Đề bài: Giải thích câu tục ngữ: Vụng chèo khéo chống
This post: Giải thích câu tục ngữ: Vụng chèo khéo chống
Giải thích câu tục ngữ: Vụng chèo khéo chống
I. Dàn ý Giải thích câu tục ngữ: Vụng chèo khéo chống (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về câu nói “Vụng chèo khéo chống”
2. Thân bài
* Giải thích:
– Nghĩa đen: Nói về công việc của người lái thuyền:
+ “Chèo” và “chống” đều là những hành động thường dùng khi lái thuyền.
+ Chèo là hành động gạt nước về hai bên nhằm làm cho con thuyền tiến lên phía trước.
+ Chống là việc dùng tay tì vào đầu mái chèo để đẩy cho thuyền di chuyển, thường chỉ dùng khi thuyền gần bờ.
→ Nếu vụng chèo mà khéo chống thì con thuyền vẫn có thể di chuyển, tuy nhiên sẽ không thể di chuyển nhanh.
– Nghĩa biểu tượng:
+ “vụng chèo” là sự vụng về, yếu kém khi làm một công việc gì đó.
+ “khéo chống” là việc giỏi bao biện, bào chữa cho sự yếu kém của bản thân bằng những lời nói hoa mĩ, đánh lừa cảm giác của người nghe.
→ “Vụng chèo khéo chống” là việc lấu cái đơn giản, thứ yếu để thay thế cho cái trọng yếu, phức tạp.
=> Câu nói nhằm phê phán những người không có năng lực nhưng không chịu nhận những hạn chế để cố gắng hoàn thiện mà chỉ biết bao biện bằng những lời nói sáo rỗng, vô nghĩa.
* Bàn luận về câu nói:
– Những người có thói quen bao biện thường là những người cố chấp, bảo thủ không dám nhìn nhận vào sự thật.
– Không dám thừa nhận những sai lầm, yếu kém của bản thân mà chỉ biết bao biện, thanh minh thì con người sẽ không bao giờ tiến bộ, làm việc gì cũng khó thành công.
– Thói quen biện bạch gây khó chịu cho những người xung quanh.
– Khi sự biện bạch được dùng để che đậy cho sự cẩu thả và năng lực yếu kém, nó còn phản tác dụng, nó sẽ là điểm trừ làm mất đi danh dự, uy tín của bản thân.
– Lấy dẫn chứng về thói quen “vụng chèo khéo chống” trong cuộc sống.
* Bài học:
– Cần cố gắng học tập, rèn luyện mỗi ngày.
– Khi học tập hay làm bất cứ công việc gì cũng cần đề cao trách nhiệm của bản thân, cố gắng hết sức để thực hiện thay vì sự qua loa, cẩu thả.
– Biết lắng nghe những đóng góp, nghiêm khắc nhìn nhận những sai lầm, hạn chế của bản thân để sửa chữa, khắc phục.
3. Kết bài
Đánh giá về ý nghĩa của câu nói
II. Bài văn mẫu Giải thích câu tục ngữ: Vụng chèo khéo chống (Chuẩn)
Bàn về sức mạnh của ngôn từ, bên cạnh những câu nói đề cao sự khéo léo và tinh tế trong sử dụng lời nói như “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe” thì cũng có không ít câu nói phê phán việc lợi dụng sự linh hoạt của ngôn từ để chống chế cho sự vụng về, cẩu thả của bản thân, tiêu biểu nhất có thể kể đến “Vụng chèo khéo chống”.
“Vụng chèo khéo chống” là câu nói phê phán những người có khả năng làm việc yếu kém, cẩu thả nhưng lại khéo bao biện, chống chế cho những hạn chế, thiếu sót của bản thân. Tìm về nguồn gốc của câu nói, có nhiều ý kiến cho rằng nó được xuất phát từ công việc lái thuyền trên sông nước. “Chèo” và “chống” đều là những hành động thường dùng khi lái thuyền. Chèo là hành động gạt nước về hai bên nhằm làm cho con thuyền tiến lên phía trước. Chống là việc dùng tay tì vào đầu mái chèo để đẩy cho thuyền di chuyển. Khi lái thuyền, người ta chỉ chống thuyền khi thuyền gần bờ, khi mái chèo có thể chạm đến đất còn khi ở giữa sông người ta sẽ chèo để con thuyền có thể tiến về phía trước. Nếu vụng chèo mà khéo chống thì con thuyền vẫn có thể di chuyển, tuy nhiên sẽ không thể di chuyển nhanh bởi một người lái thuyền lành nghề là người thành thạo cả hai hành động chèo và chống.
Hiểu theo nghĩa biểu tượng, “vụng chèo” là sự vụng về, yếu kém khi làm một công việc gì đó, “khéo chống” là việc giỏi bao biện, bào chữa cho sự yếu kém của bản thân bằng những lời nói hoa mĩ, đánh lừa cảm giác của người nghe. “Vụng chèo khéo chống” là việc lấu cái đơn giản, thứ yếu để thay thế cho cái trọng yếu, phức tạp. Câu nói nhằm phê phán những người không có năng lực nhưng không chịu nhận những hạn chế để cố gắng hoàn thiện mà chỉ biết bao biện bằng những lời nói sáo rỗng, vô nghĩa. Những người có thói quen bao biện thường là những người cố chấp, bảo thủ không dám nhìn nhận vào sự thật, đó cũng là những người quá đề cao cái tôi của bản thân, không muốn nghe những lời phê bình, đánh giá không tốt từ người khác. Không dám thừa nhận những sai lầm, yếu kém của bản thân mà chỉ biết bao biện, thanh minh thì con người sẽ không bao giờ tiến bộ, làm việc gì cũng khó thành công bởi những thành quả được tạo nên bởi năng lực, không phải bằng lời nói. Thói quen biện bạch không chỉ gây khó chịu cho những người xung quanh mà còn làm cho hình ảnh của chúng ta trở nên xấu xí trong mắt mọi người. Khi sự biện bạch được dùng để che đậy cho sự cẩu thả và năng lực yếu kém, nó còn phản tác dụng, nó sẽ là điểm trừ làm mất đi danh dự, uy tín của bản thân.
Trong cuộc sống chúng ta cũng bắt gặp rất nhiều người có thói quen “vụng chèo khéo chống”, đó là những học sinh lười biếng, khi nhận về kết quả học tập kém lại biện minh rằng do bài học khó, do giáo viên giảng không hiểu và rất nhiều lí do khác. Trong những ngày gần đây, câu chuyện về một cán bộ y tế mắng chửi, xúc phạm bệnh nhân bị nhiễm Covid khi đến trạm y tế khai báo khiến chúng ta không khỏi bức xúc. Người cán bộ y tế này đã không làm tốt trách nhiệm của bản thân, không những không hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh mà còn có những lời nói, hành động đáng lên án. Khi bị khiển trách, kỉ luật thì người này lại bao biện rằng do quá áp lực với công việc nên có những lời lẽ thiếu chuẩn mực.
“Vụng chèo khéo chống” là một thói quen xấu cần lên án và loại bỏ khỏi cuộc sống của con người. Để làm được như vậy, mỗi chúng ta cần cố gắng học tập, rèn luyện mỗi ngày. Khi học tập hay làm bất cứ công việc gì cũng cần đề cao trách nhiệm của bản thân, cố gắng hết sức để thực hiện thay vì sự qua loa, cẩu thả. Chúng ta cũng cần lắng nghe những đóng góp, nghiêm khắc nhìn nhận những sai lầm, hạn chế của bản thân để sửa chữa, khắc phục.
Câu nói “Vụng chèo khéo chống” tuy ngắn gọn nhưng lại mang ý nghĩa răn dạy vô cùng sâu sắc. Cần loại bỏ thói quen biện bạch, chống chế để nâng cao giá trị bản thân và làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa.
—————HẾT—————
Qua việc Giải thích câu tục ngữ Vụng chẻo khéo chống, chắc hẳn các em đã nắm vững ý nghĩa của câu tục ngữ cũng như thấy được tác hại của thói quen biện bạch, dùng lời nói để che đậy cho sự yếu kém của bản thân. Các em có thể tìm hiểu thêm nhiều câu tục ngữ khác qua việc tham khảo: Giải thích câu Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại, Giải thích về câu tục ngữ Giận cá chém thớt, Giải thích câu nói Lời chào cao hơn mâm cỗ, Giải thích câu tục ngữ Một mặt người bằng mười mặt của.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục