Giáo dục

Cảm nhận đoạn trích Thề nguyền

Đề bài: Anh/chị hãy trình bày Cảm nhận đoạn trích Thề nguyền, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

cam nhan doan trich the nguyen

This post: Cảm nhận đoạn trích Thề nguyền

Cảm nhận đoạn trích Thề nguyền
 

I. Dàn ý Cảm nhận đoạn trích Thề nguyền

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích Thề nguyền.

2. Thân bài:

a. Phần 1: “Cửa ngoài…lại gần”: Hành động đột ngột, táo bạo của Kiều:
– Chuyện thề nguyền của Thúy Kiều và Kim Trọng là một sự việc xảy ra ngoài dự tính, mang tính bộc phát, khi bản thân Thúy Kiều nửa vì e sợ những dự cảm không lành khiến tình yêu tan vỡ, một nửa là vì tình yêu mãnh liệt với chàng Kim.
=> Thúy Kiều mạnh mẽ và quyết tâm chủ động để bảo vệ tình yêu của mình.
– Tình cảm bộc phát đã khiến Thúy Kiều hành động một cách nhanh chóng không chần chừ, những từ như “xăm xăm”, “vội”, “băng lối” thể hiện sự khẩn trương, nhanh chóng và tấm lòng quyết tâm giữ gìn tình yêu của nàng Kiều.
– Những bước đi vội vã, xuyên vườn, vượt lối, giữa không gian tối tăm và ánh trăng mờ ảo, ta thấy được sự gấp gáp, hồi hộp của một người con gái trong nền lễ giáo phong kiến nghiêm khắc nhưng lại bất chấp tất cả, cốt để bảo vệ lấy cái tình yêu đẹp mà mong manh của mình.
=> Cái nhìn mới, một tư tưởng mới đi trước thời đại của Nguyễn Du, tác giả đã có cái nhìn đầy cảm thông và thấu hiểu, cũng như có ý ca ngợi, đề cao tư tưởng tự do trong tình yêu đôi lứa.
– Trong bối cảnh Thúy Kiều một mình lén sang nhà Kim Trọng thề ước, khung cảnh đêm tối cũng trở nên lãng mạn với ánh trăng dịu dàng, xuyên qua từng kẽ lá chiếu bên tấm thân mong manh nhưng kiên cường của nàng Kiều. Cùng với ở chỗ chàng Kim, ánh đèn trên án hắt hiu, mờ ảo đủ soi bóng chàng Thư Sinh, khiến cho khung cảnh thiên nhiên và tình yêu của đôi trẻ càng thêm phần thơ mộng, hư ảo.

b. Phần 2: “Nàng rằng…chiêm bao”: Nỗi lòng Thúy Kiều:
– Thúy Kiều cũng có ý thức được rằng hành động của mình hôm nay quả thực đường đột và có phần vội vã, thế nhưng nàng đã nhanh chóng tỏ bày với chàng Kim nàng là vì tình yêu, vì bảo vệ mối lương duyên tốt đẹp vừa chớm nở nên mới phải tự thân định đoạt, chủ động sang tìm Kim Trọng.
– Thúy Kiều dường như có những ám ảnh sâu sắc về lời báo mộng của Đạm Tiên cùng với số kiếp hồng nhan đa truân, thành thử nàng luôn có cảm giác bất an.

c. Phần cuối: Cảnh thề nguyền:
– Kim Trọng hết lòng yêu thương Thúy Kiều, thế nên nghe nàng bày tỏ nỗi lòng, sự bất an trong tình yêu, chàng đã nhanh chóng thấu hiểu, đồng thời lập tức chuẩn bị lễ thề nguyền, tự định chung thân để đảm bảo cho tình yêu đôi lứa thêm vững bền sắt son.
– Diễn ra một cách đột ngột, vội vàng và không có sự suy tính từ trước, thế nhưng lễ thề nguyền của Kim, Kiều vẫn diễn ra trong không khí vô cùng thiêng liêng, trang trọng.
– Sự xuất hiện của ánh trăng vằng vặc dường như trở thành một nhân tố đắt giá làm minh chứng cho tình yêu son sắt, thủy chung của đôi lứa.
– “Đinh ninh hai miệng một lời/Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương” thể hiện sự tự nguyện ước định chung thân, sự đồng lòng, một dạ của Thúy Kiều và Kim Trọng.
=> Tư tưởng, suy nghĩ quan niệm tiến bộ của Nguyễn Du về tình yêu, công khai ủng hộ yêu đương tự do, ủng hộ người con gái mạnh mẽ vùng dậy theo đuổi tình yêu và hạnh phúc, gạt bỏ lối suy nghĩ người phụ nữ phải chấp nhận sống cam chịu không có quyền lựa chọn trong hôn nhân xưa cũ.

3. Kết bài:

Nêu cảm nhận chung.

II. Bài văn mẫu Cảm nhận đoạn trích Thề nguyền

Trong nền văn học trung đại Việt Nam kéo dài suốt thế kỷ, đã có rất nhiều những cái tên, những đề tài nổi bật và đáng chú ý bao gồm lòng yêu nước thương dân, nỗi đau mất nước, hay tinh thần tự lực tự cường của dân tộc Đại Việt. Tuy nhiên từ khoảng thế kỷ thứ XVI trở đi, có một đề tài được nhiều tác giả chú ý ấy là đề tài về thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến hà khắc, bất công. Một trong số những tác phẩm đặc biệt thành công và trở thành kiệt tác văn chương của nền văn học Việt Nam ấy là tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Bên cạnh việc chú trọng về những bi kịch liên tiếp trong cuộc đời người con gái tài sắc vẹn toàn tên Thúy Kiều, thì chi tiết về cuộc tình của nàng với Kim Trọng cũng là một trong những chi tiết đắt giá. Không chỉ làm nổi bật thêm sự bất hạnh của Thúy Kiều mà còn bộc lộ được những quan điểm mới mẻ, cái nhìn bao dung hơn về tình yêu nam nữ tự do dưới một thời đại có quá nhiều những lễ nghi, phép tắc ràng buộc. Đoạn trích Thề nguyền là một trong những đoạn trích ấn tượng khi nói về mối duyên giữa Kiều và Kim Trọng.

“Cửa ngoài vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Nhặt thưa gương giọi đầu cành
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu
Sinh vừa tựa án thiu thiu
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê
Tiếng sen sẽ động giấc hòe
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần”.

Thực tế rằng chuyện thề nguyền của Thúy Kiều và Kim Trọng là một sự việc xảy ra ngoài dự tính, mang tính bộc phát, khi bản thân Thúy Kiều nửa vì e sợ những dự cảm không lành khiến tình yêu tan vỡ, một nửa là vì tình yêu mãnh liệt với chàng Kim. Tổng thể hai lý do ấy đã khiến Thúy Kiều mạnh mẽ và quyết tâm chủ động để bảo vệ tình yêu của mình bằng việc lén quay lại gặp chàng Kim sau cuộc gặp buổi chiều. Dường như đối với đôi lứa yêu nhau bao nhiêu thời gian kề cận cũng là không đủ, chính vì vậy ngay hôm cả nhà đi vắng Kiều đã lén sang thăm Kim Trọng, đến lúc trời đã tối Kiều khi nàng quay về nhà lại gặp lúc gia đình vẫn chưa trở về. Ngay lúc này đây trong trái tim người thiếu nữ bỗng bùng lên một ngọn lửa mãnh liệt, nàng quyết tìm sang gặp Kim Trọng lần nữa để tự định chung thân, cốt cũng mong được yên lòng với tình yêu quá đỗi đẹp đẽ mà nàng từng cảm thấy bất an bởi phận hồng nhan và cả giấc mơ về Đạm Tiên với nỗi đau đoạn trường. Tình cảm bộc phát đã khiến Thúy Kiều hành động một cách nhanh chóng không chần chừ, những từ như “xăm xăm”, “vội”, “băng lối” thể hiện sự khẩn trương, nhanh chóng và tấm lòng quyết tâm giữ gìn tình yêu của nàng Kiều. Trong hai câu thơ đầu với những bước đi vội vã, xuyên vườn, vượt lối, giữa không gian tối tăm và ánh trăng mờ ảo, ta thấy được sự gấp gáp, hồi hộp của một người con gái trong nền lễ giáo phong kiến nghiêm khắc nhưng lại bất chấp tất cả, cốt để bảo vệ lấy cái tình yêu đẹp mà mong manh của mình. Sự chủ động và táo bạo của Thúy Kiều trong Thề nguyền đã cho chúng ta thấy một cũng nhìn mới, một tư tưởng mới đi trước thời đại của Nguyễn Du. Tác giả đã có cái nhìn đầy cảm thông và thấu hiểu, cũng như có ý ca ngợi, đề cao tư tưởng tự do trong tình yêu đôi lứa. Cổ vũ việc đấu tranh, đứng lên bảo vệ tình yêu, cũng như ủng hộ việc người con gái được quyền theo đuổi hạnh phúc của đời mình. Đến đây ta thấy được, ngoài vẻ đẹp cầm kỳ thi họa tinh thông, Thúy Kiều cũng còn là một cô gái có bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, khác hẳn với những người phụ nữ đương thời khác.

Bên cạnh những câu thơ miêu tả phong thái và tâm trạng của Thúy Kiều thì những câu thơ tả cảnh cũng có những giá trị thẩm mỹ riêng. Trong bối cảnh Thúy Kiều một mình lén sang nhà Kim Trọng thề ước, khung cảnh đêm tối cũng trở nên lãng mạn với ánh trăng dịu dàng, xuyên qua từng kẽ lá chiếu bên tấm thân mong manh nhưng kiên cường của nàng Kiều. Cùng với ở chỗ chàng Kim, ánh đèn trên án hắt hiu, mờ ảo đủ soi bóng chàng Thư Sinh, khiến cho khung cảnh thiên nhiên và tình yêu của đôi trẻ càng thêm phần thơ mộng, hư ảo. Chính vì vậy khi Kim Trọng mệt mỏi thiếp đi bên án thư, nửa tỉnh nửa mê, thấy gót sen nhẹ nhàng của Thúy Kiều tìm đến thì chàng có cảm giác không thật, một là vì quá đỗi hạnh phúc sung sướng khi thấy người yêu, một phần nữa là không tin được rằng Kiều lại có thể chủ động lúc đêm tối sang tìm thăm. Thành thử Kim Trọng còn đôi phần bỡ ngỡ “còn ngờ giấc mộng đêm xuân ngỡ ngàng”.

“Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa
Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”

Bản thân Thúy Kiều cũng có ý thức được rằng hành động của mình hôm nay quả thực đường đột và có phần vội vã, thế nhưng nàng đã nhanh chóng tỏ bày với chàng Kim rằng, nàng là vì “hoa” vì tình yêu, vì bảo vệ mối lương duyên tốt đẹp vừa chớm nở nên mới phải tự thân định đoạt, chủ động sang tìm Kim Trọng. Đồng thời Thúy Kiều dường như có những ám ảnh sâu sắc về lời báo mộng của Đạm Tiên cùng với số kiếp hồng nhan đa truân, thành thử nàng luôn có cảm giác bất an. Chỉ khi thấy được chàng Kim, thấy được người yêu, nàng mới yên lòng, đồng thời cũng bộc lộ nỗi sợ hãi tất cả những ký ức tươi đẹp ngày hôm nay lại chỉ là một giấc chiêm bao xa vời. Đến đây ta cũng thấy một phần sự yếu đuối, tội nghiệp của Thúy Kiều, rõ ràng đang sống trong cảnh êm đềm, nhưng số mệnh vốn khổ hạnh, cho nên không thoát được nhiều lo toan, suy nghĩ.

“Vội vàng làm lễ rước vào
Đài sen nối sáp lò đào thêm hương
Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món dao vàng chia đôi
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”

Kim Trọng hết lòng yêu thương Thúy Kiều, thế nên nghe nàng bày tỏ nỗi lòng, sự bất an trong tình yêu, chàng đã nhanh chóng thấu hiểu, đồng thời lập tức chuẩn bị lễ thề nguyền, tự định chung thân để đảm bảo cho tình yêu đôi lứa thêm vững bền sắt son. Tuy diễn ra một cách đột ngột, vội vàng và không có sự suy tính từ trước, thế nhưng lễ thề nguyền của Kim, Kiều vẫn diễn ra trong không khí vô cùng thiêng liêng, trang trọng. Có đầy đủ các thức bao gồm nến đỏ, hương trầm, giấy thảo lời thề sắt son, cùng với hành động tượng trưng cho việc gắn bó lứa đôi ấy là cắt tóc bằng dao vàng rồi tết chung lại thành một sợi, đem cất vào hộp khóa lại. Đặc biệt trong đêm thề nguyền, sự xuất hiện của ánh trăng vằng vặc dường như trở thành một nhân tố đắt giá làm minh chứng cho tình yêu son sắt, thủy chung của đôi lứa, đồng thời còn biểu tượng cho sự trong sáng, sum họp đoàn tụ, sự ấm áp lãng mạn trong tình yêu. Mấy câu “Đinh ninh hai miệng một lời/Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương” trước hết là thể hiện sự tự nguyện ước định chung thân, sự đồng lòng, một dạ của Thúy Kiều và Kim Trọng. Thêm vào nữa trai tài gái sắc, không quản chuyện lễ giáo, định kiến xã hội mà sẵn sàng dùng hành động của bản thân để chứng minh và bảo vệ tình yêu của mình, vượt ra khỏi khuôn phép “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” vốn đã ăn sâu vào tiềm thức. Đến đây có thể nhận thấy rằng dù Nguyễn Du là thế hệ đã đi trước hàng mấy thế kỷ, thế nhưng những tư tưởng, suy nghĩ quan niệm tiến bộ của ông về tình yêu thậm chí còn vượt xa một số con người trong xã hội ngày nay khi công khai ủng hộ yêu đương tự do, ủng hộ người con gái mạnh mẽ vùng dậy theo đuổi tình yêu và hạnh phúc,gạt bỏ lối suy nghĩ người phụ nữ phải chấp nhận sống cam chịu không có quyền lựa chọn trong hôn nhân xưa cũ.

Thề nguyền không phải là đoạn trích nổi bật nhất trong Truyện Kiều thế nhưng bản thân nó lại có những giá trị riêng biệt, thoát ra khỏi việc thương cảm hay xót xa cho số phận người phụ nữ phong kiến, thì ở đây Nguyễn Du tập trung vào ca ngợi, ủng hộ người người phụ nữ trong việc tìm kiếm, theo đuổi tình yêu và hạnh phúc, ủng hộ hôn nhân tự nguyện. Đồng thời đây cũng là một trong số ít những câu thơ lãng mạn, miêu tả mối lương duyên của cặp trai tài gái sắc Kim, Kiều, bộc lộ những quan điểm mới của Nguyễn Du trong các nhìn nhận về tình yêu và hôn nhân.

———————-HẾT—————————–

Bài viết là những cảm nhận chủ quan về đoạn trích Thề nguyền trong tác phẩm kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du, để tìm hiểu thêm về tác phẩm mời các em tham khảo các bài viết Soạn bài Thề nguyền và bài Phân tích đoạn Thề nguyền, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button