Đề bài: Từ cổ tích Tấm Cám, viết một truyện mới về cô Tấm ngày nay và kể lại câu chuyện đó
This post: Từ cổ tích Tấm Cám, viết một truyện mới về cô Tấm ngày nay và kể lại câu chuyện đó
Phần 1: Dàn ý từ cổ tích Tấm Cám, viết một truyện mới về cô Tấm ngày nay và kể lại câu chuyện đó
Phần 2: Bài văn mẫu Từ cổ tích Tấm Cám, viết một truyện mới về cô Tấm ngày nay và kể lại câu chuyện đó
Bài làm:
Bài mẫu số 1: Từ cổ tích Tấm Cám, viết một truyện mới về cô Tấm ngày nay và kể lại câu chuyện đó (Chuẩn)
Những đêm rằm trăng sáng, Dịu lại cùng bà ra sân ngắm trăng, ánh trăng tròn viên mãn, tuyệt đẹp, trăng luồn qua từng kẽ lá, toả xuống từng bóng cây, ánh trăng dịu hiền như ánh mắt ngoại vậy. Bà kể cho Dịu nghe biết bao là câu chuyện cổ tích, chuyện Thạch Sanh đốn củi, chuyện nàng lọ lem nghèo khổ lấy hoàng tử, chuyện Sọ Dừa chăm chỉ, thông minh,… và nhiều câu chuyện khác nữa. Dịu thích nhất là chuyện Tấm Cám nên cứ đòi bà kể mãi câu chuyện ấy, Dịu thần tượng cô Tấm lắm.
Một lần, Dịu thắc mắc hỏi bà:
– Bà ơi! Cô Tấm có ngoài đời thật không bà nhỉ? Cháu muốn được gặp cô Tấm quá, chắc cô Tâm xinh đẹp lắm bà nhỉ?
Bà mỉm cười, nụ cười trìu mến, nhìn Dịu với ánh mắt âu yếm:
– Có chứ cháu, cháu cũng có thể là cô Tấm đấy thôi
Dịu ngạc nhiên:
– Có thật cháu cũng có thể làm cô Tấm không bà?
– Đúng rồi cháu ạ, ai cũng có thể làm cô Tấm cho cuộc đời mình cháu ạ.
Dù không hiểu ý bà lắm nhưng Dịu vẫn rất vui, vì từ lâu Dịu đã ao ước được mình một lần trở thành cô Tấm, bước ra từ quả thị vàng thơm phức trong bộ dạng thật xinh đẹp. Làm một cô Tấm thảo hiền, được mọi người yêu quý, nhưng chưa bao giờ trong đầu óc non nớt của cô bé lên 10 ấy nghĩ mình có thể làm một cô Tấm.
Một ngày, cũng như bao ngày khác, Dịu cắp sách rảo bước về nhà sau buổi học ở trường. Trên đường về, Dịu gặp cụ già đang mò mẫm để đi qua đường nhưng rất khó khăn. Nhanh chân chạy lại, Dịu dìu cụ qua đường, rồi tranh thủ đưa cụ về nhà. Đó là cụ Hón, nhà cũng gần nhà Dịu, chỉ cách một hẻm nhỏ, con cái bà ở xa, thỉnh thoảng giỗ chạp mới về, dăm ba hôm lại đi. Dịu nghe mẹ bảo, hồi xưa bà còn khỏe mạnh, làm thuê kiếm sống qua ngày. Nhưng sau trận ốm, tuổi cũng già cả nên bà yếu hẳn, giờ bà mở hàng bán nước chè đầu ngõ, bán cho khách vãng lai, kiếm dăm ba đồng bạc mỗi ngày.
Dịu thương bà lắm, giờ Dịu cũng đã lớn rồi không còn là cô bé nũng nịu ngày nào nữa, Dịu biết giúp mẹ việc nhà, rửa bát, quét nhà Dịu đều làm được hết. Thế là từ hôm đưa cụ về, Dịu quyết định mỗi ngày sẽ qua giúp cụ dọn dẹp nhà cửa, cho cụ đỡ phần nào. Cứ mỗi trưa, tranh thủ lúc rảnh, Dịu lại chạy qua nhà bà, thấy nhà chưa dọn dẹp là Dịu bắt tay làm ngay, hôm thì giúp bà lau ly chén, quét mạng nhện trong phòng, hôm thì Dịu nấu cơm trước cho bà, có hôm Dịu quét lá rụng nơi góc sân, hôm lại giúp bà giặt quần áo trong chậu. Dịu làm nhanh lắm, mọi việc cứ như đã thành thục lắm rồi. Cụ đi bán nước về tối, thấy nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng cũng lấy làm lạ, đem chuyện kể cho mọi người. Ai nấy cũng khen bà tốt phước, gặp được người lành, Dịu nghe mà giả vờ không hay, cứ tủm tỉm cười thích thú.
Hôm nọ, mẹ đi chợ về mua được mẻ cá to, Dịu xin mẹ một ít, chạy ra vườn hái thêm vài quả khế đem sang nấu cho cụ nồi canh. Cơm canh vừa chín, thì bỗng cụ Hón xuất hiện, Dịu bất ngờ hoảng hốt, lắp bắp:
– Cháu xin…..xin lỗi cụ….cháu vào nhà khi cụ chưa cho phép ạ!
Cụ Hón xoa đầu Dịu mỉm cười:
– Bấy lâu cụ tưởng là cô Tấm nào tốt bụng, hoá ra là nàng Tấm nhà mẹ Liên đấy à! Không sao đâu cháu ạ, cháu là cô Tấm ngoan nhất rồi đấy.
Dịu lau giọt nước mắt rồi hai bà cháu cùng dọn cơm, ngồi ăn cùng trò chuyện vui vẻ. Dịu đem chuyện của mình kể với cả nhà, nghe xong ai cũng khen ngợi, Dịu vui lắm. Giờ Dịu mới hiểu ra, hóa ra làm cô Tấm thật dễ dàng.
Thế là từ đó, ngày nào Dịu cũng qua đỡ đần giúp cụ, thỉnh thoảng Dịu còn rủ bạn bè qua chơi với cứu cho cụ đỡ buồn. Căn nhà cụ từ đây ngày một rộn ràng hơn, không còn trống trải như trước nữa.
Bài mẫu số 2: Từ cổ tích Tấm Cám, viết một truyện mới về cô Tấm ngày nay và kể lại câu chuyện đó (Chuẩn)
“Con lớn lên trong tình thương của mẹ
Nơi yêu thương tha thiết từ bao giờ”
Khi lắng nghe những câu ca trên vang vọng từ những chiếc nôi đong đưa, Bông chỉ biết khóc trong âm thầm và giấu đi những giọt nước mắt tủi hờn của mình.
Mặc dù hằng ngày, Bông vẫn nhận được sự yêu thương, đùm bọc, chở che từ bà – một người bà không cùng chung huyết thống nhưng trong em vẫn mang trong mình những mặc cảm của một đứa bé mồ côi. Bông vốn là một đứa bé bị cha mẹ ruồng bỏ. Vào một buổi sáng tinh sương, khi mở cửa hàng để chuẩn bị cho công việc mua bán trong ngày, bà lão bán nước bỗng nhìn thấy một bọc vải đặt ngay trên chiếc chõng mà các bác nông dân vẫn thường dừng chân để nghỉ ngơi, uống nước và trút hết những nỗi niềm, câu chuyện sau một ngày lao động mệt mỏi. Khi đến gần, bà lão nhìn thấy một đứa bé sơ sinh còn say giấc một cách ngon lành. Và rồi, đứa bé bỗng nhiên cất tiếng khóc oa oa. Bà lão xúc động trước tiếng khóc đó, bởi bà là một người phụ nữ bất hạnh khi không có bản năng làm mẹ, người chồng vì thế mà rời bỏ bà và tạo dựng một gia đình khác. Kể từ đó, bà lão sống trong sự lặng lẽ, cô đơn. Giây phút nhìn thấy đứa trẻ, bà đã xem nó như là một phép màu và là món quà do ông trời ban tặng, an ủi những năm tháng cô đơn lúc về già.
Thời gian cứ thế qua đi, Bông lớn lên trong sự chăm sóc ân cần, yêu thương của bà cụ một cách vô tư và hồn nhiên với sự hạnh phúc vô bờ bến. Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng Bông vẫn lon ton giúp đỡ bà những công việc nhỏ như rót nước, mời trà các bác nông dân với thái độ ngoan ngoãn, lễ phép. Khi Bông lớn lên cũng là lúc tấm lưng của bà còng hơn, mái tóc bạc hơn xưa rất nhiều.
Nhưng rồi, đến tuổi đi học, Bông thường xuyên bị bạn bè trêu chọc và bị cô lập bởi em là một đứa bé không cha, không mẹ. Kể từ lúc biết về sự thật về bản thân, cô bé thường khóc lặng lẽ khóc một mình. Rồi đến một ngày trái gió trở trời, bà cụ bỗng nhiên ốm nặng. Vì lo lắng cho bà, Bông đã trốn học và ngồi ngoài hiên, lúc bà cụ thiếp đi, Bông lại vào nhà dọn dẹp và nấu cháo cho bà nhanh khỏi ốm. Nhưng vì sợ bà không đồng ý với việc tự mình nghỉ học, Bông chỉ lặng lẽ, âm thầm tiến hành những công việc đó. Ngày ngày, sau khi tỉnh giấc, bà lão đều nhìn thấy một bát cháo bốc khói nghi ngút ngay cạnh chiếc bàn tre kê ở đầu giường. Lấy làm lạ vì điều này, bà lão đã quyết định tìm hiểu sự tình. Khi nhìn thấy đứa cháu gái bé bỏng của mình đang loay hoay bên chiếc bếp lửa để nấu cháo, bà vô cùng xúc động và ôm chầm lấy Bông:
– Nhờ có những bát cháo nóng hổi của Bống, bà đã khỏi ốm rồi. Nhưng sao giờ này cháu vẫn chưa đi học.
Nhìn thấy bà đã hoàn toàn tỉnh táo, bao nhiêu nỗi buồn và tủi hờn bị kìm nén bao lâu bỗng tuôn trào thành những giọt nước mắt:
– Bà ơi! Cháu không muốn đi học nữa đâu, cháu không muốn tới trường nữa! Cháu chỉ muốn ở nhà, bà cho cháu ở nhà với bà mãi, bà nhé!
Vẻ mặt bà ánh lên vẻ buồn rầu:
– Có phải vì bà ốm yếu nên cháu muốn nghỉ học hay không? Như vậy là cháu không ngoan, như vậy bà buồn lắm.
Bông òa khóc nức nở:
– Bà ơi! Ở lớp các bạn không ai chơi với cháu, ai cũng bảo cháu là đứa trẻ mồ côi, không cha không mẹ, lớn lên cũng trở thành người vô dụng vì không ai cần đến cháu cả.
Bà lão xúc động, hóa ra bấy lâu nay, tâm hồn mong manh, ngây thơ của cô bé đã vô tình bị tổn thương:
– Cháu ngoan của bà! Cháu là một cô bé ngoan ngoãn, lễ phép. Ai nói không ai cần cháu? Bà ngày ngày vẫn cần cháu ở bên cạnh, rồi khi học hành chăm chỉ, cháu sẽ trở thành một người hữu ích cho xã hội và nhận được sự tôn trọng từ người khác. Cháu xuất hiện trong cuộc đời bà như một phép màu. Đối với bà, cháu là cô Tấm hiền lành, ngoan ngoãn, tốt bụng, lễ phép. Và bây giờ, bà muốn cháu nỗ lực, cố gắng học tập để trở thành cô Tấm trong lòng mọi người.
Bông ôm chầm lấy bà, những giọt nước mắt vẫn lã chã rơi và tự hứa sẽ không bao giờ nghỉ học nữa. Từ đó, sức khỏe bà lão cũng yếu dần. Để có tiền đi học, Bông đã cố gắng giúp đỡ bà những công việc buôn bán hằng ngày, đồng thời khi lớn lên, cô bé cũng xin đi làm thêm để duy trì việc học.
“Thời gian thấm thoắt qua đi”, ít ai có thể ngờ rằng, đứa bé mồ côi bị bỏ rơi, cô cháu gái bé bỏng ngày nào của bà lão bán nước đã trở thành một bác sĩ nổi tiếng bằng hành trình vượt khó, vượt lên những mặc cảm của bản thân. Chỉ có một điều duy nhất không bao giờ thay đổi, đó là tình cảm, lòng hiếu thuận dành cho bà. Hằng ngày, Bông đều chăm sóc bà rất chu đáo và bà lão luôn tự hào về cô cháu gái. Trước sự nỗ lực của Bông và cuộc sống đầm ấm của hai bà cháu, người dân trong vùng đều cảm phục và truyền tai nhau về câu chuyện về Bông – một cô Tấm thời hiện đại đã xây nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thực về hành trình bước tới hạnh phúc.
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục