Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động, đẹp đẽ của nhà thơ Viễn Phương, đó cũng là những tình cảm của đồng bào miền Nam đối với vị cha già của dân tộc.
Cùng tham khảo tài liệu hướng dẫn làm bài dưới đây để nắm được cách làm bài tập này em nhé.
This post: Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động, đẹp đẽ của nhà thơ Viễn Phương
—–
Đề bài: Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động, đẹp đẽ của nhà thơ Viễn Phương và đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ vô vàn kính yêu. Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương để làm sáng tỏ nhận xét trên.
***
Hướng dẫn làm bài Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động, đẹp đẽ của nhà thơ Viễn Phương
1. Phân tích đề
– Yêu cầu đề bài: phân tích bài thơ để làm rõ quan điểm: Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động, đẹp đẽ của nhà thơ Viễn Phương và đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ.
– Đối tượng làm bài: bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương
– Phương pháp làm bài: phân tích, chứng minh
2. Các luận điểm chính cần triển khai
Luận điểm 1: Cảm xúc của người con miền Nam lần đầu ra viếng lăng Bác
Luận điểm 2: Cảm xúc của tác giả khi hòa cùng dòng người vào viếng lăng
Luận điểm 3: Niềm xúc động, quyến luyến khi phải rời lăng Bác
3. Lập dàn ý
Xem dàn ý chi tiết cho đề văn: Dàn ý Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động của Viễn Phương
4. Sơ đồ tư duy
Sau khi tham khảo cấu trúc bài và sơ đồ tư duy, các em hãy xem thêm các bài văn mẫu phân tích, chứng minh nhận định Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động, đẹp đẽ của nhà thơ Viễn Phương để có thêm ý tưởng làm bài.
Văn mẫu tham khảo chứng minh nhận định Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động, đẹp đẽ của Viễn Phương
Bài văn mẫu số 1:
Chủ tịch Hồ Chí Minh là đề tài ngợi ca của biết bao thi nhân trong và ngoài nước. Có thể kể đến Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên,… Và trong số rất nhiều những tên tuổi nổi tiếng, Viễn Phương vẫn giành được một vị trí riêng cho mình với bài thơ “Viếng lăng Bác”. Bài thơ là bài ca ân tình cảm động, đẹp đẽ của nhà thơ Viễn Phương và đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ vô cùng kính yêu.
Bài thơ ra đời năm 1976 – một năm sau ngày đất nước thống nhất. Được ra miền Bắc thăm Bác Hồ là niềm mong mỏi của biết bao người con miền Nam. Viễn Phương may mắn là thế hệ đồng bào miền Nam đầu tiên được ra viếng lăng Bác. Nhà thơ đón nhận niềm may mắn ấy bằng một tâm trạng xúc động vô bờ:
Con ở miền Nam ra thăm lăng
Bác Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
Nhà thơ xưng “con” gọi ”Bác”, cách xưng hô ấy vừa yêu thương, thân thiết lại vừa thể hiện được tấm lòng kính yêu của tác giả hướng về Bác Hồ. Viễn Phương đến với lăng Bác vào buổi sớm mai khi sương còn giăng mờ những hàng tre quanh lăng. Có phải nhà thơ đã đợi chờ, mong mỏi giây phút này từ lâu lắm… Không nén nổi mong chờ, thi nhân đã đến lăng Người từ rất sớm. Từ xa, nhà thơ hướng về lăng Bác đã thấy hình ảnh hàng tre ngà gần gũi, thân quen: “Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”. Không nén được xúc động, Viễn Phương như thốt lên:
“Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa vẫn thẳng hàng”.
Hình ảnh hàng tre có người Việt Nam nào không thấy gắn bó. Tre bao quanh làng cho bóng mát. Tre làm rá, rổ, giần sàng… Tre làm chông, làm gậy đặng đánh giặc thù giữ nước. Và tre còn là biểu tượng cho bao đức tính tốt đẹp của người dân Việt Nam chịu thương, chịu khó, cần cù, chăm chỉ… Và hơn hết, qua bao gian khó, hiểm nguy tre vẫn kiên trì bám đất, bám làng sống hiên ngang như dân tộc Việt Nam vững vàng đi qua những sóng gió của thời đại. Trong câu thơ “Bão táp mưa sa vẫn thẳng hàng”, nhà thơ đã vận dụng thành công thành ngữ “bão táp mưa sa” để thế hiện những khó khăn, vất vả mà cây tre phải đương đầu cũng như những vất vả, truân chuyên mà bao thế hệ người Việt đã chiến đấu để chiến thắng. Đến với lăng Bác, bắt gặp hình ảnh hàng tre xanh xanh thắm tươi, nhà thơ dâng trào những cảm xúc yêu thương, tự hào về nhân dân, về Tổ quốc thân yêu của mình.
Qua những hàng tre, nhà thơ bồi hồi tiến về lăng Bác. Khung cảnh gần lăng càng khiến Viễn Phương xúc động hơn nữa:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…
Mặt trời trong câu “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng” là hình ảnh nhân hoá. Từ sự nhân hoá này để tạo ra liên hệ với mặt trời trong câu sau: mặt trời trong lăng. Mặt trời trong lăng là hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho Bác Hồ. Viết như vậy, nhà thơ muốn khẳng định: nếu mặt trời mang lại ánh sáng cho trái đất thì Bác Hồ mang lại ánh sáng cho dân tộc Việt Nam và rồi Bác cũng sẽ bất tử như vầng thái dương rực sáng. Không chỉ vậy, “mặt trời” của thiên nhiên đi qua lăng còn phải nghiêng mình trước “mặt trời” của dân tộc: “Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”. Hình ảnh dòng người xếp hàng vào lăng viếng Bác được ví với tràng hoa cũng là một liên tưởng độc đáo vừa mang tính tả thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng đoàn người đi từ bên lăng lên trước lăng, vào trong lăng rồi lại đi ra bên lăng giống như một tràng hoa. Bảy mươi chín mùa xuân, bảy mươi chín năm của cuộc đời Bác dành trọn cho dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tràng hoa viếng Người được kết bằng những tâm lòng thành kính, nhớ thương của triệu triệu người con hướng về vị cha già dân tộc. Điệp từ “ngày ngày” tạo ấn tượng về thời gian vĩnh viễn, vô tận, mặt trời kia là vĩnh viễn, tình cảm nhớ thương của nhân dân đôi với Bác cũng là vĩnh viễn. Lòng tiếc thương khôn nguôi đối với Bác tiếp tục được khắc sâu trong khổ thơ tiếp theo:
Bác nằm trong giấc ngủ binh yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Không gian trong lăng được cảm nhận là không gian của giấc ngủ, nơi Bác nằm được cảm nhận là vầng trăng toả sáng dịu hiền. “Nằm trong giấc ngủ” cũng là cách nói nhằm giảm cảm giác mất mát, gợi vẻ ung dung, tự tại của Bác. Vầng sáng như vầng trăng bao quanh hình hài Người một không gian yên bình tuyệt đối. Tuy nhiên, mặc dù vẫn biết trong tình cảm mọi người, Bác sẽ sống mãi cùng thời gian, vĩnh viễn như trời xanh, nhưng không thế không đau lòng trước một sự thật: Người đã vĩnh viễn ra đi.
Khổ thơ cuốì cùng là những lời ước nguyện nghẹn ngào:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Điệp ngữ “Muốn làm” diễn tả trạng thái xúc động mãnh liệt đang dâng lên trong lòng người con sắp trở về miền Nam, từ biệt nơi có người cha già yên nghỉ. Lời thơ giản dị mà giàu sức truyền cảm. Muốn gắn bó với lăng Bác, dường như tác giả còn muốn thể hiện tình cảm của cả miền Nam với Bác Hồ, với miền Bắc ruột thịt. Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh hàng tre xanh và khép lại cũng bằng hình ảnh cây tre như sự khẳng định về lòng trung kiên, son sắt, bộc lộ tâm nguyện hướng về Bác Hồ, như một lời hứa về tinh thần bền bỉ gìn giữ nước non thống nhất.
Trong bài thơ “Viếng lăng Bác”, Viễn Phương đã sử dụng thành công nhiều biện pháp nghệ thuật đặc biệt là thủ pháp ẩn dụ, nhân hoá… Điều đó đã tạo nên nét độc đáo cho bài thơ.
Trong nhiều bài thơ rất hay viết về Bác Hồ, “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương đã tự dành cho mình một vị trí rất riêng bởi sự kết hợp nhuần nhị giữa tình cảm chân thành sâu lắng và những thủ pháp nghệ thuật sáng tạo, độc đáo.
Xem thêm: Suy nghĩ của em về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương
Bài văn mẫu số 2:
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng của biết bao thi nhân nổi tiếng và trong số rất nhiều tên tuổi nổi tiếng, Viễn Phương với bài thơ “Viếng lăng Bác” vẫn để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu đậm. Bài thơ là những tình cảm chân thành nhất, sâu nặng nhất của tác giả và đồng bào miền Nam dành cho vị Cha già kính yêu vĩ đại của dân tộc.
Viễn Phương viết bài thơ “Viếng lăng Bác” năm 1976, một năm sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất đồng thời cũng là thời điểm lăng chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được khánh thành. Nhà thơ có dịp ra Bắc thăm lăng Bác Hồ với tâm trạng xúc động vô bờ bến, cũng chính điều này đã tạo nguồn cảm hứng để tác giả sáng tác bài thơ đầy xúc cảm này.
Ngay ở khổ thơ đầu, một khung cảnh bên ngoài lăng đã được tác giả giới thiệu một cách rất tự nhiên và chân thật:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
Trước lăng Bác là tâm trạng xúc động, là tiếng lòng của một người con miền Nam sau biết bao ngày tháng mong chờ được ra Bắc viếng lăng Bác. Ngay ở câu thơ đầu tiên: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” như một lời thông báo, giới thiệu giản dị nhưng chứa chan bao tình cảm thân thương. Với cách xưng hô “Con – Bác” người đọc như cảm nhận được tình cảm vừa gần gũi, vừa thân thiết lại thành kính của một người con đi xa lâu ngày nay được trở về gặp lại người cha kính yêu của dân tộc. Qua đó ta cũng thấy được giữa lãnh tụ và quần chúng không hề có khoảng cách, mà có sự gắn kết mật thiết với nhau. Cụm từ “con ở miền Nam” vừa chứa đựng một nỗi đau mất mát, vừa thể hiện được niềm tự hào lớn lao. Miền Nam gian khổ mà anh dũng, đã bao nhiêu năm chiến đấu hi sinh, để có được ngày đất nước thống nhất, vậy mà Bác lại không cùng chung vui niềm vui ấy với hàng triệu trái tim nước nhà. Nỗi đau ấy như được vơi bớt đi phần nào với cách dùng từ thay thế tinh tế của nhà thơ. Từ “thăm” thay cho từ “viếng” như làm dịu đi nỗi đau mất Bác và ẩn sau trong đáy lòng mỗi con người Việt Nam: Bác Hồ vẫn còn sống.
Sau tâm trạng ấy là một khung cảnh hàng tre bát ngát hiện ra trước mắt nhà thơ khi đứng trước lăng. Từ xa xưa, hình ảnh cây tre đã trở nên quen thuộc, gần gũi với mỗi một miền quê, nay nó được nhân hóa như hình ảnh con người Việt Nam với bao phẩm chất tốt đẹp: bền bỉ, kiên cường, hiên ngang trước mọi khó khăn, thử thách. Hàng tre mà đất nước – đại diện cho dân tộc luôn trung thành gắn bó, canh giấc ngủ yên bình cho Người. Với từ cảm thán “Ôi!” mà nhà thơ sử dụng đã biểu hiện niềm xúc động xen lẫn tự hào trước hình ảnh hàng tre. Có thể nói, hình ảnh tre là khúc nhạc dạo đầu nói lên niềm xúc động bồi hồi của nhà thơ khi đến bên Lăng Bác.
Nối tiếp nỗi niềm xúc động đó, là cảm xúc của tác giả trước hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Với một tấm lòng biết ơn, ngưỡng mộ và kính yêu vị lãnh tụ của dân tộc. Tác giả mượn hình ảnh “mặt trời” để biểu tượng cho hình ảnh Bác trong lòng hàng triệu trái tim Việt Nam. Một hình ảnh thật đẹp và giàu sức sáng tạo. Nếu ở trên là mặt trời thiên nhiên soi sáng không gian và mang lại sự sống cho muôn loài, thì ở câu thơ dưới “mặt trời” là một hình ảnh ẩn dụ để chỉ Bác. Bác là nhà cách mạng tài ba mang đến ánh sáng cách mạng, đem đến cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Với chi tiết “rất đỏ” đã làm cho câu thơ thêm ấn tượng sâu sắc, cho ta thấy một trái tim đầy nhiệt huyết luôn khi hi sinh vì nước, vì dân và một trái tim ấm nóng luôn dành những tình cảm thân thương nhất cho đồng bào cả nước. Màu đỏ ấy như xua tan đi nỗi đau mất mát, làm ấm lại khung cảnh đau thương.
Khi hòa cùng dòng người vào viếng lăng Bác, nhà thơ bồi hồi, xúc động:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
Với điệp từ “ngày ngày” vừa gợi ấn tượng về cái trường sinh vĩnh viễn, về quy luật của dòng người vào lăng viếng Bác cũng như quy luật tự nhiên của tạo hóa. Vừa gợi lên tấm lòng của nhân dân không nguôi nhớ Bác. Hình ảnh “dòng người đi trong thương nhớ” là một hình ảnh thực, gợi tả ngày ngày từng dòng người chầm chậm, thành kính vào lăng viếng Bác trong niềm xúc động, tiếc thương và biết ơn vô hạn. Hình ảnh đó được Viễn Phương ví như tràng hoa dâng lên Người bởi cuộc đời của họ đã được nở hoa dưới ánh sáng cách mạng của Bác. Một hình ảnh thật đẹp và giàu tính nhân văn.
Tiếp mạch cảm xúc ấy, là cảm xúc, là tình cảm dồn nén bấy lâu của nhà thơ khi đứng trước di hài của Bác:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Giấc ngủ của Bác là giấc ngủ giữa vầng trăng, là giấc ngủ đêm bình thường chứ không phải giấc ngủ ngàn thu vĩnh viễn. Ta có cảm giác như Bác vẫn đang còn đó, Bác như vẫn đang bên cạnh chúng ta. Đây là một giấc ngủ “bình yên” trong niềm yêu thương con người và vạn vật. Đến đây ta lại thấy được ngòi bút của ông thật đặc sắc, giàu sáng tạo với việc lấy hình ảnh vũ trụ để ví với Bác. Hình ảnh “vầng trăng” gợi cho ta nghĩ đến vẻ đẹp tâm hồn trong sạch và thanh cao của Người.
Cảm xúc tự hào, ngưỡng mộ như lắng xuống nhường chỗ cho nỗi đau trào dâng không thể kìm nén:
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.
Dẫu rằng lý trí vẫn cứ nghĩ là Bác còn sống mãi với chúng ta, nhưng sao tim ta vẫn đau nhói như nghẹn lại, không nói nên lời khi nhận ra một sự thật đau lòng: Bác đã ra đi mãi mãi. Đó là nỗi đau vô hạn, xót thương. Lời thơ như tiếng khóc nghẹn ngào của đứa con về muộn bên di hài người Cha của mình. Và tiếp tục, hình ảnh của vũ trụ: “trời xanh” lại được nhà thơ nói đến như những gì kì vĩ, cao cả, bất diệt, vĩnh hằng như để ca ngợi tầm vóc lớn lao, đồng thời thể hiện lòng kính trọng của nhà thơ đối với Bác.
Nếu như ở trên, nỗi đau ấy mới chỉ âm ỉ, đau nhói thì đến khổ thơ cuối, khi sắp phải trở lại miền Nam, nhà thơ bỗng trào dâng niềm cảm xúc. Lòng thương nhớ bao lâu nay đã vỡ òa trong tiếng khóc nghẹn ngào:
Mai về miền Nam, thương trào nước mắt
Mai về miền Nam, nhớ Bác không nguôi
Hai câu thơ như một lời giã biệt, từ “trào” diễn tả cảm xúc mãnh liệt, luyến tiếc, bịn rịn, lưu luyến không muốn chia xa. Đó là nỗi đau không chỉ của riêng tác giả mà còn là của muôn triệu trái tim bé nhỏ cùng chung nỗi đau mất Bác. Tình cảm ấy, cảm xúc ấy đã lên đến đỉnh điểm của sự tột cùng, bởi vậy mà nhà thơ có ước mong muốn hóa thân thành “con chim hót quanh lăng”, làm “đóa hoa tỏa hương”, làm “cây tre trung hiếu” để được sống mãi cùng Người, để được báo đáp công ơn mà Bác đã mang đến cho nhân loại:
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Như chúng ta đã biết, mở đầu bài thơ hình ảnh cây tre được nhà thơ nói đến. Và đến cuối bài thơ, “cây tre” cũng được nhà thơ nhắc lại. Nhưng, lúc này cây tre đã mang thêm một ý nghĩa mới. Nó không còn là cây tre mang ý nghĩa bình thường nữa, mà đó là lòng kính yêu và ước nguyện thủy chung tiếp tục đi theo con đường, lý tưởng cách mạng mà Bác đã chọn cho dân tộc.
Bài thơ khép lại trong sự xa cách về không gian, nhưng lại tạo được sự gần gũi trong ý chí, tình cảm. Bằng tất cả tình yêu thương chân thành, Viễn Phương đã bộc lộ hết những cung bậc cảm xúc của mình qua những vần thơ. Và đó cũng chính là tình cảm của mỗi con dân miền Nam nói riêng và của cả nhân loại nói chung dành cho Bác.
Bài văn mẫu số 3:
Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác nỗi mong cha
Miền Nam luôn là nỗi day dứt, niềm nhớ thương khôn nguôi của Bác Hồ và ước mong được gặp vị cha già dân tộc cũng là khát vọng thường trực trong tâm hồn những người con miền Nam. Viếng lăng Bác là bài thơ của Viễn Phương nói lên tiếng lòng của hàng triệu triệu trái tim miền Nam đối với Người.
Bài thơ được sáng tác trong không khí xúc động của nhân dân ta lúc công trình lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hoàn thành, đồng bào miền Nam được thoả mong ước bấy lâu: được ra viếng Bác. Vì vậy, ngay từ dòng thơ đầu tiên, tác giả đã nghẹn ngào thốt lên:
Con ở Miền Nam ra thăm lăng Bác
Câu thơ giản dị như một lời thông báo nhưng lại ẩn chứa bao niềm xúc cảm sâu lắng của người con miền Nam, sau bao năm tháng đợi chờ mòn mỏi nay đã được thoả nguyện ra thăm lăng Bác. Tiếng “con” đầu câu thơ vang lên ấm áp, thân thương biết mấy ! Bác gần gũi lắm, thân thiết lắm với những con dân đất Việt, như một vị cha già của dân tộc. “Con ở miền Nam” mấy tiếng ấy bao hàm cả nỗi đau và niềm tự hào sâu sắc. Miền Nam của nỗi đau chia cắt, miền Nam đi trước về sau, miền Nam gian khổ và anh hùng, miền Nam thành đồng Tổ quốc vừa chiến thắng kẻ thù hung bạo để về sum họp một nhà với cả nước thân yêu ! Mong một lần được nhìn thấy Bác cho thoả nỗi nhớ mong, nhưng thật đau xót, Bác không còn. Vì vậy từ “thăm” tác giả sử dụng thay cho từ “viếng” không chỉ là cách nói giảm nói tránh để vơi bớt cảm giác đau thương, xót xa mà còn là sự khẳng định sức sống bất diệt của Bác Hồ – Người sống mãi trong lòng miền Nam, trái tim Việt Nam.
Trong niềm cảm xúc trào dâng ấy, hình ảnh hàng tre hiện lên đầy hiên ngang, mang tới bao ấn tượng sâu đậm cho người viếng thăm:
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát,
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
Thán từ “Ôi” cất lên như dòng cảm xúc ngỡ ngàng trào dâng trong lòng nhà thơ. Những tính từ “bát ngát”, “xanh xanh” gợi sự trải dài ngút ngàn, mướt mát của hàng tre bên lăng Người. Hình ảnh cây tre vốn là biểu tượng cho sự bất khuất, kiên cường, cho tấm lòng thẳng ngay kiên trung. Nó đã đi sâu vào tâm thức dân tộc, toả bóng mát rượi bao trùm bao thế hệ người Việt Nam. Đó là bóng tre đằng ngà trong bàn tay Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân bảo vệ bờ cõi đất nước, là lũy tre làng thân quen bao bọc sự bình yên của thôn xóm, là cây tầm vông, là hầm chông giết giặc. Cây tre ấy mang những phẩm chất của con người, Tổ quốc ta: dẻo dai, đoàn kết, bất khuất, kiên cường. Và Bác chính là sự hội tụ tất cả những gì cao đẹp nhất của phẩm cách Việt Nam: là sự sống bát ngát luôn xanh màu, là tâm thế kiên cường “đứng thẳng hàng” chống chọi lại với “bão táp mưa sa”. Hàng tre ấy bây giờ đang đứng bên lăng Bác như người lính kiên trung canh giữ giấc ngủ bình yên cho Người, như dân tộc Việt Nam đời đời sát cánh bên vị cha già dân tộc.
Sau giây phút lắng sâu với dòng cảm xúc nghẹn ngào vỡ oà khi tới lăng, hoà vào dòng người đến thăm Bác, dòng suy tưởng của nhà thơ dâng trào những cung bậc mới:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Câu thơ tạo hiệu ứng thẩm mĩ đặc biệt trước hết bởi sự kết hợp tài tình giữa hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi với nhau. Từ hình ảnh thực mặt trời của thiên nhiên, vũ trụ soi sáng và mang lại sự sống cho muôn loài “ngày ngày đi qua trên lăng”, Viễn Phương liên tưởng tới một mặt trời ẩn dụ trong lăng. Bác Hồ là mặt trời. Bác đã mang ánh sáng cách mạng đến cho dân tộc. Bác đã dẫn lối, chỉ đường cho đất nước đi qua bao thăng trầm của lịch sử. Ánh sáng của Người xua tan đêm đen bao phủ dân tộc hàng nghìn năm. Tình yêu bao la từ trái tim ấm áp của Người có sức nóng, lan toả như tia nắng mặt trời. Nhưng dường như chỉ ví Bác với mặt trời thôi thì chưa đủ, mà cần phải nhấn mạnh đặc tính nổi bật nhất của cái quầng sáng thiêng liêng ấy: “rất đỏ”. Mặt trời “Ngày ngày đi qua trên lăng” của vũ trụ bao la đâu phải lúc nào cũng giữ được sắc đỏ và nguồn nóng mà sẽ có lúc bị đêm đen bao phủ. Nhưng mặt trời Bác Hồ thì vĩnh cửu, trường tồn, mãi là nguồn sống, là ánh sáng soi đường cho dân tộc Việt Nam, mãi mãi đỏ thắm trong trái tim, tâm hồn mỗi người con đất Việt. Vì vậy mà con cháu của Bác luôn thành kính dâng lên người tình yêu chân thành nhất:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…
Như mặt trời thiên nhiên, ngày ngày dòng người cũng đi qua trên lăng, trong niềm thương nỗi nhớ sâu đậm. Điệp ngữ “ngày ngày” khẳng định thời gian vĩnh cửu, chảy trôi. Nhịp thơ đều đều, chầm chậm, như bước chân đoàn người vào lăng viếng Bác. “Dòng người đi trong thương nhớ” ấy kết thành những tràng hoa tươi thắm dâng Người. Đó không chỉ là hình ảnh thực mà còn là hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo của Viễn Phương: cuộc đời của con người đã nở hoa dưới ánh sáng mặt trời của Bác. Đó là tràng hoa đẹp nhất, với hương thơm ngát kính dâng lên Người dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân”. Hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng được tác giả sử dụng thật độc đáo. Con người vĩ đại ấy đã sống trọn vẹn một cuộc đời đẹp như những mùa xuân thắm tươi và làm nên những mùa xuân bát ngát cho đất nước, cho con người Việt Nam. Ta nhận ra trong đó bao sự thành kính, trân trọng của một người con đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Và niềm biết ơn thành kính ấy đã chuyển thành nỗi xúc động nghẹn ngào khi tác giả được thấy:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Bác đang bình yên trong giấc ngủ êm đềm. Nỗ lực của “bảy mươi chín mùa xuân” trong cuộc đời Người đã được đáp đền xứng đáng khi giờ đây núi sông đã liền một dải, Nam Bắc thống nhất, đất nước chan hoà trong tự do, hạnh phúc. Sự bình yên của Bác là sự bình yên của một lãnh tụ suốt đời lo lắng cho dân tộc, đã có thể an lòng trước sự vững vàng của đất nước. Ánh sáng dịu nhẹ trong lăng gợi liên tưởng thú vị tới “vầng trăng sáng dịu hiền”. Trăng là tri kỉ của Bác, đã cùng Người gắn bó, san sẻ từ những ngày tháng còn trong lao tù hay giữa “cảnh khuya” nơi chiến khu luận bàn việc quân. Nhưng chưa bao giờ Người được thảnh thơi ngắm trăng. Chỉ giờ đây, khi đã “nằm trong giấc ngủ bình yên”, Người mới đến với trăng trọn vẹn tấm tình. Trăng dịu hiền soi sáng hình ảnh Bác. Nhưng vầng trăng ấy còn là tình cảm thiết tha sâu nặng của con dân Việt Nam dệt nên để nhẹ nhàng canh giấc ngủ ngàn thu cho Người. Trăng cũng nằm trong hệ thống hình ảnh vũ trụ được Viễn Phương sử dụng để ví với Bác. Người vừa như mặt trời rực rỡ, vĩ đại, vừa như vầng trăng dịu hiền, thanh cao. Ta nhận ra trong sự so sánh ấy niềm kính yêu vô hạn của nhà thơ đối với Bác.
Nhưng tình yêu càng lớn thì niềm đau cũng càng trào dâng mãnh liệt khi phải đối diện với sự thật đau đớn: Bác đã không còn.
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim !
Câu thơ có sự đối lập giữa lí trí và trái tim, giữa cái vĩnh cửu và cái hữu hạn. Trời xanh kia sẽ mãi trường tồn, và Bác sẽ sống mãi trong trái tim, tâm hồn người dân Việt Nam như màu xanh mãi ngự trị trên bầu trời Tổ quốc. Bác về với tiên tổ, hoá thân thành một phần của thiên nhiên đất nước, vĩnh cửu bất diệt cùng núi sông, biển trời quê hương. Nhà thơ Tố Hữu đã từng khẳng định:
Bác sống như trời đất của ta
Lý trí đã xác định như thế nhưng trái tim thì nhức nhối, nhói đau. Một từ “nhói” đặt chính giữa câu thơ, như một vết khứa đậm sâu trong trái tim nhà thơ, thể hiện niềm đau quặn thắt – nỗi đau vượt lên trên mọi lí lẽ hằng thường của lí trí. Nơi đây chỉ còn sự ngự trị của trái tim – trái tim thổn thức rung lên những cung bậc yêu kính, tiếc thương chân thành.
Gặp được Bác, thoả nguyện mong mỏi bấy lâu, nhưng niềm hạnh phúc, nỗi bồi hồi, sự nghẹn ngào xúc động chưa kịp nguôi thì giờ chia xa đã lại đến:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Câu thơ tràn ngập tình yêu, niềm xúc cảm ngân vang và dòng nước mắt nhớ thương. Chỉ một chữ “trào” thôi cũng đủ diễn tả niềm luyến tiếc, bịn rịn mãnh liệt trào dâng trái tim nhà thơ. Để rồi từ dòng cảm xúc chân thành ấy, nhà thơ cất lên muôn vàn nguyện ước:
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này
Điệp từ “muốn làm” vang lên ba lần như muốn khẳng định ước muốn, sự chân thành của tác giả, cũng là của hàng triệu con người Việt Nam: Muốn làm con chim cất cao tiếng hót trong lành, ngân nga làm rộn ràng không gian; muốn làm bông hoa nhỏ ngát hương thơm thanh cao nơi Bác yên nghỉ; muốn làm cây tre xanh Việt Nam toả bóng mát dịu dàng, trung hiếu giữ mãi giấc ngủ bình yên cho Người. Hình ảnh cây tre khép lại bài thơ thật ý nhị biết bao. Nó láy lại hình ảnh ở đầu bài thơ, tạo nên một khúc ngân…
Viếng lăng Bác là một trong những bài thơ hay nhất về Bác. Làm nên sức sống của thi phẩm là hệ thống hình ảnh ẩn dụ giàu ý nghĩa và đặc biệt là dòng cảm xúc mãnh liệt trào dâng khắp các dòng thơ. Bài thơ là tiếng lòng không chỉ của Viễn Phương, của người dân miền Nam mà của tất cả những người yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó sẽ còn ngân vang mãi trong trái tim mỗi chúng ta, như sự vĩnh cửu, trường tồn của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
» Xem thêm:
- Cảm nhận của em về hai khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác – Viễn Phương
- Các đề văn về bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương
******
Hy vọng rằng dàn ý chi tiết cùng bài tham khảo chứng minh nhận định Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động, đẹp đẽ của nhà thơ Viễn Phương trên đây sẽ giúp các em hoàn thành bài làm của mình một cách hoàn thiện và thuận lợi. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu lớp 9 khác được cập nhật thường xuyên tại Mầm Non Ánh Dương. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!
[Văn mẫu 12] Những bài văn mẫu hay phân tích, làm rõ quan điểm: Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động, đẹp đẽ của nhà thơ Viễn Phương và đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục