9 Bài văn mẫu Viết một đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến
This post: Viết một đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến
1. Viết một đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến, mẫu số 1:
Ông em là người say mê sách báo. Ông có một tủ sách lớn chiếm gần hết một bức tường phòng làm việc chung của gia đình. Sáng nào, ông em cũng đọc báo. Buổi sáng mát mẻ dễ chịu. Ông tập thể dục, ăn sáng xong là ngồi vào ghế tựa đọc báo. Báo ông đọc là báo Công an Thành phố. Ông đeo kính vào, chăm chú xem trang bìa rồi bắt đầu đọc từng trang bên trong. Thỉnh thoảng, đôi kính trắng trễ xuống mũi, ông lại lấy ngón tay trỏ đẩy kính lên. Ông đưa mắt xem hình minh hoạ của các báo, gật gù biểu đồng tình. Khi ông đọc báo, phòng làm việc phải được giữ yên lặng. Chúng em vào phòng phải đi nhẹ nhàng, rón rén. Ông đọc hết từng trang báo, có lúc đọc nhanh phía sau, có lúc gật gù, có lúc chặc lưỡi lắc đầu. Khi ông đọc báo xong, ông để tờ báo lên bàn rồi nói với cả nhà: “Hôm nay, báo có nhiều tin hay đấy. Ông để báo trên bàn. Hồi nào các con thích xem thì xem nhé!”. Đáp lại lời ông thường lệ là mẹ thưa: “Dạ, con cảm ơn ba.”.
—————–HẾT BÀI 1———————-
Viết một đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến là một nội dung văn mẫu mà các em cần tham khảo. Tiếp tục, các em có thể tìm hiểu thêm Viết bài văn tả một người thân trong gia đình em cùng với phần Viết đoạn văn tả ngoại hình của một người mà em thường gặp để có kĩ năng tả người tốt hơn.
2. Viết một đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến, mẫu số 2:
Anh bật đèn bàn và mở máy vi tính. Dáng anh gầy gầy nghiêng mình trên bàn phím. Những sợi tóc mai loà xoà trước trán nên anh thường lấy tay hất tóc lên. Anh em có cái nhìn tư lự nhưng cương quyết. Hình như anh lúc nào cũng bận suy nghĩ về cách giải toán. Dưới vầng trán rộng, đôi mắt của anh đưa đi đưa lại theo dõi màn hình. Ánh đèn bàn chiếu sáng sống mũi cao, bè bè của anh, soi rõ đôi môi hình trái tim xinh xinh của anh. Anh tập trung học tập, lúc thì gõ phím, lúc dùng bút ghi chép, gạch xoá, tính toán. Ánh sáng của màn hình thay đổi theo nhịp gõ phím, tay anh thoăn thoắt lướt trên bàn phím. Công nghệ phần mềm là ngành mà anh theo học, là môn học mà anh yêu thích nhất, cũng là môn anh giỏi nhất trong tất cả các môn. Những ngón tay thon dài của anh lướt trên bàn phím, tiếng lốc cốc vang lên theo nhịp gõ nghe to hơn trong không gian yên tĩnh của căn nhà. Ngồi học chăm chú trong hai giờ liền, anh đứng dậy vươn vai cho đỡ mỏi rồi đi ra hàng hiên hóng mát. Nghỉ ngơi một chút cho đỡ mỏi mắt, anh lại ngồi vào bàn. Dáng anh cần mẫn, chăm chỉ như chú ong thợ xây tổ. Anh đang xây từng viên gạch kiến thức cho mình để đủ năng lực phục vụ ngành Công nghệ thông tin mai sau.
3. Viết một đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến, mẫu số 3:
Chi là bạn thân của em và là lớp trưởng lớp em. Chi có vóc người nở nang cân đối, cao ráo rất xinh. Bạn ấy nhanh nhẹn, tháo vát, nhất là trong việc ổn định đội hình của lớp lúc tập trung sinh hoạt trường. Hằng ngày, Chi còn có công tác gõ trống cho các bạn tập thể dục giữa giờ vì bạn ấy là Đội trưởng đội Sao Đỏ của trường. Bằng ba tiếng “cắc” gõ vào tang trống và một hồi còi tu huýt, Chi ổn định ngay đội hình của cả trường. Mắt Chi to và xếch, nhìn ai là nhìn xoáy vào nên bạn rất tinh tường với mọi diễn biến của đội hình thể dục. Đứng cạnh cái trống trường, bạn ấy gõ trống cho chúng em tập thể dục. Xong bài thể dục, Chi hô lớn: “Học sinh”, toàn trường đáp lại: “Khoẻ, khoẻ, khoẻ”. Lúc ấy, trông Chi mới chững chạc làm sao. Khuôn mặt Chi tươi rói, hồng hào, thanh tú với ánh mắt lúc nào cũng nhìn thẳng vào người đối diện. Chi học giỏi nhất khối lớp năm nên bạn ấy rất có uy tín với các bạn lớp khác. Em chơi thân và yêu mến Chi.
4. Viết một đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến, mẫu số 4:
Mẹ em là người luôn yêu thích việc nấu ăn và là một đầu bếp giỏi. Mẹ thường ăn mặc gọn gàng, tóc búi cao, rửa tay thật sạch rồi mới vào bếp. Mẹ cho thịt vào lò vi sóng để rã đông. Trong thời gian chờ thịt rã đông, mẹ vo gạo nấu cơm. Sau đó, mẹ lấy thịt ra đặt trên thớt và bắt đầu thái thịt. Tay trái mẹ giữ thịt, tay phải mẹ cầm dao đưa từng nhát thận trọng thái tảng thịt ra từng lát mỏng. Mẹ ướp gia vị, khéo léo trộn thịt vào gia vị rồi bắt đầu gọt rau củ. Bàn tay thon đẹp của mẹ thao tác nhanh gọn, khéo léo. Chỉ trong năm, mười phút là rau củ đã được gọt, nhặt rửa sạch sẽ. Mẹ bật bếp, đặt chảo lên bếp, Khi dầu trong chảo nóng lên, mẹ em trút thịt vào chảo nghe một tiếng “xèo” nhẹ rồi nhanh tay đảo thịt. Từng lát thịt đã thấm gia vị được trộn đều trong chảo, mùi thơm bắt đầu bốc lên thật hấp dẫn. Mẹ bớt lửa rồi lăn đi lăn lại miếng thịt cho sém vàng. Khuôn mặt mẹ hồng lên vì hơi nóng của bếp. Mắt mẹ long lanh, hấp háy ánh cười. Cùng lúc với việc làm món thịt rang, mẹ hầm thịt nấu canh. Cẩn thận đưa vả vớt bọt thịt ra ngoài, mẹ trút rau củ vào nồi thịt hầm. Xong đâu đấy mẹ rửa tay rồi gọi các con dọn cơm. Mẹ em nấu ăn rất ngon. Em thích phụ làm bếp và dọn cơm giúp mẹ.
5. Viết một đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến, mẫu số 5:
Cả lớp im phăng phắc, chăm chú nghe cô giảng bài. Cô giáo em đứng trên bục gỗ, dáng đứng hơi nghiêng nghiêng để học sinh theo dõi bài tập Toán cô đang đưa ra trong ví dụ. Tóc cô cắt ngắn, gọn gàng. Nếp áo dài lụa màu mỡ gà tha thướt, yêu kiều buông lơi trong cái dáng thanh thanh. Những con số hiện ra dưới nét phấn ghi lại phép tính. Xong phần ví dụ minh hoạ, cô quay mặt về phía học sinh, gõ một nhịp thước lên bàn (đó là hiệu lệnh dùng bảng con). Cô gọi hai bạn lên bảng rồi đọc đề Toán. Giọng cô to, rõ ràng. Nét mặt cô dịu dàng, ánh mắt khuyến khích học sinh như thúc giục chúng em làm bài nhanh lên. Cô thong thả đi lại giữa hai dãy bàn, đưa mắt quan sát bài làm của học sinh. Đứng ở đầu bàn một, cô mỉm cười gõ hai nhịp thước. Tất cả chúng em đưa bảng con lên. Cô gọi một bạn nhận xét bài làm trên bảng rồi tươi cười: “Giỏi lắm, các em tiếp thu bài rất tốt!”. Xoay nhanh người rất thuần thục, cô ghi một chữ s lên bảng (đó là hiệu lệnh dùngsách giáo khoa). Cô đi lại giữa hai dãy bàn, nhắc nhở những bạn còn chậm. Tiếng gót giầy của cô vang lên khe khẽ. Tà áo dài lụa rũ êm êm theo những bước đi.
6. Viết một đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến, mẫu số 6:
Buổi sáng chủ nhật, em cùng mẹ chuẩn bị bữa cơm trưa cho gia đình. Hôm ấy, mẹ mặc một chiếc tạp dề màu xanh. Mẹ lấy đồ trong tủ lạnh ra rửa rồi gọt cắt nhanh thoăn thoắt. Chỉ một lát củ, quả đã biến thành những hình thù rất đẹp mắt và dễ thương. Sau khi chuẩn bị các nguyên liệu cho các món ăn, mẹ bắt tay vào nấu nướng. Mẹ bật bếp lên. Đầu tiên là mẹ chiên cá. Cá sôi xèo xèo trên bếp. Với đôi bàn tay nhỏ nhắn, mẹ lật cá qua lại, miếng cá vàng ươm tỏa mùi thơm phức. Tiếp theo là mẹ nấu canh, luộc rau, xào rau. Mẹ làm việc rất tập trung. Khuôn mặt mẹ đỏ hồng, rạng rỡ và tràn ngập niềm vui. Trán lấm tấm mồ hôi, mấy sợi tóc xoà xuống trông mẹ rất xinh. Các món ăn đã được nấu xong, mẹ nhanh nhẹn cho đồ ăn ra đĩa và trang trí thật đẹp mắt. Mùi thơm của các món ăn toả ra thơm phức làm cho cả nhà ai cũng thấy đói bụng. Cả nhà ngồi vào bàn ăn thưởng thức thành quả lao động của mẹ.
7. Viết một đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến, mẫu số 7:
Cô giáo em cao cao, dáng người thon gọn, da trắng hồng, mặc áo dài rất đẹp. Bước vào lớp, cô như mang theo cả mùi thơm của nắng. Cả lớp ngây người nhìn cô. Cô dịu dàng mời cả lớp ngồi xuống. Bắt đầu giờ học, cô nhẹ nhàng viết lên bảng dòng chữ mềm mại. Bàn tay cô lướt nhanh như một hoạ sĩ. Chỉ một loáng, hàng chữ đẹp hiện ra. Cô giảng bài rất dễ hiểu. Giọng đọc của cô thật ấm áp và truyền cảm. Khi giảng bài, khuôn mặt của cô luôn tươi cười biểu lộ sự thân thiện. Bàn tay cô nhẹ nhàng đánh nhịp theo từng câu văn, câu thơ. Đôi mắt cô luôn nhìn thẳng về phía học sinh thể hiện sự cổ vũ, động viên chúng em. Cô giảng bài say sưa đến nỗi trán cô lấm tấm những giọt mồ hôi mà cô vẫn không để ý. Thỉnh thoảng cô đi xuống lớp xem chúng em ghi bài, thảo luận nhóm. Trong bài giảng, cô thường đặt câu hỏi từ dễ đến khó để kích thích sự suy nghĩ của tất cả học sinh trong lớp. Cô lúc nào cũng gần gũi chúng em. Trong những giờ học căng thẳng, cô thường kể cho chúng em nghe những mẩu chuyện ngắn rất hay và bổ ích. Kết thúc tiết học, bao giờ cô cùng lưu ý những điều cần nhớ cho chúng em. Cả lớp em ai cũng yêu quý và kính trọng cô.
8. Viết một đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến, mẫu số 8:
Bố em làm kỹ sư cơ khí nên có rất nhiều công việc để làm. Lúc cả nhà đi nghỉ, bố nhẹ nhàng đến bên bàn học của em và cũng là bàn làm việc của bố. Bố bật đèn bàn học và nhẹ nhàng khởi động máy tính. Tiếng gõ máy tính vang lên lách cách nhưng nhẹ dần khi cả nhà đã đi ngủ. Bố quay sang vẽ hay viết gì đó. Bố đứng dậy lấy mấy cuốn sách để xem. Bố nhíu mày suy nghĩ, em biết lúc đó chắc bố đang căng thẳng làm đầu bố thêm bạc. Khi xong việc bố đứng lên vươn vai mấy cái. Chắc bố mệt lắm, nhưng sáng hôm sau bố vẫn là người dạy sớm nhất. Em lo cho bố quá. Ước gì em có thể giúp bố.
9. Viết một đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến, mẫu số 9:
Đó là một buổi sáng mùa thu, tiết trời ấm áp, em đã được quan sát cô giáo chấm bài tập làm văn. Dáng cô nghiêng nghiêng bên chồng vở cao ngất. Mái tóc dài óng ả của cô bay bay theo làn gió mùa thu. Có lẽ đôi mắt cô tập trung cao độ vào việc châm bài, đọc bài viết cùa học sinh. Đôi mắt màu hạt dẻ ấy đăm đăm nhìn vào từng bài làm, cô đọc từng câu, từng chữ. Đọc xong mỗi bài, cây bút bi quen thuộc hằng ngày lại cùng cô làm việc, nó là bạn đồng hành với cô. Bàn tay thon thả của cô ghi điểm nhanh thoăn thoắt. Những quyển vở chấm xong cô xếp sang một bên. Bỗng cô nhíu mày lại, vầng trán cao của cô lại xuất hiện những nếp nhăn. Em nghĩ mỗi nếp nhăn ấy là một chuỗi ngày cô vất vả vì chúng em. Có lẽ, cô không hài lòng bởi những bài văn sơ sài, thiếu ý, trình bày thiếu cẩn thận… Cô ghi điểm và ghi lời nhận xét rất tỉ mỉ, rồi cô lại đặt quyển vở ấy riêng một góc bàn. Em đoán chắc cô muốn gặp riêng chủ nhân quyển vở ấy để sửa sai, uốn nắn. giúp các bạn tiến bộ hơn.
——————–HẾT——————–
Trong chương trình học, các em cần tìm hiểu thêm phần Kể một kỉ niệm về thầy giáo hoặc cô giáo của em là một trong những nội dung rất quan trọng mà các em cần quan tâm và trau dồi để nâng cao kiến thức môn học của mình.
Ngoài nội dung ở trên, các em có thể tìm hiểu chi tiết bài Luyện tập làm biên bản cuộc họp để chuẩn bị Tập làm văn: Luyện tập làm biên bản cuộc họp trước.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục