Giáo dục

Bình giảng bài thơ Đò lèn của Nguyễn Duy

Đề bài: Bình giảng bài thơ đò lèn của Nguyễn Duy

binh giang bai tho do len cua nguyen duy

This post: Bình giảng bài thơ Đò lèn của Nguyễn Duy

Bình giảng bài thơ Đò lèn của Nguyễn Duy

I. Dàn ý Bình giảng bài thơ đò lèn của Nguyễn Duy (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu bài thơ “Đò Lèn” của Nguyễn Duy

2. Thân bài

Bài thơ là lời tâm sự và những tình cảm chân thành của tác giả đối với người bà của mình.
– Tác giả gợi nhớ đến những kỉ niệm của tuổi thơ -> Là một cậu bé tinh nghịch.
– Những kỉ niệm của cậu bé đều gắn liền với người bà -> Tình cảm bà cháu thắm thiết, sâu nặng…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Bình giảng bài thơ đò lèn của Nguyễn Duy tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Bình giảng bài thơ đò lèn của Nguyễn Duy (Chuẩn)

Người bà đã trở thành một hình tượng quen thuộc trong văn học Việt Nam. Hình tượng ấy luôn được các nhà văn, nhà thơ nhắc tới bằng những lời lẽ ngợi ca, trân trọng. Và người bà trong bài thơ “Đò Lèn” của Nguyễn Duy cũng được ông khắc họa bằng những lời thơ hàm súc và chan chứa tình cảm như vậy.

Bài thơ này được ông sáng tác nhân một dịp trở về quê hương năm 1983. Bao nhiêu kí ức thời thơ ấu được ông tái hiện qua hai khổ thơ đầu tiên:

“Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”

Những địa danh được tác giả liệt kê như cống Na, chợ Bình Lâm, chùa Trần, đền Cây Thị, đền Sòng đều là những địa danh mà thời thơ ấu ông đã đặt chân đến. Sự hiếu động, nghịch ngợm của một đứa trẻ được thể hiện qua các hành động câu cá, níu váy bà, “bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật”, ăn trộm nhãn ở chùa, đi xem cô đồng,…Đó là những trò chơi thuở nhỏ mà Nguyễn Duy đang lặng mình hồi tưởng. Thì ra nhà thơ đã có một thời thơ ấu như thế. Một tuổi thơ gắn liền với người bà yêu dấu. Chi tiết “níu váy bà đi chợ” gợi ra cho bạn đọc hình ảnh một cậu bé đang tung tăng, vui sướng khi được bà dắt đi chợ cùng. Chắc hẳn cậu đang háo hức chờ đợi những thức quà quê được bày bán ở phiên chợ. Có đứa trẻ nào không mong ngóng người bà, người mẹ đi chợ về? Có đứa trẻ nào không reo lên sung sướng khi nhận được những thứ quà quê từ phiên chợ. Có lẽ gia đình cậu không phải là một gia đình khá giả nên cậu mới “chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng”. Không gian tuổi thơ của cậu gắn liền với thế giới tâm linh của các ngôi đền, ngôi chùa. Một trong những ngôi đền ấy là đền Sòng. Tại đây, nhà thơ đã cảm nhận được mùi thơm của hoa huệ trắng hòa quyện với khói trầm và đây cũng là nơi ông được nghe điệu hát văn của cô đồng. Những kí ức ấy đã in đậm trong tâm trí nhà thơ khiến ông không thể nào quên được.

Có lẽ vì quá hồn nhiên, vô tư mà Nguyễn Duy không nhận ra được sự vất vả, cực nhọc của bà:

“Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn”

Dường như Nguyễn Duy đang cảm thấy ân hận vì mình đã quá vô tâm với bà. Người bà phải tần tảo sớm hôm, không ngần ngại gian khổ để chăm lo cho cuộc sống của cháu được đủ đầy. Người bà như đang gánh vác phần trách nhiệm của bố mẹ đứa cháu. Bà thay bố mẹ chăm sóc cháu lớn khôn thành người. Tình yêu thương của bà là vô giới hạn, bà không quản ngại những đêm hàn giá lạnh đi “mò cua xúc tép”, đi “gánh chè xanh”, “bán trứng” để chăm lo cho cuộc sống hàng ngày. “Thập thững” là từ láy chỉ những bước chân không chắc chắn, bước thấp bước cao không được vững chãi. Đồng Quan, Ba Trại, quán Cháo, Đồng Giao, ga Lèn là nơi mà hằn in bước chân và sự lam lũ của bà. Khi thuở nhỏ, nhà thơ chưa nhận ra sự hi sinh của bà. Ông “đâu biết” sự cơ cực, tảo tần ấy. Chỉ đến khi lớn lên, khi bà đã ra đi về một thế giới khác thì tác giả mới nhận ra điều đó. Cũng vì thế mà ông day dứt khôn nguôi.

Đối với Nguyễn Duy, người bà giống như một vị thánh thần:

“Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần
cả năm đói, củ dong riềng luộc sượng
cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm”

Người bà được ví với những hình tượng thiêng liêng như “tiên, Phật, thánh, thần”. Phải chăng bà cũng vĩ đại như họ? Tình yêu thương bà dành cho cháu nhiều như thế nào chỉ có cháu là người hiểu nhất. Những năm đói kém, mất mùa hai bà cháu phải ăn “củ dong riềng luộc sượng”. Đó là thứ không hề dễ ăn nhưng trong hoàn cảnh như vậy thì củ dong riềng cũng trở thành loại thực phẩm cần thiết. Rồi đến khi:

“Bom Mĩ giội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền”

Thì người bà lam lũ ấy lại đi “bán trứng ở ga Lèn”. Ngôi nhà là nơi mọi người thường trở về để quây quần, tụ họp, để ngơi nghỉ sau những lo toan, mệt nhọc nhưng sự ác liệt của chiến tranh đã cướp đi ngôi nhà ấy. Bom Mĩ đã làm cho đền, chùa “bay tuốt”. Vậy là những không gian tâm linh đã gắn bó với tuổi thơ của cậu bé không còn nữa. Đau xót biết nhường nào khi những gì thân thuộc nhất cũng không thể giữ lại được. Cuộc sống muôn ngàn khó khăn và chiến tranh luôn đầy rẫy nguy hiểm nhưng người bà vẫn phải bươn chải sớm hôm để nuôi nấng đứa cháu khôn lớn. Vì đứa cháu chỉ có bà là chỗ dựa tinh thần duy nhất nên bà không cho phép mình gục ngã. Dù có phải đi “bán trứng” hay “mò cua xúc tép” thì bà cũng không quản ngại khó khăn.

Tất cả tình yêu thương bà dồn hết vào đứa cháu nhưng đến khi lớn lên thì người cháu ấy mới thấu hiểu được sự hi sinh thầm lặng của bà:

“Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm mồ thôi”.

Thời gian trôi đi, cậu bé tinh nghịch ngày nào đã trở thành một người lính anh dũng. Thời gian đi lính cũng là thời gian anh không về quê ngoại thăm bà được, đến khi trở về thì “bà chỉ còn là một nấm mồ thôi”. Người bà đã ra đi mãi mãi để lại trong nhà thơ bao nỗi xót xa, day dứt khôn nguôi. Khung cảnh làng quê vẫn thế, dòng sông năm xưa vẫn “bên lở, bên bồi”, chỉ là thiếu vắng hình bóng người bà thân thuộc. Người lính thương nhớ, nghẹn ngào trước sự ra đi của bà. Anh tự trách mình đã không nhìn thấy nỗi cơ cực của bà sớm hơn, không biết yêu thương bà sớm hơn. Đứng trước nấm mồ của người bà đã khuất, tác giả vô cùng ân hận vì biết thương bà quá muộn. Ngay cả những giây phút cuối cùng của cuộc đời, người bà ấy cũng không được gặp mặt đứa cháu mà mình đã hết mực thương yêu. Đọc đến những dòng thơ này chắc hẳn ai cũng rưng rưng xúc động vì bắt gặp bản thân mình trong đó. Có lẽ con người ta chỉ biết trân trọng những gì đã mất đi mà không để tâm đến những điều còn đang hiện hữu.

“Đò Lèn” là lời tâm sự chân thành của tác giả với bạn đọc về người bà yêu dấu của mình. Nguyễn Duy đã sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, giản dị để viết về thứ tình cảm thiêng liêng ấy. Bài thơ đã chạm đến cảm xúc của đông đảo các thế hệ độc giả và trở thành một trong những bài thơ nổi tiếng viết về đề tài người bà trong nền văn học Việt Nam.

—————–HẾT——————

Đò lèn là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của Nguyễn Duy viết về tình cảm bà cháu, để củng cố kiến thức bài học, bên cạnh bài Bình giảng bài thơ đò lèn của Nguyễn Duy, các em có thể tìm đọc: Soạn bài Đò Lèn, Phân tích bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy, Phân tích hình ảnh người bà trong Đò Lèn, Cảm xúc của Nguyễn Duy khi nghĩ về người bà trong bài thơ Đò lèn

 

Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button