Giáo dục

Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Đề bài: Anh/chị hãy Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

phan tich yeu to ki ao trong chuyen chuc phan su den tan vien

This post: Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

I. Dàn ý Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

1. Mở bài

– Sơ lược về tác giả, tác phẩm và các yếu tố kì ảo trong truyện
.

2. Thân bài

a. Nhân vật kỳ ảo:

* Hồn ma tên tướng giặc họ Thôi:
– Chết trận trên đất Việt, sau đó trở thành yêu quái chiếm miếu của Thổ công, quấy nhiễu dân chúng, là nhân vật phản diện điển hình nhất của truyện.
– Phản ánh một hiện thực của đời sống ấy là nạn tham quan hoành hành, làm cho nhân dân lầm than, điều đó thể hiện qua việc hắn đút lót tham quan, bưng bít cả thượng đế để làm trò bạo ngược.
– Ngô Tử Văn đại diện cho chính nghĩa, thay trời hành đạo tự tay đốt đi ngôi đền, khiến hắn không còn chỗ trú, thì tên này lại ngang nhiên giả dạng tiến vào giấc mộng của Tử Văn, cảnh cáo bắt chàng dựng lại đền bằng những lời lẽ rất mực oai nghiêm, văn vở.
– Trước điện Diêm Vương, dùng lời lẽ điêu ngoa, lươn lẹo, nhằm buộc tội khiến Tử Văn phải bị trừng phạt.
– Kết cục của tên này là bị nhét gỗ vào miệng rồi đày xuống ngục Cửu U.

* Thổ công:
– Có lý lịch hiển hách, còn sống làm quan, chết vì cần vương, được phong làm Thổ công, ban cho ngôi đền.
– Hiền lành, chịu nhân nhượng tên tướng giặc họ Thôi.
– Giúp đỡ Tử Văn thắng kiện ở minh ti.

* Diêm vương:
– Người đứng đầu cõi âm ti, đóng vai trò phán xử.
– Lúc đầu bị những lời lẽ giảo hoạt của tên họ Thôi lừa gạt, sau đó nhận thấy lời Tử Văn là thật thì lập tức tỉnh táo, phân xử công bằng.
– Bắt phạt tên họ Thôi, lại cho Tử Văn trở về dương gian.

* Qủy sứ, Dạ Xoa: Tạo không khí sống động, nhiều màu sắc, thể hiện được sự uy nghiêm, cẩn trọng nơi địa phủ từ đó khơi gợi cảm giác hứng thú cho người đọc.

* Ngô Tử Văn:
– Nằm mộng thấy tên tướng giặc họ Thôi, rồi bị đưa xuống âm phủ chịu tội, thì yếu tố kỳ ảo và gây ấn tượng nhất của nhân vật này đó là việc chết đi rồi sống lại sau khi diện kiến Diêm Vương.
=> Bộc lộ một chân lý đúng đắn, ở hiền gặp lành, người tốt sẽ được đền đáp xứng đáng, chứ không phải chịu chết một cách oan khuất, chứng minh sự hiện diện của lẽ phải không chỉ ở chốn trần gian mà ở bất cứ nơi đâu.
– Nhận lời của Thổ công không bệnh mà mất, để đến ở cõi tiên hưởng cái phúc phần của tiên gia.

b. Không gian kỳ ảo:
– Giấc mộng của Ngô Tử Văn nối liền giữa cõi âm và cõi dương, là nơi để chàng gặp gỡ và nói chuyện với tên tướng giặc họ Thôi cũng như Thổ công, trước khi bị đưa đến cõi âm ti để diện kiến Diêm Vương.
– Không gian cõi âm được Nguyễn Dữ miêu tả vô cùng sống động và hấp dẫn “Ở đó có một con sông lớn, trên sông bắc một cây cầu dài hơn nghìn thước, gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương. Hai bên cầu có đến mấy vạn quỷ Dạ Xoa mắt đỏ tóc xanh, dáng hình nanh ác…” mở ra một không gian cõi âm rùng rợn, lạnh lẽo, đúng với những gì mà con người vẫn thường hình dung về chốn địa ngục.
=> Làm nổi bật nét tính cách của nhân vật Ngô Tử Văn, đó là sự dũng cảm, bình tĩnh, ý chí kiên cường mạnh mẽ, cây ngay không sợ chết đứng của chàng.
 

3. Kết bài:

Nêu nhận xét.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Nếu như trong thế kỷ XV, Nguyễn Trãi được xem là tác giả văn học trung đại xuất sắc nhất thì đến thế kỷ XVI ta không thể không nhắc đến hai cái tên tiêu biểu nhất là Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Dữ. Nguyễn Dữ sống khoảng thế kỷ XVI, quê ở Đỗ Tùng, Trường Tân nay thuộc Thanh Miện, Hải Dương, xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Từng là học trò giỏi của trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho nên ông đã từng đi thi và đỗ Hương Tiến (cử nhân ngày nay) và ra làm quan trong một thời gian ngắn, rồi từ quan về Thanh Hóa ở ẩn và không bao giờ quay lại chốn đô thành. Cuộc đời sáng tác của ông chỉ để lại duy nhất tập truyện Truyền kỳ mạn lục. Nguyễn Dữ được xem là người mở đầu, khởi xướng khi đưa thuật ngữ “truyền kỳ” tiến vào văn học trung đại Việt Nam và ông cũng là người xuất sắc nhất trong thể loại này. Tập Truyền kỳ mạn lục gồm 20 truyện của ông được đánh giá là thiên cổ kỳ bút, là tác phẩm mẫu mực trong thể loại truyền kỳ. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là một trong những truyện hay trích từ tập này, kể về nhân vật Ngô Tử Văn với những chi tiết hoang đường kỳ ảo không chỉ làm cho câu chuyện thêm hấp dẫn mà còn là biểu hiện niềm tin của nhân dân ta vào chân lý người tốt sẽ được thần phật giúp đỡ, chân lý ở hiền gặp lành, ác giả ác báo.

Trong tác phẩm yếu tố kỳ ảo đầu tiên phải kể đến đó là sự xuất hiện của các nhân vật từ cõi âm ti, khác hẳn với các thể loại truyện thông thường mà nhân vật là thần thánh, thanh cao không nhiễm bụi trần, điều đó đã đem đến cho người đọc những trải nghiệm mới, kích thích trí tò mò cũng như gây ấn tượng sâu sắc với độc giả về cốt truyện. Nhân vật ở cõi âm đầu tiên, là khởi nguồn nên mọi diễn biến sau đó chính là tên tướng giặc họ Thôi bại trận, chết trên đất Việt, sau đó trở thành yêu quái chiếm miếu của Thổ công, quấy nhiễu dân chúng. Có thể thấy rằng đây là nhân vật phản diện điển hình nhất của truyện, lúc còn sống thì tên này làm giặc, chính vì thế khi chết đi cũng chỉ có thể làm yêu quái nhiễu loạn nhân gian, đời đời bị người ta khinh ghét sợ hãi. Không chỉ vậy tên giặc này còn phản ánh một hiện thực của đời sống ấy là nạn tham quan hoành hành, làm cho nhân dân lầm than, điều đó thể hiện qua việc hắn đút lót tham quan, bưng bít cả thượng đế để làm trò bạo ngược. Đến khi nhân vật Ngô Tử Văn đại diện cho chính nghĩa, thay trời hành đạo tự tay đốt đi ngôi đền, khiến hắn không còn chỗ trú, thì tên này lại ngang nhiên giả dạng tiến vào giấc mộng của Tử Văn, cảnh cáo bắt chàng dựng lại đền bằng những lời lẽ rất mực oai nghiêm, văn vở. Nhưng thấy Tử Văn vẫn điềm nhiên thấy chết không sờn thì quay ra tức giận, trở mặt làm trò dọa dẫm “Phong đô không xa xôi gì, tuy ta hèn nhưng há lại không đem nổi nhà ngươi đến đấy. Không nghe lời ta rồi sẽ biết”. Và y như rằng ngay tối ấy tên giặc này đã không tha cho Tử Văn mà khiến chàng phải xuống hầu cõi âm ti. Trước điện Diêm Vương, tên này lại lần nữa đóng vai Thổ công bị đốt đền, lời lẽ điêu ngoa, lươn lẹo, nhằm buộc tội khiến Tử Văn phải bị trừng phạt. Tuy nhiên đến lúc thấy Tử Văn có bằng cớ chứng minh tội trạng của hắn, thì tên này lập tức lật mặt giở giọng nhân từ, cầu xin Diêm Vương tha cho Tử Văn nhằm thoát tội, với lời lẽ thể hiện sử giả nhân giả nghĩa vô cùng: “…xin đại vương tha cho hắn để có cái đức rộng rãi. Chẳng cần đòi hỏi dây dưa, nếu chẳng may trị tội nó sợ sẽ làm hại đến đức hiếu sinh”, câu nào câu ấy cũng lấy nhân đức đặt lên trên đầu lưỡi, nhưng thực tế rằng tên này đang sợ chuyện của mình bại lộ, nên mới vội bưng bít như thế. Quả là giang sơn dễ đổi bản tính khó dời, chết đến nơi vẫn không quên lươn lẹo, và kết cục của tên này cũng chẳng thể nào tốt đẹp bằng việc bị nhét gỗ vào miệng rồi đày xuống ngục Cửu U.

Nhân vật thứ hai chính là Thổ công, trong truyện miêu tả đây là một vị quan dưới thời Lý Nam Đế, vì có công giúp vua giữ nước mà chết thế nên được ban cho chức Thổ công và một ngôi đền, hưởng hương khói của nhân dân. Khi đến gặp Tử Văn thì hiện lên với phong thái nhàn nhã, khoan thai, áo vải mũ đen, là người hiền lành, trung thực, nên phải chịu nhún nhường cho tên giặc họ Thôi làm loạn. Có thể thấy rằng thổ công là nhân vật đại diện cho phe chính nghĩa, là người bị hại, phải chịu khốn đốn trước vấn nạn tham quan và gian thần nịnh nọt. Trong truyện nhân vật này chính là người đã chỉ điểm cho Ngô Tử Văn khi phải hầu Diêm Vương dưới âm ti, và giúp chàng thắng kiện còn tên giặc họ Thôi kia phải chịu trừng phạt. Sự kết hợp của Thổ công và Ngô Tử Văn trong truyện nhiều lần khiến ta liên tưởng đến sự giúp đỡ của thần, phật với nhân vật chính trong các câu chuyện dân gian, cổ tích. Chỉ khác một chút rằng, ở đây Ngô Tử Văn không hoàn toàn dựa vào những lời dạy của Thổ công mà quan trọng nhất vẫn là dựa vào khí khái, tinh thần dũng cảm của bản thân và tấm lòng trung thực, không sợ kẻ ác của nhân vật này. Sự kết hợp của Thổ công và Ngô Tử Văn có thể liên tưởng đến sự đoàn kết của nhân dân ta trong quá trình chống giặc ngoại xâm, thì ở đây là sự đoàn kết của phe chính nghĩa khi đối diện với cái ác, cái xấu hoành hành.

Nhân vật Diêm Vương là người đứng đầu cõi minh ti, trong truyện đóng vai trò là người phán xử. Lúc đầu khi đứng trước lời tố cáo đầy gian dối và lươn lẹo của tên tướng giặc họ Thôi, thì Diêm Vương đã bị lừa gạt và đâm ra trách phạt Tử Văn vì cớ sao lại phá đền, chốn thần phật nương náu. Tuy nhiên sao một hồi tranh cãi phân xử, lại thấy Ngô Tử Văn đưa ra được chứng cứ xác thực thì Diêm Vương đã lập tức nhận ra sự thật, trả lại công bằng cho Tử Văn đồng thời xử phạt tên giặc họ Thôi kia để trừng trị cái tính gian tà, chuyên làm điều ác quấy nhiễu nhân dân, lại còn thích mồm loa mép dải. Những nhân vật khác như quỷ Dạ xoa, quỷ sứ góp phần làm cho chốn âm ti thêm sinh động, nhiều màu sắc, thể hiện được sự uy nghiêm, cẩn trọng nơi địa phủ từ đó khơi gợi cảm giác hứng thú cho người đọc.

Cuối cùng là nhân vật Ngô Tử Văn, nhân vật chính của câu chuyện, ngoài việc nằm mộng thấy tên tướng giặc họ Thôi, rồi bị đưa xuống âm phủ chịu tội, thì yếu tố kỳ ảo và gây ấn tượng nhất của nhân vật này đó là việc chết đi rồi sống lại sau khi diện kiến Diêm Vương. Điều đó bộc lộ một chân lý đúng đắn, ở hiền gặp lành, người tốt sẽ được đền đáp xứng đáng, chứ không phải chịu chết một cách oan khuất, chứng minh sự hiện diện của lẽ phải không chỉ ở chốn trần gian mà ở bát cứ nơi đâu, kể cả ở chốn âm ti, người vốn đang ở đâu sẽ được trả về chỗ ấy để hưởng cho hết cái phúc phần dương gian của mình. Rồi sau đó nhận lời của Thổ công không bệnh mà mất, để đến ở cõi tiên hưởng cái phúc phần của tiên gia, âu cũng xem là một cái kết hậu trong hậu.

Về phương diện không gian truyện, đầu tiên đó là giấc mộng của Ngô Tử Văn nối liền giữa cõi âm và cõi dương, là nơi để chàng gặp gỡ và nói chuyện với tên tướng giặc họ Thôi cũng như Thổ công, trước khi bị đưa đến cõi âm ti để diện kiến Diêm Vương. Hai nữa chính là không gian cõi âm được Nguyễn Dữ miêu tả vô cùng sống động và hấp dẫn “Ở đó có một con sông lớn, trên sông bắc một cây cầu dài hơn nghìn thước, gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương. Hai bên cầu có đến mấy vạn quỷ Dạ Xoa mắt đỏ tóc xanh, dáng hình nanh ác…” mở ra một không gian cõi âm rùng rợn, lạnh lẽo, đúng với những gì mà con người vẫn thường hình dung về chốn địa ngục. Từ đó làm nổi bật nét tính cách của nhân vật Ngô Tử Văn, đó là sự dũng cảm, bình tĩnh, ý chí kiên cường mạnh mẽ, cây ngay không sợ chết đứng của chàng.

Như vậy có thể thấy rằng, các yếu tố kì ảo, hoang đường trong tác phẩm không chỉ góp phần làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, kịch tính, gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Mà quan trọng hơn nó còn góp phần làm nổi bật chủ đề, nội dung và tính cách của từng nhân vật theo tuyến thiện – ác, từ đó phản ánh mơ ước của nhân dân ta về một thế giới công bằng bình đẳng, chân lý “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” được thực thi ở muôn nơi không kể chốn nhân gian hay cõi âm ti địa ngục.

——————HẾT——————

Cùng với bài Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, để hiểu hơn về nội dung cũng như ý nghĩa của tác phẩm, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích nghệ thuật đặc sắc trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Chứng minh nhận định: Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là khát vọng chiến thắng của công lí và chính nghĩa, Cảm nhận về nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Phân tích ý nghĩa của đoạn kết trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên và lời bình cuối truyện

 

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button