Đề bài: Suy nghĩ của em về lòng hiếu thảo
This post: Suy nghĩ của em về lòng hiếu thảo
Suy nghĩ của em về lòng hiếu thảo
I. Dàn ý suy nghĩ của em về lòng hiếu thảo
– Hiếu thảo từ bao đời nay đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là một trong những phẩm chất đạo đức cần thiết giúp hoàn thiện nhân cách con người
– Lòng hiếu thảo chính là sợi dây gắn kết đầy yêu thương giữa các cá nhân trong gia đình, tập thể, để mối quan hệ ấy càng thêm bền vững và thắm thiết hơn bao giờ hết.
2. Thân bài
– Định nghĩa lòng hiếu thảo:
+ Là tấm lòng yêu thương chăm sóc ông bà cha mẹ, luôn luôn đối xử chân thành, kính trọng hết mực.
+ Đặc biệt khi đấng sinh thành đã bước qua tuổi tráng niên, về già sức khỏe sa sút, bệnh tật liên miên, con cháu càng phải tận tình chăm sóc, hỏi han không ngại khó ngại khổ, sợ phiền phức.
– Biểu hiện của lòng hiếu thảo:
+ Con cái phải biết tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ những khó khăn với cha mẹ, chăm chỉ học tập tu dưỡng đạo đức không để cha mẹ phải phiền lòng…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý suy nghĩ của em về lòng hiếu thảo tại đây
II. Bài văn mẫu Suy nghĩ của em về lòng hiếu thảo
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gian khổ cuộc đời không nặng gánh bằng cha”
Câu đối trên đã treo trong nhà tôi suốt hơn chục năm nay, dù đã cũ mèm nhưng chưa bao giờ bị thay bằng thứ gì khác. Đó là lời răn dạy mà cha mẹ dành cho chúng tôi ngay từ khi còn nhỏ, để chúng tôi có thể thấu hiểu những khổ cực của cha mẹ và có một tấm lòng hiếu thảo chân thành với cha mẹ. Không chỉ vậy, chúng ta còn phải có lòng hiếu thảo với cả ông bà, với đất nước, nhưng những con người đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hiếu thảo từ bao đời nay đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là một trong những phẩm chất đạo đức cần thiết giúp hoàn thiện nhân cách con người. Lòng hiếu thảo chính là sợi dây gắn kết đầy yêu thương giữa các cá nhân trong gia đình, tập thể, để mối quan hệ ấy càng thêm bền vững và thắm thiết hơn bao giờ hết.
Vậy hiếu thảo được định nghĩa như thế nào? Theo tôi hiểu, hiếu thảo là tấm lòng yêu thương chăm sóc ông bà cha mẹ, luôn luôn đối xử chân thành, kính trọng hết mực và tình cảm yêu thương kính mến ấy phải xuất phát từ tận đáy lòng của người con, người cháu. Bởi khi ấy, họ đã thấu hiểu và ý thức được những gì ông bà cha mẹ hi sinh cho mình. Đặc biệt khi đấng sinh thành đã bước qua tuổi tráng niên, về già sức khỏe sa sút, bệnh tật liên miên, đây là lúc cần sự hiếu thảo của con cháu nhất, lúc này đây con cháu vẫn còn tận tình chăm sóc, hỏi han không ngại khó ngại khổ, sợ phiền phức thì mới thật là tấm lòng hiếu thảo đáng quý biết chừng nào.
Lòng hiếu thảo được biểu hiện thông qua cuộc sống thường ngày, sống chung với cha mẹ thì con cái phải biết tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ những khó khăn với cha mẹ, chăm chỉ học tập tu dưỡng đạo đức không để cha mẹ phải phiền lòng mà thay vào đó là tự hào vì con cái của mình. Nếu có phải rời xa cha mẹ đi làm ăn xa, thì phải thường xuyên thư từ, điện thoại thăm hỏi, để giảm bớt nỗi nhớ con, nỗi lo lắng của cha mẹ, có món gì ngon, món gì lạ đều nghĩ đến cha mẹ. Luôn lo lắng cho sức khỏe của cha mẹ, có thời gian rảnh là lại về thăm cha mẹ, đưa cha mẹ đi chơi đây đó, đi khám sức khỏe định kỳ,.. Cố gắng kiếm thật nhiều tiền, ổn định cuộc sống, để có thể phụng dưỡng được cha mẹ, các bạn học sinh sinh viên nếu chưa thể kiếm tiền phụ giúp được cha mẹ thì phải có ý thức tiết kiệm, không ăn chơi đua đòi, tránh khiến cha mẹ phiền lòng. Làm phận con cái khi bước ra ngoài xã hội phải tuân thủ các chuẩn mực đạo đức, phải biết tôn trọng pháp luật, đối xử với những người đáng tuổi cha mẹ mình như đối với cha mẹ mình, phải hết sức tôn kính, tránh những hành động kỳ thị, bất kính,… Một lòng hướng thiện, sống bao dung, hay giúp đỡ người khác, có thế mới được nhiều người tôn trọng, cha mẹ mình cũng được tiếng thơm là biết giáo dục con cái. Còn nếu làm ngược lại, cha mẹ sẽ là người đầu tiên phải chịu chỉ trích vì không giáo dục con tốt, đó là đại tội bất hiếu.
Hiếu thảo từ xưa đến nay luôn là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, bậc con cái thời xưa luôn lấy chữ hiếu làm đầu, nếu bất hiếu với cha mẹ thì bị xem là đại tội, bị người đời phỉ báng. Bởi ông bà, cha mẹ là người đã có công sinh thành và nuôi nấng chúng ta nên người, trong cả quá trình đó không biết đã phải chịu bao vất vả thiệt thòi chẳng thể nào kể hết. Vậy nên, hiếu thảo là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi con người, không ai được phép trốn tránh, điều đó là đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức xã hội. Một con người nếu có tấm lòng hiếu thảo vẹn toàn sẽ được nhiều người yêu mến và tôn trọng, trước hết là đến từ các bậc sinh thành sau đó là bạn bè, thầy cô,… Điều đó đồng nghĩa với việc bạn có một mối quan hệ xã hội vô cùng tốt, sẽ góp phần tạo nên thành công cho bạn trong tương lai. Đặc biệt mỗi chúng ta, ai rồi cũng có gia đình riêng, có con cháu, sự hiếu thảo của chúng ta hôm nay chính là tấm gương sáng và rõ nhất cho con cháu của chúng ta noi theo, có như vậy cuộc sống về già của chúng ta mới có thể nhận được sự hiếu kính từ con cháu, âu đây cũng là nhân quả cả. Và cuối cùng, quan trọng nhất, lòng hiếu thảo chính là sợi dây tình cảm tuyệt vời giúp gắn kết các cá thể riêng biệt với nhau bằng tình yêu thương, sự tôn trọng, bằng sự hòa hợp trong một gia đình. Một gia đình có tốt thì xã hội mới có thể phát triển, đất nước mới có thể đi lên sánh ngang với các cường quốc năm châu được.
Hiện nay, xã hội phát triển, nhưng đi kèm đó là một bộ phận những con người có ý thức và đạo đức suy đồi. Không những cãi lại cha mẹ, ăn chơi trác táng, bóc lột từng đồng tiền cha mẹ làm ra, mà còn đánh đập, bỏ rơi cha mẹ già chỉ bởi họ cảm thấy người già thật phiền phức, vướng chân vướng tay. Đáng giận hơn nữa là thậm chí có kẻ chỉ vì chút mâu thuẫn nhỏ nhoi mà nỡ lòng ra tay sát hại cả cha mẹ của mình, đã thế chúng còn không hề ăn năn hối hận, thật không bằng loài súc sinh, bởi súc sinh còn có tình mẫu tử, chúng còn thương yêu nhau và có nhân tính hơn cả những kẻ nhẫn tâm kia.
Mỗi người học sinh chúng ta cần phải có tấm lòng hiếu thảo, phải biết yêu thương kính mến ông bà cha mẹ và những người thân trong gia đình. Sống đoàn kết, chia sẻ đùm bọc lẫn nhau, biết vâng lời người lớn, luôn ghi nhớ về công lao sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Sau này khi ông bà, cha mẹ đã già cả, chúng ta phải biết phụng dưỡng chăm sóc tận tình, không được chê cha mẹ phiền toái, rắc rối, cản trở chúng ta. Bởi các bạn hãy nhớ rằng lúc ta còn nằm trong nôi cha mẹ đã phải khổ cực nuôi nấng chúng ta thành người như thế nào. Cha mẹ là những người có tấm lòng bao dung vĩ đại và sức mạnh phi thường biết bao, suốt mấy chục năm cuộc đời, đã khi nào chúng ta tự hỏi vì sao cha mẹ luôn phải dậy sớm, luôn phải đi làm ngày này qua tháng nọ, đó là bởi vì áp lực cơm áo gạo tiền, bởi phải nuôi những đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Chúng ta cũng đã bao giờ nghĩ vì sao bố mẹ không mua quần áo mới, một bộ cứ mặc năm này qua năm khác, vì sao cha mẹ không ăn thịt nạc, lại cứ chọn ăn thịt mỡ. Không phải vì cha mẹ thích như vậy đâu các bạn ạ, tất cả là để nhường cho chúng ta đó, cha mẹ luôn dành cho chúng ta những thứ tốt nhất trên đời. Như vậy cha mẹ đã luôn cho ta những điều tuyệt vời nhất và phận con cái chúng ta cũng phải dành cho cha mẹ những tình cảm trân quý nhất, thành thực nhất, ấy là tấm lòng hiếu thảo ngọt ngào yêu thương. Có như vậy, bậc làm cha làm mẹ mới được vui lòng và hạnh phúc, chúng ta mới hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của một người con ngoan.
Chúng ta là thế hệ trẻ, ai cũng có ông bà cha mẹ cần chăm sóc, hiếu thảo. Hiếu thảo không phải là việc gì khó, đôi khi đó chỉ là những câu hỏi thăm, tâm tình giữa cha mẹ và con cái để thấu hiểu nhau hơn, yêu thương nhau hơn, mối quan hệ gia đình thêm gắn kết. Vậy nên ngay từ bây giờ, chúng ta hãy cố gắng thật hiếu thảo với ông bà cha m, bởi thời gian dần trôi đi, cha mẹ cũng theo đó mà già đi, đừng để lúc cha mẹ còn tại thế thì thờ ơ lạnh nhạt, đến khi cha mẹ đã an nghỉ thì lại bày vẽ đủ thứ lễ lộc thờ cúng. Đó có nghĩa lý gì không? Có chăng là chỉ để thỏa cái dục vọng mong muốn của chính bản thân chúng ta, chứ cha mẹ có còn nhận biết được đâu.
———————-HẾT————————
Trên đây, các em đã cùng chúng tôi tìm hiểu và bàn luận về lòng hiếu thảo, để có những gợi ý hay cho bài viết của mình, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu có cùng chủ đề khác như: Suy nghĩ về câu nói: Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân…, Suy nghĩ về vai trò của tình cảm gia đình đối với đời sống mỗi con người, Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo, Nghị luận xã hội về tình phụ tử.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục