Đề bài: Thuyết minh về di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc
This post: Thuyết minh về di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc
Thuyết minh về di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc
I. Dàn ý Thuyết minh về di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về vấn đề cần thuyết minh: di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc
2. Thân bài
a. Khái quát về di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc
– Vị trí: nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, thuộc địa phận thị trấn Đồng Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh
– Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ: Là giao điểm quan trọng trong tuyến giao thông huyết mạch của quân và dân ta, quân Mỹ tập trung ném bom ở đây nhằm cắt đứt đường hành quân của quân ta.
– Là nơi gắn với sự kiện lịch sử 10 nữ thanh niên xung phong anh dũng hy sinh trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ
b. Ngã ba Đồng Lộc thời kỳ chiến tranh
– Là ngã ba giao thông huyết mạch của con đường hành quân, vận chuyển của quân ta trong kháng chiến chống Mỹ
– Là nơi 10 cô gái trẻ là thanh niên xung phong làm nhiệm vụ canh giữ cao điểm, phá bom, sửa đường thông xe.
– Thời kỳ chiến tranh, mỗi ngày nơi đây nhận hàng 15-20 trận bom dội xuống.
– Ngày 24/7/1968 quả bom rơi sát miệng hầm tránh bom của 10 cô gái khiến họ đều hy sinh
c. Ngã ba Đồng Lộc ở thời bình
– Ngã ba Đồng Lộc trở thành di tích lịch sử thiêng liêng, mang giá trị tâm linh sâu sắc
– Cụm tượng đài 10 cô gái thanh niên xung phong được xây dựng từ nguồn quyên góp tự nguyện của viên chức giáo dục, học sinh, sinh viên cả nước.
– Trở thành địa điểm thăm viếng thiêng liêng ý nghĩa đối với mọi người dân và khách quốc tế
– Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc được đưa vào trong phim ảnh và thơ ca, âm nhạc
3. Kết bài
Khẳng định ý nghĩa lịch sử lớn lao và thiêng liêng của di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Chuẩn)
Có một câu chuyện có thật kể về những con người tuổi đời rất trẻ nhưng mà gan góc, đọ sức với bom đạn của kẻ thù đó chính là câu chuyện về 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Nhắc đến địa danh ấy người ta thấy vang trong không gian âm hưởng của một bản anh hùng ca đầy bi tráng. Trong bài thơ “Ngã ba Đồng Lộc” của Huy Cận ông đã viết về một ngã ba làm bằng xương máu:
Con ơi, bố về thăm Hà Tĩnh quê ta
Bố kể con nghe về ngã ba Đồng Lộc”
Có biết bao ngã ba trên khắp đất nước Việt Nam này nhưng chẳng ngã ba nào đau thương mà anh dũng như Đồng Lộc. Có ai xuôi về Hà Tĩnh xin hãy ghé qua ngã ba Đồng Lộc để thắp cho các cô gái thanh niên xung phong một nén hương như là lòng biết ơn vì sự hy sinh của các cô cho quê hương, đất nước.
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn qua địa phận thị trấn Đồng Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Đây là nơi gắn với lịch sử 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ quân và dân ta phải chi viện từ Bắc vào Nam, để cho huyết mạch được thông suốt đã có biết bao xương máu của chiến sĩ và nhân dân đổ xuống. Trong đó Đồng Lộc là ngã ba giao thông huyết mạch của con đường hành quân, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam. Chính vì sự tàn phá của quân đội Mỹ lên con đường này mà nơi đây thành lập nên một tiểu đội gồm 10 cô gái trẻ là thanh niên xung phong với nhiệm vụ canh giữ cao điểm, phá bom, sửa đường thông xe. Cao điểm nhất có ngày ngày nơi đây nhận hàng 15-20 trận bom dội xuống, các cô gái trẻ gan dạ không sợ hiểm nguy, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cho đến một ngày, là ngày 24/7/1968 quả bom thứ 15 trong ngày của quân đội Mỹ thả xuống rơi sát miệng hầm tránh bom của 10 cô gái khiến họ đều hy sinh. 10 cô gái thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 đều trong độ tuổi còn rất trẻ chưa mấy ai đã có gia đình, các cô chỉ từ 17 đến 24 tuổi một cuộc đời chưa kịp đỏ thắm đã vụt lửa tắt. !0 cô gái đó bao gồm: Võ Thị Tần (Tiểu đội trưởng), Hồ Thị Cúc (Tiểu đội phó – tìm thấy sau cùng trong số 10 người), Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Dương Thị Xuân, Trần Thị Rạng, Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Hường.
Sự cống hiến, chiến đấu và hy sinh của các cô gái đã trở thành biểu tượng cao đẹp của tuổi trẻ Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh giữ nước. Chiến tranh đã qua đi và lùi xa, kể từ ngày chiến thắng lịch sử ấy đã không còn có trận bom đạn nào dội xuống ngã ba Đồng Lộc nữa, xương máu đã thấm đẫm lòng đất và các cô gái đã có thể ngủ yên trong hòa bình của dân tộc. Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành di tích lịch sử thiêng liêng, mang giá trị tâm linh sâu sắc, cụm tượng đài 10 cô gái thanh niên xung phong được xây dựng đẹp đẽ trang nghiêm từ nguồn quyên góp tự nguyện của viên chức giáo dục, học sinh, sinh viên cả nước. Nơi đây trở thành địa điểm thăm viếng thiêng liêng ý nghĩa đối với mọi người dân khắp mọi miền và khách quốc tế. Để lịch sử không bị mai một và phai mờ đi, địa danh Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc đã nhiều lần được đưa vào trong văn học, nghệ thuật, phim ảnh và thơ ca, âm nhạc. Tiêu biểu như bài thơ “Ngã ba Đồng Lộc” của Huy Cận, phim truyện Việt Nam “Ngã ba Đồng Lộc”, bài thơ “Cúc ơi!” và được phổ nhạc thành bài hát.
Ngã ba Đồng Lộc mãi mãi còn đó, trở thành huyền thoại đi sâu vào tiềm thức con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì thế xin đừng coi Ngã ba Đồng Lộc là một địa chỉ, địa danh lịch sử mà phải khắc ghi nơi đây như một địa chỉ đỏ, một trái tim hồng vẫn luôn rực đỏ trong lòng đất nước, là nơi mang dấu ấn lịch sử chiến đấu vẻ vang của dân tộc. Để từ đó giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ từ thế hệ này sang thế hệ sau.
——————HẾT——————-
Những di tích lịch sử khi được đưa vào văn thuyết minh cái quan trọng nhất là các em phải có kiến thức rõ ràng, chính xác và tiêu biểu nhất về di tích lịch sử đó. Các em có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu khác như: Thuyết minh về Quảng trường Ba Đình, Thuyết minh về di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Thuyết minh về di tích lịch sử ngục Kon Tum, Thuyết minh về Thành nhà Hồ để có thêm những kiến thức hữu ích cho bản thân.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục