Đề bài: Cảm nhận về tình yêu trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao
This post: Cảm nhận về tình yêu trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao
3 bài văn mẫu Cảm nhận về tình yêu trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao
Bài mẫu số 1: Cảm nhận về tình yêu trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao
Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao xưa và nay vẫn được xem là một truyện ngắn tiêu biểu, xuất sắc của văn học sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phê phán. Tác phẩm được chú ý khai thác ở các khía cạnh tố cáo xã hội phi nhân tính, sự áp bức của giai cấp thống trị, số phận con người bị tha hoá… nhiều hơn là nhìn từ góc độ tình yêu.
Toàn bộ nội dung, kết cấu tác phẩm gắn liền với cuộc đời của nhân vật chính là Chí Phèo, có một chi tiết đáng lưu ý là: Các biến cố làm nên những đổi thay to lớn, những bước ngoặt trong cuộc đời Chí Phèo cũng như trong kết cấu tác phẩm lại đến từ hình bóng những người đàn bà. Tuy nhiên có bóng dáng đẩy Chí Phèo vào chốn tăm tối những cũng có gương mặt tuy xấu xí nhưng lại đưa Chí Phèo ra nơi ánh sáng của cõi minh triết.
Cuộc đời Chí Phèo đột nhiên chuyển hướng do việc tiếp xúc miễn cưỡng với bà Ba Bá Kiến, một người “đàn bà phốp pháp, má hây hây”, để từ một anh nông dân hiền lành chất phác trở thành một tên tù, một tên lưu manh mất hết nhân tính, mất luôn cả ý thức về mình lẫn ý thức làm người. Tuy nhiên, lần gặp gỡ với Thị Nở lại mang đến một hệ quả ngược, nó làm đảo lộn tất cả. Chính cuộc gặp gỡ với Thị Nở chứ không phải một biến cố xã hội nào đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời Chí Phèo và quyết định số phận của cả Chí Phèo lẫn Bá Kiến.
Chút tình cảm tưởng chừng rất vu vơ giữa Chí Phèo và Thị Nở ấy đã tác động, chi phối một cách sâu sắc đến quan hệ giữa Chí Phèo và Bá Kiến. Từ đó có thể thấy không phải ngẫu nhiên mà Nam Cao đã xây dựng nhân vật Chí Phèo bắt đầu từ buổi tối trước khi gặp Thị Nở, cái buổi tối mà hắn “vừa đi vừa chửi”, để rồi từ đó mối quan hệ dây mơ rễ má với Bá Kiến, những khúc, đoạn trong cuộc đời Chí Phèo như một cuốn phim quay chậm được tái hiện. Tất cả những chi tiết này có tính chất như một đường truyền, một lời đề dẫn hay như những hoạ tiết có tính chất phông nền để làm nổi bật tác động của tình yêu, tình người đến cuộc đời Chí qua nhân vật Thị Nở.
Một trong những đặc trưng phong cách của Nam Cao là sử dụng những yếu tố trái khoáy, ngược nhau để mô tả hiện thực. Tên của tác phẩm cũng thường hàm chứa một điều trái khoáy như Lang rận, Chí Phèo, Tình già… Bản thân sự tồn tại nhếch nhác của nhân vật Lang rận cùng với vẻ bề ngoài bẩn thỉu là một sự trái ngược, mâu thuẫn với nghề nghiệp, vị thế xã hội mà nhân vật mang vác. Tất cả những đối nghịch đó được thâu tóm trong một cái tên: Lang rận, và được khắc sâu hơn trong sự tương phản giữa vẻ bên ngoài nhếch nhác, thấp kém với đời sống tâm hồn cao đẹp. Hay trong truyện Nửa đêm, người cha có tên là Thiên Lôi nhưng lại đặt tên con là Đức – như hai mặt của một quá trình biện chứng nhân quả…v.v.
Từ những chi tiết đó có thể hiểu tại sao Nam Cao lại lạ hoá câu chuyện tình Chí Phèo – Thị Nở như vậy. Không lãng mạn thơ mộng như các câu chuyện tình của Tự Lực Văn Đoàn, buổi tối gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở bắt đầu bằng hình ảnh Chí Phèo “vừa đi vừa chửi… chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo”, cuộc đời hắn chìm trong những cơn say.
Chưa bao giờ hắn tỉnh táo để “nhớ rằng hắn có ở đời”. Tức trong hắn chỉ tồn tại không phải ý thức mà là một khối u u mê mê, tối tăm đặc quánh, vô cảm, vô thức. Ngay cả sự hiện hữu của bản thân, hắn cũng không nhận thức được, hắn chỉ kinh ngạc rồi cười ngặt nghẽo, cười rũ rượi khi phát hiện ra mình dưới dạng một cái bóng trên đường trăng nhễ nhại, méo mó, xệch xạc. Chính hình ảnh này hướng đến sự ẩn dụ về một dạng tồn tại bất toàn của con người trong xã hội cũ. Con người không được sống thực là chính mình mà chỉ là những cái bóng, nhưng cũng không được là cái bóng của chính mình mà là bóng của giai cấp thống trị nên thành “cái vật xệch xạc, một cái gì đen và méo mó trên đường trăng nhễ nhại”. Với cái bóng đó, với ý thức hiện hữu về sự méo mó của chính mình, Chí Phèo đến với Thị Nở. Đó là cuộc gặp gỡ tất yếu là hệ quả từ hai cuộc đời trống rỗng và bất toàn của hai con người.
Thị Nở trước khi gặp Chí Phèo vốn chỉ là một thực thể không có đường nét cá tính gì đặc biệt mà còn khùng khùng dại dại, còn dung nhan là những đường nét tự nhiên, thô mộc đến mức dị hợm: Trên một khuôn mặt ngắn ngủn, có cái mũi “vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành” và một đôi môi “cũng cố to cho không thua cái mũi” hơn nữa, lại dày và có “màu thịt trâu xám ngoách”. Toàn bộ “nhan sắc” của Thị Nở được Nam Cao tóm lại trong một nhận xét là “xấu đến ma chê quỷ hờn”. Từ hai cuộc đời, hai thân phận khiếm khuyết, hai trí tuệ mông muội tăm tối của Chí Phèo – Thị Nở, Nam Cao đã để cho họ kết hợp lại như một sự liên kết hoàn hảo để tạo ra một con người mới thống nhất trong sự bừng nở trở lại của một trí tuệ minh triết. Đó là Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở.
Với Nam Cao, tình yêu không đi liền với sự lý tưởng hoá đối tượng, với sự hâm mộ sùng bái người yêu mà bắt đầu chỉ thuần tuý là bản năng. Ánh trăng trong mắt của Chí Phèo đêm gặp Thị Nở mang đầy màu sắc nhục thể, cứ “xanh rời rợi như là ướt nước”. Cây dâu tây gần bờ sông thì “thân mềm oặt”, những tàu chuối trong vườn nhà hắn thì “nằm ngửa, ưỡn cong cong lên” thỉnh thoảng lại “giẫy lên đành đạch như là hứng tình”. Cái bóng – dấu ấn về sự hiện hữu méo mó của bản thân Chí Phèo cũng được phát hiện trong lúc này. Hành động chiếm đoạt Thị Nở của Chí Phèo lúc đầu chỉ thuần tuý là bản năng nhưng chính trong cõi âm u của bản năng ấy một ánh loé diệu kỳ đã bùng dậy hé mở cho ta nhìn thấy bản thể tốt đẹp của con người.
Nam Cao đã vượt trước những nhà văn của thời đại ông ở chỗ không dừng lại ở những tình yêu lý tưởng thuần tuý tinh thần như của Loan và Dũng trong Đoạn Tuyệt (Khái Hưng), Lan và Ngọc trong Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng), Thanh và Ngọc trong Dòng sông Thanh Thuỷ (Nhất Linh), mà ông đã hợp nhất tình yêu trong sự hoà hợp tinh thần và thể xác. Đó là những chi tiết làm căn cứ để khẳng định đây là tình yêu chứ không thuần tuý là bản năng khi Nam Cao tiếp tục miêu tả thêm lúc Chí Phèo đau bụng và ói mửa, được Thị Nở dìu về lều… Hành động ban đầu là bản năng đã làm sống dậy tình yêu, sống dậy phần nhân tính tưởng không có hay đã chết trong con người của cả Chí Phèo lẫn Thị Nở. Ở đây có sự tái sinh, phục sinh của tinh thần nhờ tình yêu và sự gắn kết hai thân xác. Nó đã cải hóa, tái sinh Chí Phèo, tình yêu cho Chí Phèo và Thị Nở ý thức về chính mình.
Trước đây, họ chỉ là hai khối mông muội, Chí Phèo thì hung bạo và triền miên trong vô thức và những cơn say vô tận: “Ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say, đập đầu rạch mặt chửi bới dọa nạt trong lúc say, uống rượu trong lúc say để rồi say nữa, say vô tận”. Vậy nhưng trong tình cảm với Thị Nở, Chí Phèo đã tìm thấy chính mình, khám phá ra chính mình, hơn thế nữa khám phá ra sự sống. Con người ý thức, con người cảm xúc của Chí Phèo sống dậy. Lần đầu tiên hắn tỉnh hẳn rượu, đó là cái tỉnh của ý thức.
Tại sao Chí Phèo “càng uống lại càng tỉnh ra?”. Bởi vì tình yêu của hắn và Thị Nở đã làm thay đổi tâm điểm cuộc sống của hắn. Tâm điểm đó đã trượt từ cõi u minh của vô thức những ngày trước đây về với cõi thực tại, bắt Chí Phèo thừa nhận một thực tại cuộc sống đang tồn tại dù có hay không có hắn. Nó định vị tâm điểm cuộc sống của Chí Phèo từ những cơn say nghiêng ngả vào một cuộc sống bình thường. Chính vì vậy mà hắn tỉnh, hắn đã nhìn thấy chính bản thân mình. Thấy “bâng khuâng” rồi “lòng mơ hồ buồn”rồi “nghĩ vẩn vơ”… Thị Nở cũng thế, lần đầu tiên Thị lắng nghe cảm xúc của tâm hồn mình để “trằn trọc” “nghĩ ngợi” “tưởng tượng bâng quơ” .v.v..
Những giới hạn của cuộc đời Chí Phèo như đã được phá bỏ, nó mở rộng, liên thông với cuộc đời bên ngoài. Chính tình yêu đã mở thông lối về với cuộc đời của Chí Phèo, hắn cảm nhận được cuộc sống xung quanh:”Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy… Chao ôi là buồn !”.
Tình yêu cũng gia tăng thêm kích thước cho cuộc đời hắn. Trước đây Chí Phèo vô cảm, vô tâm, không có ý thức về chính bản thân mình nhưng nay hắn có cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là quá khứ với những kỷ niệm yêu thương đầm ấm, là mùi hương từ bát cháo hành và những săn sóc ân cần của Thị Nở, những kỷ niệm xa xưa cũng hiện về. Hắn từng mơ tới một viễn cảnh bình yên với chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải… hắn còn sợ già, sợ cô độc và muốn làm hòa với mọi người, muốn làm người lương thiện. Sự chuyển vị này là hệ quả tất yếu do tình yêu đem lại, nó khắc họa một cách sâu sắc bản thể bất toàn và cô độc của Chí Phèo lẫn Thị Nở trước khi yêu và được yêu. Chính tình yêu đã bù đắp khiếm khuyết trong tâm hồn, tái sinh một cuộc đời và làm giàu có đời sống nội tâm của nhân vật này rất nhiều.
Chính vì thức tỉnh, vì đã được khai hóa và giàu có nhờ tình yêu nên khi bị Thị Nở từ chối “và ngoay ngoáy cái mông đít ra về”, Chí Phèo mới cảm thấy tuyệt vọng và đau khổ. Sức mạnh của tình yêu đã đưa hai nhân vật này đến một tâm điểm tuyệt đối của cuộc sống, trong khi thực tại lại không như vậy, nó vẫn tồn tại những định kiến xã hội không dễ buông tha cho con người nên thiên đường tình yêu, khát vọng làm người của Chí rơi tõm vào hiện thực trần trụi và vỡ toang, buộc Chí Phèo phải đối diện với hiện thực với nỗi đau khổ, tuyệt vọng để vùng lên cầm dao giết chết Bá Kiến.
Lời chì chiết của bà cô Thị Nở như là một chi tiết “giải thiêng” tình yêu của Chí Phèo. Nó thực tế, trần trụi đến tàn nhẫn. Đó là cái giá mà Chí Phèo và Thị Nở phải trả để đến với nhau, những thành trì xung quanh tình yêu ấy không dễ gì phá nên Chí Phèo tự kết liễu đời mình là một cách chọn lựa thích hợp nhằm chối bỏ sự thỏa hiệp, quay lại cuộc sống trước kia.
Sau những tác phẩm về tình yêu của Tự Lực Văn Đoàn của chủ nghĩa lãng mạn thì Chí Phèo của Nam Cao là một khám phá. Bởi Nam Cao vẫn viết về tình yêu nhưng không phải về bản thân tình yêu Chí Phèo – Thị Nở, mà sâu xa hơn, Nam Cao muốn hướng người đọc đến những vấn đề ngoài tình yêu. Đó là vấn đề về văn hóa, về con người và xã hội, về bản năng và vô thức, những ý niệm về thân phận con người, sự tự do thoát khỏi những buộc ràng của định kiến xã hội, khao khát làm người.
Chính vì vậy tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao không mang dáng dấp của truyện tình theo nghĩa thông thường ta vẫn hiểu, cũng không chuyển tải nội dung tình yêu theo cách thông thường mà theo một cách rất trái khoáy, rất nghịch dị mang dấu ấn riêng của Nam Cao. Nó làm cho hiện thực cuộc sống không còn bị gò ép trong cái khuôn khổ thông thường, quen thuộc trong cái nhìn của mọi người mà hiện ra một cách đột ngột bất ngờ tạo sự ngạc nhiên trong cảm nhận.
Như vậy chúng tôi đã gợi ý Cảm nhận về tình yêu trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao bài tiếp theo, các em chuẩn bị cho phần Phân tích nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí phèo và cùng với phần Chí Phèo giết Bá Kiến trong trạng thái nào? Tỉnh hay say rượu? Ý nghĩa cái chết của hai nhân vật Chí Phèo và Bá Kiến để có thể hiểu rõ hơn về nội dung này.
Bài mẫu số 2: Cảm nhận về tình yêu trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao
Tình yêu là một hiện tượng đặc biệt và khá phức tạp của cuộc sống con người, là đề tài nổi bật, hấp dẫn, không hề vơi cạn của văn học nhân loại. Chính vì vậy trong văn chương, tình yêu là đề tài liên tục thu hút sự chú ý của giới sáng tác, nghiên cứu, phê bình. Khuôn mặt của tình yêu tuỳ vào quan điểm thẩm mỹ, văn hoá, xã hội của từng thời kỳ, của từng tác giả mà có những dạng tồn tại khác nhau. Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao xưa và nay vẫn được xem là một truyện ngắn tiêu biểu, xuất sắc của văn học sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phê phán. Tác phẩm được chú ý khai thác ở các khía cạnh tố cáo xã hội phi nhân tính, sự áp bức của giai cấp thống trị, số phận con người bị tha hoá… nhiều hơn là nhìn từ góc độ tình yêu.
Toàn bộ nội dung, kết cấu tác phẩm gắn liền với cuộc đời của nhân vật chính là Chí Phèo, có một chi tiết đáng lưu ý là: các biến cố làm nên những đổi thay to lớn, những bước ngoặt trong cuộc đời cũng như trong kết cấu tác phẩm lại đến từ hình bóng những người đàn bà. Tuy nhiên có bóng dáng đẩy Chí Phèo vào chốn tăm tối những cũng có gương mặt tuy xấu xí nhưng lại đưa hắn ra nơi ánh sáng của cõi minh triết. Cuộc đời Chí Phèo đột nhiên chuyển hướng do việc tiếp xúc miễn cưỡng với bà Ba Bá Kiến, một người “đàn bà phốp pháp, má hây hây”, để từ một anh nông dân hiền lành chất phác trở thành một tên tù, một tên lưu manh mất hết nhân tính, mất luôn cả ý thức về mình lẫn ý thức làm người. Tuy nhiên, lần gặp gỡ với Thị Nở lại mang đến một hệ quả ngược, nó làm đảo lộn tất cả. Chính cuộc gặp gỡ với Thị Nở chứ không phải một biến cố xã hội nào đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời Chí và quyết định số phận của cả Chí Phèo lẫn Bá Kiến. Chút tình cảm tưởng chừng rất vu vơ giữa Chí Phèo và Thị Nở ấy đã tác động, chi phối một cách sâu sắc đến quan hệ giữa Chí Phèo và Bá Kiến. Từ đó có thể thấy không phải ngẫu nhiên mà Nam Cao đã xây dựng nhân vật Chí Phèo bắt đầu từ buổi tối trước khi gặp Thị Nở, cái buổi tối mà hắn “vừa đi vừa chửi”, để rồi từ đó mối quan hệ dây mơ rễ má với Bá Kiến, những khúc, đoạn trong cuộc đời Chí như một cuốn phim quay chậm được tái hiện. Tất cả những chi tiết này có tính chất như một đường truyền, một lời đề dẫn hay như những hoạ tiết có tính chất phông nền để làm nổi bật tác động của tình yêu, tình người đến cuộc đời Chí qua nhân vật Thị Nở. Một trong những đặc trưng phong cách của Nam Cao là sử dụng những yếu tố trái khoáy, ngược nhau để mô tả hiện thực. Tên của tác phẩm cũng thường hàm chứa một điều trái khoáy như Lang rận, Chí Phèo, Tình già… Bản thân sự tồn tại nhếch nhác của nhân vật Lang rận cùng với vẻ bề ngoài bẩn thỉu là một sự trái ngược, mâu thuẫn với nghề nghiệp, vị thế xã hội mà nhân vật mang vác. Tất cả những đối nghịch đó được thâu tóm trong một cái tên: Lang rận, và được khắc sâu hơn trong sự tương phản giữa vẻ bên ngoài nhếch nhác, thấp kém với đời sống tâm hồn cao đẹp. Hay trong truyện Nửa đêm, người cha có tên là Thiên Lôi nhưng lại đặt tên con là Đức – như hai mặt của một quá trình biện chứng nhân quả…v.v. Từ những chi tiết đó có thể hiểu tại sao Nam Cao lại lạ hoá câu chuyện tình Chí Phèo – Thị Nở như vậy. Không lãng mạn thơ mộng như các câu chuyện tình của Tự Lực Văn Đoàn, buổi tối gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở bắt đầu bằng hình ảnh hắn “vừa đi vừa chửi… chửi cái đứa đã đẻ ra hắn”, cuộc đời hắn chìm trong những cơn say.
Chưa bao giờ hắn tỉnh táo để “nhớ rằng hắn có ở đời”. Tức trong hắn chỉ tồn tại không phải ý thức mà là một khối u u mê mê, tối tăm đặc quánh, vô cảm, vô thức. Ngay cả sự hiện hữu của bản thân, hắn cũng không nhận thức được, hắn chỉ kinh ngạc rồi cười ngặt nghẽo, cười rũ rượi khi phát hiện ra mình dưới dạng một cái bóng trên đường trăng nhễ nhại, méo mó, xệch xạc. Chính hình ảnh này hướng đến sự ẩn dụ về một dạng tồn tại bất toàn của con người trong xã hội cũ. Con người không được sống thực là chính mình mà chỉ là những cái bóng, nhưng cũng không được là cái bóng của chính mình mà là bóng của giai cấp thống trị nên thành “cái vật xệch xạc, một cái gì đen và méo mó trên đường trăng nhễ nhại”. Với cái bóng đó, với ý thức hiện hữu về sự méo mó của chính mình, Chí Phèo đến với Thị Nở. Đó là cuộc gặp gỡ tất yếu là hệ quả từ hai cuộc đời trống rỗng và bất toàn của hai con người. Thị Nở trước khi gặp Chí Phèo vốn chỉ là một thực thể không có đường nét cá tính gì đặc biệt mà còn khùng khùng dại dại, còn dung nhan là những đường nét tự nhiên, thô mộc đến mức dị hợm: trên một khuôn mặt ngắn ngủn, có cái mũi “vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành” và một đôi môi “cũng cố to cho không thua cái mũi” hơn nữa, lại dày và có “màu thịt trâu xám ngoách”. Toàn bộ “nhan sắc” của Thị Nở được Nam Cao tóm lại trong một nhận xét là “xấu đến ma chê quỷ hờn”.
Bài mẫu số 3: Cảm nhận về tình yêu trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao
Không son phấn ngọc ngà, cũng chẳng giàu sang. Thậm chí, thị Nở còn có dung mạo khiến người nhìn khiếp sợ. Nam Cao đã dựng lên thị xấu tới mức ma chê quỷ hờn. Còn Chí Phèo cũng chẳng hơn gì khi chỉ là một thằng say rượu, trên mặt chằng chịt những vết rượu dài do rạch mặt ăn vạ. Nhưng tình yêu của hai con người ấy dành cho nhau lại vô cùng đáng quý. Họ đã bước vào trang văn của Nam Cao qua tác phẩm Chí Phèo với một tình yêu bất ngờ, say đắm và lẫn với tình người cao quý, thiêng liêng.
Không ai có thể ngờ được rằng hai con người ấy lại có thể yêu nhau. Chí không cha không mẹ, cuộc đời và xã hội đưa đẩy biến Chí thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại suốt ngày chìm trong cơn say triền miên. Còn thị cũng ở dưới đáy của xã hội, không ai để ý tới vì thị vừa dở hơi lại vừa xấu xí. Ấy vậy mà trong đêm tối, hai con người ấy đã vô tình ngã vào nhau, gắn bó với nhau và rồi mang đến cho nhau những hương vị thực sự của tình yêu. Khi yêu người ta vẫn thường chỉ nhìn thấy những điều tốt đẹp của người yêu. Thị cũng vậy, dẫu trước khi gặp thị, Chí là kẻ côn đồ, là tay sai của Bá Kiến đi đâm thuê chém mướn để đòi nợ. Nhưng trong lúc này, bằng đôi mắt của tình yêu, thị lại thấy Chí rất hiền. Thị còn nấu cho Chí một bát cháo hành đầy tình nghĩa, giúp Chí hạ nhiệt cơn sốt và thoát khỏi vũng bùn lầy tăm tối mà Chí đang vùng vẫy trong đó.
Tình của thị rất trong sáng, vừa có tình vừa có nghĩa. Có thể do thị dở hơi, không nhận thức được nhiều. Nhưng về phía Chí Phèo, rõ ràng Chí hiểu rằng thị chỉ là một người đàn bà dở hơi, xấu xí. Nhưng điều đó có quan trọng không khi trong lúc tuyệt vọng nhất, đau khổ nhất, chính người đàn bà dở hơi ấy đã đem lại ánh sáng cho cuộc đời Chí ? Không những là tình yêu mà còn là tình nghĩa, tình người, khiến Chí bừng tỉnh giữa những cơn say dài tăm tối. Chính tình yêu ấy đã kéo Chí quay trở lại với ước mơ giản dị đến thánh thiện ngày nào : có một gia đình nho nhỏ, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải thêu thùa. Cuộc sống thật bình dị nhưng ấm áp và yên vui. Cũng chính tình yêu của thị đã khiến Chí thêm yêu đời, yêu cuộc sống khi Chí cảm nhận được những điều bé nhỏ xung quanh mình : tiếng chim hót líu lo, tiếng mái chèo gõ cá, tiếng người đi chợ nói chuyện lao xao. Những điều ấy ngày nào cũng có nhưng đến giờ Chí mới để ý. Chí không muốn uống rượu nữa. Chí muốn quay đầu lại làm lại từ đầu. Chí cũng hiểu rằng mình có thể làm được điều đó và chính thị sẽ là chiếc cầu nối cho Chí.
Dù ban đầu họ ngã vào nhau vì ham muốn của thể xác. Nhưng sau đó, họ lại bẽn lẽn, thẹn thùng và tình tứ nhìn nhau như đôi trai gái mới hẹn hò. Thị thấy thị như yêu hắn : đó là lòng yêu của một người làm ơn. Nhưng cũng có cả lòng yêu của một người chịu ơn. Một người như thị Nở càng không quên được. Cho nên thị nghĩ : mình bỏ hắn lúc này thì cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau ! Ăn nằm với nhau như vợ chồng. Tiếng vợ chồng thấy ngường ngượng mà thinh thích. Đó vẫn là điều mong muốn âm thầm của con người khốn nạn ấy chăng ? Hay là sự khoái lạc của xác thịt đã làm nổi dậy những tính tình mà thị chưa bao giờ biết đến ? Đến ngay cả chính tác giả cũng ngờ vực đặt ra câu hỏi đó là ham muốn của thể xác hay của tình yêu đích thực ? Nhưng ngay sau đó, lại diễn ra rất nhiều điều thay đổi trong con người Chí. Đó hoàn toàn không đơn thuần là sự ham muốn xác thịt, mà sâu thẳm là tình người, là tình yêu thực sự. Bởi nếu không yêu, không thương, thị đã bỏ mặc Chí và Chí cũng không nghĩ nhiều về cuộc đời như thế. Chí nghĩ đến tình người nhiều hơn là tình yêu. Chí ăn năn, lòng bâng khuâng và khát khao được trở lại cuộc sống yên bình ngày nào. Rồi Chí nghĩ đến tuổi già cô độc. Sự cô độc còn đáng sợ hơn cả bệnh tật. Không ai bên cạnh, không người sẻ chia… May mắn được gặp thị, thị dẫu dở hơi nhưng thị vẫn là người lương thiện. Thị khác hẳn với những kẻ tỉnh táo, khôn ngoan trong làng. Chỉ có mình thị còn nhìn nhận Chí là người. Hoặc cũng có thể thị dở hơi nên không nhận ra Chí là con quỷ dữ. Nhưng rõ ràng ngay lúc này, trước mặt thị, Chí đâu có dữ dằn gì. Ngược lại, nụ cười của Chí còn làm khuấy động tâm hồn ngờ ngệch của người đàn bà ế chồng này. Người khác thấy thị dở, thị xấu. Nhưng Chí lại thấy thị có duyên và đáng yêu vô cùng. Khi nhìn nhận mọi thứ bằng sự yêu thương chân thành, mọi thứ đều trở nên đáng quý và đáng trân trọng biết bao. Giá như thị đến với Chí sớm hơn, có lẽ Chí đã không lấn quá sâu vào con đường tội lỗi, và có lẽ trên khuôn mặt Chí cũng không có quá nhiều vết sẹo như thế. Nhưng cuộc đời mà, dẫu Nam Cao cũng thương Chí lắm, thương người nông dân lắm, nhưng ông không thể biến hóa sự thật một cách quá mức. Lòng đồng cảm của ông rất lớn lao nhưng ông vẫn phải để nguyên sự thật của xã hội đương thời nghiệt ngã. Ở đó, người nông dân bị kìm kẹp, bị đàn áp, bị bần cùng hóa tới mức đánh mất nhân tính, đánh mất tình yêu và những khát khao lương thiện tốt đẹp.
Chí cũng vậy. Dù tình yêu của thị đã làm Chí đổi thay. Nhưng sự nghiệt ngã của lòng người, của người bà cô ế chồng của thị đã khiến thị quay lại cự tuyệt Chí. Chí lại rơi vào tuyệt vọng, khổ đau. Chí lại uống rượu để quên đi hết mọi chuyện. Nhưng lần này, Chí càng uống càng tỉnh. Và rồi Chí chọn cái chết để kết liễu cuộc đời mình, cũng là kết thúc một cuộc tình bi đát, đau thương. Có người nói, nếu Chí không yêu thị, không gặp thị, có lẽ Chí đã không chết thê thảm như vậy. Nhưng khi nhìn nhận ở góc độ thực tế của lòng nhân đạo, cái chết đối với Chí là điều nên làm. Bởi ta hiểu rằng, trong xã hội tàn ác, bất nhân ấy, nếu Chí còn sống, chắc chắn Chí sẽ lại là tay sai cho Bá Kiến, nối dài thêm cánh tay giết người cho hắn. Chí sẽ là nỗi ám ảnh khiếp sợ của dân làng Vũ Đại. Thà rằng lúc này Chí chết đi để được dừng lại những tội ác đó còn hơn tiếp tục sống trong tội lỗi, trong dày vò.
Dù sao tình yêu của Chí Phèo và thị Nở cũng vẫn là một tình yêu rất đẹp. Tình yêu ấy không những là sự tình cờ, mà còn là tình người thiêng liêng, cao quý. Đến một người dở hơi như thị còn có tình có nghĩa, huống chi những người khác tỉnh táo, khôn ngoan ? Tình yêu trong xã hội hiện nay cũng vậy, ngoài yêu hãy biết thương, biết trân trọng nhau, biết cùng nhau cố gắng hướng đến những điều tốt đẹp. Nhà văn Nam Cao đã dựng lên một cuộc tình thật đẹp, thật ý nghĩa. Có thể người trong cuộc khiến người ta bật cười mỗi khi nhắc tới, nhưng chính tình yêu của họ lại là bài học sâu sắc cho mọi người giữa cuộc đời đầy mưu mô, tính toán. Rằng khi yêu hãy yêu thật lòng, hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp, hãy bỏ qua cho nhau, cảm thông chia sẻ lẫn nhau. Như Chí không hề để ý đến tính tình dở hơi và “vẻ đẹp trời cho” của thị, hay chính thị cũng chẳng khinh ghét một người đàn ông không cha không mẹ, lại chuyên rạch mặt ăn vạ… Họ đã bù đắp cho nhau, làm nên một tình yêu thật đáng ngưỡng mộ. Dù sau đó cuộc tình tan vỡ nhưng đó là vì thời thế, vì xã hội. Vì thế, tình yêu ấy vẫn rất đáng trân trọng và ngợi ca.
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục