Giáo dục

Cảm nhận về khổ thơ thứ 2 trong bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ

Đề bài: Cảm nhận về khổ thơ thứ 2 trong bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ

cam nhan ve kho tho thu 2 trong bai tho day thon vi da

This post: Cảm nhận về khổ thơ thứ 2 trong bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ

Cảm nhận về khổ thơ thứ 2 trong bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ
 

I. Dàn ý Cảm nhận về khổ thơ thứ 2 trong bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác giả Hàn Mặc Tử và bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, dẫn dắt vào khổ thơ thứ hai.

2. Thân bài

– Giới thiệu khái quát về khổ thơ thứ hai, trích khổ thơ
– Cảm nhận về vẻ đẹp thiên nhiên của xứ Huế:
+ Gió, mây, trời mờ ảo, gợi sự cô đơn, lạnh lẽo
+ “Gió theo lối gió mây đường mây”, có gió có mây nhưng lại chia đôi ngả thể hiện cho sự xa cách, chia lìa.
+ Mọi cảnh vật gió, mây, nước được nhân hóa mang tâm trạng, nỗi buồn
+ Sự chuyển động khẽ, nhẹ nhàng chứa đựng u buồn, hắt hiu, kém sự sống

– Cảm nhận tâm hồn, tâm trạng của nhà thơ
+ Dòng sông trở nên huyền ảo lấp lánh ánh trăng vàng làm cho không gian càng thêm mênh mang.
+ Hình ảnh con thuyền trên bến sông gợi sự chờ đợi trong vô vọng, mỏi mòn.
+ Câu hỏi tu từ cho thấy sự mong chờ da diết của tác giả, những nỗi niềm tâm sự còn giấu kín.
+ Mong muốn được sẻ chia, tâm sự của tác giả, khát vọng về một tình yêu kín đáo, tha thiết

3. Kết bài

Cảm nhận về khổ thơ và tâm trạng của nhân vật trữ tình

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về khổ thơ thứ 2 trong bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ

Hàn Mặc Tử, một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào Thơ mới, thơ của ông luôn phảng phất nỗi buồn, nổi tiếng trong số các sáng tác của Hàn Mặc Tử là bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” được in trong tập thơ “Đau thương”. Bài thơ là một bức tranh phong cảnh thôn Vĩ nhưng cũng là bức tranh tâm cảnh chứa đựng nhiều tâm trạng, cảm xúc và tâm sự của nhân vật trữ tình, đặc biệt trong khổ thơ thứ hai, vẻ đẹp thiên nhiên và tâm hồn con người đã được đan xen hòa quyện vào nhau.

“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?”

Có thể nói ở khổ thơ này Hàn Mặc Tử đã hướng tâm trí của mình về dòng sông Hương, một hình ảnh đã gắn liền với thôn Vĩ Dạ, sông Hương hiện lên với vẻ êm đềm, trầm mặc, thơ mộng trữ tình, nhân vật trữ tình hay chính là tác giả nhìn con sông mà trong lòng chứa đựng nhiều suy tư, cảm xúc. Hai câu thơ đầu tác giả dùng bút pháp tả thực vẻ đẹp êm đềm, khoan thai của xứ Huế:

“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”

Mọi cảnh vật dường như chậm rãi: gió khẽ thổi, mây nước lững lờ trôi, hoa bắp khẽ đung đưa lay động, nhà thơ đã dùng biện pháp nhân hóa với cả gió, mây và nước, chúng như mang tâm trạng và cũng có sự liên kết, gắn kết với nhau: có gió mây mới bay, có gió thì dòng sông mới có sóng nước, chúng thường đi với nhau khiến cho cảnh vật trở nên sống động hơn, thế nhưng ở đây mây và gió lại xa rời nhau, gió và mây mỗi bên một đường một ngả tạo nên sự xa cách chia ly. Ít mây ít gió mà mây gió lại không có cùng nhau nên dòng sông cũng đành “buồn thiu”, cây cỏ cũng chỉ lay động rất nhẹ, cảnh vật trở nên thiếu sự sống, đây là một hình ảnh đẹp nhưng lại rất hiu quạnh, lặng lẽ và đượm buồn. Hai câu thơ sau khắc họa rõ tâm trạng của nhân vật trữ tình hay chính là nhà thơ:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”

Tuy mang tâm trạng u buồn, cô đơn nhưng trong tâm hồn của tác giả vẫn chan chứa tình yêu thiên nhiên và con người xứ Huế, dưới cái nhìn của tâm hồn nhà thơ, dòng sông đã không còn là một dòng sông bình thường có nước chảy mà đã trở thành một dòng “sông trăng”, dòng sông chứa đầy ánh sáng trăng vàng, hình ảnh đó khiến cho cảnh vật càng thêm huyền ảo, thơ mộng. Con thuyền có thực trên dòng sông cũng được chuyển đổi thành một con thuyền đậu trên bến sông trăng, thuyền chở trăng về một bến nào đó trong mộng tưởng của nhà thơ. Câu hỏi tu từ “Có chở trăng về kịp tối nay?” cho thấy tác giả nôn nóng, chờ đợi, mong muốn con thuyền chở trăng về trong tối nay chứ không phải là một tối nào khác, phải chăng cái “tối nay” đó là một tối thật buồn, thật cô đơn, nhà thơ muốn được tâm sự với trăng, và cũng chỉ có trăng mới hiểu được nỗi lòng nhà thơ. Mong chờ trăng cũng cho thấy Hàn Mặc Tử rất yêu trăng, ông cũng yêu cảnh vật và con người Huế nhưng hai thứ đó không thấu hiểu và không đáp lại được tình yêu của nhà thơ. Nhà thơ mong muốn gặp được trăng cũng giống như khao khát gặp được một tình yêu tha thiết, kín đáo, nhưng đó là sự chờ đợi khắc khoải, khôn nguôi.

Qua khổ thơ thứ hai bài thơ “Đây thôn vĩ dạ” của Hàn Mặc Tử chúng ta cảm nhận được những tâm tư của nhà thơ nhờ bức tranh thiên nhiên xứ Huế, tuy những tâm trạng đó chỉ là của riêng tác giả nhưng lại có sức ảnh hưởng, có sự cộng hưởng rộng rãi và bên lâu trong lòng người đọc. Chỉ một đoạn thơ bốn câu ngắn ngủi nhưng vẫn chứa đựng tất cả, thiên nhiên xứ Huế, tình yêu của tác giả với xứ Huế nói chung và Vĩ Dạ nói riêng.

——————–HẾT——————–

Khổ 2 là một trong những khổ thơ đặc sắc nhất trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, thể hiện được tâm trạng cô đơn, trăn trở của nhân vật trữ tình. Tiếp đó, để khám phá bức tranh phong cảnh thôn Vĩ cũng như tìm hiểu chi tiết hơn về nội dung bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, các em có thể tìm đọc thêm: Phân tích khổ 3 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, Chứng minh thiên nhiên đẹp và gợi cảm qua những bài thơ Tràng giang, Đây mùa thu tới, Đây thôn Vĩ Dạ, Cảm nhận về vẻ  đẹp con người Hàn Mặc Tử qua bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ.

 

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button