Đề bài: Em hãy Phân tích Cái ngông của Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng cuội
This post: Cái ngông của Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng cuội
Cái ngông của Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng cuội
Bài văn mẫu Cái ngông của Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng cuội
Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, xuất thân trong một gia đình có truyền thống văn chương nên đã tạo ra một Tản Đà tài năng và mang phong cách văn chương khác biệt, đó là cái đa tình, ngông nghênh của một người nghệ sĩ tài hoa. Cái ngông của ông được thể hiện rõ trong bài thơ “Muốn làm thằng Cuội”.
Bài thơ “Muốn làm thằng Cuội” viết vào năm 1916, được in trong tập thơ “Khối tình”. Muốn làm thằng Cuội được viết theo thể thơ cổ thất ngôn bát cú Đường luật nhưng bài thơ lại có những nét mới mẻ, sự phá cách mang đậm phong cách của tác giả.
Ngay từ câu đầu tiên tác giả đã bộc lộ tâm sự của mình về nỗi buồn không biết nói với ai, chỉ biết nói chính mình và nói với trời cao thôi.
“Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi !
Trần thế em nay chán nửa rồi.”
Mùa thu là mùa ánh trăng sáng nhất, trăng thu chiếu rọi khắp không gian vốn một cảnh đẹp nhưng khi thưởng ngắm mĩ cảnh ấy, tác giả lại cảm thấy buồn và trĩu nặng những suy tư. Từ “buồn” và “chán” trong hai câu thơ trên đã nói lên được sự cô đơn của tác giả cũng như sự chán ghét cuộc sống nơi trần thế ngột ngạt và bế tắc. Nhà thơ muốn thoát khỏi thực tại, muốn làm một anh Cuội sống vô lo, vô nghĩ. Xã hội lúc đó thối nát, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Khi ấy, ánh sáng của cách mạng chưa tới được những người tri thức như Tản Đà, lúc đó các nhà thơ nhà văn chưa tìm được hướng đi riêng cho mình nên thường mang tâm trạng chán chường, lạc lõng giữa trần gian. Tản Đà muốn thoát khỏi trần thế này, ông muốn rời khỏi trần gian muốn lên cung trăng bầu bạn với chị Hằng cho thấy được cái ngông cuồng, cá tính mạnh mẽ, táo bạo của ông. Nhà thơ muốn thoát khỏi cuộc sống bế tắc này muối đi đến một thế giới mới- thế giới của thần tiên, nơi không có những bất công, thối nát của hiện thực xã hội đương thời.
Hai câu thơ tiếp thể hiện tiếp cái ngông của tác giả.
“Cung quế đã ai ngồi đó chưa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi”
Là một người yêu đời, yêu cuộc sống nên tác giả muốn thoát ly khỏi cuộc sống hiện tại. Câu hỏi “Cung quế đã ai đó ngồi chưa?” thể hiện ước muốn đó, hỏi chị Hằng sống một mình trên cung trăng có buồn, có cô đơn không hay câu thơ “Cành đa xin chị nhắc lên chơi” đã thể hiện mong muốn tột cùng- thoát khỏi cuộc sống hiện tại, thoát khỏi xã hội thối nát, gò bó.
Hai câu thơ tiếp theo là khao khát được lên cung trăng cùng chị Hằng bầu bạn.
“Có bầu có bạn, cùng chi kỷ
Cùng gió cùng mây, thế mới vui”
Điệp từ “có” và “cùng” thể hiện ước muốn có bạn có bè, cùng làm cùng chung sống, cùng bàn luận về thơ ca, cùng ngao du khắp nơi giống như những người bạn tri kỷ nhưng ở trần thế ông không thể tìm được người bạn như thế. Hiện thực trần gian là những giọt nước mắt đau khổ, là những bất công trái luân thường đạo lý nên Tản Đà muốn lên cung trăng tận hưởng được bầu không khí của sự tự do, được cùng gió cùng mây ngao du khám phá mọi nơi, tránh xa trần thế thoát khỏi chốn ngục tù. Từ khát khao có phần ngông nghênh, có phần vô lí ấy, người đọc cảm thông được với những nỗi niềm, những suy tư trần thế đầy trĩu nặng của ông .
Cái ngông của Tản Đà không phải ngông của sự ngạo mạn, vô lý mà là ước muốn từ tận sâu của con người của ông. Hai câu thơ cuối tác giả muốn được sống cả đời trên cung trăng để được sống cuộc sống thần tiên.
“Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.”
Tác giả đã tưởng tượng ra bối cảnh mình cùng chị Hằng cùng nhau bầy bạn, cùng trông nhìn thế gian. Đến đây, cái ngông đã lên mức đỉnh điểm bởi tác giả không xưng hô chị em nữa mà thay vào ông coi chị Hằng như một người bạn tri kỷ. “Trông xuống” ở đây chính là cung trăng, nơi Tản Đà cùng chị Hằng kết bạn và buông bỏ những vướng bận, uư tư nơi trần thế. Từ “cười” ở đây thể hiện sự thỏa mãn của tác giả, tiếng cười ấy thật sảng sự viên mãn làm sao. Tiếng cười đa thanh ấy còn là sự khinh bỉ của cuộc sống nơi trần thế tối tăm ngột ngạt nơi không có ánh tráng của chân lý của tình thương nó là nơi của sự áp bức của ách thống trị của chế độ nửa phong kiến nửa thực dân hà khắc.
Viết theo thể thơ cổ nhưng tác giả đã viết nó theo phong cách hoàn toàn khác, vẫn mang nét cổ điển, tuân thủ niêm, luật đấy nhưng cũng có sự sáng tạo của riêng của Tản Đà nên bài thơ mang một sắc thái hiện đại, mới lạ.
“Được làm thằng Cuội” được viết trong khoảng thời gian mà đất nước đang khó khăn, nhân dân lầm than chịu sự áp bức bóc lột triều đình phong kiến. Bài thơ thể hiện sự thương xót của tác cũng là mong muốn được thoát khỏi thế giới này, bộc lộ cái ngông nghênh tài hoa cùng khát vọng thành thực của người thi sĩ.
Qua bài thơ, ta thấy được cá tính mạnh mẽ cùng chất “ngông” đầy ấn tượng của Tản Đà. Muốn làm thằng Cuội không chỉ bộc lộ những khát vọng táo bạo của Tản Đà mà còn hé lộ những tâm sự thầm kín và tấm lòng đẹp của người thi sĩ luôn trăn trở với cuộc sống, với thực tại.
———————HẾT———————–
Muốn làm thằng Cuội là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất thể hiện được tài hoa và chất ngông của Tản Đà. Cùng tìm hiểu về chất “ngông” của người thi sĩ, bên cạnh bài Cái ngông của Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng cuội, các bạn có thể tham khảo thêm các bài văn mẫu như: Cảm nhận về bài thơ Muốn làm thằng Cuội, Phân tích bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà, Phân tích cái ngông, cái sầu, cái mộng trong bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà, Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ: Muốn làm thằng Cuội, Cảm nghĩ của mình về tâm sự và cái ngông của Tản Đà qua bài Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục