Đề bài: Đoạn văn phân tích biểu hiện đẹp của tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí
This post: Đoạn văn phân tích biểu hiện đẹp của tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí
Đoạn văn phân tích biểu hiện đẹp của tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí
I. Dàn ý Đoạn văn phân tích biểu hiện đẹp của tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí (Chuẩn)
1. Mở đoạn:
– Giới thiệu về tác giả Chính Hữu và bài thơ “Đồng chí”, biểu hiện đẹp của tình đồng chí.
2. Thân đoạn:
a. Những người lính thấu hiểu hoàn cảnh, tâm tư của nhau
– Họ đều xuất thân từ những vùng quê nghèo khó.
– Nghe tiếng gọi của Tổ quốc, họ đều gửi lại “ruộng nương”, “gian nhà”, xung phong vào mặt trận chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.
b. Những người lính chia sẻ gian khổ trong cuộc sống sinh hoạt
– Họ cùng nhau trải qua những trận sốt rét rừng
– Cùng nhau chia sẻ những thiếu thốn của thời chiến: “Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Chân không giày”
– Vượt lên trên hiện thực khắc nghiệt, họ vẫn dành cho nhau tình cảm keo sơn gắn bó. Cái nắm tay đã truyền thêm hơi ấm, tiếp thêm sức mạnh để họ quyết tâm chiến đấu.
– Lời thơ sâu lắng, chứa chan tình cảm thắm thiết của con người từng trải qua hai cuộc kháng chiến.
3. Kết đoạn:
– Khẳng định lại tình cảm gắn bó thân thiết của những người lính.
II. Những Đoạn văn phân tích biểu hiện đẹp của tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí hay nhất
1. Đoạn văn phân tích biểu hiện đẹp của tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí, mẫu 1 (Chuẩn)
Người lính là hình tượng nổi bật, xuyên suốt trong sáng tác của các nhà thơ, nhà văn thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Là một nhà thơ- chiến sĩ, Chính Hữu đã viết về hình tượng này một cách chân thực qua bài thơ “Đồng chí”. Tình đồng chí, đồng đội thắm thiết của những người lính được nhà thơ thể hiện rõ qua những dòng thơ hàm súc. Gọi nhau hai tiếng “đồng chí” nên những người lính thấu hiểu hoàn cảnh, tâm tư và nỗi lòng của nhau. Họ đều là những con người xuất thân từ vùng quê nghèo khó, đã quen với việc đồng áng, ruộng nương nhưng nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, họ đã gửi lại ruộng nương cho “bạn thân cày”, “mặc kệ” gian nhà không “gió lung lay”, gửi lại giếng nước gốc đa để lên đường chiến đấu. “Mặc kệ” không phải là bỏ mặc, không quan tâm đến nữa mà trong hoàn cảnh này “mặc kệ” có nghĩa là tạm gác nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương sang một bên để quyết tâm chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù, mang hòa bình, ấm no về cho nước nhà. Không chỉ đồng cảm với hoàn cảnh, tâm tư của nhau, những người lính còn cùng nhau đồng cam cộng khổ, vượt qua những cơn sốt rét rừng đầy nguy hiểm. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, những “cơn ớn lạnh”, trận “sốt run người” khiến sức khỏe người lính gần như kiệt quệ. Mặc dù “áo anh rách vai”, “quần tôi có vài mảnh vá”, “chân không giày” nhưng họ vẫn nở nụ cười “buốt giá”, họ vẫn giữ vững tinh thần lạc quan dẫu mưa bom bão đạn. Họ “thương nhau tay nắm lấy bàn tay” để truyền cho nhau hơi ấm, sức mạnh và cả ý chí chiến đấu. Đó là cái nắm tay của những con người cùng chung hoàn cảnh xuất thân, cùng chung lí tưởng chiến đấu. Đó là cái nắm tay thể hiện tình cảm đồng chí cao đẹp. Bằng lời thơ giản dị, tự nhiên, Chính Hữu đã giúp bạn đọc thấy được những biểu hiện đẹp của tình đồng chí trong thời kì nước nhà còn kháng chiến.
2. Đoạn văn phân tích biểu hiện đẹp của tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí, mẫu 2 (Chuẩn)
Trong bài thơ “Đồng chí”, nhà thơ Chính Hữu đã tái hiện sống động những biểu hiện cao đẹp của tình đồng chí, đồng đội. Những người lính xuất thân từ những vùng quê nghèo khó khác nhau nhưng ở họ luôn ngời sáng tinh thần chiến đấu vì tổ quốc. Với xuất phát điểm là người nông dân chân lấm tay bùn, khi đất nước có giặc ngoại xâm họ đã tạm gác lại công việc thường ngày để xung phong vào mặt trận chiến đấu. Gọi nhau bằng hai tiếng “đồng chí” thiêng liêng nên họ hoàn toàn hiểu thấu hoàn cảnh và nỗi lòng thầm kín của nhau. “Giếng nước gốc đa” là hình ảnh hoán dụ chỉ gia đình, người thân nơi hậu phương tiền tuyến. Họ đang ở chốn quê nhà ngày ngày nhớ mong, ngóng trông tin tức nơi chiến khu. Gạt đi nỗi nhớ, gạt đi những tình cảm riêng tư, người lính quyết tâm cao độ dành hết sức lực cho cuộc kháng chiến. Đứng chung trong một hàng ngũ thì có điều gì mà họ chưa từng trải qua cùng nhau. Biết bao kỉ niệm thời kháng chiến gian khổ như ùa về dưới ngòi bút của Chính Hữu:
“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
Những cơn sốt rét nơi rừng thiêng nước độc, những thiếu thốn về vật chất “áo anh rách vai”, “quần tôi có vài mảnh vá”, “chân không giày” họ đã cùng nhau trải qua hết. Có trải qua khó khăn, gian khổ mới biết ai là tri kỉ và những người lính đã thực sự trở thành tri kỉ của nhau. Mọi thiếu thốn vật chất hay sự khắc nghiệt của thời tiết và hoàn cảnh sống không thể đánh gục họ bởi những con người ấy đã được tiếp thêm sức mạnh từ “nụ cười buốt giá” và từ hơi ấm bàn tay. Nụ cười lạc quan trong thời chiến đã xua tan đi bao mệt mỏi và căng thẳng. Nụ cười còn thể hiện niềm tin chiến thắng, niềm tin bất diệt về một tương lai nước nhà độc lập, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cái nắm tay của những con người cùng chung chí hướng không chỉ trao nhau hơi ấm, động viên nhau không được lùi bước trước gian nan mà đó còn là cái nắm tay tiếp thêm bao sức mạnh cho người lính. Đó là cái nắm tay của sự đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc chiến cam go, ác liệt. Có được sự động viên từ đồng đội, người lính quyết tâm chiến đấu đến cùng, quyết tử để mang lại bình yên cho dân tộc. Chính Hữu đã xây dựng bức tượng đài người lính Cụ Hồ đầy chân thực. Tình đồng chí, đồng đội cao đẹp càng làm ngời sáng thêm chân dung của người lính.
3. Đoạn văn phân tích biểu hiện đẹp của tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí, mẫu 3 (Chuẩn)
Có lẽ những bài thơ viết về hình ảnh người lính trong kháng chiến chưa bao giờ hết sức hấp dẫn đối với bạn đọc. Chúng ta đã từng biết đến “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật và tình đồng chí cao đẹp trong bài thơ cùng tên của Chính Hữu. Liệu có phải cùng hoàn cảnh xuất thân, cùng lí tưởng chiến đấu nên họ mới thấu hiểu những tâm tư thầm kín trong lòng nhau đến vậy?Có ai rời xa nơi mình từng sinh ra và lớn lên mà không khỏi nhớ nhung, vương vấn. Nhưng là bậc nam nhi, là những người con yêu nước nên các anh tạm gác lại những tình cảm riêng tư, gửi lại những “ruộng nương”, “gian nhà” ở quê hương để tham gia kháng chiến. Đâu phải “mặc kệ” là không còn liên quan gì nữa, là bỏ mặc, không quan tâm đến nữa. “Mặc kệ” là nén nỗi nhớ mong để quyết tâm cầm súng chiến đấu. Họ ra đi dứt khoát nhưng ở chiến khu họ vẫn tha thiết nỗi nhớ quê nhà. Họ nhớ những gì gần gũi, thân thuộc nhất như ruộng nương, gian nhà, gốc đa, giếng nước và nhớ cả những người thân yêu. Những thiếu thốn, gian khổ không làm chùn bước chân người lính. Và chỉ khi cùng nhau trải qua gian khổ thì những người lính mới có thể hiểu hơn về nhau. Chiến đấu ở nơi rừng thiêng nước độc nên người lính không tránh khỏi những cơn sốt rét rừng khiến làn da trở nên xanh xao. Cũng viết về sự khắc nghiệt này, Quang Dũng đã có dòng thơ: “Quân xanh màu lá giữ oai hùm”. Qua những dòng thơ như vậy chúng ta mới có thể hiểu được những vất vả, hiểm nguy của người lính. Những chiếc áo rách vai, chiếc quần có “vài mảnh vá”, những đôi chân trần không giày đã cho thấy sự khắc nghiệt của cuộc chiến nhưng bằng tình yêu đất nước nồng nàn, họ đã vượt qua khó khăn để đứng lên bảo vệ non sông. “Tay nắm lấy bàn tay” vừa để truyền cho nhau hơi ấm giữa tiết trời giá lạnh vừa tiếp thêm sức mạnh, ý chí cho những con người cùng nhau vào sinh ra tử. Tình cảm ấy thật đáng trân quý! Họ là những con người nhỏ bé nhưng phi thường. Bằng những ngôn từ giản dị, hàm súc, tác giả đã thể hiện được những biểu hiện đẹp của tình đồng chí trong bài thơ.
—————HẾT—————
Như vậy, Đoạn văn phân tích biểu hiện đẹp của tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí đã trang bị những kiến thức bổ ích để các em chinh phục tác phẩm. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm những bài viết sau: Đoạn văn phân tích biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí trong 3 câu thơ cuối bài thơ Đồng chí, Đoạn văn phân tích cơ sở hình thành tình đồng chí qua 7 câu thơ đầu bài thơ Đồng chí, Đóng vai người lính kể lại bài thơ Đồng Chí, Bình giảng bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục