Đề bài: Bình giảng đoạn thơ sau: “Tôi muốn tắt nắng đi… Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
This post: Bình giảng đoạn thơ sau: “Tôi muốn tắt nắng đi… Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Phần 1: Dàn ý bình giảng đoạn thơ sau: “Tôi muốn tắt nắng đi… Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Phần 2: Bài văn mẫu Bình giảng đoạn thơ sau: “Tôi muốn tắt nắng đi… Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Bài làm:
Trong bốn mùa của một năm, có lẽ mùa xuân là mùa khiến cho lòng người cảm thấy khoan khoái, háo hức và rạng rỡ nhất. Bởi vậy, có biết bao thi sĩ thổn thức trước vẻ đẹp ấy mà viết nên những vần thơ êm đềm, dịu nhẹ, có khi lại là tiếng thơ rạo rực, đắm say. Bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu cũng là một bài thơ tuyệt diệu như thế, lời thơ chất chứa niềm tin yêu của một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống thiết tha, mãnh liệt.
Đoạn thơ đầu của bài là một bức tranh xuân đầy rộn ràng như thiên đường dưới mặt đất qua cái nhìn đầy tinh tế của tác giả.
” Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
Ước nguyện của thi nhân muốn được cưỡng lại các quy luật của tạo hoá để chiếm hữu lấy những hương sắc của đất trời. Nhà thơ muốn được” tắt nắng”, ” buộc gió”, một ước nguyện lạ thường ấy tưởng như vô lý nhưng hàm chứa khát khao tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, của đời sống. Tắt nắng đi để màu đừng bao giờ nhạt phai dẫu thời gian có trôi, buộc gió để hương hoa mãi còn đây, chẳng bay đi mất. Phải chăng đó là một tâm hồn say mê cuồng nhiệt thiên nhiên, một thái độ nâng niu, trân trọng suối nguồn thiên nhiên, nhà thơ không tìm đến những cái cao xa để thoát li thực tại mà tìm thấy cái đẹp ngày trong chính trong đời sống, bắt nguồn từ thực tại, trong thực tại với thiên nhiên, đất trời.
Và khi mùa xuân đến, cả mặt đất trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết, muôn sắc, muôn màu, cảnh vật rợn ngợp trào dâng sắc xuân, khí xuân, trời xuân hòa làm một:
“Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;”
Bao vẻ đẹp của mùa quân thật quá đỗi yêu thương, một cõi trần gian mang sức sống dạt dào, muôn loài đều bừng tỉnh. Muôn hoa cỏ của đồng nội tươi xanh, muôn cành lá đâm chồi nảy lộc phất phơ trước gió. Và muôn khúc nhạc tình say mê của nàng yến anh, tất cả thật sống động, xuyến xao lòng người. Điệp ngữ ” này đây” như muốn bày tỏ sự sung sướng của tác giả trước thiên nhiên, để tận hưởng, mà cuống quýt, mà hối hả, lòng người dường như đang thổi vào thiên nhiên một tình yêu ngây ngất, rạo rực. Mà làm sao có thể hờ hững được khi đất trời đang tuyệt đẹp, gợi cảm hấp dẫn như vậy được.
“Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa”
Mùa xuân mang đến thần niềm vui, mang đến hạnh phúc cho nhân gian, cho muôn loài, xua tan đi những mệt mỏi khổ đau, những chán chường đau đớn. Thần niềm vui gõ cửa mỗi sớm mai mang theo bao hy vọng, bao tình yêu và nhiệt huyết tuổi trẻ. Mùa xuân như chính tâm hồn Xuân Diệu lúc này vậy, tràn trề sinh lực, tràn trề tình yêu. Và chính ngày lúc này đây, xuân như một cô tình nhân bé nhỏ, khiến nỗi lòng thi nhân đắm say, quyến luyến, thăng hoa, thổn thức bất tận mà cất lên tiếng lòng:
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Vẻ đẹp của con người trở thành thước đo của thiên nhiên, thật mỹ miều làm sao, cuốn hút làm sao khi tháng giêng như cặp môi gần của đôi tình nhân, khiến người ta thèm thuồng muốn níu giữ, tận hưởng. Và dường như, càng nhận ra, càng yêu vẻ đẹp của thiên đường cõi trần gian khi vào xuân lúc này, tác giả lại càng trân trọng hơn từng khoảnh khắc của thời gian:
“Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Nhà thơ như nhắc nhở chính mình phải tận hưởng ngay vẻ đẹp này, không để thời gian qua đi, mọi thứ vụt mất mới ngậm ngùi tiếc nuối. Đó là một sự tự ý thức, một cuộc sống biết trân quý những hạnh phúc, ngọt ngào của hiện tại, ý thức về thời gian, biết hưởng thụ và cống hiến cho đời những điều đẹp nhất.
Nếu mùa xuân trong thơ của Thanh Hải nhẹ nhàng và trong ngần đậm chất Huế, mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính đượm tình quê thì mùa xuân trong thơ Xuân Diệu lại rạo rực, mãnh liệt và mê say. Đoạn thơ tuy ngắn mà chất chứa nhiều ý vị, thông qua bức tranh xuân hoàn mỹ, tác giả thể hiện tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên và khát khao tận hưởng vẻ đẹp vẹn tròn, viên mãn của đời sống.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục