Đề bài: Lẽ ghét thương là lời tâm huyết của Nguyễn Đình Chiểu về nỗi ghét tình thương
This post: Lẽ ghét thương là lời tâm huyết của Nguyễn Đình Chiểu về nỗi ghét tình thương
Văn mẫu chứng minh lẽ ghét thương là lời tâm huyết của Nguyễn Đình Chiểu về nỗi ghét tình thương
Bài làm:
Thời kỳ trước khi thực dân Pháp tràn sang xâm lược nước ta, văn chương của Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu khai thác về những lý lẽ, đạo đức làm người. Ông đề cao những lý tưởng cao đẹp về phẩm chất của con người, mong ước nhân dân có được cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, con người đối xử với nhau bằng tấm lòng nhân nghĩa vẹn toàn. Nhấn mạnh và khẳng định chân lý cái thiện luôn luôn chiến thắng cái ác, ở hiền thì gặp lành, tai qua nạn khỏi. Chính vì vậy trong các tác phẩm của ông, nhân vật chính thường là người có nhân cách cao đẹp, chính trực, yêu chính nghĩa, lại tài giỏi, đức độ, đây chính là hiện thân của tâm hồn Nguyễn Đình Chiểu. Một trong số những tác phẩm nổi bật nhất của ông là Lục Vân Tiên, và đoạn trích Lẽ ghét thương chính là một trong số những lời tâm huyết nhất của Nguyễn Đình Chiểu về quan điểm yêu ghét.
Lẽ ghét thương trích từ câu thứ 473 đến 504 của truyện thơ Lục Vân Tiên, kể về cuộc đối thoại cuả ông Quán và bốn chàng thư sinh là Lục Vân Tiên, Tử Trực, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm khi họ dừng chân trong quán ông trước khi bước vào cuộc thi lấy công danh. Tuy ông Quán chỉ là một nhân vật phụ rất nhỏ trong toàn bộ câu chuyện dài, nhưng ông lại là một trong những nhân vật được yêu thích nhất. Lý giải cho điều khó hiểu ấy, ta chỉ cần đọc đoạn trích Lẽ ghét thương có lẽ sẽ thấm thía được phần nào. Bởi ở con người nhân vật này luôn toát lên một vẻ chính trực sâu tận trong tâm khảm, những lời nói của ông luôn mang đến cho người đọc nhiều suy nghĩ, mà tiêu biêu là quan điểm ghét thương của ông.
Ông trình bày cái lẽ ghét của mình nằm vỏn vẹn trong 10 câu thơ, chữ “ghét” được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong cả đoạn, đó là hình thức liệt kê, cũng là thể hiện cái nỗi ghét “Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm” của ông Quán. Vốn vị cay, vị đắng chẳng mấy ai thích, một khi đã nếm vào thì người ta thường chỉ biết nhăn mặt khó chịu, hơn thế nữa ông chẳng phải chỉ ghét khơi khơi kiểu ngứa mắt, mà cái nỗi ghét ấy đã ăn sâu vào tận tâm, vào trái tim luôn nóng rực một niềm chính khí. Vậy ông Quán ghét những gì? Ông ghét những chuyện “tầm phào”, vô vị, không có ý nghĩa, suy ra ông ghét những kẻ lắm điều, dựng chuyện không đâu. Rồi ông ghét: Đời Kiệt, Trụ mê dâm; đời U, Lệ đa đoan; đời Ngũ bá phân vân; ghét cả đời thúc quý phân băng. Tuy ghét nhiều như thế nhưng tựu chung lại thì đó chính là một nỗi ghét sâu sắc với những triều đại, mà ở đó vua quan sa đọa, hèn kém, đam mê sắc dục, để đất nước rơi vào cảnh suy tàn, dân chúng phải khổ đau. Lẽ ghét của ông Quán chung quy cũng xuất phát từ tấm lòng yêu nước thương dân mà ra cả. Sâu tận đáy lòng, ông chỉ mong cho nhân dân được cuộc sống ấm no hạnh phúc, chứ không phải chịu cái cảnh cùng cực, khốn khổ dưới những triều đại thối nát. Thông qua lẽ ghét của ông Quán, ta mới hiểu sâu sắc những tình cảm sâu nặng mà Nguyễn Đình Chiểu đã gửi gắm vào từng vần thơ, nhờ nhân vật của mình bày tỏ một cách đầy tâm huyết.
Thế là xong sự ghét, vậy lẽ thương thì như thế nào? Ta tinh ý nhận thấy rằng đối với niềm thương, ông Quán nói nhiều hơn cả, cái tâm hồn chính nghĩa và nhân đạo của ông nhìn thấy nhiều nỗi khổ đau, trái ngang hơn cả. Ông thương “đức thánh nhân” – Khổng Tử, tuy là người tài giỏi, tinh thông Nho học, nhưng cả đời phải bôn ba truyền đạo mà không mấy ai coi trọng. Đó là nỗi đau của kẻ có thực tài mà không tìm được người đồng đạo, thương là ở chỗ đó. Rồi ông thương cho Nhan Tử, cho những người vốn cũng tài giỏi, nhưng đoản mệnh, chưa kịp cống hiến bao nhiêu cho cuộc đời, để lại bao tiếc thương cho những đời sau. Rồi thương cho Gia Cát Lượng, Đổng Tử, Nguyên Lạc, Hàn Dũ, Liêm, Lạc. Họ đều là những bậc kỳ tài, nhưng không gặp thời, không gặp được minh quân để phò trợ hoặc đau lòng hơn là không được trọng dụng. Cuối cùng tài năng đức độ ấy chẳng thể đem cống hiến, đành ôm nỗi tiếc nuối ngàn thu, tài năng chôn vùi khi trở về cát bụi.
Câu thơ “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”, ý nhận định suy xét cho cùng lẽ ghét cũng bắt đầu từ chữ thương, Nguyễn Đình Chiểu thương dân, yêu nước bao nhiêu thì lại càng căm ghét cái chế độ phong kiến suy đồi, bại hoại bấy nhiêu. Để từ đó lòng thương tiếc với các bậc thánh nhân xưa lại càng thêm sâu sắc, thấm thía hơn, bởi nếu có những người hiền tài như họ vực dậy đất nước thì đâu nên nông nỗi. Nhưng ước nguyện chẳng như sở tại, chỉ bởi sinh lầm thời thế, mà phải ngậm ngùi. Càng thương lại càng ghét!
Đoạn trích sử dụng những vần thơ thật giản dị, gần gũi, dùng nhiều phép lặp, phép liệt kê. Nhưng không đem lại vẻ nhàm chán, khô khan, cứng nhắc, mà đem lại cho người đọc những nhìn nhận thật sâu sắc về lẽ ghét thương, bởi kiến thức lịch sử uyên bác, lời lẽ thấu tình đạt lý của tác giả. Trong đó, tâm huyết nhất có lẽ là tấm lòng yêu nước thương dân, ẩn trong từng lời thơ một cách thật sâu sắc, thấm thía thông qua những lẽ ghét, thương đầy tâm huyết của nhà thơ mù, nhưng có tâm hồn sáng suốt – Nguyễn Đình Chiểu.
—————— Hết —————–
Sau khi tham khảo bài văn mẫu chứng minh lẽ ghét thương là lời tâm huyết của Nguyễn Đình Chiểu về nỗi ghét tình thương, để hiểu rõ về nội dung, ý nghĩa của tác phẩm, các em cần tham khảo các bài văn hay lớp 11 liên quan đến bài Lẽ Ghét Thương như Soạn bài Lẽ ghét thương, Cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương, Dàn ý cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương,…
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)