Giáo dục

Cảm nhận về cuộc gặp gỡ giữa bé Thu và anh Sáu sau 8 năm xa cách

Đề bài: Cảm nhận về cuộc gặp gỡ giữa bé Thu và anh Sáu sau 8 năm xa cách

cam nhan ve cuoc gap go giua be thu va anh sau sau 8 nam xa cach

This post: Cảm nhận về cuộc gặp gỡ giữa bé Thu và anh Sáu sau 8 năm xa cách

Cảm nhận về cuộc gặp gỡ giữa bé Thu và anh Sáu sau 8 năm xa cách

I. Dàn ý Cảm nhận về cuộc gặp gỡ giữa bé Thu và anh Sáu sau 8 năm xa cách (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.

2. Thân bài:

a. Nội dung:
– Mượn lời nhân vật bác Ba kể về cuộc gặp gỡ đoàn tụ của cha con ông Sáu sau tám năm
– Thể hiện tình cảm cha con sâu đậm của ông Sáu dành cho con gái cũng như tình cảm kiên định của bé Thu dành cho ba.

b. Lúc bé Thu chưa nhận ba:

– Khi nghe ông Sáu gọi: bé Thu “giật mình, tròn mắt nhìn”, “ngơ ngác, lạ lùng”.
+ Con bé “tái mặt”, “chạy vụt đi”
+ Điều này khiến ông Sáu hụt hẫng, “tay buông xuống như bị gãy”.
+ Con bé không chịu gọi ba, không chịu thừa nhận ông Sáu là ba nó.
+ Lý do: ông không giống như trên ảnh chụp chung với má.

– Trong những ngày nghỉ phép:
+ Ông Sáu chỉ quanh quẩn ở nhà, tìm cách vỗ về con
+ Bé Thu từ chối mọi hành động quan tâm của ông Sáu, không chịu gọi một tiếng ba
+ Nói trỏng khi muốn muốn nhờ ông Sáu chắt nước và khi gọi ông Sáu vào ăn cơm.

– Trong bữa cơm:
+ Ông Sáu gắp vào bát con một miếng trứng cá nhưng bị bé Thu “bất ngờ hất tung lên”, trong cơn nóng giận ông Sáu đã đánh con.
+ Bé Thu cúi đầu, gắp miếng trứng vào bát rồi bơi xuồng sang bà ngoại.

– Thu là cô bé bướng bỉnh, ngang ngạnh, thế nhưng đằng sau sự ương bướng ấy lại là tình yêu tha thiết dành cho ba.

c. Lúc bé Thu nhận ra ba:

– Khi nghe bà ngoại giải thích, con bé im lặng “thỉnh thoảng thở dài như người lớn”.

– Khi về nhà tiễn ba:
+ Bé Thu đứng “vào góc nhà, lúc tựa cửa”, im lặng “vẻ nghĩ ngợi sâu xa”.
+ Đến khi ba nó chào khe khẽ, con bé mời oà lên, thét lên tiếng ba: đây là tiếng gọi mà Thu đã cất giữ trong lòng bao nhiêu năm qua.
+ Bé ôm chặt ông Sáu, “hôn cùng khắp”, cả “vết thẹo bên mặt” của ba.
+ Không muốn để cho ba đi

3. Kết bài

Cảm nhận về tình cảm cha con giữa ông Sáu và bé Thu.

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về cuộc gặp gỡ giữa bé Thu và anh Sáu sau 8 năm xa cách (Chuẩn)

Chiếc lược ngà là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Truyện kể cuộc gặp gỡ cảm động nhưng đầy éo le của ông Sáu và bé Thu sau 8 năm xa cách, qua đó thể hiện tình phụ tử cao đẹp, thiêng liêng trong chiến tranh.

Ông Sáu tham gia kháng chiến từ khi đứa con gái đầu lòng mới được một tuổi. Xa nhà suốt 8 năm khiến ông Sáu mong mỏi giây phút được gặp lại con. Thế nhưng, bé Thu lại chỉ biết ba qua tấm ảnh nhỏ chụp chung cùng má. Đó là lý do khiến cho con bé “giật mình, tròn xoe mắt” khi ông Sáu gọi tên của nó và gọi nó là con. Lần đầu tiên gặp con, ông Sáu đã nôn nao tới độ, vừa thấy một đứa bé “độ tám tuổi, tóc cắt ngang vai. Mặc quần đen áo bông bông”, ông đã vội “nhún chân nhảy thót lên” mà không kịp chờ xuồng cập bến. Có lẽ tình cha trong ông cứ “nôn nao” mãnh liệt đến mức ông không thể chờ đợi.

Thế nhưng, ngay khi ông tưởng rằng đứa con sẽ “chạy xô vào lòng”, “ôm chặt lấy cổ anh” thì ngược lại, bé Thu chỉ “giật mình”, “ngơ ngác, lạ lùng”. Nó “vụt chạy đi” rồi “kêu thét lên” gọi má. Thái độ của bé Thu khiến cho ông Sáu bất ngờ “đứng sững” trong sự “đau đớn”, “tay buông thõng xuống như bị gãy”. Phải, có người cha nào mà không đau đớn được cơ chứ? Khi đứa con gái mà mình yêu thương, xa cách và mong nhớ lại vụt chạy đi trong sợ hãi, với gương mặt “tái lại” như muốn hỏi “ai đó” khi nhìn thấy mình? Thu chưa từng được gặp ba ngoài đời, hơn nữa, chiến tranh đã để lại trên mặt ông Sáu “một vết thẹo dài” đáng sợ và giật giật lên mỗi khi ông xúc động mạnh khiến cho bé Thu vụt chạy trong sự sợ hãi.

Nếu như lần đầu gặp lại với con gái mang cho ông Sáu sự hụt hẫng, đau xót thì trong những ngày nghỉ phép, thái độ chối từ, xa cách của bé Thu càng làm cho ông Sau cảm thấy chua xót, đau khổ. Ông về phép ba ngày, nhưng trong ba ngày ấy, bé Thu lúc nào cũng xa cách ông, không chịu nhận ông là ba. Lúc nào ông cũng “vỗ về” con bé, nhưng lại càng khiến con bé xa lánh ông. Chưa một lần bé Thu lên tiếng gọi “ba”, nó chỉ nói trỏng, kể cả trong những tình huống ngặt nghèo nhất. Khi má nhắc gọi ba vô ăn cơm, nó không chịu, nó nói “thì má cứ kêu đi”, đến khi bị má “quơ đũa bếp doạ đánh” nó mới hắng giọng nói trỏng “vô ăn cơm”, “cơm chín rồi”. Tiếng ba đối với bé có lẽ là một sự thiêng liêng mà bé muốn dành riêng cho người ba yêu quý của mình. Vậy nên, khi thấy ông Sáu không giống người trong bức ảnh, bé Thu đã kiên quyết từ chối dù có bị đánh đòn. Một lần, má đi vắng, dặn nó là “có gì thì nhờ ba giúp” nhưng đến lúc chắt nước nồi cơm, nó vẫn bướng bỉnh không nhờ ông Sáu giúp, dù rằng ông Sáu luôn ở sát ngay bên nó. Đến khi nồi cơm “sôi lên sùng sục”, nó vẫn chỉ nói trỏng rằng: “Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái!”, “cơm sôi rồi, nhão bây giờ”, … dù bác Ba đã mở lời “mở đường” cho nó. Con bé ương bướng và bất cần ông Sáu dù cho cơm nhão có bị mẹ đánh đòn, nhưng nó nhất quyết không gọi ông Sáu là “ba”.

Đỉnh điểm của sự ương bướng, ngang ngạnh của bé Thu với ông Sáu là khi ông “gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén nó” thì bé Thu đã “bất thần hất tung cái trứng ra” khiến ông Sáu tức giận mà “vung tay đánh vào mông nó”. Cái đánh đó có lẽ là sự dồn nén của bao thất vọng và hụt hẫng mà ông Sáu đã phải chịu đựng trong những ngày qua. Nó bất thần xuất hiện trong cơn tức giận khiến ông thét lên “Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?”.

Vẫn với thái độ bất cần và ương bướng đó, bé Thu “ngồi im, cúi đầu xuống”, “gắp cái trứng cá bỏ vào chén” rồi bơi xuồng sang nhà bà ngoại. Nó không khóc trước mặt người khác, không khóc trước mặt người mà nó không nhận là ba. Có lẽ với nhiều người, hành động đó của bé Thu là sự hỗn láo, là sự bướng bỉnh, không nghe lời. Nhưng khi nhìn nhận sâu xa hơn, ta hiểu đó là bởi vì bé chưa hiểu được hết sự khốc liệt của chiến tranh, chưa hiểu được những gian khổ mà ông Sáu phải chịu đựng khi chiến đấu và kết quả là vết thẹo dài trên mặt đáng sợ ấy. Sự ương bướng của bé Thu không hẳn là sự ương ngạnh, bướng bỉnh mà là sự kiên định của một cô bé có tình yêu thương cha thắm thiết, sâu nặng. Em nhất quyết dành tiếng gọi “ba” ấy cho người thực sự là ba của mình – người ba giống như bức hình chụp chung cùng má.

Nhưng đến khi được bà ngoại giải thích nguyên nhân của vết thẹo trên mặt ba, con bé mới hiểu “nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng thở dài như người lớn”. Có lẽ trong lúc ấy, Thu mới hiểu được những hành động của ba, ân hận về những hành động của mình. Ngày Thu nhận ra ba cũng là ngày ông Sáu phải đi. Nó không vồn vã, không đến ôm ba ngay khi về, nó chỉ “đứng vào góc nhà, lúc đứng tựa cửa và nhìn mọi người vây quanh ba nó”. Trên khuôn mặt của Thu không còn “bướng bỉnh hay nhăn nhó nữa” mà là sự “buồn rầu”, “vẻ nghĩ ngợi sâu xa”. Đến khi ông Sáu khoác ba lô lên và chào nó bằng “đôi mắt trìu mến” khe khẽ nói: “Thôi! Ba đi nghe con!” thì mọi cảm xúc trong con bé mới bật tung, vỡ oà. Tiếng “Ba” xé lòng mà nó đã kìm nén suốt bao năm bật ra trong niềm xúc động của tất cả mọi người. Khi đọc đến đây, người đọc chúng ta không khỏi xúc động với cái cách mà bé Thu bộc lộ tình yêu thương đến người cha của mình. Yêu ba nên nhất quyết không chịu gọi một người có gương mặt hơi khác lạ là ba và đến khi hiểu được mọi chuyện thì tiếng khóc, tiếng gọi “ba” bật ra trong vỡ oà. Có lẽ con bé đã nhẫn nhịn, đã trông ngóng biết bao ngày mới có thể được ôm ba nó, được hôn ba nó. Vậy nên nó đã “chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó”. Và rồi nó “hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”. Tình cảm của nó với ba thật mãnh liệt, thật sâu nặng! Thái độ trái ngược với những ngày đầu tiên gặp ông Sáu nhưng lại nhất quán trong tình yêu thương của Thu dành cho ba mình. Đó là thứ tình cảm rộng lớn hơn cả biển cả, cao hơn cả núi sông.

Miêu tả tâm lý của bé Thu, Nguyễn Quang Sáng đã dựng lên một cô bé với tính cách ương ngạnh, khó bảo nhưng điều đó là minh chứng tình yêu thương chân thành, mãnh liệt mà em dành cho người ba của mình. Tâm lý đó cũng hoàn toàn chân thực, phù hợp với một bé gái vừa lên tám mà lại phải xa cách ba từ khi mới lọt lòng.

Cuộc gặp gỡ của cha con ông Sáu sau tám năm xa cách để lại trong lòng chúng ta biết bao sự xúc động, nghẹn ngào. Xúc động trước tấm lòng một người cha thương yêu con hết mực, muốn được bù đắp cho con sau tám năm xa cách nhưng lại bị hắt hủi đến thất vọng. Xúc động trước tình cảm kiên định của một bé Thu mới vừa tròn tám tuổi nhưng lại có một tấm lòng yêu thương cha mình mãnh liệt đến vô cùng. Câu chuyện được Nguyễn Quang Sáng mượn lời một người bạn thân của ông Sáu kể lại nên đem lại cho người đọc sự chân thực, sinh động như chính mình trải qua. Lời văn giàu cảm xúc, nghệ thuật miêu tả tâm lý của ông Sáu, đặc biệt là bé Thu hết sức đặc sắc. Đó là những điều làm nên thành công cho tác phẩm.

Chiếc lược ngà là câu chuyện về tình cha con thắm thiết của ông Sáu và bé Thu. Trong hoàn cảnh của chiến tranh, tình cảm ấy lại càng đáng trân trọng hơn biết nhường nào! Câu chuyện không chỉ nói lên tình cảm cha con cao đẹp, sâu nặng mà còn giúp ta thấu hiểu về những mất mát, đau thương mà chiến tranh khốc liệt đã gây ra. Nó khiến cho ta hiểu được sức mạnh của tình thân gia định sẽ mãi là nguồn sức mạnh, niềm tin, nguồn động lực giúp ta vượt qua tất cả thử thách của cuộc đời.

——————–HẾT——————-

Chiến tranh đã qua nhưng những khốc liệt, những dấu vết nó để lại thì mãi còn in hằn trong tâm trí chúng ta. Truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã phần nào đó minh chứng cho những năm tháng ác liệt đó. Những bài viết Phân tích chi tiết vết sẹo trong truyện Chiếc lược ngà, Phân tích nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà, Nghị luận về truyện ngắn Chiếc lược ngà, Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua đoạn trích Chiếc lược ngà sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về tác phẩm này!

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button