Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương
This post: Cảm nhận của em về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương
4 bài văn mẫu Cảm nhận của em về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương
I. Dàn ý Cảm nhận của em về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương
1. Mở bài
Giới thiệu về tác giả Hồ Xuân Hương và tác phẩm Bánh trôi nước
2. Thân bài
a. Nghĩa tả thực:
– Hình ảnh chiếc bánh trôi nước:
+ Hình dáng: trắng, tròn
+ Đặc tính: bảy nổi ba chìm trong nước khi đem luộc
+ Thành phẩm: bánh khi hoàn thành đem ra thưởng thức trắng ngần, ngon, đẹp
=> Bánh xấu hay đẹp, ngon hay dở đều phải phụ thuộc vào tâm người làm bánh.
b. Nghĩa ẩn dụ:
– Hình ảnh người phụ nữ:
+ Ngoại hình: trắng, tròn → vẻ đẹp đầy đặn, căng tràn sức sống, quyến rũ
+ Số phận: bảy nổi ba chìm: lận đận, long đong, khổ sở
+ Không có quyền tự quyết định hạnh phúc, cuộc sống của mình
+ Cốt cách: tấm lòng son → thủy chung, thanh cao và bản lĩnh
=> Hình ảnh giàu ý nghĩa, bộc lộ tiếng nói thương cảm và niềm trân trọng trước những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh.
3. Kết bài
Nêu tình cảm, cảm nghĩ của em
II. Bài văn mẫu Cảm nhận của em về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương
1. Cảm nhận của em về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, mẫu số 1 (Chuẩn):
Theo dòng văn học Việt Nam, có không ít những tác phẩm viết về người phụ nữ. Họ trở thành đề tài lớn của văn học trung đại, là hình tượng mà bao tác giả phải nhức nhối, đau đáu khi viết về họ. Đặc biệt là trong dòng văn học trung đại, có nhiều tác phẩm viết về người phụ nữ khiến người đọc không khỏi xót xa, buồn thương cho số phận ngang trái của họ. Một trong những bài thơ hay nhất viết về họ phải kể đến Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, bài thơ viết về cuộc đời và số phận của những người phụ nữ phải chịu nhiều đắng cay của cuộc đời.
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non”
Hồ Xuân Hương không vạch trần hiện thực nghiệt ngã một cách trực tiếp mà qua tầng ý nghĩa trong câu từ để thể hiện ý tứ của mình. Tác giả chọn hình ảnh chiếc bánh trôi nước và ví nó như thân phận của người phụ nữ lúc bấy giờ. Vậy vì sao lại là chiếc bánh trôi nước mà không phải là bánh đúc, bánh đa,…hay một loại bánh nào khác? Bởi vì, trong chiếc bánh trôi nước ấy có những đặc tính mà khi đủ sâu sắc, người ta có thể cảm nhận nó như một số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa.
Bánh trôi nước vốn được làm từ bột nếp, khi lúa nếp gặt về, người ta xây thật nhuyễn rồi bằng bàn tay thuần thục của người làm bánh, họ nhào nặn ra thành những chiếc bánh hình tròn. Những chiếc bánh ấy có màu trắng của nếp, có vị thơm của hương nếp, nhân bánh được làm từ đậu xanh. Hồ Xuân Hương miêu tả đặc điểm bên ngoài của chiếc bánh “vừa trắng lại vừa tròn” để cả ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ, họ cũng có ngoại hình, có nhân dáng đầy đặn, duyên dáng và xinh đẹp. Họ cũng là những người tràn trề nhựa sống, tươi mới và yêu đời và khát khao hạnh phúc.
Đáng lẽ ra những con người ấy xứng đáng có được niềm vui, có được hạnh phúc, nhưng số phận lại nghiệt ngã đẩy họ vào lận đận đoạn trường:
“Bảy nổi ba chìm với nước non”
Chiếc bánh trôi nước khi đem luộc cũng trải qua nổi chìm trong nồi bánh, đó cũng như chính cuộc đời ngang trái của người phụ nữ. Bao thăng trầm, biến cố, đoạ đầy đều phải trải qua, họ cũng đang vùng vẫy giữa biển nước của những bất công, tàn nhẫn mà xã hội gây ra.
Với xã hội trọng nam khinh nữ lúc bấy giờ, sinh ra làm phận nữ nhi đã là một thiệt thòi, lại càng không may mắn khi chính hạnh phúc của mình cũng không thể lựa chọn. Quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” trở thành một sợi dây trói buộc cuộc đời người phụ nữ. Rồi khi theo chồng, ít ai không phải chịu cái kiếp “chồng chung”, đến thứ hạnh phúc nhỏ nhoi cũng phải san sẻ. Cuộc đời người phụ nữ chẳng thể tự mình quyết định, họ buộc phải nhận may, rủi trong bàn tay người khác.
“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”
Những bài Cảm nhận của em về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương hay nhất
Người cẩn thận, chu đáo, tỉ mỉ và nâng niu thì chiếc bánh làm ra được phần như ý, tròn trịa, trắng ngần. Kẻ vô tâm, hời hợt, thì bánh làm ra xấu xí, méo mó. Chiếc bánh kia muốn đẹp hay không còn phải nhờ vào cái tâm của người làm ra nó. Người phụ nữ cũng vậy, họ chẳng thể tự quyết định đời mình. Với xã hội trọng nam khinh nữ lúc bấy giờ, sinh ra làm phận nữ nhi đã là một thiệt thòi, lại càng không may mắn khi chính hạnh phúc của mình cũng không thể lựa chọn. Nếu có phúc phần may mắn, lấy được người chồng biết sẻ chia, yêu thương thì cuộc đời họ mới có phần an ổn. Ngược lại, nếu gặp phải người chồng độc đoán, không biết yêu thương thì cuộc đời họ sẽ là những đắng cay, bất hạnh.
Dòng thơ thứ ba của bài gọi cho ta liên tưởng đến những câu ca dao xưa viết về cuộc đời người con gái. Hạnh phúc thì ít ỏi mà cay đắng, xót xa thì nhiều:
“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”
Hay
“Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào giếng nước hắt ra ruộng cày”
Giá mà xã hội xưa kia bình đẳng, giá mà xã hội xưa kia biết yêu thương và thấu hiểu cho người phụ nữ thì tốt biết bao nhiêu. Người ta thường nói, khi sống trong một môi trường của sự xấu xa, ích kỉ, thối nát rất dễ dạy con người vào lạc lối, cùng đường, thậm chí nếu không bản lĩnh sẽ biến mình trở nên xấu xa. Nhưng những người con gái kiên cường trong xã hội cũ đã chứng minh điều ngược lại.
“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Dẫu có thế nào, dẫu số phận có chông chênh ra sao họ vẫn luôn giữ một tâm hồn, một cốt cách cao đẹp, trong sạch ” tấm lòng son”. Người con gái xưa không chỉ đẹp về ngoại hình mà còn mang cả một tấm lòng yêu thương, thủy chung, son sắt và đầy bản lĩnh.
Văn học nước nhà đã mang đến bao hình đẹp về người phụ nữ vượt lên bùn lầy, chông gai của số phận để sống một cuộc đời ý nghĩa. Đó là chuyện “bánh trôi nước”, là nàng Kiều, là Vũ Nương, là chị Dậu, là Mị, là người đàn bà hàng chài,…..và biết bao người không tên không tuổi khác. Thật cảm phục và đáng tự hào biết bao cốt cách của người phụ nữ Việt Nam.
——————–HẾT——————–
Trên đây là phần Cảm nhận của em về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương để có thêm kiến thức trả lời, làm tập làm văn, các em có thể tham khảo thêm phần Soạn bài Bánh trôi nước và cùng với phần Phân tích bài thơ Bánh trôi nước nữa nhé.
2. Cảm nhận của em về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, mẫu số 2:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Bánh trôi nước-một loại bánh dân dã, bình thường thấy quanh năm, được Hồ xuân Hương miêu tả một cách sinh động về màu sắc, hình dáng như là chiếc bánh đang tự nói về chính mình:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn”
Qua đó, người phụ nữ Việt Nam có thể hóa thân vào những chiếc bánh dân dã đáng yêu ấy. Bà không dùng “khuôn mặt hình trái xoan”, hay “đôi mày hình lá liễu” để mô tả vẻ đẹp quý phái của phụ nữ , trái lại bà dùng hình tượng “tròn”, “trắng” để cho ta có thể liên tưởng đến một vẻ đẹp mạnh mẽ, xinh xắn. Bên cạnh đó, điệp từ “vừa” càng làm tăng thêm sự tự hào về vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ Việt Nam. Người phụ nữ Việt Nam mạnh khỏe, xinh xắn, đáng yêu là thế, còn cuộc đời của họ thì sao? Trong xã hội phong kiến xưa, số phận người phụ nữ cũng lênh đênh chìm nổi như chiếc bánh trôi nước trong nồi.
“Bảy nổi ba chìm với nước non”
Cuộc đời long đong, gian truân đầy sóng gió dường như đã dành sẵn cho người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến, nghe như một tiếng than thầm, cam chịu, nhưng cũng phảng phất vẻ cao ngạo của họ. Cũng nổi, cũng chìm, nhưng lại nổi chìm “với nước non”.
“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”
Cảm nhận của em về bài thơ Bánh trôi nước, văn mẫu tuyển chọn
Lời thơ có vẻ trở nên cam chịu, người phụ nữ xưa vốn không có một vai trò gì trong xã hội. Họ không tự quyết định được số phận của mình, cuộc đời họ từ khi mới sinh ra cho đến lúc lìa đời là một cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc. Khi còn nhỏ thì phụ thuộc vào cha mẹ, khi lấy chồng thì phụ thuộc vào chồng, chồng mất thì phụ thuộc vào con cái. Họ không có cuộc sống của riêng họ, cuộc sống của họ chỉ để tô điểm thêm cho cuộc sống của người khác. Thế nhưng, thơ của Hồ xuân Hương lại phảng phất chút phớt lờ, bất cần. Thấp thoáng đâu đó trong thơ bà có chút phản kháng, chống cự lại những quan điểm bất công thời ấy. Nếu như trong ca dao, người phụ nữ được ví: “Thân em như tấm lụa đào – Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai” chỉ để thể hiện thân phận lênh đênh , thì trong thơ của Hồ xuân Hương ngoài việc miêu tả số phận người phụ nữ còn khẳng định nhân cách, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ.
“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Cuộc đời có bạc bẽo, bất công, cuộc sống có gian khổ, long đong như thế nào chăng nữa, người phụ nữ vẫn giữ được sự son sắt, thủy chung cùng những phẩm chất tốt đẹp của mình. Đó là sự khẳng định của bà và đó cũng chính là phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Với hình tượng cái bánh trôi nước, Hồ xuân Hương đã nói lên được vẻ đẹp, phẩm chất trong trắng, son sắt của người phụ nữ, đồng thời cũng đã đề cập đến một vấn đề xã hội rộng lớn đối với người phụ nữ – sự bình đẳng giới. Đây cũng chính là vấn đề mà xã hội tốt đẹp của chúng ta đang xây dựng. Cám ơn bà đã để lại cho đời một bài thơ thật đẹp.
3. Cảm nhận của em về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, mẫu số 3:
Nếu như Bà Huyện Thanh Quan với những lời thơ trang nhã, nhẹ nhàng, mang chút cung đình buồn thương man mác. Thì thơ Hồ Xuân Hương có phong cách hoàn toàn khác. Giọng thơ rắn rỏi, mạnh mẽ, đề tài bình thường dân dã, ý thơ sâu sắc thâm thuý mà chua cay chứa nỗi niềm phẫn uất phản kháng xã hội đương thời. Bánh trôi nước là một bài thơ như vậy:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Bánh trôi nước là bài thơ trữ tình đặc sắc. Tác giả mượn chiếc bánh trôi để thế hiện vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người con gái có thân phận nhỏ nhoi, chìm nổi, phụ thuộc mà vẫn giữ trọn phẩm giá của mình. Toàn bộ bài thơ là hình ảnh nhân hoá tượng trưng. Với khả năng quan sát và liên tưởng kỳ lạ, chất liệu dân gian là chiếc bánh trôi nước – loại bánh dân gian xưa cho là tinh khiết thường dùng vào việc cúng tế, nhà thơ đã phát hiện ra những nét tương đồng giữa chiếc bánh trôi bình thường với hình ảnh người phụ nữ. Cả hai đều có vẻ bề ngoài rất đẹp (trắng, tròn), có phẩm giá cao quý (tấm lòng son) tương đồng cuộc sống (chìm, nổi), số phận phụ thuộc (rắn nát tuỳ thuộc tay kẻ nặn). Với những từ ngữ đa nghĩa bài thơ tạo nên một trường liên tưởng cho người đọc. Do vậy nhà thơ tả thực mà lại mang ý nghĩa tượng trưng. Nói cái bánh trôi mà thành chuyện con người – người phụ nữ. Người con gái hình thể đẹp, da trắng nõn nà, thân hình căng tràn nhựa sống, tâm hồn nhân hậu hiền hoà.
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Với vẻ đẹp hình thể như vậy đáng lẽ phải có cuộc sống sung sướng hạnh phúc nhưng cuộc đời con người, đặc biệt là người phụ nữ thì phải chịu bao đắng cay, vất vả.
Bẩy nổi ba chìm với nước non
Được cha mẹ sinh ra để làm người, nhưng người phụ nữ không làm chủ được mình, cuộc đời họ do người khác định đoạt. Nàng Vũ Nương thuỳ mị nết na, đức hạnh thuỷ chung, chồng ra trận nàng ở nhà một thân một mình nuôi mẹ già, con thơ. Nàng đã làm tròn bổn phận của một người con, người vợ, người mẹ trong gia đình. Vậy mà do sự đa nghi ghen tuông quá mức, nàng bị chồng nghi cho là thất tiết. Nàng đã phải lấy cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Câu chuyện mang đến cho chúng ta một thông điệp: trong xã hội ấy người tốt như nàng không được sống hạnh phúc.
Cùng như vậy cuộc đời của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn bị xã hội nhào nặn xô đẩy:
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Cảm nhận của em về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương
Dù cuộc đời có phũ phàng, bất hạnh họ vẫn giữ vẹn phẩm giá, tâm hồn cao đẹp của mình.
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Sự sáng tạo của nữ sĩ khá độc đáo. Bà lựa chọn chi tiết không nhiều nhưng lại nói được nhiều. Hai từ thân em được đặt trước chiếc bánh, chiếc bánh được nhân hoá, đó chính là lời tự sự của người phụ nữ. Nét nghệ thuật này gợi cho trí tưởng tượng của người đọc được chắp cánh và hình ảnh người phụ nữ hiện lên rõ nét hơn.Từ thoáng chút hài lòng giọng thơ chuyển hẳn sang than oán về số phận hẩm hiu. Hồ Xuân Hương đã đảo lại thành ngữ quen thuộc ba chìm bảy nổi thành bảy nổi ba chìm đối lập với vừa trắng lại vừa tròn tạo sự bất ngờ và tô đậm sự bất hạnh của người phụ nữ.
Đến đây ta không còn thấy giọng thơ than vãn cam chịu: Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn. Cuộc đời họ, họ không làm chủ được bản thân mà phụ thuộc hoàn toàn vào tay kẻ khác. Thế nhưng: Mà em vẫn giữ tấm lòng son. Không những sự đối lập giữa thái độ người phụ nữ trong câu ba và bốn là đối lập giữa thái độ cam chịu và thái độ bảo vệ phẩm chất trong sáng trong tâm hồn con người. Từ vẫn thể hiện sự khằng định, quả quyết vượt trên số phận để giữ tấm lòng son. Người phụ nữ đã ý thức rất rõ về cuộc sống và phẩm giá của mình. Dẫu cho cuộc đời cay đắng, nhào nặn, xô đẩy thì giá trị đáng kính của họ luôn luôn là điều sống còn đối với họ.
Trong xã hội với ý thức hệ nho giáo hà khắc như vậy, quan niệm tam tòng tứ đức, nam tôn nữ ti đã ăn sâu vào ý thức con người. Nói được như Hồ Xuân Hương thật đáng khâm phục, trân trọng. Bài thơ chỉ có bốn câu, đề tài bình dị nhưng dưới ngòi bút thần diệu, Hồ Xuân Hương đã tạo cho viên bánh trôi nước mang vẻ đẹp sáng ngời của viên ngọc lấp lánh nhiều màu. Bài thơ chứa đựng một luồng ánh sáng, ý thức về xã hội bất công vùi dập người phụ nữ và giá trị nhân phẩm của mình.
Quả thật bài thơ của Hồ Xuân Hương có giá trị hiện thực và xã hội sâu sắc. Đây là tiếng nói chung của người phụ nữ đối với sự bất công của xã hội xưa và khẳng định phẩm giá của bản thân. Nhà thơ đã đại diện cho những số phận bất hạnh cất lên tiếng nói của chính họ và của thời đại. Bài thơ thể hiện khẩu khí của bà chúa thơ nôm.
4. Cảm nhận của em về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, mẫu số 4:
Nhà thơ Hồ Xuân Hương được mệnh danh là bà chúa thơ Nôm của nền văn học Việt Nam. Thơ của bà vô cùng độc đáo với phong cách giản dị, mộc mạc, lời lẽ sâu cay, thể hiện những nét ẩn dụ sâu sắc sắc.
Trong những bài thơ của bà bài thơ “Bánh trôi nước” thể hiện sự châm biếm sâu cay vô cùng độc đáo. Trong hình ảnh bánh trôi, bảy nổi ba chìm chính là thân phận người phụ nữ trong chế độ phong kiến.
Nhà thơ mượn hình ảnh nhỏ bé của chiếc bánh trôi nước để tố cáo tội ác của chế độ cũ đã chà đạp lên thân phận người phụ nữ. Một xã hội đầy những bất công, bất bình đẳng “trọng nam khinh nữ” người phụ nữ không có tiếng nói gì trong cuộc sống.
Tác giả mở đầu bằng hai câu thơ quen thuộc thường được dùng trong ca dao dân ca đó chính là hai từ “Thân em”
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Tác giả Hồ Xuân Hương mượn hình ảnh bánh trôi nước, để miêu tả lên thân phận của người phụ nữ xưa, bị đọa đày trong thân phận người phụ nữ. Chiếc bánh trôi vừa trắng vừa tròn, nhưng lại chịu số phận lênh đênh, sông nước ba chìm bảy nổi, không lúc nào được bình yên. Nó tựa như vẻ đẹp của người phụ nữ vừa mềm mại, trắng trong, ngọt ngào thủy chung, nhưng lại bị cuộc đời đưa đẩy tới chỗ bấp bênh không có hạnh phúc. Tác giả đã mượn hình ảnh giản dị mộc mạc, giản dị của chiếc bánh trôi nước trong dân gian để nói lên tâm hồn vẻ đẹp của người phụ nữ. Đó chính là sự tài tình của bà chúa thơ Nôm của chúng ta.
Bài văn Cảm nhận của em về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương
Chỉ với hai câu thơ thôi nhưng tác giả Hồ Xuân Hương đã cho thấy sự tài tình của mình trong nghệ thuật miêu tả vô cùng tinh tế, cách chơi chữ phóng khoáng thể hiện một phong cách thơ vô cùng độc đáo táo bạo của một người nữ sĩ đa tài. Người phụ nữ xưa sống trong chế độ phong kiến họ phải chịu nhiều thiệt thòi, nhiều áp bức khi phải khoác lên mình biết bao nhiêu hủ tục lạc hậu, những phong tục tập quán khiến cho người phụ nữ xưa không thể nào sống cho mình mà luôn phải sống theo quan niệm lạc hậu, tam tòng tứ đức. Người phụ nữ không có tiếng nói trong gia đình, mà luôn phải vâng lệnh người chồng, người cha. Ngay cả hạnh phúc lứa đôi tương lai của họ, người phụ nữ cũng không có quyền lên tiếng mà phải phụ thuộc vận mệnh của mình vào bà mai mối, vào cha mẹ hai bên sắp đặt. Nếu may mắn thì được hạnh phúc nâng niu, không thì phải chịu cảnh hồng nhan gian truân.
Ở hai câu tiếp theo trong bài thơ, hình ảnh người phụ nữ hiện lên thật thủy chung son sắc:
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Trong hai câu thơ này tác giả sử dụng nghệ thuật đảo ngữ vô cùng tài tình thể hiện sự thông minh sắc sảo của bà Hồ Xuân Hương.
Dù số phận của mình có ra sao, có khổ đau hay hạnh phúc thì người phụ nữ xưa cũng phải cam chịu không được định đoạt mà phải nghe theo lời sắp đặt của người khác thể hiện sự bất lực, cam chịu trong số phận của người phụ nữ xưa. Một xã hội phong kiến vô lý chà đạp lên thân phận người phụ nữ chân yếu tay mềm những người phụ nữ vẫn giữ tấm lòng trinh bạch, son sắc thủy chung của mình. Họ vẫn ngoan hiền cố gắng giữ gìn đức hạnh, đạo vợ hiền, con thảo. Dù phải chịu nhiều thiệt thòi bất công nhưng tâm hồn lương thiện, trắng trong của người phụ nữ vẫn là một nét tươi sáng thể hiện sự nhân hậu của người phụ nữ nước ta. Lời bài thơ thể hiện sự quả quyết tự hào nói lên tiếng lòng của người phụ nữ.Nó chính là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với sự độc ác của xã hội cũ, đừng tàn nhẫn với số phận người phụ nữ Bài thơ “Bánh trôi nước” là bài thơ đặc sắc, tiêu biểu cho phong cách của nhà thơ Hồ Xuân Hương. Bài thơ thể hiện tấm lòng trong trắng, trinh bạch của người con gái trong chế độ cũ. Nó để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với người đọc.
——————-HẾT———————
Bên cạnh nội dung đã học, các em cần chuẩn bị bài học sắp tới với phần Soạn bài Chuẩn mực sử dụng từ để nắm vững những kiến thức Ngữ Văn 7 của mình.
Trong chương trình học Ngữ Văn 7 phần Soạn bài Ôn tập văn bản biểu cảm là một nội dung quan trọng các em cần chú ý chuẩn bị trước.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục