Giáo dục

Phân tích tình cảm của người ra đi trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Đề bài: Từ bài thơ Việt Bắc đã học, anh/chị hãy Phân tích tình cảm của người ra đi trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu để thấy được tình cảm sâu nặng, nghĩa tình giữa những người cán bộ về xuôi và con người chiến khu.

phan tich tinh cam cua nguoi ra di trong bai tho viet bac cua to huu

This post: Phân tích tình cảm của người ra đi trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Bài văn Phân tích tình cảm của người ra đi trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

I. Dàn ý Phân tích tình cảm của người ra đi trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

1. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

2. Thân bài

a. Nỗi niềm bâng khuâng, lưu luyến, bịn rịn trong khung cảnh chia tay
– Đại từ “ai” – một đại từ phiếm chỉ vốn quen thuộc trong ca dao, dân ca được tác giả đưa vào sử dụng thật tài tình, nó gợi lên một cõi mơ hồ, mông lung, mờ ảo.
– Từ láy “bâng khuâng”, “bồn chồn” để thể hiện trực tiếp con sóng lòng, con sóng của nỗi niềm lưu luyến đang trào dâng của người ra đi.
– Hình ảnh “cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” có lẽ đã thực sự để lại ấn tượng đậm sâu trong lòng người đọc, gợi cái gì đó bùi ngùi, có cái ngập ngừng và cả xúc động.

b. Nỗi nhớ thiên nhiên và con người nơi mảnh đất Việt Bắc
– Người ra đi nhớ về những khung cảnh thiên nhiên và những kỉ niệm, những ngày tháng đầy khó khăn, vất vả, thiếu thốn nơi Việt Bắc.
+ Nhớ những khung cảnh thiên nhiên bình dị mà ấm, áp, đó là hình ảnh trăng lên, là hình ảnh nắng chiều, hình ảnh bếp lửa và nhớ cả những địa danh ở nơi đây.
+ Nhớ cho được những ngày cùng sinh hoạt, sẻ chia những khó khăn của cuộc sống, hình ảnh những người mẹ Việt Nam cần cù, chịu thương, chịu khó địu con lên rẫy, hình ảnh của những lớp học trong đêm…

– Nhớ tới bức tranh tứ bình, nhớ tới “những hoa cùng người”
+ Bức tranh mùa đông: trên cái nền xanh thăm thẳm ấy, sắc đỏ của hoa chuối rừng được điểm xuyết lên và hình ảnh con người xuất hiện với tư thế “dao gài thắt lưng” – con người đang làm chủ thiên nhiên, làm chủ đất trời.
+ Bức tranh mùa xuân: ngập tràn sắc trắng của hoa mơ và hình ảnh con người xuất hiện thật tỉ mỉ, cẩn thận, khéo léo với công việc thầm lặng “chuốt từng sợi giang”.
+ Bức tranh mùa hè: âm thanh của tiếng ve như gọi cả rừng phách chuyển sang sắc vàng để đón hè về và hình ảnh “cô gái hái măng” một mình hiện lên trên cái nền thiên nhiên ấy đã gợi ra vẻ đẹp của con người nơi đây, chịu thương, chịu khó và rất chăm chỉ.
+ Bức tranh mùa thu: vẻ đẹp của mùa thu với “ánh trăng hòa bình” và tiếng hát “ân tình thủy chung” với bao nỗi niềm, bao tình cảm yêu mến của con người nơi đây.
– Nhớ về những năm tháng chiến đấu hào hùng, nhớ những ngày tháng cùng nhau đánh giặc: những cuộc hành quân suốt ngày đêm, là “đêm đêm rầm rập như là đất rung”. Là nhớ những đoàn quân “điệp điệp trùng trùng” cùng những đoàn dân công “bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”.
– Nhớ về Việt Bắc niềm tin và lời ngợi ca, tự hào về Trung ương Đảng, Bác Hồ.

3. Kết bài

Khái quát lại những nét cơ bản về tình cảm của người ra đi được thể hiện trong bài thơ và nêu suy nghĩ, cảm nhận của bản thân.

II. Bài văn mẫu Phân tích tình cảm của người ra đi trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Tố Hữu không chỉ là một nhà cách mạng mà ông còn là một trong số những nhà thơ tiêu biểu, xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Với những vần thơ tâm tình nhẹ nhàng, luôn có sự kết hợp hài hòa giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, những sáng tác của ông luôn thống nhất, song hành cùng con đường cách mạng và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Ra đời vào tháng 10 năm 1954, nhân sự kiện Trung ương Đảng, Chính phủ rời Việt Bắc về thủ đô Hà Nội, bài thơ “Việt Bắc” là một trong số những bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của Tố Hữu. Đọc bài thơ, người đọc sẽ cảm thấy bùi ngùi, xúc động trước tình cảm của người ra đi với mảnh đất nơi đây.

Trước hết, những câu thơ mở đầu bài thơ đã mở ra một khung cảnh chia tay đầy lưu luyến, đó là câu hỏi của người ở lại “Mình về mình có nhớ ta” – một câu hỏi gợi lên trong cả nỗi lòng của người ra đi và người ở lại bao nỗi niềm, bao kỉ niệm trong suốt quãng thời gian “mười lăm năm ấy”. Để rồi qua đó thể hiện một cách rõ nét nỗi niềm bâng khuâng, bịn rịn, quyến luyến của người ra đi.

Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi.
Áo chàm đưa buổi phân li
Cẩm tay nhau biết nói gì hôm nay.

Chỉ với bốn câu thơ những có lẽ đủ để diễn tả hết tâm trạng của người ra đi trong giây phút chia tay. Đại từ “ai” – một đại từ phiếm chỉ vốn quen thuộc trong ca dao, dân ca được tác giả đưa vào sử dụng thật tài tình, nó gợi lên một cõi mơ hồ, mông lung, mờ ảo trong nỗi nhớ của người ra đi. Thêm vào đó, tác giả đã sử dụng từ láy “bâng khuâng”, “bồn chồn” để thể hiện trực tiếp con sóng lòng, con sóng của nỗi niềm lưu luyến đang trào dâng của người ra đi. Đặc biệt, hình ảnh “cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” có lẽ đã thực sự để lại ấn tượng đậm sâu trong lòng người đọc. Có cái gì đó bùi ngùi, có cái ngập ngừng và cả xúc động, nỗi niềm xúc động trong giây phút ấy khiến người ta không thể cất lời, không biết bắt đầu từ đâu để có thể nói hết được nỗi lòng của mình. Tất cả, tất cả những hành động ấy chỉ có thể được lí giải chính bởi sự gắn bó mặn nồng, nghĩa tình của người ra đi và người ở lại trong suốt quãng thời gian mười lăm năm. Mười lăm năm ấy là mười lăm năm tình nghĩa, là mười lăm năm “tình ta sau trước mặn mà đinh ninh”. Quãng thời gian ấy đủ dài, đủ gắn bó để lúc chia tay người ta thấy nặng lòng, thấy vấn vương, bịn rịn và luyến lưu.

Nhưng có lẽ không chỉ dừng lại ở sự bịn rịn ấy, trong nỗi niềm của người ra đi còn hiện về cả nỗi nhớ – một nỗi nhớ khắc khoải và không nguôi, một nỗi nhớ đến cồn cào, da diết như “nhớ người yêu”. Đầu tiên, người ra đi nhớ về những kỉ niệm, những ngày tháng đầy khó khăn, vất vả, thiếu thốn.

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre.
Ngòi Thia, sông Đáy, núi Lê vơi đầy.

Nhớ về Việt Bắc, người ra đi nhớ những khung cảnh thiên nhiên bình dị mà ấm, áp, đó là hình ảnh trăng lên, là hình ảnh nắng chiều và hình ảnh bếp lửa bập bùng mỗi đêm khuya. Hình ảnh bếp lửa ấy như đã thắp lên trong lòng mỗi người bao hơi ấm của tình yêu thương và sức mạnh để chiến đấu. Cùng với đó, là nỗi nhớ hết thảy những cảnh vật “từng rừng nứa, bờ tre” – nơi người ra đi đã gắn bó trong suốt cả một thời gian dài. Thêm vào đó, nhớ Việt Bắc, người ra đi còn nhớ cả những tháng ngày gắn bó, nhớ cả những “đắng cay ngọt bùi” mà người ra đi và người ở lại đã cùng nhau chia sẻ, cùng nhau vượt qua.

Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô
Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng quê đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

Nhớ về chiến khu Việt Bắc, làm sao không nhớ cho được những ngày cùng nhau đắp chung chăn, chia đôi sẻ nửa một bát cơm. Và cũng làm sao không nhớ cho được hình ảnh những người mẹ Việt Nam cần cù, chịu thương, chịu khó địu con lên rẫy, hình ảnh của những lớp học trong đêm và cả những khó khăn ở nơi công tác. Với thủ pháp liệt kê cùng điệp từ “nhớ” được lặp lại nhiều lần, ở đầu mỗi cặp câu lục bát, tác giả Tố Hữu dường như đã phô diễn ra cho người đọc thấy được cảm giác nhớ nhung da diết, cháy bỏng của người ra đi.

Đặc biệt, nhớ về Việt Bắc, người ra đi còn nhớ tới bức tranh tứ bình, nhớ tới “những hoa cùng người” như nét đặc trưng riêng của thiên nhiên và con người nơi đây. Mở đầu cho bức tranh ấy chính là khung cảnh mùa đông.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Bằng thủ pháp gợi tả, bằng một từ “xanh” nhưng dường như cũng đủ để tác giả vẽ nên một màu xanh mênh mông, bát ngát đang bao phủ khắp núi rừng Tây Bắc. Để rồi, trên cái nền xanh thăm thẳm ấy, sắc đỏ của hoa chuối rừng được điểm xuyết lên. Cái sắc đỏ ấy làm cho bức tranh thêm sống động, ấm áp và tràn đầy sức sống, tươi sáng hơn. Thêm vào đó, trên cái nền của thiên nhiên, hình ảnh con người xuất hiện với tư thế “dao gài thắt lưng” – con người đang làm chủ thiên nhiên, làm chủ đất trời.

Sau khung cảnh của mùa đông chính là khung cảnh mùa xuân:

Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Bức tranh mùa xuân ngập tràn sắc trắng của hoa mơ, đây cũng chính là nét đặc trưng của thiên nhiên Tây Bắc mỗi độ xuân về. Trên cái nền thiên nhiên ấy, hình ảnh con người xuất hiện thật tỉ mỉ, cẩn thận, khéo léo với công việc thầm lặng “chuốt từng sợi giang”.

Nếu bức tranh mùa đông và mùa xuân được khắc họa bằng hình ảnh, màu sắc thì đến bức tranh mùa hè còn được miêu tả cả ở âm thanh sống động của nó.

Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.

Tiếng ve – âm thanh đặc trưng mỗi độ hè về như đã khiến cả rừng phách chuyển mình sang hạ, khoác lên mình chiếc áo màu vàng, điểm sắc cho mùa hè thêm rực rỡ. Để rồi, hình ảnh “cô gái hái măng” một mình hiện lên trên cái nền thiên nhiên ấy đã gợi ra vẻ đẹp của con người nơi đây, chịu thương, chịu khó và rất chăm chỉ.

Khép lại bức tranh tứ bình chính là vẻ đẹp của mùa thu với “ánh trăng hòa bình” và tiếng hát “ân tình thủy chung” với bao nỗi niềm, bao tình cảm yêu mến của con người nơi đây. Như vậy, có thể thấy, người ra đi đã nhớ về bức tranh tứ bình với những vẻ đẹp độc đáo, hài hòa giữa thiên nhiên và con người Việt Bắc.

Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhờ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

Không dừng lại ở đó, trong nỗi lòng của người ra đi đó chính là nhớ về những năm tháng chiến đấu hào hùng, nhớ những ngày tháng cùng nhau đánh giặc. Nhớ về Việt Bắc là nhớ tới những cuộc hành quân suốt ngày đêm, là “đêm đêm rầm rập như là đất rung”. Là nhớ những đoàn quân “điệp điệp trùng trùng” cùng những đoàn dân công “bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”. Có thể thấy, bằng giọng điệu hào hùng, nhịp thơ nhanh, mạnh, đã diễn tả rõ nét bức tranh ra trận hoành tráng, hào hùng của quân dân ta cùng niềm vui và khí thế chiến đấu ngợp trời.

Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung.
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Nét tâm trạng cuối cùng của người ra đi được thể hiện trong đoạn trích đó chính là nhớ về Việt Bắc niềm tin và lời ngợi ca, tự hào về Trung ương Đảng, Bác Hồ.

Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc cụ Hồ sáng soi
Ở đâu đau đớn giống nòi
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền
Mười lăm năm ấy ai quên
Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa
Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào.

Tóm lại, bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu với nhịp thơ nhẹ nhàng, ngôn ngữ giản dị, đậm sắc thái dân gian cùng thể thơ lục bát quen thuộc của dân tộc đã thể hiện một cách chân thực và sâu sắc những cung bậc tình cảm, cảm xúc của người ra đi với thiên nhiên, con người Việt Bắc.

——————HẾT——————-

Trên đây là bài biết “Phân tích tình cảm của người ra đi trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu”, để hiểu chi tiết thêm bài thơ và rèn kĩ năng làm bài văn phân tích, cảm nhận, các em có thể tham khảo thêm các bài viết: Cảm nhận về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ: Ta về, mình có nhớ ta…., Phân tích nỗi nhớ của người cán bộ Cách mạng về xuôi đối với Việt Bắc trong bài Việt Bắc, Tố Hữu, Phân tích 8 câu đầu của bài Việt Bắc, Tố Hữu, Phân tích đoạn thơ sau: “Mình về mình có… mái đình, cây đa” trong bài Việt Bắc.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button