Giáo dục

Phân tích bài Mấy ý nghĩ về thơ của Nguyễn Đình Thi

Đề bài: Phân tích bài Mấy ý nghĩ về thơ

phan tich bai may y nghi ve tho

This post: Phân tích bài Mấy ý nghĩ về thơ của Nguyễn Đình Thi

Phân tích bài Mấy ý nghĩ về thơ
 

I. Dàn ý Phân tích bài Mấy ý nghĩ về thơ (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về tác giả Nguyễn Đình thi và tác phẩm Mấy ý nghĩ về thơ:
– Là một nhà thơ, nhà phê bình, nhà lý luận văn học Nguyễn Đình Thi đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị như: Dòng sông trong xanh, Đất nước, Vỡ bờ….
-Trong bài tiểu luận “Mấy ý nghĩ về thơ” ông đã cho thấy những nhận định đầy sâu sắc và toàn diện về thơ, qua đó tài năng trong ngòi bút của Nguyễn Đình Thi cũng được thể hiện rõ.

2. Thân bài

a. Suy nghĩ của tác giả về những quan niệm thơ:
– Nếu có người nói: “thơ là ở những lời đẹp” thì có chăng vẫn những hồn thơ Hồ Xuân Hương không hề quá trau chuốt, tuyệt mĩ mà vẫn mang đến cho ta cái hồn của thơ, vẫn khiến người sau truyền tụng mãi.
– Nếu nói thơ là đề tài đẹp thì với Nguyễn Đình Thi, điều đó cũng không hẳn đúng
– Một nhà phê bình khác lại nghĩ rằng: “thơ in sâu vào trí nhớ” cũng chưa hoàn toàn phải.

b. Suy nghĩ của tác giả về giá trị đích thực của thơ:
– Đầu mối của thơ có lẽ ta đi tìm bên trong tâm hồn con người
– Cảm xúc là phần thịt xương hơn cả của đời sống tâm hồn
– Cảm xúc chính là hồn thơ, cảm xúc được tự do bay bổng cùng với đời sống, vui, buồn, hờn giận, hạnh phúc hay đau đớn đều từ cảm nhận của trái tim mà hình thành nên thơ
– Hình ảnh thơ phải chân thực, có sức lôi cuốn và thu hút, chạm đến cảm xúc, lay động tâm hồn

b. Tiếng, chữ trong thơ:
– Từng lời, từng chữ trong thơ đều mang những tầng nghĩa khác, điều đó được người thưởng thức cảm nhận và đánh giá
– Nhịp điệu của thơ xuất phát từ hình ảnh, từ tiếng nhạc bên trong từng âm thanh của con chữ
– Nhịp điệu của thơ cũng mang cả ý nghĩ và cảm xúc

c. Bàn về thơ tự do- một lối thơ mới trong đường đi của thơ hiện đại
– Trong thời đại mới, những cảm xúc cũng mãnh liệt và cuồng nhiệt, mạnh mẽ hơn thì thì thơ cũng cần vượt khỏi những khuôn mẫu có sẵn.
– Những người thi sĩ trẻ phải tự nhận thức, đạp đổ những hàng rào sẵn khó, vượt thoát đến những chân trời mới của sự tự do.

3. Kết bài

Bằng lối viết giàu cảm xúc, ngôn từ linh hoạt, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng phong phú, tác giả đã viết nên những quan niệm về thơ đầy giá trị.

 

II. Bài văn mẫu Phân tích bài Mấy ý nghĩ về thơ (Chuẩn)

Nguyễn Đình Thi sinh năm 1924, ông là một người con Hà Nội đa tài và rất mực quan tâm đến văn hoá, nghệ thuật của nước nhà, đặc biệt là văn học. Trong kháng chiến, ông là một chiến sĩ dũng cảm, trên mặt trận thơ ca, ông có một tiếng nói riêng, đặc sắc và cá tính. Là một nhà thơ, nhà phê bình, nhà lý luận văn học Nguyễn Đình Thi đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị như Dòng sông trong xanh, Đất nước, Vỡ bờ….Trong bài tiểu luận “Mấy ý nghĩ về thơ” ông đã cho thấy những nhận định đầy sâu sắc và toàn diện về thơ, qua đó tài năng trong ngòi bút của Nguyễn Đình Thi cũng được thể hiện rõ.

Mở đầu bài viết, tác giả đã đưa ra những ý nghĩ của mình về các nhận định về thơ, theo ông, không phải nhận định nào cũng chính xác hoàn toàn. Nếu có người nói: “thơ là ở những lời đẹp” thì có chăng vẫn những hồn thơ Hồ Xuân Hương không hề quá trau chuốt, tuyệt mĩ mà vẫn mang đến cho ta cái hồn của thơ, vẫn khiến người sau truyền tụng mãi. Hồn thơ Nguyễn Du cũng vậy, đâu chỉ là những áng thơ bác học, còn những ngôn ngữ bình dân, đời thường mà vẫn giàu sức gợi đến thế:

“Thoắt trông lờn lợt màu da
Ăn chi to béo đẫy đà làm sao!”

Còn nếu nói thơ là đề tài đẹp thì với Nguyễn Đình Thi, điều đó cũng không hẳn đúng. Bởi đâu chỉ có những đề tài về phong hoa tuyết nguyệt của thi nhân xưa, hay nét thơ mang những nỗi buồn sầu lụy thôi đâu mà còn có cả những đề tài thực với đời sống như một xác chết chó đầy dòi bọ cũng làm nên thơ như trong tác phẩm của nhà thơ Pháp Baudelaire . Và đây nữa, những vần thơ hiện đại hôm nay, vẫn lấy cây súng, đôi dép cao su mòn, chiếc xe đạp tuyền tuyến hay chiếc ba lô trên vai người chiến sĩ cũng được những thi sĩ viết thành thơ . Đề tài nên thơ phải bắt nguồn từ đời sống, gần gũi với con người dù bình dị, đẹp đẽ hay tàn nhẫn, xấu xa, thơ không cần những đề tài viễn vông, xa lạ, phi thực tế. Một nhà phê bình khác lại nghĩ rằng: thơ in sâu vào trí nhớ. Nguyễn Đình Thi khẳng định điều đó không có gì sai cả, nhưng một công thức toán học cũng khiến ta rất nhớ đó thôi, điều gì ở thơ làm ta nhớ nó hiệu quả đó có được là những gì tiềm ẩn trong vẻ đẹp của thơ.

Từ việc đưa ra những dẫn chứng của mình để phản biện những nhận định về thơ ở trên, tác giả lấy nó làm cơ sở để đi đến một câu hỏi tư từ cũng là một lời khẳng định cho giá trị của thơ:”Đầu mối của thơ có lẽ ta đi tìm bên trong tâm hồn con người chăng?”. Những rung động tinh tế trong sâu thẳm tâm hồn con người khi va chạm với thiên nhiên với đời sống mà làm nên thơ, thơ ấy là tiếng lòng của người thi nhân: “Ta nói trời xanh hôm nay nên thơ nhưng chính ra là lòng chúng ta mang một niềm vui nào mà muốn làm thơ hoặc đọc thơ về trời xanh. Mưa phùn buổi chiều gợi những câu thơ nào nhớ nhung, nhưng chính nỗi nhớ nhung gặp buổi chiều”

Cảm xúc chính là hồn thơ, cảm xúc được tự do bay bổng cùng với đời sống, vui, buồn, hờn giận, hạnh phúc hay đau đớn đều từ cảm nhận của trái tim mà hình thành nên thơ, bởi thế mà “Cảm xúc là phần thịt xương hơn cả của đời sống tâm hồn”. Chính vì những điều ấy, cảm nhận thơ đâu chỉ cần có trí thức thông tuệ mà còn cần cả một tâm hồn phong phú, một trái tim biết yêu thương, biết rung động trước những cái hay, cái đẹp của thơ ca. Để thêm sức thuyết phục cho lý luận của mình, Nguyễn Đình Thi đã đưa ra dẫn chứng khá độc đáo:

” Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng”

Nhà luận lý ngồi khảo cứu mãi xem vì sao mà chuyện mây trắng mây vàng lại đưa đến chuyện anh với nàng. Luận lý chưa hiểu, nhưng cả tâm hồn chúng ta đã hiểu và âm vang theo. Thơ, ấy chính là tiếng nói bên trong tâm hồn của chính nó, của riêng nó mà thôi.

Tiếp theo, tác giả bàn về hình ảnh thơ. Hình ảnh thơ không phải dùng ống kính đơn thuần chụp lại được mà hình ảnh thơ là những nhận thức, là những tình cảm và nghĩ suy của nhân vật trữ tình và của người thưởng thức. Câu thơ: “Sông dài trời rộng bến cô liêu” đâu chỉ là cảnh sông dài trời rộng mà còn chất chứa cả một bầu tâm trạng, mỗi nỗi sầu cô độc, le lói, nhỏ bé giữa cảnh bao la, rộng lớn. Hình ảnh thơ còn ” ửa căm hờn”, là “làn sóng cách mạng” mang cả một ý chí, một nghị lực và tinh thần thép của những người cách mạng, thơ làm kháng chiến, thơ làm cách mạng cũng vì lẽ ấy. Từ đó, tác giả khẳng định rằng, hình ảnh trong thơ ấy phải là hình ảnh thực của đời sống, sống trong đời sống và vì đời sống. Hình ảnh ấy phải có sức lôi cuốn và thu hút, chạm đến cảm xúc, lay động tâm hồn. Đôi khi chỉ một chiếc lá rơi trước vườn nhà, một giọt nắng sớm mai, một nụ cười trước cái chết cận kề của người chiến sĩ cũng làm nên thơ động đến những tầng sâu cảm xúc của lòng người. Chữ và tiếng trong thơ cũng được Nguyễn Đình Thi nêu ý kiến: “Biết cả, nhưng chưa đủ làm cho ai thấy lạnh, thấy trắng. Mỗi chữ và tiếng mới như một ngọn nến trắng cắt bằng giấy dán trên nền đen. Mỗi ngọn nến vẫn trắng như nến đen vẫn đen. Mỗi chữ là một nghĩa nhưng bài thơ vẫn chưa có hồn.”

Từng lời, từng chữ trong thơ đều mang những tầng nghĩa khác, điều đó được người thưởng thức cảm nhận và đánh giá. Một điều kỳ diệu khác trong thơ là nhịp điệu. “Chữ và tiếng trong thơ phải còn có một giá trị khác, ngoài giá trị ý niệm. Người làm thơ chọn chữ và tiếng không những vì ý nghĩa của nó, cái nghĩa thế nào là thế ấy, đóng lại trong một khung sắt. Điều kỳ diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến chung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, tỏa ra chung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy.” Nhịp điệu của thơ xuất phát từ hình ảnh, từ tiếng nhạc bên trong từng âm thanh của con chữ. Nhịp điệu của thơ cũng mang cả ý nghĩ và cảm xúc. Đó là nhịp điệu hình thành của những cảm xúc, hình ảnh, liên tiếp hòa hợp, mà những tiếng và chữ gọi ra như những ngân vang dài, ngay những khoảng lung linh giữa chữ, những khoảng im lặng cũng là nơi trú ngụ kín đáo của sự xúc động.”

Cuối cùng, tác giả bàn về thơ tự do- một lối thơ mới trong đường đi của thơ hiện đại. Thơ có khuôn mẫu, có vần hiệp cũng là một nét đẹp và độc đáo của thơ Việt Nam, chính sự hiệp vần ấy làm cho thơ trở nên thơ hơn. Song, trong thời đại mới, những cảm xúc cũng mãnh liệt và cuồng nhiệt, mạnh mẽ hơn thì thì thơ cũng cần vượt khỏi những khuôn khổ để bứt phá nói lên những tư tưởng mới, tình cảm mới của thời đại. Những người thi sĩ trẻ phải tự nhận thức, đạp đổ những hàng rào sẵn khó, vượt thoát đến những chân trời mới của sự tự do để cảm xúc được bay bổng, được hoành hành trong thơ. Không bắt buộc phải chọn lựa một hình thức nào, chỉ cần thơ “diễn tả được đúng tâm hồn của con người mới ngày nay”.

————————–HẾT————————

Bên cạnh bài Phân tích bài Mấy ý nghĩ về thơ, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích tác phẩm Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, Phân tích bài thơ Dọn về làng của Nông Quốc Chấn, Phân tích đoạn trích Cha con nghĩa nặng của Hồ Biểu Chánh, Phân tích bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button