Đề bài: Cách làm bài văn Nghị Luận xã hội đạt điểm tối đa
This post: Cách làm bài văn Nghị Luận xã hội đạt điểm tối đa
I. Dàn ý: Cách làm bài văn Nghị Luận xã hội đạt điểm tối đa
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về văn nghị luận xã hội: Một trong số những đề văn có tính mở chính là các đề văn nghị luận xã hội, theo cấu trúc bài thi, bài văn nghị luận sẽ chiếm đến 3 trên tổng số 10 điểm, tuy nhiên rất khó để đạt được số điểm tối đa. Chính vì vậy, cần thiết phải định hướng cho các bạn học sinh cách để có thể đạt điểm tối đa trong bài viết văn nghị luận xã hội.
2. Thân bài
· Xác định đúng dạng bài văn nghị luận xã hội
· Đề nghị luận về tư tưởng đạo lý
· Đề nghị luận về hiện tượng xã hội
· Đảm bảo bố cục chặt chẽ của bài văn nghị luận
· Đặt vấn đề
· Giải quyết vấn đề
· Kết thúc vấn đề
· Đảm bảo dẫn chứng trong văn nghị luận xã hội
· Lấy dẫn chứng bám sát vấn đề nghị luận
· Số lượng dẫn chứng phù hợp, lần lượt
· Dẫn chứng mang tính thực tế cao
· Phải có mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân
· Nhận xét đánh giá về vấn đề nghị luận
· Rút ra bài học nhận thức và hành động
3. Kết bài
Tổng kết: Như vậy, các phần đã nêu trên đây là một trong những cách để các bạn học sinh có thể chinh phục số điểm tối đa bài văn nghị luận xã hội. Ngoài ra còn một số yếu tố quan trọng khác như lập dàn ý trước khi viết, đảm bảo chính tả và soát lại bài sau khi viết, tránh những sai sót nhỏ làm mất điểm cả bài.
II. Bài mẫu: Cách làm bài văn Nghị Luận xã hội đạt điểm tối đa
Dễ nhận thấy, trong những năm gần đây xu hướng đề thi môn Ngữ văn thường ra các đề văn mở để phần nào tăng thêm tính thực tiễn của môn học, nhằm để đánh giá năng lực học sinh, cách nhìn nhận của học sinh về các vấn đề đang tồn tại trong cuộc sống. Một trong số những đề văn có tính mở chính là các đề văn nghị luận xã hội, theo cấu trúc bài thi, bài văn nghị luận sẽ chiếm đến 3 trên tổng số 10 điểm, tuy nhiên rất khó để đạt được số điểm tối đa. Chính vì vậy, cần thiết phải định hướng cho các bạn học sinh cách để có thể đạt điểm tối đa trong bài viết văn nghị luận xã hội.
Việc đầu tiên để có thể làm tốt bài thi đó là nhận dạng đề, có nhận dạng và hiểu đúng yêu cầu của đề thi chúng ta mới không làm sai, lạc đề thi. Trong văn nghị luận xã hội cũng có các dạng nghị luận khác nhau, chúng ta phải phân biệt được các dạng văn nghị luận để có thể làm bài theo đúng yêu cầu đưa ra. Thông thường, văn nghị luận xã hội được chia ra làm hai loại đề tài chính là: nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống. Xác định đúng đề tài nghị luận xã hội mới đưa chúng ta đi đúng hướng, đưa ra được định hướng làm bài chính xác. Đối với đề tài nghị luận về tư tưởng đạo lý cách nhận biết đơn giản nhất chính là xác định thấy những vấn đề liên quan đến tư tưởng, đạo đức con người, quan niệm sống của những nhà tư tưởng.Ví dụ các đề bài: Nghị luận về câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”, Nghị luận về tinh thần đoàn kết… Các tư tưởng, đạo lý thường thể hiện qua câu nói nổi tiếng, câu tục ngữ, ca dao và trong đề bài các câu nói này thường được trích dẫn nguyên văn, để trong dấu ngoặc kép. Văn nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống lại khá phổ biến và gần gũi với cuộc sống hàng ngày, các vấn đề nóng, tiêu biểu của xã hội, ví dụ như các đề: Nghị luận về hiện tượng tiêu cực trong thi cử, nghị luận về hiện tượng biến đổi khí hậu… Các vấn đề đưa ra bàn luận thường là những vấn đề nổi cộm trong xã hội, chính vì vậy, các bạn thường xuyên cập nhật thông tin sẽ rất dễ nắm bắt.
Bất cứ một bài văn nào cũng phải có bố cục rõ ràng, đầy đủ ý, dẫn chứng minh bạch rõ ràng sẽ tăng tính khách quan cho bài văn. Bài văn nghị luận xã hội ở cả hai dạng đề tài đều có chung bố cục ba phần cơ bản: Đặt vấn đề (phần mở bài), giải quyết vấn đề (phần thân bài) và kết thúc vấn đề (phần kết bài). Phần đặt vấn đề cần nêu ra vấn đề cần nghị luận để người đọc biết bạn đã nhận dạng đúng yêu cầu đề bài hay chưa, cách mở bài sáng tạo sẽ thu hút người đọc và có điểm cao hơn. Phần thân bài là phần xương sống cốt lõi, trong phần này chúng ta giải quyết tất cả các nội dung từ khái niệm, bản chất, thực trạng và giải pháp của vấn đề. Phần kết thúc vấn đề yêu cầu sự ngắn gọn, cô đọng và súc tích, tổng kết lại toàn bộ vấn đề đồng thời mở rộng liên hệ thực tiễn với bản thân.
Dẫn chứng trong văn nghị luận xã hội đóng vai trò rất quan trọng và không thể thiếu, đây là yếu tố tăng sức thuyết phục cho bài văn, không có dẫn chứng không thể là một bài văn nghị luận xã hội hoàn chỉnh. Việc lấy dẫn chứng cần bám sát vào vấn đề nghị luận, dẫn chứng không cần số lượng mà cần chất lượng, ít dẫn chứng nhưng lại mang tính thời sự, thực tế và tiêu biểu sẽ hiệu quả hơn là nhiều dẫn chứng nhưng chung chung, tràn lan. Để có được dẫn chứng thuyết phục, bạn cần trau dồi và cập nhật thông tin liên tục, có thể trên sách báo, ti vi, Internet, vấn đề nghị luận nào thì chọn dẫn chứng tương ứng và tập trung phân tích, bình kĩ dẫn chứng đó. Một trong những điều cốt yếu nhất để đạt điểm tối đa trong bài văn nghị luận xã hội đó là không thể thiếu phần mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân. Đây là tiêu chí đánh giá mức độ liên hệ thực tiễn, ứng dụng vào thực tế đời sống của học sinh, trong phần này chỉ cần nêu ngắn gọn những bài học được rút ra từ vấn đề và phương hướng áp dụng vào cuộc sống của mình.
Như vậy, các phần đã nêu trên đây là một trong những cách để các bạn học sinh có thể chinh phục số điểm tối đa bài văn nghị luận xã hội. Ngoài ra còn một số yếu tố quan trọng khác như lập dàn ý trước khi viết, đảm bảo chính tả và soát lại bài sau khi viết, tránh những sai sót nhỏ làm mất điểm cả bài.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)