Giáo dục

Nghị luận xã hội về chủ quyền biển đảo

Đề bài: Nghị luận xã hội về chủ quyền biển đảo

nghi luan xa hoi ve chu quyen bien dao

This post: Nghị luận xã hội về chủ quyền biển đảo

Nghị luận xã hội về chủ quyền biển đảo

I. Dàn ý Nghị luận xã hội về chủ quyền biển đảo

1. Mở bài

Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Vấn đề chủ quyền biển đảo luôn là một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu trong các mục tiêu của quốc gia, bởi chủ quyền biển đảo cũng chính là chủ quyền lãnh thổ dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển đảo là bảo vệ cuộc sống và tương lai của chúng ta

2. Thân bài

– Biển đảo Việt Nam:
+ Vùng biển: Vùng biển của Việt Nam có diện tích hơn 1 triệu km2 bao gồm 5 bộ phận: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa
+ Hệ thống đảo và quần đảo: Có hơn 4000 đảo lớn nhỏ, đảo lớn nhất là Phú Quốc (Kiên Giang), hai quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa) và 12 huyện đảo thuộc 9 tỉnh

– Chủ quyền biển đảo Việt Nam: Biển đảo của Việt Nam từ xa xưa đã được chứng minh chủ quyền và trở thành bộ phận cấu thành nên phạm vi chủ quyền lãnh thổ của nước ta, biển cùng với đảo và quần đảo chính là hệ thống tiền tiêu để bảo vệ đất liền, là căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương.
– Tình hình chủ quyền biển đảo hiện nay: Vấn đề chủ quyền biển đảo hiện nay vô cùng phức tạp do sự xâm phạm chủ quyền bất hợp pháp của các quốc gia trên vùng biển và đảo của Việt Nam
– Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo: Chúng ta luôn bảo vệ cho quyền chủ quyền đối với biển đảo quốc gia, mỗi người dân Việt Nam đều được trang bị kiến thức về biển đảo và chủ chủ quyền biển đảo của dân tộc, ý thức sâu sắc về sự thiêng liêng của biển đảo đối với đất nước

3. Kết bài

Nhận thức và hành động: Trang bị cho mình kiến thức về chủ quyền biển đảo, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên trường quốc tế đồng thời lên án và đấu tranh với những hành động xâm phạm đến chủ quyền biển đảo Việt Nam.
 

II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về chủ quyền biển đảo

Biển đảo quê hương luôn là một phần máu thịt trong mỗi người con dân đất Việt, biển đảo Việt Nam nói riêng và biển Đông nói chung đã trở thành một hữu thể không tách rời. Cuộc sống của nhân dân ta từ bao đời nay đã gắn bó với biển, đảo trên những con thuyền ra khơi đánh dấu chủ quyền và bảo vệ bờ cõi đất nước. Vấn đề chủ quyền biển đảo luôn là một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu trong các mục tiêu của quốc gia, bởi chủ quyền biển đảo cũng chính là chủ quyền lãnh thổ dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển đảo là bảo vệ cuộc sống và tương lai của chúng ta.

Biển đảo của nước ta bao gồm hai bộ phận là vùng biển và hệ thống các đảo, quần đảo. Vùng biển của Việt Nam có diện tích hơn 1 triệu km2 bao gồm 5 bộ phận: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa. Lãnh thổ nước ta có đường bờ biển dài 3260km với 28 tỉnh, thành phố giáp biển, vùng biển của nước ta tiếp giáp với 8 quốc gia: Trung Quốc, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia, Xin-ga-po. Nằm trong vùng biển nước ta có hơn 4000 đảo lớn nhỏ, đảo lớn nhất là Phú Quốc (Kiên Giang), hai quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa) và 12 huyện đảo thuộc 9 tỉnh. Biển đảo của Việt Nam từ xa xưa đã được chứng minh chủ quyền và trở thành bộ phận cấu thành nên phạm vi chủ quyền lãnh thổ của nước ta, biển cùng với đảo và quần đảo chính là hệ thống tiền tiêu để bảo vệ đất liền, là căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương. Khẳng định được chủ quyền của nước ta đối với biển đảo chính là cơ sở để khẳng định chủ quyền với vùng biển, thềm lục địa xung quanh đảo. Vấn đề chủ quyền biển đảo hiện nay vô cùng phức tạp do sự xâm phạm chủ quyền bất hợp pháp của các quốc gia trên vùng biển và đảo của Việt Nam. Đặc biệt là sự tranh chấp các vùng biển tiếp giáp và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một trong số những nước khuấy đảo vấn đề này mạnh mẽ nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, hàng nghìn những bằng chứng lịch sử từ ngàn đời đã chứng minh việc chiếm hữu và thực thi quyền chủ quyền đối với hai quần đảo này từ khi chúng còn là vùng đất vô chủ. Với các vùng biển, đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam ta cũng đã khẳng định và thực thi chủ quyền một cách rõ ràng, liên tục, hòa bình và phù hợp với các quy định của quốc tế.

Vấn đề chủ quyền biển đảo luôn là vấn đề nóng bởi các nước trong khu vực đều nhận thức được vị trí chiến lược của biển Đông, nơi đây vừa là ngã tư đường hàng hải quốc tế lại có nguồn tài nguyên giàu có nên các quốc gia quanh biển Đông đã chú ý và tích cực các hoạt động tranh chấp, khai thác và xâm phạm. Trước những sự khuấy động và tác động tiêu cực của các quốc gia xung quanh, nước ta luôn phải giải quyết vấn đề tranh chấp về chủ quyền vốn đã được Liên Hợp Quốc và cả thế giới công nhận. Đối với các vùng biển, đảo xảy ra tranh chấp nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng, nước ta luôn khẳng định chủ quyền không tranh cãi, khẳng định quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở biển Đông. Trong những năm gần đây, những tranh chấp diễn ra trên biển đảo ảnh hưởng không nhỏ đến tình tình trật tự an ninh quốc phòng và đời sống nhân dân biển đảo, Đảng và Nhà nước ta luôn dựa trên những pháp lý quốc tế để có những thỏa thuận với những nước trong khu vực, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trên hòa bình, làm rõ chủ quyền với một số vùng biển, đảo và quần đảo có tranh chấp. Chúng ta luôn bảo vệ cho quyền chủ quyền đối với biển đảo quốc gia, mỗi người dân Việt Nam đều được trang bị kiến thức về biển đảo và chủ chủ quyền biển đảo của dân tộc, ý thức sâu sắc về sự thiêng liêng của biển đảo đối với đất nước. Bên cạnh đó, ta tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để khẳng định chủ quyền của mình trên biển Đông, khẳng định với toàn thế giới rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Thế hệ chúng ta hôm nay được sống trong hòa bình là nhờ công ơn của cha anh đã ngã xuống bảo vệ quê hương, đất nước, biển đảo thân thương. Chính vì vậy, chúng ta phải tích cực học tập, lao động và rèn luyện hơn nữa để góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc. Trang bị cho mình kiến thức về chủ quyền biển đảo, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên trường quốc tế đồng thời lên án và đấu tranh với những hành động xâm phạm đến chủ quyền biển đảo Việt Nam.

———————–HẾT———————

Cùng với chủ đề về biển đảo, để có thêm những kiến thức và kĩ năng viết bài nghị luận xã hội, các em có thể tham khảo thêm những chủ đề đặc sắc khác như: Nghị luận về vấn đề bảo vệ môi trường, Nghị luận về vấn đề sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt của học sinh hiện nay, Nghị luận xã hội về vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội, Nghị luận xã hội về vấn đề giáo dục giới tính với tuổi vị thành niên hiện nay.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button