Đề bài: Suy nghĩ về ý kiến: Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa về lời nói và hành động của người xấu mà còn sự im lặng đáng sợ của người tốt
I. Dàn ý Suy nghĩ về ý kiến: Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa về lời nói và hành động của người xấu
1. Mở bài
– Dẫn vào vấn đề cần nghị luận.
2. Thân bài
a. Khái niệm:
– “xót xa”: Đó là cảm giác buồn khổ không nói nên lời, là nỗi niềm thương tiếc sâu sắc nằm tại đáy lòng, nó cứ kéo dài, lặng lẽ thấm tận vào tâm can, khó mà có thể nguôi ngoai.
– Người xấu là người có tâm hồn không trong sáng, có những hành vi và lời nói trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến người khác, gây ra cho người khác những thiệt hại hoặc tổn thương nào đó.
– Người tốt là người không gây ra những hành vi, xấu xa, đê tiện, tâm địa thiện lương, sống chan hòa với những người xung quanh,…
– Người tốt im lặng là kiểu người không thích phiền phức, ngại việc phải lên tiếng về một vấn đề nào đó, kể cả đó có là chuyện thương thiên hại lý, họ cũng sẵn sàng im lặng, bàng quan, thậm chí là vô cảm để tránh rắc rối.
– Câu nói của Martin Luther King, là nỗi bất an, cũng như là lời cảnh tỉnh về một xã hội ngày càng trở nên kỳ lạ, những người tốt với sự im lặng đáng sợ, biểu trưng cho cuộc sống vô cảm, bàng quan, mất dần lòng yêu công lý, chỉ còn lại thái độ ích kỷ, bo bo giữ mình.
b. Bàn luận:
* Tình trạng diễn biến của người xấu và tình trạng người tốt im lặng.
– Người xấu trở nên gian manh hơn, ẩn giấu trong đủ các ngóc ngách của xã hội như một con người bình thường để làm ra những hành vi đáng sợ.
– Ngày nay con người không những phải chịu tổn thương từ những vụ trộm cắp hay cố ý gây thương tích, mà ghê gớm hơn con người có thể chịu tổn thương ở bất kỳ không gian và thời gian nào.
– Nêu một số ví dụ để chứng minh hành động của người xấu
– Một số ví dụ về sự im lặng của người tốt.
* Nguyên nhân khiến người tốt im lặng:
– Sợ phiền phức, họ sợ nếu mình lên tiếng can thiệp vào mình sẽ bị vạ lây (nêu ví dụ), do xã hội xuất hiện quá nhiều thành phần bất hảo, giá trị đạo đức, nhân phẩm đi xuống, con người trở nên thủ đoạn và ngày càng nông nổi, có thể làm bất cứ việc gì mà không màng đến hậu quả.
– Con người ngày càng trở nên vô cảm, chai lì trong cảm xúc, cuộc sống, công việc và đồng tiền đã đặt lên vai họ những áp lực quá lớn, khiến họ trở nên chai sạn, không còn quan tâm đến thế giới và những con người xung quanh.
– Giữa những người tốt không có sự đoàn kết, đồng lòng, có thể ở đâu đó đã có người lên tiếng nhưng hành động đó của họ bị phớt lờ, không ai quan tâm, không ai ủng hộ thậm chí còn bị cho là khác người, dần dà họ bị ám thị theo số đông, họ không còn muốn lên tiếng nữa.
3. Kết bài:
– Nhận định và suy nghĩ cá nhân.
II. Bài văn mẫu Suy nghĩ về ý kiến: Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa về lời nói và hành động của người xấu
Thế giới loài người kỳ diệu không chỉ ở chỗ chúng ta có tiếng nói mà còn ở cả những cung bậc cảm xúc đa dạng và phong phú, điều đó khiến cho cuộc sống nhiều sắc màu hơn, đồng thời nó cũng là động lực khiến cho xã hội loài người ngày càng phát triển theo xu hướng nhân văn, nhân đạo. Tôi chắc rằng đã có đôi ba lần chúng ta phải cảm thấy đau đớn xót xa khi bị tổn thương, chúng ta buồn bã khi con mèo chúng ta nuôi hơn chục năm chết già, chúng ta đau đớn khi phải chia tay một ai đó, chúng ta xót xa khi thấy một mảnh đời bất hạnh, hoặc chúng ta cũng đau đớn, xót xa khi phải đối mặt với những khó khăn và áp lực của cuộc sống cơm áo gạo tiền. Và đôi lúc chúng ta cũng cảm thấy đau đớn và buồn bã khi bị một ai đó tổn thương hãm hại, nhưng kiểu người nào khiến bạn thấy buồn bã, thấy xót xa nhất? Tôi rất rất ấn tượng với câu nói của Martin Luther King: “Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa về lời nói và hành động của người xấu mà còn sự im lặng đáng sợ của người tốt”.
Thế nào là xót xa? Đó là cảm giác buồn khổ không nói nên lời, là nỗi niềm thương tiếc sâu sắc nằm tại đáy lòng, nó cứ kéo dài, lặng lẽ thấm tận vào tâm can, khó mà có thể nguôi ngoai. Người ta có cảm giác này khi đã thấu hiểu rõ ràng một nỗi đau nào đó, họ đã không còn có thể bật lên thành tiếng mà chỉ âm thầm cảm thương, xúc động trong lòng, trích một câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để làm ví dụ: “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, Giật mình, mình lại thương mình xót xa”, nỗi đớn đau thân phận đã đem đến cho nàng cảm giác xót xa tủi hổ, nhưng không thể tâm sự cùng ai. Vậy thế nào là người xấu? Trong tam quan, mỗi một người sẽ có những cách để tự định nghĩa riêng cho mình, nhưng có thể hiểu một cách chung nhất, người xấu là người có tâm hồn không trong sáng, có những hành vi và lời nói trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến người khác, gây ra cho người khác những thiệt hại hoặc tổn thương nào đó. Người tốt thì rõ ràng là người không xấu (haha, tôi đùa thôi), thực tế rằng người tốt là người không gây ra những hành vi, xấu xa, đê tiện, tâm địa thiện lương, sống chan hòa với những người xung quanh,… Nhưng người tốt cũng có nhiều kiểu, mà như câu nói của Martin Luther King, còn một kiểu người tốt rất đáng để chúng ta suy nghĩ – người tốt im lặng! Đây là kiểu người không thích phiền phức, ngại việc phải lên tiếng về một vấn đề nào đó, kể cả đó có là chuyện thương thiên hại lý, họ cũng sẵn sàng im lặng, bàng quan, thậm chí là vô cảm để tránh rắc rối, họ không phải người xấu nhưng có vẻ họ sống khá ích kỷ, thích bo bo giữ mình, họ không quan tâm đến việc phải phân xử, phải bênh vực kẻ yếu và chống lại những hành vi xấu xa. Dần dà, khi xã hội ngày càng phát triển, mọi thứ trở nên phức tạp hơn, quyền tự do ngôn luận của con người được bảo vệ một cách chính đáng, thì tự dưng có một loạt những con người tự nhiên trở nên im lặng, người ta gọi đó là “sự im lặng đáng sợ của người tốt”. Câu nói của Martin Luther King, là nỗi bất an, cũng như là lời cảnh tỉnh về một xã hội ngày càng trở nên kỳ lạ, người xấu xuất hiện nhiều và người tốt thực sự ngày càng trở nên thơ thớt bởi phần đông trong số họ đã trở thành những người tốt với sự im lặng đáng sợ, biểu trưng cho cuộc sống vô cảm, bàng quan, mất dần lòng yêu công lý, chỉ còn lại thái độ ích kỷ, bo bo giữ mình.
Có thể thấy đây là một trong những vấn đề nhức nhối của cả xã hội trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt nó còn diễn biến một cách khá nghiêm trọng trong giới trẻ. Chúng ta đều biết rằng xã hội ngày càng phát triển, thế nhưng số lượng người xấu, những kẻ bại hoại, vô đạo đức cũng không vì đó mà giảm đi mà chúng trở nên gian manh hơn, ẩn giấu trong đủ các ngóc ngách của xã hội như một con người bình thường để làm ra những hành vi đáng sợ. Ngày nay con người không những phải chịu tổn thương từ những vụ trộm cắp hay cố ý gây thương tích, mà ghê gớm hơn con người có thể chịu tổn thương ở bất kỳ không gian và thời gian nào. Ở nơi trường học, công sở người ta dễ dàng độc ác châm biếm, chỉ trích, thậm chí ném đá giấu tay, hợp lực lại hãm hại một người mà họ không ưa. Họ tìm đủ những lời lẽ cay nghiệt để xúc phạm nhân phẩm danh dự của người bị hại, khiến cho họ bị cô lập, rơi vào trạng thái hoang mang, trầm cảm không lối thoát. Không chỉ bạo lực tinh thần ở thế giới thực mà sự phát triển của công nghệ còn đưa đến một hình thức khác đó là bạo lực mạng, hàng ngàn con người vào bài đăng của một ai đó để đay nghiến, xúc phạm khiến họ không thể nào ngóc đầu lên được, và những người này thậm chí không thấy đó là vấn đề nghiêm trọng họ cho rằng đó chỉ là lời trót lưỡi đầu môi, nói ra cho vui mà thôi! Một ví dụ điển hình và gây ám ảnh nhất về hiện tượng bạo lực mạng đó chính là cái chết của nữ ca sĩ nổi tiếng Hàn Quốc Sulli, chính vì những lời ghét bỏ, nhục mạ kéo dài trên mạng xã hội kéo dài suốt nhiều năm trời đã khiến cô gái 25 tuổi trầm cảm nặng và chọn cách tự tử để kết thúc tất cả nỗi đau mà cô phải gánh chịu trong hàng chục năm trời tham gia vào giới giải trí. Thậm chí không nói đâu xa ngay cả bản thân tôi cũng từng bị chỉ trích, nói xấu, chỉ đơn giản vì tôi học giỏi, nhà tôi có điều kiện. Rồi các anh chị tôi cũng thường xuyên bị những người vốn chẳng thân quen, như mấy bà hàng xóm chẳng hạn, rõ ràng chị tôi cả năm mới về nhà được hai lần, nhưng lại toàn nghe được những lời đồn thổi kỳ quái, ví như chị tôi làm bồ nhí cho người ta, ăn chơi sa đọa nên mới có bộ dạng xinh đẹp, thời thượng,… Thực sự khi nghe thấy những lời đồn, những lời xúc phạm như vậy ai mà không cảm thấy đau đớn, không cảm thấy xót xa vì oan ức, vì tức giận? Không chỉ là lời nói mà hành vi của con người cũng để lại sự tổn thương sâu sắc ví như chuyện lạm dụng tình dục nơi công sở, hoặc lạm dụng tình dục trẻ em,… Tất cả những vấn đề mà tôi liệt kê bên trên đều là những vấn đề đang diễn biến một cách nghiêm trọng trong xã hội và chưa có dấu hiệu dừng lại, dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn. Lúc này đây tôi mới tự hỏi rằng, nếu thế giới có một nửa người xấu, vậy thì một nửa còn lại là những ai? Họ có phải người tốt không? Tại sao họ lại không lên tiếng về những vấn đề như trên, tại sao họ chọn cách im lặng? Đó là muôn vàn các câu hỏi cần lời giải đáp. Người tốt cứ chọn cách im lặng trước một thông tin sai sự thật, im lặng trước những lời phỉ báng không có căn cứ, cũng mặc kệ khi thấy một trận tranh cãi nảy lửa, cũng tỏ ra thờ ơ khi thấy một người đàn ông đánh một người phụ nữ, hoặc thậm chí cùng là đồng nghiệp trong công ty, thấy người bên cạnh mình bị mắng oan, nhưng cũng không một lời giải thích mà cứ dửng dưng để cho mâu thuẫn bị đẩy lên cao. Hoặc khi người ta thấy một vụ tai nạn giao thông chẳng hạn, trong khi người bị thương còn chờ được cấp cứu, thì hàng chục con người xung quanh không một ai hô hoán gọi xe cứu thương, thay vào đó họ lại cầm điện thoại để quay lại vụ việc, thật sự con người đã vô cảm đến mức nào trong trường hợp này? Hoặc ở chốn công cộng, một người bị kẻ xấu móc túi, dù mọi người đều biết kẻ đó là ai, nhưng không một ai lên tiếng chỉ ra, trong mắt họ có sự do dự, trên khuôn mặt họ có sự bối rối, nhưng cuối cùng họ vẫn chọn cách im lặng như một kẻ hèn nhát.
Tôi đã suy nghĩ đến rất nhiều nguyên do khiến người tốt hành động như vậy, thứ nhất đa phần họ đều có một nỗi sợ trong lòng, đó là sợ phiền phức, họ sợ nếu mình lên tiếng can thiệp vào mình sẽ bị vạ lây. Hẳn các bạn cũng nghe nhiều trường hợp chỉ vì làm người tốt can thiệp vào một vụ ẩu đả mà trở thành nạn nhân, hoặc gần đây nhất có một vụ người đàn ông nhắc nhở một thanh niên vi phạm luật giao thông liền bị thanh niên này rút dao đâm chết tại chỗ. Hoặc là nếu lên tiếng bảo vệ một ai đó giữa một tập thể thì kết cục của bạn cũng sẽ giống như người kia, bị cô lập, dù bạn là người tốt nhưng cuối cùng bạn vẫn phải chịu thiệt thòi. Tất cả cũng chỉ tại một xã hội xuất hiện quá nhiều thành phần bất hảo, giá trị đạo đức, nhân phẩm đi xuống, con người trở nên thủ đoạn và ngày càng nông nổi, có thể làm bất cứ việc gì mà không màng đến hậu quả. Thế nên người tốt cũng dần trở nên sợ hãi, bởi tính mạng và cuộc sống của họ quan trọng hơn tất cả, họ còn có gia đình, con cái, họ sợ bản thân mình lỡ có bề gì thì sẽ là nỗi đau của những người sau lưng họ, vì vậy họ chọn cách ích kỷ là im lặng. Thứ hai, ngoài nỗi sợ thì còn một nguyên nhân khác cũng khá phổ biến, đó là con người ngày càng trở nên vô cảm, chai lì trong cảm xúc, cuộc sống, công việc và đồng tiền đã đặt lên vai họ những áp lực quá lớn, khiến họ trở nên chai sạn, không còn quan tâm đến thế giới và những con người xung quanh, họ chỉ muốn quan tâm đến bản thân, họ trở nên ích kỷ và chỉ muốn bao dung đối với những người mà họ muốn, còn những cuộc đời khác dường như không tồn tại trong thế giới của họ. Thứ ba, con người dần trở nên im lặng, bàng quan trước những sự lệch lạc, sai trái trong xã hội cũng một phần là bởi vì giữa những người tốt không có sự đoàn kết, đồng lòng, có thể ở đâu đó đã có người lên tiếng nhưng hành động đó của họ bị phớt lờ, không ai quan tâm, không ai ủng hộ thậm chí còn bị cho là khác người, dần dà họ bị ám thị theo số đông, họ không còn muốn lên tiếng nữa, vì đơn giản nó không hiệu quả.
Thực sự đó là một diễn biến vô cùng tai hại của xã hội, mỗi chúng ta khi ý thức được điều này thì cần thay đổi bản thân, sẵn sàng lên tiếng nếu cần thiết, đồng thời khích lệ động viên những người khác cùng lên tiếng ủng hộ. Tuy nhiên chúng ta cũng cần nhận biết những trường hợp nào có thể lên tiếng, những trường hợp nào nên kêu gọi sự giúp đỡ của cơ quan chức năng. Đừng im lặng, bởi im lặng chính là rào cản cho sự phát triển của xã hội, im lặng chính là chúng ta đang ngầm thừa nhận sự hoành hành của cái ác và tự tay bóp chết cái thiện vốn đang dần trở nên yếu thế đấy các bạn ạ.
Nghị luận xã hội là một nội dung quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 12, để đạt kết quả học tập tốt đồng thời đạt điểm cao trong các kì thi quan trọng, bên cạnh bài Suy nghĩ về ý kiến: Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa về lời nói và hành động của người xấu mà còn sự im lặng đáng sợ của người tốt, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 12 như: Suy nghĩ về câu nói: Cảm thông là chiếc chìa khoá mở cửa trái tim người khác, Suy nghĩ về câu nói: Khó khăn hôm qua nhào nặn nên con người bạn hôm nay, Suy nghĩ về câu nói: Ta có thể nhặt được một gói tiền…, Suy nghĩ về câu nói: Trí tuệ giàu lên nhờ cái nó nhận được…
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục