Đề bài: Cảm nhận bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu
This post: Cảm nhận bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu
Cảm nhận bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu
I. Dàn ý Cảm nhận bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu
1. Mở bài
– Dẫn dắt, giới thiệu về tác giả Phan Bội Châu và tác phẩm “Xuất dương lưu biệt”, nêu nội dung khái quát của tác phẩm.
2. Thân bài
– Cảm nhận về hoàn cảnh ra đời của bài thơ, dẫn dắt vào cảm nhận bài thơ
a, Hai câu đề
– Quan niệm của chí sĩ Phan Bội Châu về “chí làm trai”, sống chủ động, làm chủ thế sự, gây dựng lên sự nghiệp lớn, không chấp nhận cuộc sống tầm thường.
b, Hai câu thực
– Cảm nhận về ý thức cái “tôi” cá nhân của nhân vật. Tác giả đã ý thức được về vị trí, vai trò của mình trong cuộc đời, trong lịch sử.
– Phân tích những hình ảnh biểu tượng “bách niên”, “khởi thiên”
– Phân tích ý nghĩa câu hỏi tu từ mà tác giả tự đặt ra cho mình…(Còn tiếp)
>> Xem Dàn ý Cảm nhận bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu đầy đủ tại đây.
II. Bài văn mẫu Cảm nhận bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu
Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng nhận định “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Văn học vì lẽ đó vẫn luôn song hành với mỗi bước đi của lịch sử. Văn học Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều cây bút cùng những tác phẩm nổi bật trong thời đại văn học. “Xuất dương lưu biệt” với tinh thần nhiệt huyết, quyết tâm đi tìm con đường cứu nước của Phan Bội Châu cũng được đánh giá là một tác phẩm như thế.
Đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, gây ra bao cảnh lầm than cơ cực cho dân tộc, cho nhân dân. Nhiều phong trào yêu nước đồng loạt nổ ra nhưng thất bại, báo hiệu việc đi theo con đường phong kiến đã không còn phù hợp. Trước tình trạng bế tắc con đường cứu nước, Phan Bội Châu đã đứng lên thành lập Duy tân hội, phát động phong trào Cách mạng mới mang tên “Đông du”. Năm 1905, Phan Bội Châu xuất dương sang Nhật Bản, bắt đầu tìm kiếm con đường cứu nước của mình. “Xuất dương lưu biệt” được sáng tác vào thời điểm trước khi ông khởi hành, gửi gắm ý chí quyết tâm, sự hăm hở và tinh thần yêu nước sâu sắc của ông.
Ngay từ hai câu thơ mở đầu, Phan Bội Châu đã bộc lộ hoài bão và chí khí của mình:
“Sinh vi nam tử yếu hi kì
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di”
(Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời)
Hai câu thơ với nhịp điệu dứt khoát đã nói lên suy nghĩ của Phan Bội Châu về 3 chữ quyết định trong cuộc đời đấng nam tử – “chí làm trai”. Ông cho rằng, nam tử phải làm được chuyện lạ ở trên đời, có khát vọng và làm chủ thế sự. Họ là những người chủ động trước mọi thăng trầm của thời đại, không chấp nhận cuộc đời mà trời đất tự xoay vần, sắp đặt. Đây là tư tưởng vô cùng táo bạo. Để rồi khi soi chiếu vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, chúng ta có thể nhận ra lời mà tác giả đang tự nói với mình, nói với những người nam nhi thời ấy. Đất nước đang rơi vào tình cảnh hiểm nguy, nam nhi phải đứng lên lập lại thời thế, xoay chuyển thực tại, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại chủ quyền cho đất nước, khẳng định vị trí của chính mình:
“Ư bách niên trung tu hữu ngã
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy”
(Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai?)
Lấy trăm năm (bách niên) hữu hạn đặt cạnh muôn thuở (khởi thiên) vô hạn, phủ định để khẳng định, Phan Bội Châu một lần nữa nhấn mạnh tiêu chí của đấng nam tử. Không chỉ chủ động trước thời cuộc, không chỉ làm những việc lạ, người nam tử còn mong muốn hoàn thành những chuyện lớn lao, vượt lên cả giới hạn của chính mình, gánh trên vai không chỉ việc mình mà còn cả việc đời. Câu hỏi “Trong khoảng trăm năm cần có tớ/ Sau này muôn thuở há không ai?” chính là lời khẳng định của tác giả về cái “tôi” cá nhân. Không rụt rè, không ẩn hiện, ý thức về cái “tôi” đến đây được thể hiện vô cùng rõ ràng. Tự nhận thấy vai trò và sứ mệnh của mình đối với thời thế và khát vọng công danh thôi thúc, nhân vật trữ tình đã can đảm đứng ra giữa cuộc đời.
Không những thế, Phan Bội Châu còn nhìn thấy cả sự lỗi thời, lạc hậu của quan điểm Nho gia:
“Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si”
(Non sông đã chết sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài)
Người nam tử đã ý thức được thực tại rằng non sông đã mất chủ quyền, đất nước bị giặc ngày đêm giày xéo. Bấy nhiêu năm theo học “thánh hiền” không giữ được non sông, học cũng hoài phí, sống thêm nhục nhã, vô nghĩa. Man mác nỗi xót xa, nhưng hai câu thơ đã đưa ra nhận định đúng đắn về thời thế, về thực trạng nước nhà dứt khoát, sáng suốt. Phan Bội Châu đã tỉnh táo nhận ra Nho học không còn phù hợp với thời điểm hiện tại, cần tiếp thu những tư tưởng và con đường mới, phù hợp hơn, phục vụ cho sự nghiệp cứu nước.
Hoài bão lớn lao đã bùng cháy lên trong suy nghĩ của người nam tử yêu nước, ông xuất phát ra đi tìm đường cứu nước với tư thế hiên ngang và tràn đầy hi vọng:
“Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.”
(Muốn vượt biển Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi)
“Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi” là hình ảnh biểu tượng cho ý chí, khát vọng của người chí sĩ cách mạng. Hai câu thơ với những hình ảnh trừu tượng kì vĩ và lớn lao đã thể hiện khát khao, mong muốn và khí thế của người chí sĩ yêu nước, nguyện vượt cả Biển Đông, vượt mọi giới hạn để hoàn thành chí lớn, hoàn thành sự nghiệp vĩ đại.
Khép lại bài thơ, có thể đánh giá “Xuất dương lưu biệt” là một khúc ca khởi hành mang âm hưởng lạc quan và tràn đầy hi vọng. Bài thơ vừa thể hiện tư thế hiên ngang, quyết tâm của Phan Bội Châu trong buổi đầu xuất dương đi cứu nước, vừa có giá trị thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ thanh niên thời bấy giờ. Chính bởi những giá trị đó, “Xuất dương lưu biệt” xứng đáng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nền văn học với giá trị sâu sắc, xứng đáng được thế hệ mai sau lưu giữ đến ngàn đời.
————— HẾT —————
Cùng với việc tham khảo bài mẫu viết cảm nhận về về bài thơ lưu biệt khi xuất dương do Mầm Non Ánh Dương biên tập, tổng hợp, để hiểu hơn về nội dung, giá trị tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm, các em cần tham khảo thêm các bài: Vẻ đẹp lãng mạn và hào hùng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương, Phân tích chí làm trai trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu hay phần Bình giảng bài thơ Lưu biệt khi xuất dương, Vẻ đẹp lãng mạn và hào hùng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương,…
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)