Đề bài: Cảnh đám ma gương mẫu qua ngòi bút châm biếm của Vũ Trọng Phụng
This post: Cảnh đám ma gương mẫu qua ngòi bút châm biếm của Vũ Trọng Phụng
Bài làm:
Vũ Trọng Phụng là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của trào lưu văn học hiện thực 1930-1945, ông là một cây bút giàu tài năng và đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của văn xuôi chữ quốc ngữ Việt Nam. Tuy cuộc đời ngắn ngủi song Vũ Trọng Phụng đã để lại một sự nghiệp văn chương rất phong phú với nhiều thể loại, trong đó nổi bật nhất là tiểu thuyết và phóng sự. Và có thể nói tiểu thuyết “Số đỏ” là một trong số những sáng tác thành công nhất của ông. Với ngòi bút trào phúng bậc thầy, Số đỏ đã phơi bày bản chất bịp bợm, “lai căng”, “chó đểu” của bộ phận tư sản thành thị đương thời. Và đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” nói chung, cảnh đám ma gương mẫu nói riêng đã góp phần làm rõ bộ mặt gian xảo, bịp bợm ấy.
Với đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, tác giả Vũ Trọng Phụng không chỉ miêu tả niềm sung sướng, hạnh phúc của mọi người trước cái chết của cụ cố Hồng mà hơn thế còn biếm họa một bức tranh, một vở bi – hài kịch đặc sắc, đó chính là cảnh đám ma. Và có thể nói, ẩn sâu trong cảnh đám ma gương mẫu ấy, sau màn kịch ấy xuyên suốt là mâu thuẫn giữa cái thật và cái giả.
Trước hết, có thể thấy đám ma được tổ chức rất lớn, “to chưa từng thấy ở đất Hà thành”. Đó là “một đám ma theo cả lối Ta, Tàu, Tây có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng bú dích và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối, vài ba trăm người đi đưa, lại có cậu tú Tân chỉ huy, những nhà tài tử chụp ảnh đã thi nhau như hội chợ.” Vâng, hẳn đấy mà một đám ma rất to, một đám ma mà “có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu…!” Nhưng có lẽ, ngòi bút của Vũ Trọng Phụng không chỉ đứng ngoài để nhìn cái vẻ to tát ấy, mà ông nhận ra, đằng sau cái cảnh đám ma to nhất Hà thành kia chẳng qua chỉ là sự phô diễn, khoe sang, khoe giàu một cách lố bịch và hợm hĩnh. Và có lẽ “cái gật gù” tác giả nhắc tới không phải là gật gù tán thưởng mà là cái gật gù vì vỡ lẽ, vì hiểu ra mọi thứ.
Đồng thời, cảnh đám ma gương mẫu qua ngòi bút của Vũ Trọng Phụng còn hiện lên qua cách ông miêu tả những người trong và ngoài gia đình lúc đám tang diễn ra. Là Tuyết với “bộ y phục Ngây thơ – cái áo dài voan mỏng trong có coóc-sê, trông như hở cả nách và nửa vú – nhưng mà viền đen và đội một cái mũ xinh xinh. Thấy thiên hạ đồn mình hư hỏng quá, Tuyết bèn mặc bộ Ngây thơ cho thiên hạ biết rằng mình chưa đánh mất cả chữ trinh. Với cái tráp trầu ca và thuốc lá, Tuyết mời các quan khách rất nhanh nhẹn, trên mặt lại hơi có một vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám.” Vâng với Tuyết, dù cho vẻ ngoài có chút đượm buồn, nhưng ngòi bút của tác giả đã kịp phát hiện ra ẩn sau cái nét đượm buồn ấy là niềm háo hức vì đây là dịp Tuyết chứng minh mình không hư hỏng. Đó là những ông bạn thân của cụ cố Hồng đang biến đám tang thành nơi khoe huân chương và thi râu. Là đám giai thanh, gái lịch bạn của cô Tuyết, bà Văn Minh, cô Hoàng Hôn, bà Phó Đoan… đang biến đám tang trở thành nơi “chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma”. Và để miêu tả bản chất thực sự bên trong của những người đưa đám, cảnh đưa đám còn được lột tả rõ nét qua điệp ngữ “Đám cứ đi” được Vũ Trọng Phụng nhắc lại nhiều lần. “Đám cứ đi” là cái đám ma to, là dòng người đông đúc đi sau quan tài, với vẻ mặt hơi buồn đang di chuyển đến nơi hạ huyệt. Nhưng ẩn sâu trong mỗi con người ấy, trong mỗi cử chỉ, hành động của họ lại thể hiện đây là một cuộc đưa rước, vui vẻ, đình đám…
Và đặc biệt, bản chất thực sự của cảnh đám ma gương mẫu được tác giả lột tả qua cảnh hạ huyệt. Đó là hình ảnh cậu Tú Tân “bắt bẻ từng người một, hoặc chống gậy, hoặc gục đầu, hoặc cong lưng, hoặc láu mắt như thế này, thế nọ… để cậu chụp ảnh kỉ niệm. Bạn hữu của cậu rầm rộ nhảy lên những ngôi mả khác nhau mà chụp để cho ảnh khỏi giống nhau”. Là tiếng khóc tưởng chừng như đau đến xé ruột “Hứt…hứt…hứt…” của Phán mọc sừng nhưng đằng sau đó là một cuộc mua bán với Xuân tóc đỏ – “Xuân tóc đỏ muốn bỏ quách ra thì chợt thấy ông Phán dúi vào tay nó một cái giấy bạc năm đồng gấp tư”. Vâng, dường như cả đám ma nói chung và riêng cảnh hạ huyệt là một màn kịch đã được dàn dựng, ở đó mỗi con người xuất hiện đều là một diễn viên, mang cái sự đối lập giữa cái bên trong và cái bên ngoài. Và hơn hết, nơi đám ma ấy, ta thấy rõ bản chất của một xã hội, nơi đồng tiền đang lên ngôi và tất cả mọi thứ đều có thể trở thành cuộc mua bán, trao đổi.
Tóm lại, qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia và đặc biệt qua cảnh đám ma gương mẫu, Vũ Trọng Phụng đã phơi bày trước mắt chúng ta bản chất của một xã hội “lai căng”, “chó đểu” – xã hội mà nơi đó đồng tiền lên ngôi và con người sống với nhau giả dối, vô tình.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục