng cần có cái nhìn biện chứng, không nên quy chụp, rằng cứ người có ngoại hình đẹp thì nết xấu và ngược lại. Trong xã hội hiện đại, chúng ta không ngừng hoàn thiện bản thân mình, không chỉ trau dồi, tu dưỡng để nhân cách ngày một hoàn thiện mà còn phải làm đẹp hình thức bề ngoài của mình. Làm đẹp ở đây không có nghĩa là bóng bẩy, điểm trang lòe loẹt, mà làm đẹp tức là ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, đứng đắn, lịch sử phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp. Chưa ra đường khi bản thân chưa ăn mặc chỉnh tề. Sự chỉn chu trong cách ăn mặc, đầu tóc, chính là một nét ứng xử có văn hóa với người đối diện.

Đối với mỗi học sinh chúng ta cái nết chính là sự chuyên cần, chăm ngoan học giỏi, nghe lời ông bà cha mẹ, sống có ý thức trách nhiệm với bản thân, không ngừng phấn đấu. Còn cái đẹp ở các bạn chính là gương mặt sáng, đôi mắt thông minh, mặc đúng đồng phục quy định. Mỗi chúng ta cần ý thức để luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, rèn luyện bây giờ cũng chính là để quyết định tương lai của các em sau này.

Câu tục ngữ trên đã đem đến cho mỗi chúng ta bài học sâu sắc về cách ứng xử. Mỗi chúng ta cần tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức để không chỉ đẹp về hình thức về ngoài mà còn giàu về nhân cách bên trong. Chỉ khi kết hợp hài hòa, đầy đủ hai yếu tố ấy ta mới có thể tự tin vững bước vào cuộc sống.

Bình luận tục ngữ Cái nết đánh chết cái đẹp bài số 3:

Từ bao giờ đến bây giờ, ca dao tục ngữ luôn có sức đồng cảm mãnh liệt và sâu sắc. Nó ra đời giữa những vui buồn trong cuộc sống của loài người và nó sẽ kết bạn với con người cho đến ngày tận thế. Bởi từ xưa đến nay, những câu thành ngữ, ca dao, tục ngữ mà ông cha ta đã để lại cho thế hệ con cháu vẫn luôn là lời răn dạy giúp con người vươn tới cái chân, thiện, mỹ và tầm cao của giá trị sống. Trong số đó, những câu ca dao, tục ngữ nói về phẩm chất và đức hạnh luôn là thiết yếu nhất, bởi lẽ phẩm chất và đức hạnh là chuẩn mực cao nhất trong nhân cách của con người: “Cái nết đánh chết cái đẹp”.

Trong mỗi con người đều có cái ác, cái thiện; mặt xấu và mặt đẹp. Không ai là hoàn thiện cả – “Nhân vô thập toàn”. Có người cho rằng: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Nhưng câu nói ấy chỉ mang tính tương đối mà không hoàn toàn đúng. Một người có cái nết là một người lúc nào cũng hướng về người khác, có hành vi tốt và có đạo đức đẹp (theo quan niệm của Phật giáo). Còn đối với “cái đẹp” ta có thể hiểu rằng “cái đẹp” là hình thức, diện mạo bên ngoài; một người sẽ được cho là đẹp khi những đường nét của người ấy đạt đến sự tối cao của cái được gọi là “sắc đẹp hoàn hảo”.

Cũng như câu nói của Bác: “Người có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” thì “Cái nết đánh chết cái đẹp” cũng vậy! Người có nết nhưng không đẹp sẽ là người không được ưa nhìn nhưng luôn được mọi người yêu quý bởi cái nết của mình. Ngược lại, người được tạo hóa ưu ái phú cho nhan sắc kiều diễm nhưng lại không có nết cả bên ngoài lẫn bên trong tâm thức, thì con người này sẽ luôn là tâm điểm của mọi sự chú ý và cứ như thế họ sẽ chẳng đoái hoài gì đến cái nết – một trong những phẩm chất thiết yếu của con người. Với con người như vậy thì hẳn rằng ngoài sự chú ý của người khác đối với mình vì sắc đẹp vốn có của bản thân họ sẽ chẳng nhận được gì cả vì đã tự đánh mất cái nết vốn có của mình.

Theo quan niệm của phương Đông: “Nhân chi sơ tính bổn thiện” – con người từ khi sinh ra thì ai cũng có cái thiện ở trong tâm. Nhưng cái thiện đó có được phát huy trọn vẹn hay không thì còn phụ thuộc vào quá trình tôi rèn nhân phẩm của mỗi chúng ta. Tạo hóa đã tạo ra con người không thập toàn để con người đi theo hai trường phái đối lập: có nết và chẳng ưa nhìn; có sắc và luôn lún sâu vào những hoa mĩ về ngoài. Nhưng con người vẫn có thể bừng tỉnh khỏi những “hố sâu không đáy” và vươn lên với chính bản thân mình để hướng ý thức, đạo đức của mình vươn tới chân, thiện, mỹ.

Một người có nết và biết làm đẹp cho bản thân của mình thì sẽ là người hoàn hảo, bởi trên đời này, không có người nào là xấu, mà chỉ có người không biết làm đẹp. cũng như thế, một người đã có sẵn ưu thế về sắc đẹp thì chỉ cần bỏ thời gian ra và rèn luyện lại cái nết của mình một cách tự giác thì cũng sẽ trở thành một người thập toàn, thập mĩ và nhận được sự quý mến của nhiều người.

“Cái nết đánh chết cái đẹp”

Câu nói như có vẻ mang tính khẳng định nhưng lại không hẳn là như vậy. Dường như nó chỉ đúng về một phương diện, khía cạnh nào đó. Nhưng nếu xét tổng thể thì có vẻ như câu nói ấy đã bị sai lệch về mặt bản chất. Mỗi con người đều có mặt tốt và mặt xấu ở trong lòng. Vậy ta phải biết làm cho phần tốt nảy nở như hoa mùa xuân và phẩn xấu bị mất dần đi.

  • Nghị luận về câu nói Có tài mà không có đức là kẻ vô dụng

Mầm Non Ánh Dương vừa hướng dẫn các em một số gợi ý cơ bản để làm bài văn phân tích, bình luận về câu tục ngữ Cái nết đánh chết cái đẹp. Dựa vào nội dung dàn ý chi tiết vừa xây dựng được ở trên, các em hãy vận dụng kiến thức, hiểu biết của mình để viết thành một bài văn hoàn chỉnh. Ngoài ra việc đọc thêm một số bài văn mẫu sẽ giúp em mở rộng vốn từ ngữ và cách trình bày thêm hấp dẫn, khoa học. Chúc các em học tốt môn Văn khi tham khảo Văn mẫu 9 tại Mầm Non Ánh Dương !

Hướng dẫn làm văn bình luận về câu tục ngữ Cái nết đánh chết cái đẹp, lập dàn ý chi tiết, sơ đồ tư duy và tham khảo một số bài văn mẫu hay bàn về nội dung câu tục ngữ.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button