Giáo dục

Cảm nghĩa về một người thân yêu nhất của anh (chị)

Đề bài: Cảm nghĩa về một người thân yêu nhất của anh (chị)

cam nghia ve mot nguoi than yeu nhat cua anh chi

This post: Cảm nghĩa về một người thân yêu nhất của anh (chị)

 

Bài làm:

Hôm nay cũng như mọi ngày, màu hè với cái nắng gay gắt đã sang sắp được một nửa. Ngồi trong lớp học nhìn ra cái nắng chang chang như đổ lửa ấy, tôi đoán chắc đã gần 11 giờ trưa rồi đấy, chắc mẹ tôi đã về nấu cơm, còn bố thì vẫn gắng làm nốt vài việc ngoài vườn, bố chẳng bao giờ là người về sớm nhất. Tôi bỗng thấy thương bố quá!

Bố tôi vốn là con trai trưởng trong một gia đình thuần nông ở Hà Tây (cũ) nay là ngoại ô Hà Nội. Bố tôi vốn vất vả từ nhỏ, hồi ấy nhà ông bà tôi cũng chẳng khá giả gì mấy, bởi vì không có tiền đóng học, cô giáo nhắc mãi, xấu hổ với bạn bè, nên bố tôi bỏ học từ năm lớp 9. Sau này mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, tôi thường thấy bố trầm ngâm, bố kể bố học giỏi lắm, nếu cố có lẽ đã làm một thầy giáo rồi cũng nên, bố đùa vậy, nhưng tôi dám chắc rằng đó từng là ước mơ và cũng là niềm tiếc nuối của bố. Càng nghĩ, tôi lại càng thương bố hơn, tôi còn âm thầm dặn lòng phải cố học thật giỏi, học thay cho cả phần của bố nữa.

Năm 24 tuổi bố tôi dẫn mẹ cùng vào miền nam lập nghiệp, và từ đó bố tôi xa quê suốt, chẳng mấy khi về, bố bảo thời gian đầu là vì khó khăn quá không thể về được, còn đến bây giờ có của ăn của để rồi thì lại do đi xa lâu quá, mọi thứ đã xa lạ lắm rồi, về bố cũng không quen, thế là bố cũng không về nữa. Tôi cảm thấy trong từng câu chữ của bố đều ẩn ẩn một nỗi niềm xót xa, nỗi buồn muôn thuở của những con người bỏ quê xa xứ mà xưa người ta thường hay nói là “tha phương cầu thực”. Thời gian đầu bố tôi phải vất vả lắm, quanh năm suốt tháng cứ đi làm thuê cho người ta lấy miếng ăn, rồi nuôi cả nhà. Bố bảo rằng thuở ấy, bố làm chẳng biết mệt là gì, cứ hùng hục như trâu cày, chỉ khổ đồng lương thấp quá, làm mãi mà vẫn cứ đói. Mãi rồi bố mẹ tôi cũng tậu được mảnh đất, để làm ăn, từ đây nhà tôi chẳng phải sống kiếp ăn nhờ ở đậu nữa, cứ nhớ bố kể lúc vào căn nhà tranh mới lợp, bố mẹ tôi chỉ biết nhìn nhau mà chảy nước mắt, bởi có khi hạnh phúc quá người ta lại không cười được nữa.

Hơn 20 năm trôi qua, nhà tôi đã khá giả hơn xưa rất nhiều lần, nhưng chỉ có bố tôi vẫn chẳng thay đổi gì cả, bố vẫn quanh năm suốt tháng làm lụng, bố bảo, bố nghỉ một ngày là cảm thấy bứt rứt, thà cứ đi làm lại đỡ rỗi việc. Tôi không thường quan sát bố tôi, bố con tôi cũng ít khi nói chuyện với nhau, nhưng tôi luôn cảm nhận được tình yêu thương mà bố dành cho tôi. Tôi cứ nhớ cái ngày tôi rời nhà lên trường chuyên ở tỉnh học, phải ở trọ trên ấy, bố tôi cứ đứng chắp tay sau lưng ở cổng, bố nhìn gì ngoài đường tôi không biết nữa, nhưng cứ thỉnh thoảng bố lại đi vào hỏi tôi xem đã chuẩn bị xong đồ đạc chưa, còn thiếu gì nữa không để bố đi mua cho. Độ vài ba lần như thế, rồi bố tôi lặng lẽ đi bắt gà, làm cỗ cúng, bố cứ ít nói như thế, nhưng tôi cảm nhận được rằng bố tôi đang buồn, cũng không yên tâm về tôi. Hai bố con lục tục đèo nhau hơn 40 km lên tới nhà trọ của tôi, bố giúp tôi sắp xếp đồ, rồi dặn dò tôi đủ kiểu, lúc này đây tôi mới có dịp quan sát rõ bố. Tôi vẫn cứ ngỡ tóc bố tôi sẽ đen mãi, nhưng không, nay trên mái đầu của bố đã hiện lưa thưa mấy cọng tóc trắng xóa, nước da vì cháy nắng mà sạm cả đi, đôi mắt cá chày sáng rõ, kiên nghị, đôi bàn tay bố cũng sần sùi, to sần và thô ráp. Chắc bố đã vất vả quá nhiều, thời gian đã lấy đi của bố tôi thật nhiều, thật nhiều quá. Bố tôi rất cao và gầy, mặc dù chẳng phải thiếu ăn mà bố tôi cứ gầy mãi thế, kiểu gì cũng chẳng lên nổi cân thịt nào, mẹ thường hay bảo tướng bố vốn vất vả nên nó cứ thế thôi. Tôi bỗng thấy thương bố quá, chẳng biết bố đã vất vả thế nào để gánh vác cả gia đình nữa. Bố đã thôi không dặn dò tôi nữa, bố bảo bố phải về còn làm nốt công việc ở nhà, nhìn bóng lưng bố quay đi, nước mắt tôi cứ trào ra, cái bóng lưng cao gầy, dáng người thẳng tắp cứ lặng lẽ bước đi trong cái nắng nhạt chiều thu, cái áo sơ mi xanh nhạt bạc màu, cái quần ka ki xám sờn gấu, cả đôi dép da nâu đã cũ. Nhưng bố không chịu bỏ đi, bố bảo bố quen rồi, đổi đi lại không quen,… Bố tôi cứ quen tiết kiệm, cũng thích những thứ quen thuộc cũ kĩ, thật xót xa. Suốt thời gian tôi đi học, bố đều gọi điện một tuần hai lần, lần nào cũng hỏi tôi có thiếu gì không, rồi lại dặn dò tôi chăm lo học hành, hầu như bố chẳng nói gì khác, nhưng lòng tôi lại thấy ấm áp lạ kỳ, bởi vốn bố tôi chẳng biết nói mấy lời tình cảm bao giờ, hỏi thăm là cảnh giới cao nhất của bố tôi rồi (cười).

Có ai hỏi là tôi đã từng bị bố mắng bao giờ chưa, thì tôi sẽ trả lời là có nhưng rất ít, bố ít khi trách mắng mấy chị em chúng tôi lắm, chỉ trừ khi chúng tôi làm sai chuyện gì nghiêm trọng lắm bố mới mắng vài câu rồi lại thôi. Và tôi thích nhất là cái tính không giận dai bao giờ của bố, bố mới vừa mắng xong buổi trưa thì buổi chiều bố đã lại quên rồi. Bố tôi là người sống tiết kiệm nhưng là tiết kiệm cho bản thân chứ chưa bao giờ tiết kiệm với chị em tôi cả. Mỗi lần mua sắm cho chúng tôi cái gì mới, bố đều muốn mua những thứ tốt nhất, bố thường bảo đời bố đã khổ, thì đời chúng tôi phải hơn bố, bố không muốn chúng tôi phải thua thiệt hay xấu hổ với bạn bè. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, thôi thì bố bớt lo cho chúng tôi lại, mà để tâm đến mình một chút cũng được chứ, bố cứ như thế mãi khiến tôi thấy buồn lắm. Tôi cảm thấy bất lực vì mình mãi vẫn chưa lớn, vẫn chưa thể lo cho bố như bố đã từng lo lắng cho tôi thế này, cứ thế tôi lại càng yêu thương bố hơn.

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Gian khổ cuộc đời không nặng gánh bằng cha”

Trong lòng tôi, bố luôn là người bố tuyệt vời nhất, đối với tôi bố là mặt trời tỏa ra những ánh dương ấm áp, còn mẹ là vầng trăng tỏa ra ánh sáng dịu hiền. Suốt hơn nửa đời người bố chưa từng biết đến từ “nhàn nhã” là như thế nào, bố chỉ có một khao khát làm sao cho chị em chúng tôi thành tài. Tôi sẽ cố gắng thật nhiều cho ngày hôm nay và cả mai sau, để tôi có thể nhanh chóng thành công, quay về chăm sóc bố, mẹ, để cho bố tôi đỡ phải khổ thêm nữa, bởi bố đã vất vả quá nhiều rồi, tôi thật không đành lòng nhìn bố cứ cả đời phải lầm lũi như vậy.

Ngoài bài làm văn Cảm nghĩa về một người thân yêu nhất của anh (chị), học sinh và giáo viên tham khảo thêm các bài văn biểu cảm mẫu như Cảm nghĩ về người thân yêu nhất, Viết cảm nghĩ của em về mẹ, Cảm nghĩ về thầy, cô giáo, Phát biểu cảm nghĩ về người thân, Cảm nghĩ của em về tình bạn hay cả những bài Soạn bài Cách lập ý của bài văn biểu cảm để hỗ trợ quá trình làm văn tốt nhất.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button