Giáo dục

Phân tích những nét chung và riêng về các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong đoạn trích Những ngôi sao xa xôi

Đề bài: Phân tích những nét chung và riêng về các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong đoạn trích Những ngôi sao xa xôi

phan tich nhung net chung va rieng ve cac nhan vat nu thanh nien xung phong trong doan trich nhung ngoi sao xa xoi

This post: Phân tích những nét chung và riêng về các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong đoạn trích Những ngôi sao xa xôi

Phân tích những nét chung và riêng về các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong đoạn trích Những ngôi sao xa xôi

I. Dàn ý Phân tích những nét chung và riêng về các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong đoạn trích Những ngôi sao xa xôi

1. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả Lê Minh Khuê và tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi”
– Khái quát sơ lược về những nét chung và riêng về các nhân vật nữ thanh niên xung phong

2. Thân bài

a. Những nét chung của ba nữ thanh niên xung phong

– Ba cô gái có nét chung về hoàn cảnh sống và chiến đấu
– Những nét chung về phẩm chất: Có tinh thần yêu nước cùng lý tưởng sống cao đẹp, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc của mình, vô cùng gan dạ, dũng cảm và giữa họ có tình đồng đội gắn bó, thân thiết.
– Những nét chung về tâm hồn: Cả ba đều rất lạc quan, yêu đời và có những nét chung của các cô gái trẻ: hay mộng mơ, dễ vui nhưng cũng dễ trầm tư)

b. Những nét riêng của các nhân vật nữ thanh niên xung phong

– Nhân vật Phương Định: là một cô gái đẹp với tâm hồn lãng mạn, nhạy cảm
+ Quan tâm đến hình thức bên ngoài, thích làm duyên.
+ Hồn nhiên, yêu đời và mơ mộng.
– Nhân vật chị Thao:
+ Là tổ trưởng tổ trinh sát mặt đường
+ Bình tĩnh, quyết đoán khi làm nhiệm vụ, nhạy cảm, giàu tình cảm trong tâm hồn.
– Nhân vật Nho
+ Là người ít tuổi nhất nên thường được các chị chiều chuộng.
+ Có lúc mạnh mẽ, bướng bỉnh nhưng rất hay làm nũng, vòi vĩnh các chị.

3. Kết bài

Đánh giá nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả

 

II. Bài văn mẫu Phân tích những nét chung và riêng về các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong đoạn trích Những ngôi sao xa xôi

1. Phân tích những nét chung và riêng về các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong đoạn trích Những ngôi sao xa xôi, mẫu số 1 (Chuẩn):

Lê Minh Khuê là một trong những nhà văn nữ trẻ, tiêu biểu trưởng thành từ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với sở trường là truyện ngắn và truyện vừa. Đề tài chính của bà trong giai đoạn trước giải phóng thường tập trung vào cuộc sống chiến đấu đầy máu và lửa của các thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn, những con người trẻ tuổi luôn lạc quan yêu đời và có tinh thần đoàn kết, tinh thần yêu nước sâu sắc, mạnh mẽ. Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi là một trong những tác phẩm nổi tiếng và thành công nhất của bà về đề tài “chiến tranh cách mạng-lực lượng vũ trang”, cũng là tác phẩm đầu tay được Lê Minh Khuê viết khi chưa đầy 20 tuổi đời. Trong tác phẩm này bà đã tạo được nhiều ấn tượng sâu sắc với độc giả, tuy tuổi đời còn trẻ, trải nghiệm chưa nhiều thế nhưng ngòi bút của bà lại khá sắc sảo trong việc đi sâu và khai thác tâm lý nhân vật, đặc biệt là tâm lý của các cô gái trẻ trên chiến trường miền Nam ác liệt. Mà có được điều đó chắc cũng bởi lẽ chính bản thân bà cũng là một nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Khi đọc Những ngôi sao xa xôi khoan nói đến những khốc liệt và mất mát trong chiến tranh, mà chủ yếu vẫn là vẻ đẹp của ba cô gái Phương Định, chị Thao và Nho, ở họ có những nét chung nhất định nhưng cũng có những vẻ đẹp của riêng mình làm nổi bật lên tâm hồn phong phú của những đóa hoa kiên cường trên cao điểm của chiến trường miền Nam những năm 70 thế kỷ trước.

Về điểm chung, cả ba cô gái Phương Định, chị Thao và Nho đều là những cô gái trẻ tuổi, tiêu biểu cho lực lượng thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt lúc bấy giờ. Họ có một cuộc sống và chiến đấu vô cùng khắc nghiệt và vất vả, ba chị em cùng chung sống trong cái hang dưới chân một cao điểm, môi trường sống cực kỳ thiếu thốn và nguy hiểm, thiết nghĩ rằng đó không phải là nơi để dành cho những con người trẻ tuổi sống, đặc biệt là những cô gái tuổi còn đôi mươi. Bởi chứng kiến những cảnh hoang tàn, đổ nát thôi cũng đủ khiến người ta thấy chán chường, đường thì bị bom đánh cho lở loét, hai bên đường không có lá xanh, thân cây bị bom đạn tước khô cháy cả, thùng xăng, thành ô tô hư hỏng vùi trong đất,… Và công việc của những cô gái này cũng không phải là những công việc đơn giản, nó đòi hỏi ở các nữ thanh niên xung phong sự dũng cảm, gan dạ và nhạy bén,“Khi có bom nổ, thì chạy lên đo khối lượng, lấp đất vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Đó là công việc có rủi ro vô cùng lớn, cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, có có thể sẽ hy sinh hôm nay, ngày mai, hay một ngày nào đó vì mảnh bom nổ, vì súng đạn của máy bay trinh sát giặc,… không ai biết được. So với việc khắc họa tâm lý nhân vật thì Lê Minh Khuê có lẽ không có nhiều kinh nghiệm và góc nhìn khi viết về chiến tranh, thế nhưng bằng những trải nghiệm thực tế của mình, tác giả cũng đã đưa vào tác phẩm nhiều phân đoạn chân thực và đắt giá về chiến trường. Ở đó trong từng trang văn dường như ta cảm nhận được cả những hơi thở nóng rực, sự khẩn trương gấp gáp đang dội về trong tâm hồn các cô gái, cái cảm giác hồi hộp khi “chạy trên cao điểm cả ban ngày”, “thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu”,  mà Phương Định cũng vừa nghiêm túc vừa tếu táo rằng “ban ngày chạy trên cao điểm không phải là chuyện chơi.

phan tich truyen ngan nhung ngoi sao xa xoi

Bài văn Phân tích những nét chung và riêng về các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong đoạn trích Những ngôi sao xa xôi

Thần chết là một tay không thích đùa”. Đặc biệt là trong công việc phá bom, công việc đã trở thành thói quen, một ngày các cô phá ít nhất 3 trái, nhiều là 5 trái bom, đó là công việc không thể tưởng tượng được trong thời bình, nhưng với 3 cô gái, đó lại trở thành công việc thường ngày, thậm chí nó lại còn có cái “thú” riêng, cái “thú” của sự mong manh giữa sống và chết. Tuy rằng Lê Minh Khuê chỉ tập trung khắc họa tâm lý của nhân vật Phương Định khi phá bom, nhưng đó cũng lại chính là điểm chung của cả ba cô gái: Sự tập trung, khéo léo, tinh thần thép và cả sự chuẩn bị cho cái chết của mình. Thông qua những chi tiết về công việc trên chiến trường ấy, chúng ta có thể nhận định rằng, ở trong cả ba cô gái đều hiện lên những vẻ đẹp tâm hồn đáng quý, đó là tinh thần yêu nước, yêu quê hương nồng nàn và lý tưởng cách mạng sâu sắc, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Các cô gái ấy không sợ cái chết, họ chỉ sợ bom không nổ, đường không được lấp nguyên vẹn, họ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân tươi đẹp để giữ cho tuyến đường Trường Sơn huyết mạch được thông suốt. Đặc biệt không chỉ đẹp ở lý tưởng cách mạng, vẻ đẹp của họ còn nằm ở tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống và chiến đấu. Phương Định, chị Thao và Nho, họ không cầm súng trực tiếp giết giặc, nhưng họ cũng lại là những con người trực tiếp đối mặt với nhiều nguy hiểm, cùng lúc gánh trên vai cả hai vai trò tiền tuyến và hậu phương đầy vất vả và khó khăn, thế nhưng họ vẫn tươi trẻ, yêu đời, sống một tuổi 20 đáng sống hơn bao giờ hết.

Đó là trong chiến đấu, còn trong cuộc sống thường ngày họ cũng có những nét chung giản dị và đáng yêu. Cả Phương Định, chị Thao và Nho đều là những cô gái Hà thành, rời quê hương đến với lý tưởng cách mạng ở cái tuổi đẹp nhất đời người, dấn thân vào nguy hiểm, sống cuộc sống sinh tử chỉ cách nhau một bức màn thế nhưng ở họ vẫn hiện lên những nét đẹp hồn nhiên và trong sáng. Họ đều là những cô gái ham vui, ham sống, tâm hồn nhạy cảm, mau vui mau buồn như nhiều cô gái khác, có thể mới trước đó họ còn đang sợ hãi, xúc động vì đồng đội bị bom vùi, người đầy thương tích. Thế nhưng ngay sau đó chỉ bằng một cơn mưa đá bất chợt, cả ba cô gái, người quên đau, người quên sợ lại bắt đầu hò reo sung sướng như những đứa trẻ, nhặt nhạnh từng hòn nước đá để nghịch ngợm. Không chỉ hồn nhiên, tươi sáng mà họ còn là những cô gái mang nét đẹp dịu dàng, sự mơ mộng, tâm hồn thiếu nữ như nhiều các cô gái phố thị khác, chị Thao yêu âm nhạc, thích chép lời bài hát, thích mặc áo ngực có thêu chỉ màu sặc sỡ, Nho ưng làm công việc tinh tế tỉ mỉ như thêu thùa, lại thích ăn ngọt, còn Phương Định thì thích ngắm mình trong gương, thích hát hò,… Điểm chung lại, có thể thấy rằng dẫu chiến trường ác liệt, cuộc sống muôn ngàn khó khăn vất vả thế nhưng các cô gái vẫn giữ cho mình những nét đẹp tâm hồn nguyên thủy và đời thường nhất, bộc lộ khao khát mãnh liệt về một cuộc sống hòa bình, tự do, không còn bom đạn, chiến tranh, niềm mơ ước về cuộc sống tươi sáng, bình yên trên quê hương. 

Tuy có nhiều điểm chung, nhưng mỗi cô gái lại cũng có những điểm riêng làm nên vẻ đẹp tâm hồn cá nhân. Ở nhân vật Phương Định, nhân vật dẫn truyện – “tôi”, cũng là nhân vật trung tâm của tác phẩm, cô hiện lên trong tác phẩm thông qua các nghĩ, cách nhìn nhận về chiến trường, về công việc “trinh sát mặt đường”, và thông qua cả những hồi ức về quê hương, về mẹ.  Định là một cô gái Hà thành bước chân vào chiến trường, cô có một quá khứ học sinh ngây thơ hồn nhiên, từng được sống vui vẻ vô tư những ngày trước chiến tranh. Thông qua giọng kể chuyện, có thể nhận thấy rõ rằng Phương Định dù trong hoàn cảnh chiến trường khốc liệt nhưng nàng vẫn giữ cho mình một tâm hồn vui tươi, trong sáng, sự tếu táo xen lẫn sự nghiêm túc. Đặc biệt nét riêng nhất ở nhân vật này chính là sự tự tin, phóng khoáng và chút kiêu kỳ của một người con gái có nhan sắc. Phương Định trong truyện không phải là một cô gái có nhan sắc thật mỹ miều như cô Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, nhưng ở nàng lại có những nét đẹp lãng mạn, duyên dáng như “hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”, đôi mắt có cái nhìn xa xăm cuốn hút. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ làm một bông hoa hiếm giữa chiến trường đầy ác liệt này. Phương Định tự tin và ý thức rất rõ về vẻ đẹp của bản thân, cô thường ngắm mình trong gương, cũng tỏ vẻ lạnh lùng xa cách mỗi khi có mấy anh lái xe ghé lại hỏi thăm chị em, đó là cái kiêu hãnh của một cô gái trẻ tuổi, xuân sắc và chưa dành trái tim cho ai. Bên cạnh những điểm nhấn về ngoại hình, thì Lê Minh Khuê tập trung nhiều hơn vào vẻ đẹp trong đời sống nội tâm của nhân vật. Định có một tâm hồn trong sáng, mơ mộng, trẻ thơ, giữa chiến trường nhưng cô luôn ôm ấp những giấc mơ, những ký ức về Hà Nội thân thương, về người mẹ tảo tần, cơn mưa đá bất chợt đã đưa chị về những cảnh tượng bình yên nơi quê nhà, bầu trời, mái nhà, cánh cửa sổ, bóng mẹ, chiếc xe chở đầy kem, hoa công viên, tiếng trẻ con đá bóng, tiếng rao của bà bán xôi, ánh sáng đèn điện,… Tất cả những hồi ức tươi đẹp ấy đã mang đến cho tâm hồn Phương Định sự bình yên, làm dịu đi cái ác liệt ghê gớm của tiếng bom nổ, đạn rơi, của những cảnh tượng tan tành nơi chiến trường. Đồng thời nó cũng bộc lộ niềm khao khát, ước mơ về một cuộc sống thanh bình, tốt đẹp, tình yêu, sự gắn bó tha thiết với gia đình với quê hương của Định. Bên cạnh sự mơ mộng, hồn nhiên thì Phương Định còn mang những vẻ đẹp của sự kiên cường, dũng cảm, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Trong khi phá bom Phương Định từng nghĩ đến cái chết của mình, nhưng điều cô lo hơn cả là nếu bom không nổ phải làm sao để dẫn mìn một lần nữa. Định là một cô gái gan dạ, nhưng cũng có lúc cô lo lắng, sợ hãi, lo lắng nhưng nghĩ đến xung quanh có đồng đội đang chờ đợi, còn có ánh mắt của các anh cao xạ đang dõi theo nàng lại trở nên bình, dáng lưng thẳng tắp đến chỗ có quả bom. Khi đào bom lưỡi xẻng chạm vào quả bom một tiếng sắc lạnh, vỏ quả bom nóng, đó là dấu hiệu chẳng lành, nhưng Phương Định không ngừng tay cô lại càng thao tác nhanh hơn để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đồng thời Phương Định cũng là một người có kinh nghiệm, cẩn thận trong công việc. Đối với đồng đội Phương Định là một người có cái nhìn khách quan, yêu thương và gắn bó với mọi người, khi đồng đội đi phá bom chưa về lòng Định nóng như lửa đốt, lo lắng thậm chí gắt vào điện thoại với cả chỉ huy. Khi Nho bị thương, Phương Định không có nhiều kinh nghiệm như chị Thao để nhận biết, nhưng lại là người biết phối hợp moi đất, cứu đồng đội thay chị Thao chăm sóc Nho vì chị sợ máu. Phương Định trở thành một cô gái tỉ mỉ, thạo việc cẩn thận băng bó cho Nho, rồi tiêm cả thuốc giảm đau cho cô bạn. Thêm nữa Phương Định cũng là một cô gái bay bổng, phóng khoáng thích hát, cô hát đươc nhiều loại nhạc, đặc biệt là những khúc quân hành, điều đó đã bộc lộ trong lòng cô những niềm yêu thương, ngưỡng mộ và lý tưởng cách sâu sắc. 

Về Nho trong tác phẩm, trong cái nhìn của Phương Định Nho là một cô gái ngây thơ hồn nhiên như một đứa trẻ con, có tâm hồn ăn uống, đòi ăn kẹo ngay cả khi mới tắm từ suối lên áo quần còn ướt. Đối với Phương Định Nho ““trắng và tròn như một que kem mát lạnh” mang đến cho người cảm giác trong sáng, thanh khiết và ngọt ngào, khiến người ta chỉ muốn yêu thương, che chở. Với cách nhìn của nhân vật chính có lẽ Nho là cô gái trẻ tuổi nhất trong cả ba người, thế nhưng so về tuổi đời chinh chiến thì nàng cũng chẳng kém cạnh gì hai người chị, cô cũng là người có kinh nghiệm phá bom mấy quả một ngày. Trong lúc không may hầm bị bom nổ sập, Nho bị thương ở cánh tay, dù đau đớn thế nhưng cô chưa từng than một tiếng, giọng nói đầy kiên cường, phóng khoáng “Không chết đâu! Đơn vị đang làm đường kia mà. Việc gì phải khiến nhiều lo lắng. Ơ cái bà này này sao bà cứ cuống quýt lên vậy?”. Rõ ràng Nho cũng là một người có suy nghĩ trưởng thành, không muốn vì bản thân mà để ảnh hưởng đến người khác, hơn thế nữa nàng cũng nhận thức được vết thương này chẳng có đáng là gì, đối với một thiếu nữ như Nho, đó là sự mạnh mẽ, gan góc hiếm có. Bên ngoài vẻ vô tư, hồn nhiên, phóng khoáng thì Nho cũng hiện lên với dáng vẻ đầy nữ tính khi nàng thích thêu thùa, một công việc yêu cầu sự tỉ mỉ và đức tính kiên nhẫn. 

Cuối cùng là chị Thao, chị là người lớn tuổi nhất trong nhóm, có kinh nghiệm sống và chiến đấu nhiều nhất. “Trong công việc ai cũng gờm chị: cương quyết và táo bạo!”, chị Thao là người có tinh thần kiên định, bình tĩnh và nhạy bén nhất nhóm, thậm chí Phương Định còn có nhận xét rằng “những khi biết rằng cái gì sắp tới sẽ không yên ả thì chị tỏ ra bình tĩnh đến phát bực”. Có lẽ đó là dáng vẻ của một người trưởng thành, từng trải, kinh qua nhiều sự tích ghê gớm, nên mấy quả bom nổ rầm trời, hoặc sự im ắng khác thường của máy bay địch đã nằm trong dự liệu và chị biết có chuyện gì sẽ xảy ra, thành thử chị cũng không cảm thấy lạ, vẫn ăn bánh và sinh hoạt như thường chờ nhiệm vụ. Tuy kiên cường, mạnh mẽ thế nhưng chị Thao cũng có những lúc yếu đuối, chị sợ vắt và máu. Chị đủ nhạy bén để nhận ra hầm của Nho bị sập, tức tốc chạy đến cứu đồng đội, thế nhưng thấy máu là chị lại trở nên sợ hãi, “nghẹn ngào, không nước mắt”. Đôi lúc thấy thương vì cái cách chị lúng túng đứng ngoài không biết làm gì, nhưng lại rất muốn được làm việc. Bên cạnh những nét tính cách trên chiến trường thì chị Thao cũng có những vẻ đẹp của một người con gái tuổi còn xuân, chị cũng ưa làm đẹp, nhưng làm đẹp cho mình một cách kín đáo khi thích mặc những chiếc áo ngực thêu đầy chỉ màu, hay tỉ mẩn tỉa lông mày thành một đường mảnh như cái tăm, cũng mơ mộng yêu âm nhạc, nhưng không thích hát mà thích chép lại lời bài hát vào cuốn sổ tay của mình. 

Những ngôi sao xa xôi là một tác phẩm hay và đặc sắc khi viết về đời sống và chiến đấu trên chiến trường của các nữ thanh niên xung phong, mặc dù  trước đó cũng có nhiều tác giả như Phạm Tiến Duật, Thúy Bắc hay Nguyễn Minh Châu viết về đề tài này, tuy nhiên Lê Minh Khuê vẫn để lại trong lòng độc giả nhiều dấu ấn. Có thể bà chưa có những cái nhìn đa diện và thực tế hơn về chiến tranh, thế nhưng riêng về việc khai thác, phân tích tâm lý nhân vật tác giả đã làm rất tốt. Hình ảnh những con người trẻ tuổi với vẻ đẹp lãng mạn cách mạng, anh hùng mang khuynh hướng sử thi được dựng lại một cách tinh tế, chân thực và sâu sắc.

 

2. Phân tích những nét chung và riêng về các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong đoạn trích Những ngôi sao xa xôi, mẫu số 2:

Giữa những lửa đạn bom rơi của thời kì kháng chiến chống Mĩ oanh liệt, gian khổ của dân tộc, tầng lớp thanh niên xung phong luôn là thế hệ đi tiên phong với những phẩm chất ngời sáng của sự can trường, dũng cảm,… Điều này đã được thể hiện rõ qua hình tượng ba cô gái thanh niên xung phong trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê. Bằng tài năng trong việc miêu tả tâm lí nhân vật, tác giả đã xây dựng thành công hình ảnh nhân vật Phương Định, chị Thao và Nho với những nét chung và nét riêng về phẩm chất và tâm hồn hết sức cao đẹp.

Trước hết, để làm nổi bật vẻ đẹp của nhân vật, tác giả Lê Minh Khuê đã miêu tả chi tiết về hoàn cảnh sống và chiến đấu của ba nữ trinh sát mặt đường. Hoàn cảnh sống và chiến đấu của họ của họ diễn ra trên một cao điểm, giữa vùng trọng điểm của tuyến đường Trường Sơn – nơi tập trung nhiều bom đạn Mỹ với công việc hằng ngày đầy những nguy hiểm trong mưa bom bão đạn của kẻ thù như đo khối lượng đất đá san lấp, đánh dấu quả bom chưa nổ và nếu cần thì phải phá bom. Như vậy, ba cô gái thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong môi trường vô cùng nguy hiểm, luôn căng thẳng thần kinh và đòi hỏi sự dũng cảm, bình tĩnh.

phan tich ve dep cua nu thanh nien xung phong trong nhung ngoi sao xa xoi

Phân tích những nét chung và riêng về các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong đoạn trích Những ngôi sao xa xôi

Dựa trên bối cảnh không gian khốc liệt nơi tuyến đường Trường Sơn, tác giả Lê Minh Khuê đã xây dựng thành công hình ảnh ba cô gái thanh niên xung phong: Phương Định, chị Thao và Nho với những nét chung về phẩm chất và tâm hồn hết sức cao đẹp. Trước hết, họ đều là những con người có tinh thần yêu nước. Trước hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, giống như biết bao chàng trai, cô gái Việt Nam thời bấy giờ, họ đã đi theo tiếng gọi của Tổ quốc với lý tưởng cao đẹp là đánh đuổi giặc Mĩ, góp sức vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Là những nữ trinh sát mặt đường, cả ba cô gái đều có tinh thần trách nhiệm cao với công việc của mình, thể hiện qua việc chỉ cần nghe tiếng máy bay trinh sát là các cô đã chuẩn bị tư thế, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đối mặt với những hiểm nguy, có lúc họ thoáng nghĩ đến cái chết nhưng chỉ là cái chết “mờ nhạt, không cụ thể”, và đặt nhiệm vụ lên trên cả tính mạng của mình “liệu mìn có nổ, bom có nổ không?”. Họ còn là những cô gái thanh niên xung phong vô cùng gan dạ, dũng cảm. Dù làm việc trong môi trường và hoàn cảnh chiến đấu đầy nguy hiểm nhưng các cô vẫn sẵn sàng làm nhiệm vụ phá bom mà không cần sự trợ giúp của đơn vị và nói về công việc đó bằng giọng điệu thản nhiên “Quen rồi, một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần,…”. Đặc biệt, giữa họ có tình đồng đội gắn bó, thân thiết. Trong những năm tháng mưa bom bão đạn, các cô vẫn hiểu suy nghĩ của nhau qua ánh mắt, đồng thời luôn quan tâm, chăm sóc lẫn nhau rất chu đáo; đặc biệt là khi Nho bị thương, Phương Định và chị Thao hết sức lo lắng, săn sóc. Ngoài những nét chung về phẩm chất, các cô gái còn có nét chung về tâm hồn. Cả ba cô gái đều rất lạc quan, yêu đời: sống giữa chiến trường khốc liệt nhưng họ vẫn tạo cho mình đời sống tinh thần phong phú qua tiếng hát, tiếng cười. Họ còn có nét chung của các cô gái trẻ: đầy nữ tính, hay mơ mộng, dễ vui nhưng cũng hay trầm tư. Nếu Nho thích thêu thùa thì chị Thao chăm chép bài hát và thích làm bánh, còn Phương Định thích hát, thích bó gối mộng mơ và ngắm nhìn mình trong gương. Như vậy, qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể thấy rằng giữa các nữ thanh niên xung phong có những nét chung về phẩm chất, tâm hồn vô cùng cao đẹp và đại diện cho thế hệ trẻ trong công cuộc kháng chiến chống Mĩ.

Tuy nhiên, tài năng của nhà văn Lê Minh Khuê thể hiện ở việc xây dựng ba cô gái với những phẩm chất tiêu biểu cho thế hệ thanh niên xung phong thời kì kháng chiến chống Mĩ nhưng mỗi một nhân vật vẫn mang trong mình một tâm hồn riêng, thể hiện cá tính độc đáo, khác biệt. Là biểu tượng cho sự anh hùng, quả cảm của thế hệ trẻ nhưng Phương Định còn là cô gái xinh đẹp với tâm hồn lãng mạn và nhạy cảm. Phương Định là người luôn quan tâm đến hình thức bên ngoài và ý thức được vẻ đẹp của bản thân, đặc biệt là niềm tự hào về đôi mắt “có cái nhìn sao mà xa xăm”, cái cổ cao “kiêu hãnh như đài loa kèn” cùng hành động “thích ngắm mình trong gương”. Sự hiểm nguy nơi chiến trường không thể tiêu diệt nét hồn nhiên, yêu đời cùng tâm hồn mơ mộng của Phương Định. Cô thích hát, thường xuyên ngâm nga để quên đi những căng thẳng, tàn khốc của cuộc chiến và nuôi dưỡng tâm hồn bằng việc thả hồn trong những kỉ niệm, hồi ức xa xôi, tươi đẹp về Hà Nội: những căn nhà nhỏ nơi quảng trường thành phố, những khung cửa sổ, nhưng vì sao lấp lánh xa xôi trên bầu trời,… Như vậy, chúng ta có thể thấy được dù trải qua nhiều gian khổ nhưng Phương Định vẫn giữ được một thế giới tâm hồn phong phú, trẻ trung, mơ mộng nhưng vẫn tràn đầy sức sống, lạc quan và yêu đời. Là tổ trưởng tổ trinh sát mặt đường và luôn điềm tĩnh, quyết đoán trong mọi hành động, tâm hồn nhạy cảm đầy nữ tính của chị Thao được thể hiện ở những khía cạnh riêng. Dù giọng rất chua và thường xuyên sai nhạc nhưng chị Thao rất yêu ca hát và có ba quyển sổ dày để chép bài hát. Sở thích làm đẹp của chị được thể hiện qua việc lông mày luôn được “tỉa nhỏ như cái tăm”. Tuy là tổ trưởng tổ trinh sát nhưng chị Thao vẫn có những nỗi sợ hãi vô cùng nữ tính như rất sợ máu và sợ vắt. Khác với chị Thao và Phương Định, Nho là người ít tuổi nhất trong tổ nên được các chị chiều chuộng. Bên cạnh sự dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, Nho cũng là một cô gái rất đáng yêu với ngoại hình xinh xắn, bé nhỏ như “một que kem trắng nhỏ” và thường xuyên “vòi vĩnh, làm nũng” các chị.

Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể thấy được những nét chung và nét riêng về phẩm chất và tâm hồn hết sức cao đẹp của chị Thao, Phương Định và Nho. Bằng tài năng trong việc miêu tả nhân vật, đặc biệt là nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật, tác giả Lê Minh Khuê đã khắc họa thành công hình tượng ba cô gái thanh niên xung phong với những phẩm chất anh hùng cách mạng, đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Mĩ.

——————HẾT——————

Để chuẩn bị và tích lũy kiến thức cho văn bản Những ngôi sao xa xôi, bên cạnh bài Phân tích những nét chung và riêng về các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong đoạn trích Những ngôi sao xa xôi, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 9 như: Phân tích truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi, Cảm nghĩ của em về Những ngôi sao xa xôi, Suy nghĩ của em về văn bản Những ngôi sao xa xôi, Phân tích nhân vật Phương Định trong truyện Những ngôi sao xa xôi.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button