Đề bài: Phân tích bài thơ Vọng nguyệt (Ngắm trăng) của Hồ Chí Minh
This post: Phân tích bài thơ Vọng nguyệt (Ngắm trăng) của Hồ Chí Minh
Phân tích bài thơ Vọng nguyệt (Ngắm trăng) của Hồ Chí Minh
I. Dàn ý Phân tích bài thơ Vọng nguyệt (Ngắm trăng) của Hồ Chí Minh
1. Mở bài
Sơ lược về tác giả, tác phẩm.
2. Thân bài
a. Hai câu thơ đầu:
– “Ngục trung vô tửu diệc vô hoa”:
+ Hoàn cảnh ngắm trăng vô cùng đặc biệt – “trong tù”, nơi tối tăm, chật hẹp, bẩn thỉu, tù nhân thì gông xiềng quấn thân, rệp cắn khắp người, lại chẳng được tắm rửa thường xuyên => không phải là một điều kiện lý tưởng để thưởng trăng.
+ Tuy nhiên Hồ Chủ tịch không chỉ là một nhà thơ mà Người còn là một chiến sĩ cách mạng, một người có bản lĩnh phi thường.
– “Đối thử lương tiêu nại nhược hà?”:
+ Đối với Người hoàn cảnh ấy không thể nào ngăn cản được tâm hồn yêu cái đẹp.
+ Bản dịch thơ viết “Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”, có vẻ đã làm mất đi sự bối rối, rung động, không bộc lộ được tính lãng mạn và tâm hồn nhạy cảm của Bác trước vẻ đẹp của thiên nhiên.
+ Tuy nhiên ý thơ chung nhất của câu thơ vẫn được dịch giả biểu hiện rõ, đó là sự ung dung tự tại, không vướng bận vật chất, dù trong khốn cảnh nhưng vẫn vui tươi, lạc quan thả hồn mình vào thiên nhiên, tận hưởng vẻ tuyệt diệu của ánh trăng sáng ngoài lao tù.
b. Hai câu tiếp:
– Bản gốc mang kết cấu đăng đối, làm cho bài thơ trở nên linh động và truyền cảm hơn. Bản dịch phần kết cấu đăng đối đã bị làm mất đi, tuy vẫn diễn tả đầy đủ nghĩa, nhưng sức truyền cảm, cũng như tính nghệ thuật mà tác giả truyền vào bài thơ bị rút mất.
– Trong hoàn cảnh tù đày như vậy, thế nhưng người chiến sĩ cách mạng vẫn thản nhiên ung dung hướng mắt ra ngoài cửa sổ, làm một cuộc “vượt ngục tinh thần”, để giao hòa với thiên nhiên, để tâm hồn được hòa quyện với ánh trăng dịu hiền đang mong ngóng ngoài kia. Và ngược lại ánh trăng cũng bất chấp song sắt nhà tù ngăn cách, tìm vào với nhà thơ, hội ngộ cùng với nhà thơ như những người bạn tri kỷ, tâm đắc nhất.
=> Tấm lòng khao khát tự do và luôn hướng về tự do, khi nhà tù bên trong kia chính là đại diện cho sự trói buộc, tăm tối, trái lại vầng trăng ở ngoài kia lại chính là thế giới rộng lớn bao la, đại diện cho sự tự do vĩnh cửu, tươi đẹp.
3. Kết bài
Cảm nghĩ về bài thơ
II. Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Vọng nguyệt (Ngắm trăng) của Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh (1890-1969) là vị lãnh tụ kiệt xuất và vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam ta. Không chỉ nổi bật với vai trò là nhà chính trị, quân sự tài ba, hay một chiến sĩ kiên trung với cách mạng, với Đảng mà Hồ Chủ tịch còn là một nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp cho nền văn chương nước nhà các tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau. Có thể nói rằng sự nghiệp văn chương của Người luôn song hành và phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, trở thành một loại vũ khí sắc bén trong chiến đấu, bộc lộ tư tưởng, tinh thần yêu nước, tấm lòng với nhân dân, với cách mạng. Đồng thời cũng bộc lộ cả những vẻ đẹp, phẩm chất tâm hồn đáng quý của Hồ Chủ tịch. Một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất của Bác chính là bài thơ Ngắm trăng (Vọng nguyệt) trích từ tập Nhật ký trong tù.
Nhật ký trong tù là tập thơ gồm 134 bài được Bác Hồ viết trong quãng thời gian bị quân đội Tưởng Giới Thạch bắt giam và chuyển lao qua hơn 30 nhà giam của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vào năm 1942. Tuy rằng Nhật ký trong tù là tập thơ Bác viết với mục đích “ngẫm ngợi cho khuây”, thế nhưng qua đó chúng ta cũng có thể thấy rõ được tinh thần lạc quan, yêu đời, ý chí cách mạng phi thường, vẻ đẹp tâm hồn cao quý của Bác. Vọng nguyệt chính là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất cho tinh thần lạc quan, phong thái ung dung và tấm lòng yêu thiên nhiên sâu sắc của Hồ Chủ tịch.
So sánh giữa bản dịch thơ của Nam Trân một dịch giả thơ cổ uy tín bám sát với bản gốc của Bác thì có thể nhận thấy đây là một bản dịch hay nhưng vẫn có chút gì đó chưa phản ánh được hết ý nghĩa của bài thơ. Tuy nhiên ta có thể hiểu được, bởi vấn đề dịch thơ Hán xưa nay chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là với các thể thơ cổ, chữ ít nhưng ý nhiều, mà đối với thơ Bác lại có một ý vị khác, càng thêm phần khó. Trong câu thơ đầu tiên “Ngục trung vô tửu diệc vô hoa”, dịch thơ “Trong tù không rượu cũng không hoa”, là một câu dịch hoàn toàn sát nghĩa, bộc lộ hoàn cảnh hiện tại của thi nhân. Với lẽ thông thường, ngắm trăng là một thú vui tao nhã của các bậc cao nhân mặc khách trong cả thảy tám thức “cầm, kỳ, thư, hoạ, thi, tửu, hoa, trà”. Nếu ngắm trăng, mà lại có thêm cả chén rượu ngon, cùng với thức hoa thơm hiếm có, thì quả thực không còn cái thú nào trên đời thanh nhã được hơn thế nữa. Tuy nhiên đối với Hồ Chí Minh, Bác ngắm trăng trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt – “trong tù”, nơi tối tăm, chật hẹp, bẩn thỉu, tù nhân thì gông xiềng quấn thân, rệp cắn khắp người, lại chẳng được tắm rửa thường xuyên, phải nói lại cực không thể tả. Bên cạnh đó trong nhà tù thì dĩ nhiên rằng kiếm đâu ra rượu ngon, hoa đẹp, có thể nói hoàn cảnh đó đối với văn nhân, danh sĩ không phải là một điều kiện lý tưởng để thưởng trăng. Dĩ nhiên đối với Bác cũng vậy, Bác cũng mong được ngắm trăng ở một không gian thư thái, phù hợp chứ. Tuy nhiên Hồ Chủ tịch không chỉ là một nhà thơ mà Người còn là một chiến sĩ cách mạng, một người có bản lĩnh phi thường thì câu “trong tù không rượu cũng không hoa” nó không phải là một lời than thở, quở trách, mà chỉ đơn giản là cái cách mà Bác thuật lại hoàn cảnh ngắm trăng đầy đặc biệt. Đối với Người, dẫu rệp đang cắn, ngứa mà không thể gãi, gông xiềng đeo nặng chân tay thì cũng không thể nào ngăn cản được tâm hồn yêu cái đẹp của Người. “Đối thử lương tiêu nại nhược hà?”, ở câu này bản dịch thơ viết “Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”, có vẻ đã làm mất đi cái ý tứ của tác giả. Bởi vốn dĩ đây là một câu hỏi nhưng lại bị chuyển thành một câu trần thuật, cơ hồ đánh rơi mất sự bối rối, rung động, không bộc lộ được tính lãng mạn và tâm hồn nhạy cảm của Bác trước vẻ đẹp của thiên nhiên – ánh trăng, thứ mà Bác luôn tâm đắc, xem như một tri kỷ. Tuy nhiên ý thơ chung nhất của câu thơ vẫn được dịch giả biểu hiện rõ, đó là sự ung dung tự tại, không vướng bận vật chất, dù trong khốn cảnh nhưng vẫn vui tươi, lạc quan thả hồn mình vào thiên nhiên, tận hưởng vẻ tuyệt diệu của ánh trăng sáng ngoài lao tù.
Trong hai câu thơ tiếp theo:
“Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt hướng song khích khán thi gia”
Ta có thể nhận ra, ở đây mang kết cấu đăng đối, làm cho bài thơ trở nên linh động và truyền cảm hơn cả. Tuy nhiên đến bản dịch thơ:
“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”
Phần kết cấu đăng đối đã bị làm mất đi, tuy vẫn diễn tả đầy đủ nghĩa, nhưng sức truyền cảm, cũng như tính nghệ thuật mà tác giả truyền vào bài thơ bị rút mất, khiến bài thơ bớt đi phần hấp dẫn, cũng như tính cô đọng thường có trong thể thơ tứ tuyệt. Chưa kể, chữ “song” được dịch thành “nhòm” khiến cho câu thơ mất đi phần tao nhã, trái lại đem đến cảm giác hóm hỉnh, bông đùa. Tuy đó cũng là một tính cách của Bác, nhưng không phải là ý Người trong bài thơ này, đặc biệt đây lại là trong cảnh ngắm trăng thanh tao, nhã nhặn.
Trong hoàn cảnh tù đày như vậy, thế nhưng người chiến sĩ cách mạng vẫn thản nhiên ung dung hướng mắt ra ngoài cửa sổ, làm một cuộc “vượt ngục tinh thần”, để giao hòa với thiên nhiên, để tâm hồn được hòa quyện với ánh trăng dịu hiền đang mong ngóng ngoài kia. Và ngược lại ánh trăng cũng bất chấp song sắt nhà tù ngăn cách, tìm vào với nhà thơ, hội ngộ cùng với nhà thơ như những người bạn tri kỷ, tâm đắc nhất. Việc sử dụng cấu trúc đăng đối của Hồ Chí Minh đã đem đến cho người đọc một cảm giác rất khó tả, dường như giữa người với trăng có một sự ăn ý tuyệt vời nào đó, mà cùng lúc hướng mắt vào với nhau, đó là một thứ tình cảm thấu hiểu từ cả hai phía, đôi bên tình nguyện của những người tri kỷ, gắn bó từ lâu. Không chỉ vậy ở hai câu thơ này ta còn nhận ra những ngụ ý sâu xa của chiến sĩ – nhà thơ, đó là tấm lòng khao khát tự do và luôn hướng về tự do, khi nhà tù bên trong kia chính là đại diện cho sự trói buộc, tăm tối, trái lại vầng trăng ở ngoài kia lại chính là thế giới rộng lớn bao la, đại diện cho sự tự do vĩnh cửu, tươi đẹp. Và bản thân người tù luôn có tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường một lòng hướng về sự tự do, và tương tự sự tự do cũng luôn hướng về Bác, kể cả khi Người bị cảnh tù đày, thì chính tinh thần Bác vẫn luôn tự do, vẫn luôn một lòng với cách mạng với đất nước, vẫn đủ đầy say mê với vẻ đẹp của thiên nhiên tạo hóa.
Ngắm trăng (Vọng nguyệt) là một trong bài thơ hay và đáng chú ý nhất trong sự nghiệp thơ ca của Hồ Chí Minh. Tác phẩm đã bộc lộ được tinh thần kiên cường, ý chí cách mạng phi thường của Bác trước cảnh lao tù khổ sổ, cũng bộc lộ tấm lòng khao khát tự do mạnh mẽ và cả tấm lòng yêu thiên nhiên sâu sắc, tinh thần lạc quan, yêu đời sẵn sằng hòa mình vào với thiên nhiên không kể cảnh tù đày khó khăn. Đồng thời bài thơ cũng là một minh chứng rõ ràng cho tài năng sáng tác xuất thần, tâm hồn thanh tao, lãng mạn của Bác – một người chiến sĩ cách mạng cũng đồng thời là một nhà thơ, nhà văn xuất sắc.
——————HẾT———————-
Ngắm trăng là một trong những bài thơ trăng xuất sắc nhất của chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh bài Phân tích bài thơ Vọng nguyệt (Ngắm trăng) của Hồ Chí Minh, các em có thể tham khảo bài: Cảm nhận về bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh, Viết lại bài thơ Ngắm trăng thành văn xuôi bằng lời của em, Phân tích vẻ đẹp của bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh, Hình ảnh Bác Hồ hiện lên qua bài thơ Ngắm trăng.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục