“Đàn gảy tai trâu” là thành ngữ khá quen thuộc với nhiều người được sử dụng khi nói một vấn đề nào đó cho người khác nhiều lần mà họ không hiểu, không tiếp thu. Tuy nhiên, thành ngữ này không chỉ nói để khả năng tiếp thu của người nghe mà còn nhắm đến trí tuệ của người nói. Để hiểu rõ hơn đàn gảy tai trâu là gì, nguồn gốc và ý nghĩa của đàn gảy tai trâu, mời các bạn theo dõi trong bài dưới đây.
This post: Đàn gảy tai trâu là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của ‘Đàn gảy tai trâu’
Đàn gảy tai trâu là gì
“Đàn gảy tai trâu” tiếng Hán là “Đối ngưu đàn cầm”, xuất phát từ một điển cố bên Tàu.
Chúng ta đều biết trâu không biết nghe đàn, do đó đem đàn đến gảy cho trâu nghe thì nó cũng không biết thưởng thức nên chỉ phí công của người gảy đàn.
Còn theo nghĩa bóng, thành ngữ “đàn gảy tai trâu” được dùng trong trường hợp những lời dạy bảo, khuyên can với những người bảo thủ, người “ngu dốt’ cũng chỉ là thừa, không có tác dụng gì.
Thành ngữ “đàn gảy tai trâu” có ý nghĩa tương tự với câu “Nước đổ lá khoai” hay “Nước đổ đầu vịt”.
Nguồn gốc của thành ngữ “Đàn gảy tai trâu”
Công Minh Nghi là một âm nhạc gia nổi tiếng thời Chiến Quốc. Ông vừa có thể diễn tấu thất huyền cầm điêu luyện vừa có thể soạn nhạc.
Một hôm, ông đến vùng ngoại ô chơi đàn thì nhìn thấy một con trâu già đang ăn cỏ trên thảm cỏ xanh mướt. Công Minh Nghi nhất thời hứng thú cầm đàn đi đến bên cạnh con trâu già và gảy một khúc nhạc rất tao nhã có tên là “Thanh giác chi thao”. Nhưng con trâu già như không nghe thấy gì, vẫn tiếp tục gặm cỏ.
Công Minh Nghi cho rằng có thể khúc nhạc này quá tao nhã không hợp với con trâu nên đã đổi sang gảy một làn điệu khác, thậm chí ông còn tấu ca khúc sở trường của mình nhưng nó vẫn không có phản ứng gì cả.
Cuối cùng, Công Minh Nghi nghĩ ra cách dùng đàn tạo ra âm thanh của ruồi muỗi vo ve và tiếng nghé con kêu mừng rỡ. Lúc này, con trâu già không gặm cỏ nữa, dỏng tai chăm chú lắng nghe, và ve vẩy cái tai như thể để xua đuổi muỗi đi.
Công Minh Nghi hiểu ra rằng, con trâu không thể nhận thức được âm nhạc nên dù bản nhạc có hay đến mấy thì nó cũng không hiểu được, chỉ có âm thanh gần với hiểu biết của nó thì mới có thể khiến nó chú ý.
Từ đó về sau, câu thành ngữ “Đối ngưu đàn cầm” (Đàn gảy tai trâu) được sử dụng như để nói về những người không có khả năng tiếp thu, hoặc nói về việc giảng đạo lý cao thâm cho người không hiểu đạo lý là chuyện phí công. Ngoài ra, thành ngữ này còn được dùng để nói đến việc người nói phải tìm hiểu kỹ đối tượng để có cách truyền đạt hiệu quả nhất.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Tổng Hợp