Đề bài: Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi.
This post: Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Bài ca Côn Sơn
Bài văn Phân tích Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Bài ca Côn Sơn
Bài văn mẫu Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Bài ca Côn Sơn
Nguyễn Trãi- anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới để lại sự nghiệp văn chương vô cùng phong phú. Trong giai đoạn từ quan về ở ẩn, Nguyễn Trãi đã sáng tác “Bài ca Côn Sơn” (Côn Sơn ca- trích), đoạn thơ đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình và vương vấn lòng người.
Bài ca Côn Sơn ra đời khi nhà thơ bị chèn ép phải cáo quan về sống ở Côn Sơn. Địa danh Côn Sơn thuộc thôn Chi Ngại, xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đây cũng là nơi nhà thơ đã từng sinh sống nên cảnh vật tái hiện cũng thật gần gũi, tự nhiên khiến người đọc nghe cũng có cảm giác quen thuộc. Bài thơ đã khắc họa tinh tế một bức tranh tứ bình hài hòa, độc đáo nhưng cũng chân thật, trữ tình. Mở đầu bài thơ, Nguyễn Trãi viết:
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Thiên nhiên được gợi ra bắt đầu từ âm thanh của tiếng suối. Tuy được gợi từ âm thanh nhưng tiếng suối ấy lại gợi ra hình ảnh. Cảnh núi rừng rộng lớn, từ đâu đó là tiếng suối chảy rì rầm, róc rách đồng vọng với tiếng của núi ngàn. Đó là không gian của sự thanh tĩnh, nơi chốn lý tưởng của các bậc hiền nhân xưa luôn muốn tìm về. Tiếng suối rì rầm đó được tác giả so sánh như tiếng đàn cầm, du dương, êm dịu, trong trẻo góp phần làm thanh tĩnh tâm hồn của thi nhân khi trở về với thiên nhiên. Khi ví von tiếng suối đó với âm thanh tiếng đàn, ắt hẳn, tác giả đã thực sự hòa vào bản nhạc của rừng núi. Nguyễn Trãi lại hòa vào vẻ đẹp của Côn Sơn qua hai câu thơ tiếp theo:
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.
Bức tranh phong cảnh được miêu tả qua hình ảnh “đá rêu phơi” thật đẹp và tràn sức sống. Đá cằn cỗi, rêu vẫn chen chúc để sinh tồn và phát triển. trong cái khắc nghiệt của hoàn cảnh, rêu vẫn bám trụ bền bỉ và thể hiện sức sống mãnh liệt. Ngồi trên phiến đá rêu phơi ấy khiến tác giả như ngồi chiếu êm ắt hẳn đó phải là manh chiếu êm ái, mềm mại. Dường như, thi nhân đã thực sự hòa mình vào thiên nhiên nơi thâm sơn cùng cốc. Phiến đá cằn cỗi ấy mang trên mình một sức sống bất diệt mặc kệ phong ba bão táp. Hai câu lục bát tiếp theo, Nguyễn Trãi đã thể hiện sự bức phá ngoạn mục mà hùng vĩ của thiên nhiên:
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Thiên nhiên được người hiền triết cảm nhận tỉ mỉ và tinh tế. Hình ảnh của cây thông mang sức sống và thể hiện sự hùng tráng của núi rừng được tác giả so sánh với hình ảnh giản dị “như nêm” giúp ta nhận ra được sức sống tiềm tàng nơi núi rừng mặc mưa sa nắng đổ. Dù trải qua biết bao khắc nghiệt của cuộc đời, cây thông ấy vẫn đứng “giữa trời mà reo” . Đọc đến đây, ta nhận ra, tác giả chọn về với thiên nhiên để hòa vào sự thoáng đãng, tuôn trào và rộng mở của vạn vật, để được nằm trên nơi có bóng mát kì diệu của tạo hóa. Đón nhận những gì ban sơ, trong lành nhất, nơi này thật không hoài phí để tác giả chọn để được sống nhàn . Kết thúc đoạn thơ, Nguyễn Trãi đã khép lại bằng hai câu thơ:
Trong rừng có bóng trúc râm,
Trong màu xnh mát ta ngâm thơ nhàn.
Hình ảnh tre, trúc thật quen thuộc và bình dị đối với hồn quê Việt. Trúc trong rừng làm nên bóng râm, mát lành và rậm rạp. Hòa vào sự nguyên sơ ấy là tâm hồn thi nhân khao khát sống nhàn giữa vùng sơn cước. Màu xanh tươi mát của núi rừng và sự thanh tịnh trong tâm hồn Nguyễn Trãi tạo nên sự tổng hòa bức tranh Côn Sơn hoang dã.
Cảnh đẹp Côn Sơn được Nguyễn Trãi cảm nhận qua nhiều giác quan: thính giác (tiếng suối), xúc giác (chiếu êm), thị giác (màu xanh của trúc) thật tươi mát và hài hòa. Khao khát sống của Nguyễn Trãi khiến ta nhận ra bức tranh ấy thật đẹp, đó là nơi gửi gắm của xúc cảm, đồng điệu của tâm hồn và hòa hợp với núi rừng. Đây là nơi trong lành, nhàn nhã, thanh bình thì thi nhân mới rũ bỏ hết mọi toan tính, muộn phiền để là một nho sĩ với lối sống bình dị.
Thiên nhiên trong Bài ca Côn Sơn thật đẹp, mang cả thanh và sắc, tạo nên sự hài hòa của khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, thanh nhàn. Qua bài thơ, ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn cao quý của Nguyễn Trãi với lối sống giản dị mà thanh cao.
——————HẾT——————–
Trên đây là nội dung bài Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Bài ca Côn Sơn, để cảm nhận hết cái hay, nét đặc sắc trong bài thơ, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Bài ca Côn Sơn để thấy được tình yêu thiên nhiên của người thi sĩ, So sánh âm thanh tiếng suối trong bài Côn Sơn ca và Cảnh khuya, Cảm nhận khi đọc Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi, Nhân vật ta trong Bài ca Côn Sơn.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục