Có thể bạn không biết nhưng lớp phủ Oleophobic là một thành phần đóng vai trò quan trọng trên bất cứ mẫu điện thoại thông minh nào. Nó có ảnh hưởng lớn đến không chỉ trải nghiệm người dùng, mà còn cả độ bền của thiết bị. Vậy lớp phủ Oleophobic là gì? Có tác dụng ra sao?
Lớp phủ Oleophobic là gì?
Mặc dù tên gọi nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực tế Oleophobic chỉ đơn thuần là một lớp phủ trên bề mặt màn hình của smartphone, có tác dụng hạn chế dấu vân tay trên màn hình cảm ứng khi người dùng thao tác.
This post: Lớp phủ Oleophobic trên smartphone là gì?
Nếu không có lớp phủ này, màn hình điện thoại của bạn sẽ không khác gì một “thỏi nam châm hút dấu vân tay”, khiến chất lượng hiển thị và thao tác cảm ứng kém đi đáng kể, đồng thời cũng ảnh hưởng lớn đến tính thẩm mỹ của thiết bị.
Lớp phủ Oleophobic xuất hiện ban đầu trên smartphone, nhưng hiện tại cũng đã được sử dụng rộng rãi trên nhiều thiết bị có màn hình cảm ứng khác như máy tính bảng, máy tính xách tay… Lớp phủ Oleophobic hiện đại không chỉ hạn chế để lại dấu vân tay, mà còn giúp hạn chế bám bẩn, mồ hôi, dễ dàng làm sạch, và thậm chí gia tăng độ bền cũng như trải nghiệm chạm vuốt trên màn hình nói chung. Cảm giác mượt mà của màn hình cảm ứng điện thoại thông minh hiện đại ngày nay có liên quan rất nhiều đến lớp phủ Oleophobic. Apple chính là cái tên đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ này vào iPhone, với thiết bị đầu tiên là iPhone 3GS ra mắt năm 2009.
Lớp phủ Oleophobic hoạt động như thế nào?
Lớp phủ Oleophobic hoạt động nhờ tính chất kỵ mỡ. Về cơ bản, chúng có đặc tính loại bỏ chất dầu. Nói chính xác hơn, màn hình có lớp phủ Oleophobic sẽ không hút dầu như các bề mặt khác. Điều này trái ngược với lớp phủ kỵ nước, loại bỏ chất lỏng, vốn không phù hợp để phủ lên màn hình cảm ứng.
Tuy nhiên, màn hình có lớp phủ Oleophobic không có nghĩa là miễn nhiễm với dấu vân tay hay bụi bẩn. Những lớp phủ này sẽ mòn dần theo thời gian, đó là lý do tại sao các nhà sản xuất như Apple thường cảnh báo người dùng, khi vệ sinh điện thoại iPhone không nên lau màn hình thiết bị bằng cồn tẩy rửa.
Tất nhiên lớp phủ Oleophobic cũng có độ bền hữu hạn, bên cạnh cồn tẩy rửa, thao tác sử dụng hàng ngày của bạn trên màn hình cũng khiến lớp phủ bị hao mòn. Quá trình này diễn ra nhanh hay chậm tùy vào thói quen sử dụng của từng người, thông thường là khoảng 2 năm. Tuy nhiên, đa số người dùng khi mua điện thoại đều dán thêm miếng kính cường lực bổ sung. Miếng kính này có chức năng bảo vệ màn hình và đồng thời bảo vệ luôn cả lớp Oleophobic.
Để kiểm tra chất lượng của lớp phủ Oleophobic trên màn hình hoặc miếng dán bảo vệ màn hình, hãy cẩn thận nhỏ một giọt nước lên mặt kính. Nếu nước đọng lại thành một giọt, đồng nghĩa lớp phủ của bạn đang hoạt động tốt. Mặt khác, nếu giọt nước lan ra kính, tức là lớp phủ đang hoặc đã bị mòn hoàn toàn.
Nhìn chung, việc lớp phủ Oleophobic bị mài mòn theo thời gian là không thể tránh khỏi. Nếu bạn quá lo lắng về vấn đề này, lời khuyên là hãy dán thêm lớp kính cường lực bổ sung. Khi lớp phủ ở bề mặt kính xuống cấp, bạn có thể dễ dàng thay thế miếng kính khác.
Chúc bạn luôn có được trải nghiệm tốt với chiếc điện thoại của mình!
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Tổng Hợp