Giáo dục

Vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong bài ca dao Tát nước đầu đình

Đề bài: Vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong bài ca dao Tát nước đầu đình

ve dep cua nhan vat tru tinh trong bai ca dao tat nuoc dau dinh

This post: Vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong bài ca dao Tát nước đầu đình

 

Phần 1: Dàn ý Vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong bài ca dao Tát nước đầu đình

Xem chi tiết Dàn ý Vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong bài ca dao Tát nước đầu đình tại đây

 

Phần 2: Bài văn mẫu Vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong bài ca dao Tát nước đầu đình

Bài làm:

Kho tàng ca dao Việt Nam vốn rất phong phú với nhiều thể loại khác nhau. Nào là những bài ca dao than thân, những bài ca dao châm biếm hài hước và không thể thiếu những bài ca dao hát về tình yêu với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.Và bài ca dao “Tát nước đầu đình” là một trong những bài ca dao về tình yêu thắm thiết mà ở đó người con trai – nhân vật trữ tình đang cất lên tiếng lòng, bày tỏ mối tình nồng thắm của mình. Bài ca dao ấy vừa duyên dáng, vừa nhẹ nhàng, lại đằm thắm, thiết tha. Chính nhân vật này đã tạo nên cho bài ca dao một vẻ đẹp thật đáng yêu, đáng quý.

Như người ta vẫn thường nói, lời mở đầu bao giờ cũng là lời khó nói nhất, nhất là trong tình yêu thì cái khó ấy càng tăng thêm gấp bội phần. Tiếng yêu khó mở lời, làm sao giãi bày tâm sự một cách thật chân tình nhưng lại không được thô thiển cũng là một sự khó khăn. Thế nhưng, tình yêu bao giờ cũng làm cho con người ta trở nên mạnh mẽ, trở nên dũng cảm hơn, như Xuân Diệu từng nói: “Khi trong lòng đã có chút tình ý, người ta bỗng nhiên có những sáng kiến, …” và chàng trai ở trong bài ca dao này cũng vậy. Tình yêu của chàng đã bừng cháy ở trong lòng từ lâu và chàng đã khéo léo mở đầu lời bày tỏ tình yêu của mình rằng:

” Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”

Một lý do chẳng thể hợp lý hơn! Nếu như chàng mượn cớ tát nước cùng hay gánh nước hộ cô gái, chắc hẳn sẽ bị từ chối, nhưng ở đây chàng đã mượn cái cớ xin lại chiếc áo của mình để bắt chuyện cùng nàng. Cái cớ ấy vừa khéo làm sao, khiến cho cô gái nọ chẳng thể chối từ. Câu chuyện của chàng trai được gợi mở với thời gian địa điểm vô cùng rõ ràng: Hôm qua, chàng tát nước ở đầu đình này, cởi chiếc áo rồi bỏ quên trên cành hoa sen, nay dám xin hỏi nàng, “có được thì cho anh xin”. Tất cả mọi thứ tưởng chừng như rất phù hợp, rất vừa vặn, thế nhưng, đến khi ngẫm lại, người đọc chúng ta mới thấy có một sự bất hợp lý vô cùng ở đây. Hoa sen thì làm gì có cành để có thể treo áo lên đó? Làm gì có ai vô ý mà để áo lên những bông hoa sen yếu ớt cơ chứ? Thật là vô lý quá, thế nhưng nghĩ lại thì lời gợi chuyện, tỏ bày ấy của chàng trai mới duyên dáng làm sao, hóm hỉnh làm sao? Bởi chàng trai đã tinh tế khi dùng những cảnh vật thật quen thuộc với quê hương như mái đình, hoa sen để mở đầu cho những tiếng nói của lòng mình. Sân đình, cây đa, bến nước xưa nay vẫn là nơi diễn ra hội hè, nơi mà những đôi lứa yêu nhau bày tỏ tiếng lòng qua những câu hát trao duyên thấm đượm. Chẳng thế mà xưa nay, ông bà luôn cất lên câu hát làm xao xuyến trái tim người thương:

“Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”

Không chỉ thế, hình ảnh của đóa “hoa sen” thơm ngát giữa đầm nước trong, bình dị, mộc mạc nhưng tinh khiết, đẹp đẽ vô ngần cũng được chàng lồng vào câu chữ. Xưa nay, những đóa hoa sen luôn là biểu tượng cho đất nước, cho con người Việt Nam, chàng trai đã mượn hình ảnh ấy để tỏ bày không chỉ vô cùng tinh tế mà còn gợi lên ấn tượng sâu sắc với cô gái về một chàng nông dân hăng say lao động với nụ cười hiền lành, lời nói chứa chan tình cảm chân thành. Giống như xưa nay ông bà ta vẫn bộc bạch kín đáo tình yêu của mình với đối phương:

“Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”

Thế rồi sau lời chào mở lời đầy tế nhị đó, chàng trai liền tiếp lời ướm hỏi luôn người thương của mình:

“Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?”

Nếu như câu đầu chỉ như lời ngỏ, một lời nói vu vơ thì ngay câu thứ hai, chàng trai đã mạnh dạn hỏi thẳng cô gái, tạo nên một sự chuyển biến thật bất ngờ trong cuộc nói chuyện. Ở câu đầu lời ngỏ, cô gái có thể mỉm cười bỏ qua mà không phải trả lời thì ở câu này, chàng trai đã đặt cô gái vào trường hợp buộc phải trả lời. Cô gái ở đây chợt biến thành đương sự trực tiếp trong câu chuyện của chàng trai. Xưa nay, trai gái yêu nhau thường trao nhau tín vật làm tin để chứng tỏ tình yêu, vậy nên ngay khi chàng trai nói rằng: “Hay là em để làm tin trong nhà?” thì cô gái đã hiểu. Ở tuổi trăng tròn này, một cái cười vô tình cùng làm nên sự hữu ý, thế nên khi chàng trai nói vậy cô gái lấy áo của chàng để “làm tin trong nhà” càng khiến cô gái lúng túng hơn. Làm sao có thể không lúng túng trước một chàng trai vừa chân thành, tế nhị lại vừa lém lỉnh, duyên dáng đến thế được cơ chứ?

Thế rồi, chàng trai thông minh, đáng yêu ấy cứ tiếp lời liên tục kể về tình cảnh của mình:

“Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô gái về khâu cho cùng”

Ở trên, cái áo chỉ là một cái cớ, một lý do để chàng trai ngỏ lời với người mình thương thì ở đây, hình ảnh chiếc áo ấy lại được nhắc lại thêm lần nữa. Để nhận lại vật mất của mình, chàng trai đã mô tả chiếc áo ấy thật tỉ mỉ. Thật là có dụng ý khi mô tả kĩ càng một chiếc áo đã cũ mòn theo thời gian, nào là đã “sứt chỉ đường tà”, nào là “sút chỉ đã lâu”, phải chăng, chàng đang muốn gợi lên trong lòng cô gái một sự cảm thương, mến thương dành cho mình? Bởi vì, xưa nay, chiếc áo, cái khăn thường là những vật dụng quen thuộc để trai gái tỏ bày tình cảm của mình, như cha ông ta vẫn hay có câu rằng:

“Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người”.

Quả đúng là chàng trai đang cố tình nói về chiếc áo đã sờn của mình để mong được giãi bày, mong có người “về khâu cho cùng”. Áo anh sứt chỉ đã lâu bởi vì anh chưa có vợ, mẹ anh đã già, chân yếu tay run, mong sao có thể “mượn cô ấy về khâu cho cùng”. Đến đây, người đọc chúng ta hẳn đã cảm nhận được cái tình yêu tha thiết, nồng nàn mà chàng trai đang muốn bày tỏ cùng người thương của mình rồi. Phải, chàng đã mượn hình ảnh chiếc áo sờn để không chỉ bày tỏ tình yêu mà còn bày tỏ cả gia cảnh của mình nữa. Rằng anh đây vẫn mong ngóng một người từ đã lâu, nhà anh chỉ còn mẹ già, mong sao có “cô ấy” về cùng anh bầu bạn, cùng anh phụng dưỡng mẹ già. Chàng trai thật là thông minh làm sao? Thật là một tình yêu hết sức tự nhiên, hết sức chân thành và đầy tinh tế của một chàng nông dân chất phác, thật thà.

Tấm lòng chân thành, da diết của chàng trai dường như đã cảm đến tâm hồn của người con gái khiến cô càng e thẹn, càng ngượng ngùng, lúng túng hơn nữa. Thấy vậy, chàng trai đã ngay lập tức chuyển đổi cách xưng hô từ “anh -em” thành “anh – cô ấy”. Đại từ “cô ấy” chỉ là một đại từ phiếm chỉ, có thể nói tới bất cứ ai mà không phải chỉ thẳng vào người đối diện khiến cho cô gái cảm thấy cởi mở hơn, bớt e thẹn, ngượng ngùng hơn và câu chuyện giữa hai người càng thêm phần kín đáo và tế nhị hơn nữa. Chàng trai đã giữ được cho mình sự chân thành trong câu chuyện với người thương nhưng cũng không kém phần duyên dáng, lịch lãm, đáng yêu. Để rồi, chàng tiếp tục mở lời:

“Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến lúc lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp cho một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp đôi chằm em đeo
Giúp em quan tám tiền treo
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau,,,”

Chàng trai đã mạnh dạn nói đến việc trả công nếu như cô gái đồng ý khâu lại áo cho mình. Nhưng những việc trả công ấy lại toàn là những việc phải làm để kết duyên vợ chồng. Nào là “giúp thúng xôi vò, lợn béo, đôi chiếu, đôi chăn, …” tất cả đều là những sính lễ dùng cho việc kết duyên trăm năm. Chắc hẳn giờ đây, cô gái đã hiểu thật rõ ý định cũng như lời ngỏ của chàng trai về nguyện ước được cùng cô kết duyên trăm năm rồi. Sự liệt kê một loạt những sính lễ ấy như là lời reo mừng của chàng trai, thể hiện một sự hân hoan, vui sướng vô cùng. Nhịp điệu thật nhanh, thật mạnh như là tiếng lòng của chàng trai muốn thật nhanh, thật nhanh sắm sửa để đưa nàng về dinh. Cùng với đó, điệp từ “một đôi” cũng được chàng nhắc đi nhắc lại nhiều lần như để bày tỏ niềm vui khi được nên duyên với người mình thương. Mặc dù sính lễ mà chàng nói toàn là những vật cao sang: xôi vò, lợn béo, đôi chiếu, đôi chằm, … chắc hẳn với người nông dân thì khó mà đáp ứng được. Thế nhưng, chàng trai nói ra điều đó, chắc hẳn muốn bày tỏ tấm lòng chân thành muốn được kết duyên trăm năm cùng cô gái, cũng như muốn khẳng định sự trân trọng giá trị bản thân cô gái là vô cùng đáng quý, cô xứng đáng có được những lễ vật sang trọng như vậy.

Khép lại bài ca dao, chúng ta chưa biết người con gái có đồng ý với những lời ngỏ, với tín vật, với sính lễ của chàng trai hay không. Thế nhưng, sự chân thành, tinh tế của chàng trai hẳn khiến cho nhiều người phải cảm mến, phải tin tưởng. Nhân vật trữ tình quả khiến cho chúng ta phải thương mến bội phần vì sự dí dỏm, hài hước và thông minh của mình, chắc hẳn cô gái trong câu chuyện cũng sẽ cảm nhận được điều đó mà thuận lòng nên duyên với chàng.

“Tát nước đầu đình” quả thật là một bài ca dao về tình yêu đôi lứa hết sức duyên dáng, da diết, thấm đượm cái chất mộc mạc của làng quê Việt. Và ở đó, không thể không nhắc tới nhân vật trữ tình của bài ca dao vừa tinh tế, hài hước lại hết sức chân thành với tình yêu, lại vừa chất phác như con người Việt Nam ta bao đời nay.

Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button