Giáo dục

Phân tích vẻ đẹp thế hệ trẻ qua Bài thơ tiểu đội xe không kính và Những ngôi sao xa xôi

Đề bài: Phân tích vẻ đẹp thế hệ trẻ qua Bài thơ tiểu đội xe không kính và Những ngôi sao xa xôi

phan tich ve dep the he tre qua bai tho tieu doi xe khong kinh va nhung ngoi sao xa xoi

This post: Phân tích vẻ đẹp thế hệ trẻ qua Bài thơ tiểu đội xe không kính và Những ngôi sao xa xôi

Phân tích vẻ đẹp thế hệ trẻ qua Bài thơ tiểu đội xe không kính và Những ngôi sao xa xôi

I. Dàn ý Phân tích vẻ đẹp thế hệ trẻ qua Bài thơ tiểu đội xe không kính và Những ngôi sao xa xôi (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề: vẻ đẹp thế hệ trẻ qua Bài thơ về tiểu đội xe không kính và Những ngôi sao xa xôi.

2. Thân bài:

a. Vẻ đẹp của thế hệ trẻ qua Bài thơ về tiểu đội xe không kính:

– Tinh thần ung dung, lạc quan trước mọi khó khăn gian khổ:
+ Coi những gian khổ, thiếu thốn của hoàn cảnh.
+ Giữa những gian khổ, họ vẫn ung dung, lạc quan, ngang tàng.

– Tinh thần đồng chí đồng đội gắn bó:
+ Tình đồng chí của những người lính lái xe được dựng xây từ những cái “bắt tay” vội vã qua “ô cửa kính vỡ”, qua những mâm cơm quây quần vội vã trên đường hành quân.
+ Tình cảm của họ không chỉ là tình đồng chí mà còn là tình cảm thân thiết, ruột thịt như anh em trong gia đình “Chung bát đũa giữa là gia đình đấy”.

– Vẻ đẹp lý tưởng – chiến đấu giải phóng miền Nam:
+ Một lòng hướng về Nam thân yêu.
+ Vượt qua gian khổ, những người lính mang trong mình lý tưởng chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

b. Vẻ đẹp của thế hệ trẻ trong Những ngôi sao xa xôi:

– Họ là những người có tinh thần trách nhiệm cao với công việc:
+ Nho, Thao, Phương Định là ba nữ thanh niên của “tổ trinh sát mặt đường”, có nhiệm vụ “đo khối lượng đất lấp hố bom, đếm bom và nếu cần thì phá bom”
+ Cả ba cô gái trẻ hiểu rất rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ của mình nên lúc nào cũng cố gắng hoàn thành công việc nhanh chóng, chính xác nhất.

– Họ là những con người dũng cảm và gan dạ:
+ Chỉ cần nghe tiếng máy bay thả bom, họ lao ngay ra cao điểm để đo đất, đếm bom.
+ Khi Phương Định phải một mình phá bom trên đồi, cô “không sợ” hãi, cô đứng thẳng lưng, “không đi khom” “đàng hoàng bước tới” bên cạnh quả bom, thực hiện các thao tác phá bom.

– Họ có tinh thần đồng đội cao đẹp:
+ Thể hiện qua việc ba cô gái biết rõ những sở thích, những điểm yếu của nhau.
+ Ba cô gái rất quan tâm tới nhau.

– Họ có một tâm hồn mộng mơ, trong sáng và giàu cảm xúc:
+ Phương Định cũng hay mơ về Hà Nội với những kỉ niệm ngày còn thơ bé “cái cửa sổ, hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố”, “chiếc xe chở đầy thùng kem”, …
+ Khi bắt gặp một trận mưa đá, cả ba cô gái đã “vui thích cuống cuồng”: Thao thì “lúi húi” hốt những viên đá, Nho “nhổm dậy” thì thảo xin những viên đá nhỏ,…
+ Khi cơn mưa qua đi, họ tiếc nuối “thẫn thờ, tiếc không nói nổi”.
→ Họ đều là những cô gái trẻ, vừa mới rời ghế nhà trường nên tâm hồn chứa đầy những thơ ngây, trong sáng của tuổi học trò.

c. Đánh giá:

– Điểm giống:
+ Hai tác phẩm đều được sáng tác trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đang rất ác liệt.
+ Đều viết về thế hệ trẻ sống và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn với vẻ đẹp tâm hồn rạng rỡ.

– Điểm khác:
+ Bài thơ về tiểu đội xe không kính được viết bằng thể thơ bảy chữ, giọng điệu trẻ trung, lạc quan, ngang tàng. Những ngôi sao xa xôi được viết theo thể loại truyện ngắn với người kể là nhân vật chính trong truyện, rất sống động và chân thực.
+ Bài thơ về tiểu đội xe không kính viết về những người lính lái xe còn Những ngôi sao xa xôi lại viết về những nữ thanh niên xung phong có nhiệm vụ đo đất, lấp đường, phá bom.

3. Kết bài:

– Khẳng định lại vấn đề.

II. Bài văn mẫu Phân tích vẻ đẹp thế hệ trẻ qua Bài thơ tiểu đội xe không kính và Những ngôi sao xa xôi (Chuẩn)

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có biết bao chàng trai, cô gái trẻ đã rời ghế nhà trường, xung phong vào những nơi chiến trường ác liệt nhất. Họ đã cống hiến cả tuổi xuân, cả xương và máu của mình cho Tổ quốc. Vẻ đẹp của thế hệ trẻ ấy đã được các nhà văn, nhà thơ cách mạng ghi lại bằng những tác phẩm đặc sắc của mình. Trong đó phải kể tới hai tác phẩm rất hay đã thể hiện vô cùng chân thực và sống động hình tượng của những người thanh niên trẻ trong chiến tranh, đó là truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính được nhà thơ Phạm Tiến Duật viết năm 1969, trong thời gian mà cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào hồi ác liệt nhất. Nếu như nhà văn Lê Minh Khuê viết về những người nữ thành niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn thì Phạm Tiến Duật lại đi sâu tìm hiểu cuộc sống và chiến đấu của những người lính lái xe cũng ở trên tuyến đường này. Những người lính lái xe ấy đã cho chúng ta thấy được vẻ đẹp của những người lính bộ đội cụ Hồ trong kháng chiến chống Mỹ. Họ không chỉ trẻ trung với tinh thần ung dung, lạc quan, ngang tàng trước mọi khó khăn mà còn có một tình đồng đội thắm thiết, một lý tưởng mãnh liệt – chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vẻ đẹp đầu tiên của những người lính lái xe đó là sự trẻ trung, sự lạc quan, ung dung trước mọi hoàn cảnh. Đọc những dòng thơ của Phạm Tiến Duật, ta thấy được những khó khăn, gian khổ, những thiếu thốn vật chất thiết yếu vô cùng mà người chiến sĩ phải trải qua:

“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”

Những chiếc xe tải chở quân lương, vũ khí hướng về miền Nam nhưng trên đường đi của họ, những trận bom đạn của kẻ thù dội xuống không ngớt khiến những chiếc xe ấy cứ dần mất đi những bộ phận trên xe. Đầu tiên là những chiếc kính bị “bom giật bom rung” đến vỡ tan rồi đến đèn xe, mui xe, thùng xe, … đều bị biến dạng, méo mó. Vậy nhưng những người lính ấy chẳng một lời than vãn. Xe không kính thì sao, họ vẫn “ung dung” ngồi trên buồng lái, thẳng tiến vào miền Nam thân yêu. Rồi đến những khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết, những bụi đất mù mịt, những trận mưa rừng xối xả, … Sự khắc nghiệt ấy với họ chỉ là chuyện “nhỏ”, thậm chí họ còn biến nó thành tiếng cười vui, hân hoan:

“Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc bạc như người già
Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha…”

Điệp từ “ừ thi” vang lên như một lời thách thức ngang tàng của người lính trẻ. Trong khó khăn, gian khổ vô cùng họ vẫn cùng nhau cất lên tiếng cười đầy lạc quan. Họ ung dung tiến về miền Nam phía trước, với một mục tiêu duy nhất – giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vẻ đẹp thứ hai mà ta có thể thấy ở họ là tình đồng chí, đồng đội gắn bó thiết tha. Nếu như tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu được gây dựng lên từ những điểm chung về xuất thân, từ những ngày họ cùng nhau trải qua gian khó, thì tình bạn, tình đồng chí của những người lính lái xe trong thơ Phạm Tiến Duật lại được dựng xây lên bằng những chiếc “bắt tay” vội vã “qua ô cửa kính vỡ rồi”, bằng những bữa cơm vội quây quần trên đường hành quân:

“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”.

Với những người lính lái xe, những người đồng đội không chỉ là những người đồng chí, chung lý tưởng, với tình đồng đội mà họ đã coi nhau như gia đình của mình. Tình đồng chí đã gắn kết họ, biến họ trở thành những người thân của nhau, tình cảm ấy thật cao đẹp, thật sâu nặng biết mấy. Ở họ – những người chiến sĩ lái xe Trường Sơn, ta còn thấy được một lý tưởng vô cùng cao đẹp, đó là lý tưởng giải phóng miền Nam để thống nhất non sông Việt Nam. Điều đó thể hiện trong lời thơ mà nhà thơ Phạm Tiến Duật viết:

“Lại đi lại đi trời xanh thêm”

Và:

“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”

Những người lính – họ chỉ là những người thanh niên mười tám đôi mươi, họ trẻ trung là thế, có biết bao hoài bão, mơ ước còn chưa thực hiện được. Vậy mà họ đã xung phong vào nơi chiến trường ác liệt này, chỉ vì trong tim họ có một lý tưởng, đó là giải phóng dân tộc Việt Nam ra khỏi ách nô lệ, đất nước Việt Nam được hòa bình. Câu thơ của Phạm Tiến Duật đã chứng minh cho lý tưởng cao đẹp ấy của họ. Họ “đi” “lại đi” bởi vì mơ ước được nhìn thấy màu xanh của hoà bình, được nhìn thấy miền Nam được hoàn toàn độc lập. Câu thơ cuối của bài thơ đã thâu tóm tất cả vẻ đẹp của lý tưởng những người chiến sĩ. Dù trong khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, nhưng trái tim nhiệt huyết với lý tưởng được cống hiến sẽ luôn là thứ giúp họ vượt qua tất cả mọi thử thách trên chặng đường đi lên.

Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” được nhà văn Lê Minh Khuê viết vào năm 1971, khi chiến tranh chống Mỹ đang vào giai đoạn khốc liệt nhất. Bà viết về những người nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa. Những cô gái mới chỉ vừa tròn mười bảy mười tám, vậy mà đã trở thành những người trinh sát mặt đường gan dạ, dũng cảm. Những cô gái trẻ ấy đã cho ta thấy được vẻ đẹp rạng ngời của thế hệ trẻ những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Qua hình ảnh của Nho, của Thao, đặc biệt là Phương Định, ta có thể thấy rõ vẻ đẹp rạng ngời của thế trẻ Việt Nam.

Thao, Nho, Phương Định là ba cô gái thuộc “tổ trinh sát mặt đường” trên tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của họ là “đo khối lượng đất lấp hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Hoàn cảnh sống và chiến đấu của ba cô gái cũng rất khắc nghiệt và khó khăn. Họ phải ở trong “một hang dưới chân cao điểm” và con đường phía trên cao điểm đó bị bom Mỹ đánh “lở loét” đến mức “màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô cháy”… thế nhưng họ luôn giữ cho mình một tinh thần trách nhiệm cao với công việc dù rằng họ đối mặt với “thần chết” cả ngày. Chỉ cần vừa nghe thấy tiếng máy bay Mỹ “rè rè”, “phản lực gầm gào” là họ đã “lên dây cót” chuẩn bị tinh thần để phá bom, lấp hố bom, làm nhiệm vụ của mình. “Máy bay rít, bom nổ” là Thao – đội trưởng đã phân công ngay công việc cho các chị em của mình, rồi kéo tay Nho “vác xẻng lên vai và đi ra cửa”. Biết là khó khăn, biết là nguy hiểm nhưng họ hiểu công việc của mình quan trọng như thế nào. Bởi có họ thì những chiếc xe chở đạn dược, vũ khí mới có thể tiến vào miền Nam. Tinh thần trách nhiệm ấy còn được thể hiện rõ là ở nhân vật Phương Định. Phương Định ở trên cao điểm này đã ba năm. Ba năm đã tôi rèn một người con gái Hà Nội thành một chiến sĩ lấp đất, phá bom rất chuyên nghiệp và thành thục. Mỗi khi có nhiệm vụ, cô đều rất bình tĩnh, tự tin bởi cô “quen rồi”, có khi một ngày cô phải “phá bom đến năm lần”. Khi đối mặt với một quả bom to “nằm lạnh lùng ở một bụi cây khô”, Phương Định đã nhanh chóng tiếp cận, thực hiện những hành động mau lẹ để phá quả bom ấy một cách chính xác.

Vẻ đẹp thứ hai ta có thể thấy được ở những người nữ thanh niên xung phong đó là sự dũng cảm, gan dạ, bất chấp tất cả những khó khăn, nguy hiểm. Nhiệm vụ của ba cô gái là đo khối lượng đất, đếm bom, phá bom, chính vì vậy mà họ phải “chạy trên cao điểm cả ban ngày”. Họ biết sự nguy hiểm luôn rình rập bên cạnh mình, khi mà “thần chết” luôn “lẩn trong ruột những quả bom”, chỉ một phút sơ sẩy, ba cô gái có thể hy sinh. Thế nhưng họ đã vượt lên trên tất cả mọi thử thách, nguy hiểm đó để thực hiện nhiệm vụ của mình. Khi Phương Định nhận nhiệm vụ phá bom trên đồi, cô đã đi trong sự hiên ngang thẳng tiến tới quả bom, không hề “đi khom”, cũng không hề sợ hãi, “đàng hoàng mà bước tới” bên cạnh quả bom. Đọc tác phẩm, ta có thể thấy được nhiệm vụ của ba cô gái nguy hiểm tới mức nào, vậy nhưng Thao, Định hay Nho, ba cô gái ấy chẳng có chút nào sợ hãi. Họ luôn sẵn sàng cho nhiệm vụ của mình mỗi ngày, mỗi giờ!

Điều thứ ba ta thấy ở họ là một tinh thần đồng đội gắn bó, cao đẹp. Ba cô gái, ba tính cách khác biệt nhưng lại vô cùng quan tâm, yêu mến và thấu hiểu nhau. Với Thao, chị là người đội trưởng sắc sảo, “cương quyết, táo bạo”, thế nhưng Phương Định biết chị là người rất điệu “áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu. Chị hay tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm” và còn rất sợ máu và vắt. Phương Định còn biết Nho rất thích ăn kẹo nên lúc nào cô cũng phần mấy cái kẹo trong túi áo của mình cho Nho. Còn Thao lại biết Phương Định rất thích hát, thích nhớ về Hà Nội xa xôi. Ba con người, ba cô gái đến từ ba quê hương trên Tổ quốc Việt Nam nhưng họ đã gắn bó với nhau bằng tinh thần đồng đội sâu nặng, nghĩa tình.

Sống trong gian khổ, trong hiểm nguy rình rập thế nhưng những người nữ thanh niên xung phong ấy lúc nào cũng mang trong mình một tâm hồn tràn đầy thơ ngây, trong sáng và mơ mộng. Như Phương Định, cô thích hát vô cùng, hát mọi thể loại “dân ca quan họ mềm mại, dịu dàng”, “Ca-chiu-sa của Hồng quân Liên Xô”, “dân ca Ý trữ tình, giàu có”, thậm chí cô còn “bịa ra lời mà hát”. Và khi ba cô gái ấy bắt gặp một cơn mưa đá giữa rừng Trường Sơn, họ đã “vui thích cuống cuồng”. Thao thì “hốt cái gì dưới đất. Chắc là đá”, Phương Định thì vui như “con trẻ” “say sưa, tràn đầy” còn Nho, mặc dù bị thương nhưng vẫn cố “nhổm dậy” mà đòi Phương Định cho những viên đá. Và rồi cơn mưa đá tạnh đi, những cô gái ấy “bỗng thẫn thờ, tiếc không nói nổi”. Dù ở nơi chiến tranh, khỏi lửa bom đạn mịt mù, đối mặt với nguy hiểm cận kề, ba cô gái vẫn luôn giữ cho mình nét trẻ trung, hồn nhiên, trong sáng và giàu cảm xúc như thế. Riêng Phương Định, cô luôn nhớ về Hà Nội, nhớ về mẹ của mình cùng những kỉ niệm “cái cửa sổ, hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố”, “cái vòm tròn của nhà hát”, …

Vẻ đẹp của Nho, của Thao hay của Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê đại diện cho vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ từ 1955 đến 1975.

Tuy được viết bằng hai thể loại khác nhau nhưng hai tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật đều có chung một điểm là đều được viết vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đang vào hồi ác liệt nhất. Hơn thế, chúng đều viết về những người thanh niên trẻ trên tuyến đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dù họ là những người nữ thanh niên xung phong hay là những người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thì họ đều mang những vẻ đẹp đại diện cho thế hệ trẻ trong những năm tháng chống Mỹ để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của bọn đế quốc.

Thế nhưng, Những ngôi sao xa xôi và Bài thơ về tiểu đội xe không kính cũng có những khác biệt rất rõ rệt. Thứ nhất là về thể loại, trong khi Bài thơ về tiểu đội xe không kính được viết bằng thể thơ bảy chữ súc tích, với ngôn từ và giọng điệu gần gũi, tự nhiên, pha chút ngang tàng thì Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê lại viết bằng thể loại truyện ngắn với vai kể là nhân vật chính với cách kể chuyện tự nhiên, sinh động. Thứ hai, Những ngôi sao xa xôi kể về những người nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ đo đất lấp đường, phá bom thì Phạm Tiến Duật lại viết về người lính lái xe làm nhiệm vụ chở đạn dược, vũ khí cho miền Nam ruột thịt.

Hai tác phẩm, hai đề tài, hai thể loại nhưng tựu chung lại, Bài thơ về tiểu đội xe không kính và Những ngôi sao xa xôi đã dựng lên trọn vẹn vẻ đẹp của những người thanh niên trẻ trung, lạc quan đang sống và chiến đấu trong sự ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Họ là biểu tượng cho sức trẻ, cho ý chí, cho tinh thần của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng gian lao mà hào hùng của dân tộc ta.

—————–HẾT—————–

Để tìm hiểu chi tiết hơn, rõ hơn về hai tác phẩm Bài thơ tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng như truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê, mời các bạn cùng tham khảo các bài viết khác của chúng tôi như: Phân tích Những ngôi sao xa xôi, Phân tích nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi và bày tỏ suy nghĩ về thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mĩ, Phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phân tích khổ 1 2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button