Giáo dục

Thuyết minh về ca dao Việt Nam

Đề bài: Thuyết minh về ca dao Việt Nam

thuyet minh ve ca dao viet nam

This post: Thuyết minh về ca dao Việt Nam

Thuyết minh về ca dao Việt Nam
 

I. Dàn ý Thuyết minh về ca dao Việt Nam

1. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về ca dao Việt Nam

2. Thân bài

a. Định nghĩa và đặc điểm của ca dao Việt Nam

* Định nghĩa
– Ca dao là thơ ca dân gian Việt Nam, được kết hợp giữa lời thơ và âm nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người Việt Nam.
– Ca dao là một thể loại văn học đơn giản – thể thơ dân gian.
– Ca dao Việt Nam ra đời từ rất sớm, được truyền miệng dưới dạng những câu hát không theo nhịp điệu nhất định.

* Đặc điểm nội dung
– Ca dao bao quát và phản ánh phạm vi rất rộng của cuộc sống con người bao gồm cả nghi lễ, phong tục tập quán, đời sống gia đình, cộng đồng, những nét đẹp đạo đức lối sống và cả kinh nghiệm sống quý báu.
– Đối tượng của ca dao đa dạng và phổ biến ở tất cả lứa tuổi, nhưng trong mỗi đề tài khác nhau thì nhân vật trữ tình lại khác nhau. Ca dao viết về gia đình, nhân vật trữ tình là người mẹ, người vợ… Ca dao viết về tình yêu trai gái, nhân vật trữ tình là chàng trai và cô gái…

* Đặc điểm hình thức
– Ca dao có những đặc điểm nghệ thuật truyền thống.
– Thể thơ được sử dụng chủ yếu trong ca dao là thể thơ của dân tộc – lục bát và lục bát biến thể.
– Ca dao thường ngắn gọn, hàm súc, sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ và nhiều hình ảnh biểu tượng. Trong ca dao thường xuất hiện hình thức lặp lại: lặp kết cấu, lặp từ, cụm từ, hình ảnh, đôi khi lặp cả dòng thơ.
– Ngôn từ sử dụng trong ca dao thường trong sáng, gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân, đậm đà màu sắc dân tộc và địa phương.

b. Giới thiệu những nội dung lớn trong ca dao Việt Nam

– Ca dao được chia thành nhiều mảng với nội dung, đối tượng phản ánh khác nhau.
– Ca dao yêu thương, tình nghĩa bao gồm tình cảm gia đình cha mẹ, con cái, vợ chồng; tình yêu đôi lứa, yêu quê hương, đất nước, ca ngợi vẻ đẹp dân tộc.

“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

– Ca dao than thân, ra đời từ vất vả, bất công của cuộc sống. Là lời giãi bày của người nông dân trong xã hội cũ và là người phụ nữ với những đè nén, áp bức bất công.

“Thân em như hạt mưa sa,
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày…

– Ca dao hài hước, trào phúng, châm biếm, thể hiện nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam. Nó tạo ra tiếng cười mua vui, giải trí, phê phán những thói hư tật xấu, những con người đáng cười trong xã hội.

c. Giá trị của ca dao Việt Nam
– Ca dao là một phần không thể thiếu trong tâm hồn con người Việt Nam.
– Ca dao là giá trị văn hóa tình thần phi vật thể được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nó không chỉ cất lên giai điệu của tình yêu thương, tình cảm quý báu mà còn là kho tàng kinh nghiệm được đúc kết từ thực tế cuộc sống của nhân dân
– Trong văn học, ca dao cũng tạo nên động lực cho văn học phát triển.
-> Ca dao chính là nét đẹp tâm hồn Việt Nam.

3. Kết bài

– Khẳng định lại vẻ đẹp và sức sống của ca dao Việt Nam

II. Bài văn mẫu Thuyết minh về ca dao Việt Nam

Mỗi nền văn học từ mỗi quốc gia khác nhau lại có những đặc điểm, đặc trưng riêng. Là một quốc gia có nền văn hiến lâu đời, văn học Việt Nam cũng có nhiều nét đặc trưng không thể trộn lẫn. Nếu như Trung Quốc nổi tiếng với những tác phẩm tiểu thuyết, Nhật Bản nổi tiếng với những bộ truyện tranh thì Việt Nam ta cũng vô cùng tự hào với những bài ca dao đã đi cùng bao thế hệ.

Ca dao là thơ ca dân gian Việt Nam, được kết hợp giữa lời thơ và âm nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người Việt Nam. Ca dao còn là một thể loại văn học đơn giản – thể thơ dân gian. Ca dao Việt Nam ra đời từ rất sớm, được truyền miệng dưới dạng những câu hát không theo nhịp điệu nhất định. Trải qua nhiều cải biến và phát triển, cho đến ngày nay, ca dao vẫn là một thể loại văn học đặc trưng của dân tộc.

Ca dao có tên gọi khác là thơ trữ tình, do đó nó cũng có những đặc điểm về nội dung và hình thức của một thể loại văn học. Về nội dung, đề tài, ca dao bao quát và phản ánh phạm vi rất rộng của cuộc sống con người bao gồm cả nghi lễ, phong tục tập quán, đời sống gia đình, cộng đồng, những nét đẹp đạo đức lối sống và cả kinh nghiệm sống quý báu. Đối tượng của ca dao đa dạng và phổ biến ở tất cả lứa tuổi, nhưng trong mỗi đề tài khác nhau thì nhân vật trữ tình lại khác nhau. Ca dao viết về gia đình, nhân vật trữ tình là người mẹ, người vợ… Ca dao viết về tình yêu trai gái, nhân vật trữ tình là chàng trai và cô gái. Ở phạm vi rộng lớn hơn như xã hội, thời đại nhân vật trữ tình mà ca dao lựa chọn lại là người đại diện cho cả tầng lớp hoặc một đối tượng trong xã hội như người phụ nữ, người nông dân.

Về hình thức, ca dao có những đặc điểm nghệ thuật truyền thống. Thể thơ được sử dụng chủ yếu trong ca dao là thể thơ của dân tộc – lục bát và lục bát biến thể. Ngoài ra, ca dao đôi khi còn dùng các thể thơ như song thất lục bát, thơ bốn tiếng, năm tiếng. Ca dao Việt Nam thường ngắn gọn, súc tích nhưng giàu cảm xúc, sử dụng linh hoạt nhiều biện pháp tu từ và các hình ảnh mang tính biểu tượng. Trong ca dao thường xuất hiện hình thức lặp lại: lặp kết cấu, lặp từ, cụm từ, hình ảnh, đôi khi lặp cả dòng thơ. Điều đó yêu cầu chúng ta khi phân tích ca dao phải xuất phát từ yếu tố đó. Cho nên, khi phân tích ca dao, chúng ta phải xuất phát từ những hình thức lặp đó. Ngôn từ sử dụng trong ca dao thường trong sáng, gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân, đậm đà màu sắc dân tộc và địa phương.

Ca dao Việt Nam có rất nhiều nội dung, mỗi nội dung được phản ánh trong một mảng với đối tượng phản ánh và chủ đề khác biệt. Loại đầu tiên là ca dao với tình cảm yêu thương, tình nghĩa bao gồm tình cảm gia đình cha mẹ, con cái, vợ chồng; tình yêu đôi lứa, yêu quê hương, đất nước, ca ngợi vẻ đẹp dân tộc. Đó là những lời ca về mọi miền của Tổ quốc thân yêu:

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.”

Hay thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến:

“Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,
Hỏi ai gây dựng nên non nước này ?!”

Ca dao yêu thương, tình nghĩa dễ khơi gợi nên niềm đồng cảm, niềm tự hào, yêu nước và lòng biết ơn thế hệ cha anh đi trước đã anh dũng chiến đấu hi sinh hay gần gũi nhất là yêu thương, biết ơn những người đã có công sinh thành dưỡng dục. Có một bài ca dao mà ngày nay bao người vẫn thuộc:

“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

Loại ca dao quen thuộc tiếp theo là ca dao than thân, ra đời từ vất vả, bất công của cuộc sống. Đó là người nông dân trong xã hội cũ và là người phụ nữ với những đè nén, áp bức bất công.

“Thân em như hạt mưa sa,
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.
Thân em như giếng giữa đàng,
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Trong xã hội phong kiến xưa kia, chế độ nam quyền gia trưởng đã đẩy bao người phụ nữ vào hoàn cảnh bi kịch bất hạnh. Ca dao giống như những lời than thân trách phận, vang lên từ tận đáy lòng họ. Để rồi mãi mãi về sau, người ta vẫn ghi nhớ mãi.

Ngoài những mảng trên, kho tàng ca dao Việt Nam còn có rất nhiều bài ca dao hài hước, trào phúng, châm biếm. Ca dao mảng này chủ yếu làm nổi bật những nét đặc sắc trong nghệ thuật trào lộng đặc trưng của dân gian Việt Nam. Nó tạo ra tiếng cười mua vui, giải trí, phê phán những thói hư tật xấu, những con người đáng cười trong xã hội. Ví như một bài ca dao châm biếm thói mê tín dị đoan:

“Số cô chẳng giàu thì nghèo,
Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà.
Số cô có mẹ có cha,
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.
Số cô có vợ có chồng,
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai”

Không biết tự bao giờ, ca dao đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn con người Việt Nam. Ca dao là giá trị văn hóa tình thần phi vật thể được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ca dao không chỉ ngân vang giai điệu ngọt ngào của yêu thương mà còn là nơi lưu giữ bao kinh nghiệm quý giá mà cha ông ta đúc kết từ cuộc sống thực tế như “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng/ Ngày tháng mười chưa cười đã tối.” Đồng thời, ca dao cũng gửi gắm những bài học đạo lý làm người như lòng hiếu thảo với cha mẹ, sức mạnh của tình yêu. Trong văn học, ca dao cũng tạo nên động lực cho văn học phát triển. Đó là nguồn tư liệu quý giá, phong phú cho các nhà văn, nhà thơ sáng tạo các tác phẩm của mình. Ca dao chính là nét đẹp tâm hồn Việt Nam.

Nhiều năm tháng đã qua đi nhưng ca dao vẫn luôn sống mãi với trái tim triệu triệu con người Việt. Để rồi mỗi lần giai điệu quen thuộc của ca dao vang lên, chúng ta lại bồi hồi nghĩ về quá khứ vàng son của Tổ quốc.

Trên đây là bài Thuyết minh về ca dao Việt Nam, để mở rộng kiến thức về dạng bài thuyết minh những nét đẹp văn hóa nghệ thuật dân tộc, các em tìm hiểu thêm các bài viết:Thuyết minh về cải lương – nghệ thuật sân khấu truyền thống của Nam Bộ, Việt Nam; Thuyết minh về một làng nghề truyền thống, Thuyết minh về một lễ hội truyền thống dân tộc, Thuyết minh về một loài hoa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button