Giáo dục

Cảm nhận đoạn trích Uy-lít-xơ trở về

Đề bài: Anh/chị hãy viết bài văn ngắn trình bày cảm nhận đoạn trích Uy-lít-xơ trở về

cam nhan doan trich uy lit xo tro ve

This post: Cảm nhận đoạn trích Uy-lít-xơ trở về

Bài văn Cảm nhận đoạn trích Uy-lít-xơ trở về

I. Dàn ý Cảm nhận đoạn trích Uy-lít-xơ trở về (Chuẩn)

1. Mở bài

– Sơ lược về tác giả, tác phẩm và đoạn trích Uy-lít-xơ trở về.

2. Thân bài

a. Nhân vật Pê-nê-lốp:

* Vẻ đẹp tâm hồn – lòng thủy chung:
– Chờ người chồng chinh chiến ở xa tận suốt 20 năm trời đằng đẵng, mà ở đây không phải là việc chờ chồng trong yên ả, mà trái lại nàng luôn phải đối mặt với những sự hối thúc, ép buộc của tận 108 tên cầu hôn và áp lực từ chính cha mẹ đẻ, hối thúc nàng nhanh chóng tái giá.
– Nghĩ ra mưu kế về tấm thảm ngày dệt đêm tháo, để trì hoãn chuyện tái giá của mình và hy vọng về một ngày không xa có thể được đoàn tụ với chồng mình.
– Khi gặp lại Uy-lít-xơ thay đổi thái độ hoàn toàn, nếu như trước đó là nghi ngờ, là lạnh lùng, là xa cách thì bây giờ nàng đã bày tỏ niềm hạnh phúc, sung sướng của mình một cách rất tự nhiên, rất bồng bột.

* Vẻ đẹp trí tuệ:
– Sự khôn ngoan:
+ Nghĩ ra một cách để trì hoãn việc tái giá, đó chính là lời giao hẹn về tấm thảm ngày dệt đêm tháo của nàng rằng sẽ nhận lời cầu hôn nếu tấm thảm hoàn thành.
+ Nghĩ ra một bài toán để thử chồng đó là bài toán về bí mật chiếc giường để xác minh sự thật, đưa ra bài toán một cách tự nhiên mà không một ai có thể nghi ngờ, chỉ có một người nhận ra đề bài có vấn đề là Uy-lít-xơ.

– Sự thận trọng:
+ Thể hiện gián tiếp qua lời kể của tác giả bằng tính ngữ “thận trọng” trước mỗi lời dẫn khi Pê-nê-lốp nói chuyện.
+ Và còn được thể hiện trực tiếp qua các dẫn chứng cụ thể, đầu tiên là khi nhũ mẫu báo tin về việc Uy-lít-xơ trở về thì nàng không hề tin với hai lý lẽ. Khi nhũ mẫu tiếp tục đưa ra bằng chứng về vết sẹo của Uy-lít-xơ nàng vẫn còn vớt vát cho rằng đó là sự sắp đặt của thần linh, chuyển sang thái độ phân vân.
+ Khi giáp mặt Uy-lít-xơ, Pê-nê-lốp đã chăm chú quan sát để xác minh sự thật, rồi nàng bị rơi vào trạng thái phân vân xáo trộn cảm xúc. Khi Tê-lê-mác buông lời trách móc gay gắt, thì nàng bình tĩnh an ủi con, không phủ nhận nữa nhưng nàng cần thêm bằng chứng để nhận chồng bằng những dấu hiệu riêng.

b. Nhân vật Uy-lít-xơ:

* Vẻ đẹp tâm hồn – lòng chung thủy và tình yêu với vợ:
– Trong mười năm lưu lạc lênh đênh trên biển cả, chàng đã vượt qua tất cả sự cám dỗ của những người phụ nữ xinh đẹp và quyền lực nhất, để hướng về người vợ ở quê nhà.
– Khi đã trở về nhà, đối mặt với bài toán bí mật chiếc giường cưới, dù đã qua hơn 20 năm nhưng chàng vẫn phản ứng ngay lập tức và có thể nói về nó một cách tỉ mỉ và chi tiết.
– Trong giây phút nhận mặt người anh hùng đã trải biết bao nhiêu gió sương lại ôm chặt lấy vợ mà khóc “dầm dề” điều đó đã bộc lộ tình cảm sâu sắc tấm lòng thủy chung gắn bó của Uy-lít-xơ đối với vợ mình.

* Vẻ đẹp trí tuệ:
– Biểu hiện gián tiếp qua lời nhận xét, ca ngợi của các nhân vật khác như nhũ mẫu, con trai Tê-lê-mác và cả Pê-nê-lốp.
– Sự khôn ngoan vẻ đẹp trí tuệ của Uy-lít-xơ còn được thể hiện trực tiếp thông qua đoạn trích, chàng đã lập mưu để trừng trị 108 tên cầu hôn láo xược. Ngay sau khi chiến thắng, chàng đã lập tức dự phòng, định liệu chuẩn bị những phương án để chống lại sự trả thù của gia đình 108 tên vương tôn quý tộc.
 

3. Kết bài:

Nêu giá trị nội dung và nghệ thuật.
 

II. Bài văn mẫu Cảm nhận đoạn trích Uy-lít-xơ trở về (Chuẩn)

I-li-át và Ô-đi-xê là hai sử thi nổi tiếng bậc nhất của đất nước Hy Lạp, được xem là sáng tạo của Hô-me-rơ, tuy nhiên cho đến tận ngày hôm nay người ta vẫn không rõ về lai lịch và gia cảnh của nhân vật này. Có nhiều truyền thuyết xung nhà thơ mù này, trong đó đó phổ biến nhất là thuyết kể rằng ông tên thật là Mê-lê-xi-gien, là con của một gia đình nghèo sinh ra bên cạnh dòng sông Mê-lét vào khoảng thế kỷ thứ IX-VIII, TCN. Ông là người có vốn sống và vôn văn học dân gian cực kỳ phong phú, cùng với năng khiếu sáng tác văn học thơ ca trời phú đã giúp ông tạo nên những tác phẩm xuất sắc được lưu truyền đến muôn đời. Sử thi Ô-đi-xê gồm 12110 câu thơ và được chia làm 24 khúc ca, là sự tiếp nối của sử thi I-li-át, trong đó 12 khúc ca đầu kể về hành trình quay lại quê nhà của Uy-lít-xơ, 12 khúc ca cuối là kể lại việc Uy-lít-xơ đương đầu với 108 tên cầu hôn vợ mình, và hành trình sum họp gia đình sau đó. Và đoạn trích Uy-lít-xơ trở về nằm ở khúc ca thứ 23, 24 của sử thi, là phần đoàn tụ của gia đình sau khi trải qua một thử thách mang tên bài toán về bí mật chiếc giường cưới.

Trong sử thi Ô-đi-xê bên cạnh xây dựng nhân vật Uy-lít-xơ với vẻ đẹp biểu tượng trí tuệ xuất chúng của người Hy Lạp cổ, thì tác giả còn xây dựng hình tượng người phụ nữ rất lý tưởng, khắc họa những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ này. Có thể xem đây là một điểm đột phá, một cái nhìn mới mẻ, đậm tính nhân văn của tác giả Hô-me-rơ trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Ở nhân vật Pê-nê-lốp tác không chú trọng vào việc miêu tả ngoại hình của nàng, tuy nhiên qua một số chi tiết nhỏ trong sử thi thì ta dễ dàng nhận ra rằng người phụ nữ này cũng là một trang tuyệt sắc giai nhân hiếm có. Cho nên Uy-lít-xơ trong suốt mười năm lênh đênh trên biển cả, đứng trước rất nhiều cám dỗ thế nhưng chàng chỉ hướng về duy nhất người vợ đang đợi chờ mình ở nhà và một lòng muốn quay lại quê hương. Một bằng chứng nữa về nhan sắc của Pê-nê-lốp ấy là cảnh nàng phải đương đầu với 108 tên đến cầu hôn, mà đây lại đều là những tên quý tộc, giàu có tiếng tăm ở trong vùng. Tuy nhiên nhan sắc của nàng không phải là điều tác giả muốn nói đến mà quan trọng hơn Hô-me-rơ muốn hướng tới là vẻ đẹp tâm hồn và vẻ đẹp trí tuệ của người phụ nữ này. Vẻ đẹp tâm hồn của nàng chính là lòng chung thủy với chồng, một số dẫn chứng có thể đến như là việc nàng chờ người chồng chinh chiến ở xa tận suốt 20 năm trời đằng đẵng, mà ở đây không phải là việc chờ chồng trong yên ả, mà trái lại nàng luôn phải đối mặt với những sự hối thúc, ép buộc của tận 108 tên cầu hôn. Vốn là những tên láo xược, không từ thủ đoạn để lấy được nàng, và âm mưu chiếm đoạt cả gia tài của gia đình nàng. Cùng với đó bên ngoài là sự thúc ép của những tên cầu hôn, thì ngay trong chính gia đình nàng lại phải chịu áp lực từ chính cha mẹ đẻ, hối thúc nàng nhanh chóng tái giá. Có thể nói rằng đây chính là những bằng chứng rõ nhất, hùng hồn nhất để minh chứng cho tấm lòng chung thủy, sắt son không đổi trong suốt 20 năm của nàng Pê-nê-lốp. Từ chính tấm lòng chung thủy với chồng mà nàng đã nghĩ ra mưu kế về tấm thảm ngày dệt đêm tháo, để trì hoãn chuyện tái giá của mình và hy vọng về một ngày không xa có thể được đoàn tụ với chồng mình. Lòng chung thủy của nàng còn được lần nữa chứng minh qua việc khi đã xác minh được rằng người hành khất kia chính là chồng mình, chính là Uy-lít-xơ trở về sau hai mươi năm thì lúc này Pê-nê-lốp đã thay đổi thái độ hoàn toàn. Nếu như trước đó là nghi ngờ, là lạnh lùng, là xa cách thì bây giờ nàng đã bày tỏ niềm hạnh phúc, sung sướng của mình một cách rất tự nhiên, rất bồng bột “nàng bèn chạy ngay lại, nước mắt chan hòa ôm lấy cổ chồng, hôn lên trán chồng” và giãi bày hết những nỗi lòng kìm nén bấy lâu, giải thích cho sự lạnh lùng thờ ơ của nàng ban nãy. Hô-me-rơ đã dùng một hình ảnh so sánh rất hay, nói về việc người đi biển bị nạn, rồi cố gắng bơi được vào bờ đã hạnh phúc sung sướng như thế nào thì nàng Pê-nê-lốp giờ đây cũng y như vậy.

Bên cạnh vẻ đẹp tâm hồn – tấm lòng thủy chung của nàng Pê-nê-lốp thì tác giả càng chú trọng nhiều hơn về vẻ đẹp trí tuệ của nhân vật này thể hiện ở sự khôn ngoan và thận trọng trong mọi tình huống. Sự khôn ngoan của nàng thể hiện thứ nhất là ở việc nàng cố nghĩ ra một cách để trì hoãn việc tái giá, đó chính là lời giao hẹn về tấm thảm ngày dệt đêm tháo của nàng rằng sẽ nhận lời cầu hôn nếu tấm thảm hoàn thành. Thế nhưng tấm thảm ấy chẳng bao giờ hoàn thành được bởi vì cứ ngày nàng dệt rồi đêm nàng lại tháo nó ra. Một biểu hiện nữa của sự khôn ngoan ấy là nàng tiếp tục nghĩ ra một bài toán để thử chồng, thử xem liệu có chính xác là Uy-lít-xơ đã trở về hay không, đó là bài toán về bí mật chiếc giường cưới để xác minh sự thật. Pê-nê-lốp còn thể hiện sự thông minh của mình bằng việc đưa ra bài toán một cách tự nhiên mà không một ai có thể nghi ngờ, chỉ có một người nhận ra đề bài có vấn đề là Uy-lít-xơ. Đó là trong khi Uy-lít-xơ đang rất giận dỗi vì bản thân làm rất nhiều việc để chứng minh mình là Uy-lít-xơ, giận dỗi vì mình đã hai mươi năm lênh đênh phiêu bạt như thế mà khi quay trở về lại phải chịu sự nghi ngờ, lạnh lẽo của vợ, và đòi kê giường riêng để ngủ. Thì Pê-nê-lốp đã nhanh trí bảo con trai khiêng chiếc giường cưới của vợ chồng ra cho Uy-lít-xơ ngủ, thế nhưng chiếc giường ấy vốn là một cái gốc cây và do chính tay Uy-lít-xơ làm nên và chỉ chàng biết điều đó, chính vì thế ngay lập tức chàng đã nhận ra điều bất hợp lý và phản ứng lại ngay. Từ đó mà thân phận của chàng được chứng minh, đồng thời Pê-nê-lốp hoàn toàn tin tưởng rằng chồng của mình đã trở về.

Vẻ đẹp trí tuệ thứ hai của Pê-nê-lốp được thể hiện gián tiếp qua lời kể của tác giả bằng tính ngữ “thận trọng” trước mỗi lời dẫn khi Pê-nê-lốp nói chuyện. Và còn được thể hiện trực tiếp qua các dẫn chứng cụ thể, đầu tiên là khi nhũ mẫu báo tin về việc Uy-lít-xơ trở về thì nàng không hề tin với hai lý lẽ, thứ nhất là một mình Uy-lít-xơ không thể giết chết, đối phó với 108 tên cầu hôn, đây là hành động của thần linh đến để trừng trị những kẻ láo xược, thứ hai là Uy-lít-xơ ra đi đã 20 mươi năm không lý nào mà bây giờ mà chàng mới trở về, nếu trở về thì đã trở về từ lâu rồi, còn không trở về tức là chàng đã chết. Khi nhũ mẫu tiếp tục đưa ra bằng chứng về vết sẹo của Uy-lít-xơ vốn là bằng chứng không thể chối cãi được, thế nhưng bản thân Pê-nê-lốp cũng chưa lấy đó làm tin ngay mà vội vui mừng mà nàng vẫn còn vớt vát cho rằng đó là sự sắp đặt của thần linh, chuyển sang thái độ phân vân. Khi giáp mặt Uy-lít-xơ, Pê-nê-lốp đã chăm chú quan sát để xác minh sự thật, rồi nàng bị rơi vào trạng thái phân vân xáo trộn cảm xúc “khi thì đăm đăm âu yếm nhìn chồng, lúc thì lại không thể nhận ra được chồng dưới bộ quần áo rách mướp”. Khi Tê-lê-mác buông lời trách móc gay gắt, thì nàng bình tĩnh an ủi con, không phủ nhận nữa nhưng nàng cần thêm bằng chứng để nhận chồng bằng những dấu hiệu riêng.

Một nhân vật nữa cần tìm hiểu trong văn bản này bên cạnh Pê-nê-lốp ấy chính là Uy-lít-xơ nhân vật chính của toàn bộ sử thi Ô-đi-xê. Ở nhân vật này cũng hiện lên hai vẻ đẹp giống như vợ mình là vẻ đẹp tâm hồn và vẻ đẹp của trí tuệ. Vẻ đẹp tâm hồn của chàng thể hiện ở tấm lòng chung thủy với vợ trong suốt 20 năm trời xa cách, trong mười năm lưu lạc lênh đênh trên biển cả, chàng đã vượt qua tất cả sự cám dỗ của những người phụ nữ xinh đẹp và quyền lực nhất, để hướng về người vợ ở quê nhà. Khi đã trở về nhà, đối mặt với bài toán bí mật chiếc giường cưới, dù đã qua hơn 20 năm nhưng chàng vẫn phản ứng ngay lập tức và có thể nói về nó một cách tỉ mỉ và chi tiết, điều đó chứng tỏ suốt bao lâu nay chàng vẫn luôn nhớ về gia đình và nhớ về tình yêu đẹp đẽ của hai người. Trong giây phút nhận mặt người anh hùng đã trải biết bao nhiêu gió sương lại ôm chặt lấy vợ mà khóc “dầm dề” điều đó đã bộc lộ tình cảm sâu sắc tấm lòng thủy chung gắn bó của Uy-lít-xơ đối với vợ mình. Vẻ đẹp trí tuệ của Uy-lít-xơ được biểu hiện gián tiếp qua lời nhận xét, ca ngợi của các nhân vật khác như nhũ mẫu, con trai Tê-lê-mác và cả Pê-nê-lốp. Sự khôn ngoan vẻ đẹp trí tuệ của Uy-lít-xơ còn được thể hiện trực tiếp thông qua đoạn trích, chàng đã lập mưu để trừng trị 108 tên cầu hôn láo xược. Ngay sau khi chiến thắng, chàng đã lập tức dự phòng, định liệu chuẩn bị những phương án để chống lại sự trả thù của gia đình 108 tên vương tôn quý tộc.

Như vậy đoạn trích Uy-lít-xơ trở về đã ca ngợi vẻ đẹp của hai nhân vật cũng chính là biểu tượng cho vẻ đẹp của người hy lạp cổ đại bao gồm vẻ đẹp tâm hồn – lòng chung thủy và vẻ đẹp trí tuệ – sự khôn ngoan thận trọng. Về nghệ thuật, đó chính là lối kể chuyện giàu kịch tính khiến người đọc bị cuốn vào nội dung câu chuyện, thứ hai chính là nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật một cách tỉ mỉ và chi tiết, giúp khắc họa hình tượng nhân vật rõ nét, và cuối cùng là nghệ thuật trì hoãn sử thi tạo nên sự tò mò háo hức của người đọc từ đó khiến bộ sử thi trở nên hấp dẫn và cuốn hút hơn cả.

————————HẾT——————————

“Uy-lít-xơ trở về” là một trong những đoạn trích hay nhất trong sử thi Ô-đi-xê. Bên cạnh bài Cảm nhận đoạn trích Uy-lít-xơ trở về, các em có thể tìm hiểu thêm về đoạn trích qua việc tham khảo: Vẻ đẹp của nhân vật Pê-nê-lốp qua đoạn trích Uy-lít-xơ trở về, Diễn biến tâm trạng của Pê-nê-lốp trong đoạn trích Uy-lít-xơ trở về, Phân tích diễn biến tâm trạng Uy-lít-xơ trong đoạn trích Uy-lít-xơ trở về, Trong vai Tê-lê-mác kể lại buổi Uy-lít-xơ trở về

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button