Đề bài: Viết đoạn văn 200 chữ về đạo lý của lòng biết ơn
This post: Viết đoạn văn 200 chữ về đạo lý của lòng biết ơn
Viết đoạn văn 200 chữ về đạo lý của lòng biết ơn
I. Dàn ý Viết đoạn văn 200 chữ về đạo lí lòng biết ơn
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: Lòng biết ơn trong cuộc sống của con người.
2. Thân bài
– Định nghĩa về “lòng biết ơn”: Lòng biết ơn là việc ghi nhớ, trân trọng đối với những người đã giúp đỡ mình, qua đó có thái độ và hành động đúng mực.
–> Lòng biết một truyền thống quý báu của dân tộc ta
– Biểu hiện:
+ Trân trọng thành quả cha ông để lại, ghi nhớ những hành động giúp đỡ khi ta gặp khó khăn.
+ Biểu hiện thông qua những hành động cụ thể: Tri ân, lan rộng hành động yêu thương, sẻ chia đến những người cần giúp đỡ.
– Vai trò của lòng biết ơn:
+ Phát huy, kế thừa truyền thống tốt đẹp, giúp con người sống có tình nghĩa, biết yêu thương, san sẻ, gắn kết giữa con người với con người.
+ Lòng biết ơn giúp con người hoàn thiện về nhân cách, hướng con người ta đến lối sống nghĩa tình, lành mạnh.
+ Lòng biết ơn giúp gây dựng những mối quan hệ tốt đẹp.
– Trách nhiệm của mỗi ngưởi:
+ Cần biết ơn đối với những người đã từng giúp đỡ, những người đi trước đã mang đến những thành quả, lợi ích.
+ Tích cực học tập, rèn luyện để trở thành một người có ích, mang tài năng và sức lực để xây dựng cuộc sống, kiến thiết xã hội.
+ Tham gia các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa để giúp đỡ những người kém may mắn trong xã hội, lan tỏa yêu thương trong cộng đồng.
3. Kết bài
Suy nghĩ về vai trò của lòng biết ơn.
II. Bài văn mẫu Viết đoạn văn 200 chữ về đạo lí của lòng biết ơn
1. Viết đoạn văn 200 chữ về đạo lý của lòng biết ơn, mẫu số 1 (Chuẩn)
Biết ơn là một trong những phẩm chất đáng quý cần có ở mỗi người. Hiểu một cách đơn giản nhất, biết ơn là sự ghi nhớ, trân trọng công lao của bố mẹ, thầy cô và những người từng giúp đỡ và mang đến cho chúng ta cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chúng ta được sinh ra, lớn lên nhờ công sinh thành của bố mẹ, chúng ta trở thành những người có tri thức nhờ công giáo dục của thầy cô. Cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hiện nay được cha anh ta đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu và cả cuộc đời của mình, vì vậy chúng ta cần biết ơn, trân trọng những công lao to lớn ấy. Không phải chỉ qua những hành động lớn lao mới thể hiện được lòng biết ơn mà bằng chính những hành động nhỏ bé như: có hiếu với cha mẹ, lễ phép với thầy cô, tri ân ghi nhớ công lao của những người thương binh liệt sĩ…cũng thể hiện được tấm lòng biết ơn chân thành, sâu sắc của bản thân. Lòng biết ơn bắt đầu từ những hành động giản dị nhất, vì vậy chúng ta cần có những nhận thức đúng đắn và hành động thiết thực để bày tỏ tấm lòng của mình. Lòng biết ơn giúp lan tỏa tình yêu thương, gắn kết giữa con người, tạo nên một xã hội nhân ái. Khi con người biết trân trọng, biết ơn những người đã từng giúp đỡ, mang đến cho mình cuộc sống tốt đẹp thì con người cũng trở nên nghĩa tình, đáng trân trọng hơn. Chúng ta hãy cùng nhau trau dồi kiến thức, rèn luyện kĩ năng, phẩm chất để sau này trở thành những người có tài đức, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của cha ông.
2. Viết đoạn văn 200 chữ về đạo lý của lòng biết ơn, mẫu số 2 (Chuẩn)
Biết ơn là đạo lí tốt đẹp của người Việt Nam ta được kế thừa và phát huy qua bao thế hệ. Biết ơn là việc ghi nhớ, trân trọng và tấm lòng tri ân công lao của những người đã giúp đỡ, những người đã đóng góp công sức để mang đến cuộc sống tốt đẹp cho chúng ta. Lòng biết ơn giúp gắn kết giữa con người với con người, phát huy được lối sống đẹp, nhân ái của dân tộc. Học sinh chúng ta cần biết trân trọng, biết ơn công lao nuôi dưỡng của cha mẹ, ông bà, biết tri ân công lao dạy dỗ của thầy cô, ghi nhớ công lao dựng và giữ nước của cha anh đi trước. Cùng với tấm lòng biết ơn chân thành, chúng ta cần thể hiện sự biết ơn ấy thông qua những hành động thiết thực: chăm sóc, hỏi thăm, giúp đỡ….Với những hành động vô ơn, vong ơn bội nghĩa chúng ta cần phê phán, loại trừ. Người sống tình nghĩa, có lòng biết ơn sẽ được mọi người yêu quý, trân trọng, ngược lại nếu không có lòng biết ơn, chúng ta sẽ trở thành những kẻ ích kỉ, sống vô ơn, những mối quan hệ xã hội vì vậy cũng bị rạn nứt. Chúng ta hãy sống tình nghĩa, biết ơn và trân trọng những thành quả, những con người đã mang đến cho chúng ta cuộc sống tốt đẹp như hiện nay.
3. Viết đoạn văn 200 chữ về đạo lý của lòng biết ơn, mẫu số 2:
“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta nói về đạo lí của lòng biết ơn. Hiểu một cách đơn giản nhất, lòng biết ơn là sự ghi nhớ công lao của những người đi trước, những người đã đấu tranh, cống hiến sức lực để mang đến những thành quả tốt đẹp cho cuộc sống ngày hôm nay. Đó là cha anh ta, những người đã dùng sự quyết tâm, xương máu của mình để mang đến một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc như ngày nay. Đó là cha mẹ, đấng sinh thành không chỉ cho ta sinh mệnh mà còn bao bọc, nuôi dưỡng chúng ta bằng tình yêu thương, là thầy cô, những người lái đò thầm lặng đưa chúng ta đến những bến bờ của tri thức. Lòng biết ơn còn là sự ghi nhận, trân trọng đối với những người đã từng giúp đỡ chúng ta khi gặp khó khăn, vấp ngã.
Ghi nhớ, trân trọng đối với những người từng giúp đỡ chúng ta, những người đã mang đến thành quả cho cuộc sống là thái độ, trách nhiệm cần có ở mỗi người. Chúng ta cần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ đó có hành động, suy nghĩ đúng mực. Lòng biết ơn không chỉ được biểu hiện thông qua suy nghĩ, tấm lòng trân trọng mà còn được biểu hiện qua những hành động cụ thể. Gửi một lời cảm ơn đến người đã chỉ đường giúp mình khi bị lạc giữa thành phố rộng lớn, một bông hoa đỏ thắm gửi đến thầy cô để tri ân nhân ngày nhà giáo, một nén nhang thơm tưởng nhớ các anh hùng thương binh liệt sĩ vào ngày 27/7 là những hành động nhỏ bé nhưng nếu chúng ta thực hiện bằng cả tấm lòng chân thành, tự nguyện thì cũng đã góp phần thể hiện được lòng biết ơn của mình, thể hiện lối sống tình nghĩa của người Việt Nam ta. Không chỉ có ý thức đáp đền, ghi nhớ công ơn đã được nhận, chúng ta mỗi con người Việt Nam cần phát huy tinh thần sẻ chia, lan rộng những hành động yêu thương “lá lành đùm lá rách”, khi làm được điều ấy, hành động tri ân của chúng ta cũng trở nên ý nghĩa, đáng trân trọng hơn.
Lòng biết ơn là nét tính cách quý báu ở mỗi người, nó góp phần hoàn thiện nhân cách, hướng con người đến cuộc sống của tình yêu thương. Bởi vậy, mỗi chúng ta khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành một người có ích; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa để cùng chung sức xây dựng một xã hội đoàn kết, yêu thương.
——————–HẾT———————-
Bên cạnh bài văn mẫu về Lòng biết ơn, Mầm Non Ánh Dương còn giới thiệu đến các em rất nhiều chủ đề nghị luận hay khác như: Nghị luận xã hội Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, Nghị luận xã hội về lòng nhân hậu, Nghị luận về lòng yêu thương con người trong xã hội ngày nay, Nghị luận về Lòng nhân ái trong cuộc sống qua câu chuyện Người ăn xin. Các em hãy cùng tham khảo để nâng cao vốn hiểu biết cũng như kĩ năng viết bài nghị luận của mình nhé.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)