Đề bài: Vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống trong bài thơ Vội vàng
This post: Vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống trong bài thơ Vội vàng
Vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống trong bài thơ Vội vàng
I. Dàn ý Vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống trong bài thơ Vội vàng
– Thơ Xuân Diệu mang nhiều ý tứ mượn từ thơ Pháp, nhưng cơ hồ rằng chẳng có khi nào ta thấy nó quá lạc lõng, xa xôi mà chỉ thấy “một cái dáng dấp yêu kiều, cốt cách phong nhã của điệu thơ, một cái gì rất Việt Nam, đã quyến rũ ta”.
– Vội vàng là một bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ ấy, đặc biệt khi Xuân Diệu viết về và nghĩ về bức tranh cuộc sống trong đoạn thơ đầu tiên, người ta thấy một cái gì đó rất say sưa, rất náo nhiệt, dẫu chỉ là một thứ gì đó rất đơn giản như cái cây ngọn cỏ, cũng mang trong mình một nguồn sống dồi dào tiềm ẩn.
2. Thân bài
a. Bốn câu đầu “Tôi muốn…bay đi”:
– Muốn tắt nắng, muốn buộc gió để giữ lại những gì tươi đẹp nhất của mùa xuân, muốn giữ tinh túy mùa xuân là màu nắng nhàn nhạt, hương gió thoang thoảng hương hoa để ôm ấp tận hưởng cho thỏa tấm lòng khát vọng
– Tổng hòa của hai cái tôi biệt lập nhưng kết hợp vô cùng ăn ý, một cái tôi bồng bột, hồn nhiên với khát khao mộng tưởng hoang đường, một cái tôi ngông cuồng mạnh mẽ muốn làm chủ cả thiên nhiên, trời đất…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống trong bài thơ Vội vàng tại đây
II. Bài văn mẫu Vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống trong bài thơ Vội vàng
Nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam đã từng dùng những từ ngữ rất thú vị để nói về Xuân Diệu, một hồn thơ lạ giữa thi đàn Việt Nam những năm 1932-1941 rằng: “Bây giờ khó mà nói được cái ngạc nhiên của làng thơ Việt Nam hồi Xuân Diệu mới đến. Người đã tới giữ chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy”. Nói Xuân Diệu “tối tân” chính là nói đến cái phong cách viết thơ độc đáo của người thi nhân với tâm hồn phức tạp này, thơ ông mang nhiều ý tứ mượn từ thơ Pháp, nhưng cơ hồ rằng chẳng có khi nào ta thấy nó quá lạc lõng, xa xôi mà chỉ thấy “một cái dáng dấp yêu kiều, cốt cách phong nhã của điệu thơ, một cái gì rất Việt Nam, đã quyến rũ ta”. Vội vàng là một bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ ấy, đặc biệt khi Xuân Diệu viết về và nghĩ về bức tranh cuộc sống trong đoạn thơ đầu tiên, người ta thấy một cái gì đó rất say sưa, rất náo nhiệt, dẫu chỉ là một thứ gì đó rất đơn giản như cái cây ngọn cỏ, cũng mang trong mình một nguồn sống dồi dào tiềm ẩn.
Hồn thơ Xuân Diệu dẫu lúc vui hay lúc buồn thì giọng thơ ông vẫn luôn dào dạt, tha thiết và nồng nàn, tưởng như có lẽ Xuân Diệu chỉ buồn vì mình khao khát, ham muốn cuộc sống tươi đẹp này quá, cứ buồn trước, tiếc trước vì sợ cái tốt đẹp nhất trần đời ấy sẽ như pháo hoa chóng tàn. Thế nên lúc nào Xuân Diệu cũng viết với một giọng thơ vội vàng, rạo rực với những rung động vô cùng tinh vi.
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Có người bảo Xuân Diệu sao ngông cuồng quá, có người lại bảo thơ Xuân Diệu tựa như lời của đứa trẻ hồn nhiên và vô tư, nào có hiểu rằng sâu trong những vần thơ ấy là một Xuân Diệu phức tạp và chất chứa đầy những nỗi niềm. Nắng, gió ngày nào cũng thấy, ngày nào cũng gặp và chẳng mấy ai nghiên cứu, săm soi những điều tuyệt vời xung quanh chúng, trừ mấy nhà khí tượng! Nhưng Xuân Diệu khác, ông không phải một nhà nghiên cứu mà ông đứng dưới danh nghĩa một con người được hưởng thụ, nắng mà Xuân Diệu muốn tắt đi là ánh nắng ấm áp tươi đẹp, tượng trưng cho cả mùa xuân của thiên nhiên, rộng hơn ấy là mùa xuân của cuộc đời. Ông cũng muốn “buộc gió lại” bởi bao nhiêu tinh túy, hương sắc hoa cỏ mùa xuân, bao nhiêu thanh sắc tuyệt vời của bầu trời mùa xuân đều nằm gọn trong bàn tay của gió trời, gió thổi qua một lượt liệu có nhân nhượng mà dành lại cho Xuân Diệu chút hạnh phúc ấy không? Xuân Diệu ích kỷ lắm, ông muốn tắt nắng, muốn buộc gió để giữ lại những gì tươi đẹp nhất của mùa xuân, muốn giữ tinh túy mùa xuân là màu nắng nhàn nhạt, hương gió thoang thoảng hương hoa để ôm ấp tận hưởng cho thỏa tấm lòng khát vọng. Có thể nói chỉ với 4 câu thơ đầu của Vội vàng, bằng giọng thơ dồn dập, nhanh và ngắn Xuân diệu dường như đã bộc lộ gần hết cái tâm hồn nồng nàn, mãnh liệt, yêu cuộc sống yêu mùa xuân tha thiết. Ở đó là tổng hòa của hai cái tôi biệt lập nhưng kết hợp vô cùng ăn ý, một cái tôi bồng bột, hồn nhiên với khát khao mộng tưởng hoang đường, một cái tôi ngông cuồng mạnh mẽ muốn làm chủ cả thiên nhiên, trời đất.
Sau những ước muốn vội vàng, cuống quýt như vậy Xuân Diệu mới bắt đầu chậm rãi mở ra bức tranh cuộc sống trong tâm hồn người thi sĩ trẻ, bức tranh ấy có gì, trả lời rằng có cả thiên nhiên, có cả tình yêu.
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Đọc những vần thơ tươi vui, rộn rã bằng điệp khúc “này đây…” tựa như khúc ca đắm say, mà nhà thơ chính là người ca sĩ đang tung tăng trong khu vườn mùa xuân tuyệt diệu, dường như cái gì cũng làm ông hứng thú, hoa lá, tiếng chim, cảnh ong bướm vờn nhau đều khiến người thi sĩ sung sướng vô cùng. Bức tranh cuộc sống hiện lên với vị ngọt ngào, thanh dịu của mật ong, vừa đậm đặc vừa trong trẻo, thậm chí còn mang một mùi thơm tinh tế, cùng với đó ong đen, bướm vàng dường như làm cho bức tranh thêm phần sinh động, chúng kết hợp với nhau thật nhịp nhàng, ong góp tiếng vo ve như tiếng đàn, bướm góp thêm điệu vũ tươi đẹp bởi bộ cánh dập dờn, đa sắc. Rồi ánh mắt của nhà thơ đâu chỉ có mỗi ong và bướm, còn có cả những đóa hoa rực rỡ in trên cái nền xanh ngắt của “đồng nội”, còn cả sự lãng mạn nên thơ của “cành tơ phơ phất”, sự lả lướt non mềm, nữ tính đầy ý nhị ấy làm cho mùa xuân càng trở nên bay bổng, tuyệt vời. Nhưng nếu Xuân Diệu chỉ cảm nhận cuộc sống bằng đôi mắt thì có lẽ chúng ta sẽ chẳng có được những vần thơ tinh tế đến vậy, người thi sĩ còn lắng lại để nghe được tiếng chim oanh đang mải miết ca một “khúc tình si”, đôi mắt mơ màng và ánh nắng nhàn nhạt khẽ xuyên qua rèm mi. Có nhiều lúc tôi tự hỏi rằng rèm mi ấy là của ai, có thể là của Xuân Diệu chăng bởi cứ nghĩ mà xem, một buổi sáng đẹp trời người thi sĩ đứng trước thiên nhiên, nắng âu yếm lọt qua rèm mi người, thi nhân bắt lấy cảm tưởng ấy rồi đưa vào thơ mình cũng chẳng sai. Đôi lúc có thể suy tưởng theo cái lãng mạn của Xuân Diệu trong tình yêu mà nghĩ đó là cảnh tượng của một người thiếu nữ trẻ đẹp đang khép hờ mắt để ánh nắng tùy ý chiếu xuống rèm mi buông, rồi in thành bóng trên khuôn mặt mỹ miều của nàng. Nói chung khó có thể lý giải được ẩn ý của một hồn thơ phức tạp như Xuân Diệu, ta chỉ biết rằng Xuân Diệu yêu cuộc sống, yêu cuộc đời tha thiết, mỗi một ngày, một phút, một giây đều trân quý, mỗi buổi sáng thức giấc, được mở mắt nhìn mùa xuân đối với ông là điều quá đỗi hạnh phúc và vui sướng thế nên mới có câu thơ “Mỗi buổi sáng Thần Vui hằng gõ cửa”. Thực tế, “thần Vui” của Xuân Diệu xuất phát từ chính nội tại tâm hồn, bởi cái tình từ xưa nay luôn khống chế cái cảnh, Nguyễn Du đã từng nói “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, thi nhân phải thực sự vui vẻ và trông mong vào cuộc đời thì mới tạo ra được những vần thơ rộn ràng, xốn xang như thế.
Nhưng bức tranh cuộc sống của Xuân Diệu đâu chỉ có cảnh thiên nhiên, cảnh con người, nếu thế thì đã không phải là hồn thơ Xuân Diệu mà ta từng biết đến. Thơ ông còn tinh tế ở một chỗ, bức tranh thiên nhiên song hành với bức tranh tình yêu, từ đó tổng hòa tạo nên một bức tranh cuộc sống toàn diện. Ví như ong bướm với tuần tháng mật đâu chỉ đơn giản là cảnh mà ở đó còn ẩn hiện cả tình yêu, một tình nồng nàn, quấn quýt hăng say, sánh quyện, ngọt ngào như mật ong, ong và bướm chính là cặp tình nhân đang say sưa nồng nàn trong cảm xúc của tuần trăng mật mới chớm. Tương tự như vậy, dường như mỗi cảnh vật trong Vội vàng đều có đôi có cặp, người ta chẳng thấy ai lẻ bóng cô đơn, ví như nắng có gió, lá thì cũng có “cành tơ phơ phất”, hoa thì cũng có cả một “đồng nội xanh rì”, chim yến chim oanh cũng là một cặp song hành cùng ca “khúc tình si”, còn người thi nhân có lẽ cũng có trong tim một hình bóng thiếu nữ với rèm mi đẹp. Chính vì tháng Giêng, tháng của mùa xuân được tạo hóa ban phát cho cả cảnh, cả tình như vậy nên Xuân Diệu mới kìm lòng không đặng mà thốt lên một cảm tưởng có phần “lạ lẫm”: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Đó là sự chuyển đổi cảm xúc vi diệu, mà dường như chưa từng có một nhà thơ nào làm được, Xuân Diệu nhẹ nhàng bắt nhịp cho người đọc đi từ những xúc cảm tinh tế như thị giác, thính giác, đến cảm xúc trong tâm hồn rồi bỗng nhiên bẻ lái sang vị giác với từ “ngon” một cách điệu nghệ và ngỡ ngàng. “Ngon” nhưng đâu có phải là ngon của mỹ thực mà còn hơn thế nữa, “ngon” ở đây mang một phong vị mới, trừu tượng và thực tế “như cặp môi gần”. Từ đó mới thấy được kết lại vẻ đẹp của thiên nhiên cuối cùng cũng quay về lấy vẻ đẹp mơn mởn căng tràn sức sống của con người làm chuẩn hóa, cuối cùng thì cái mùa xuân cũng bắt đầu từ tâm hồn thi nhân, từ tình yêu của thi nhân, từ vẻ đẹp tươi trẻ, xuân sắc của cô gái đang độ hai mươi đấy thôi.
Xuân Diệu không hổ danh là nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới”, thơ ông được cách tân nghệ thuật một cách tinh tế và sáng tạo và nhưng vẫn luôn mang trong mình chút hương vị quê hương, đất nước. Người khen thơ ông cũng nhiều mà người chê cũng chẳng ít, thế nhưng Xuân Diệu vẫn cứ đứng sừng sững riêng một hồn thơ yêu cuộc sống một cách nồng nàn, khao khát tình yêu một cách tha thiết, và dường như ông luôn cố gắng níu giữ, trân trọng mùa xuân bằng cái tôi biệt lập, bốc đồng, cũng chỉ bởi sợ mùa xuân chóng qua, tuổi xuân chóng tàn. Đọc thơ Xuân Diệu, đặc biệt là từ bức tranh cuộc sống trong Vội vàng, người ta mới thấm thía được một điều chỉ cần lòng còn trẻ, còn đủ tình yêu thì cuộc đời chẳng bao giờ thiếu mùa xuân.
———————-HẾT————————
Vội vàng là bài thơ trữ tình nổi tiếng của Xuân Diệu nói về tình yêu cuộc sống cháy bỏng cùng khát khao tận hưởng hết những vẻ đẹp, hương sắc trần gian. Cùng tìm hiểu về bài thơ, bên cạnh bài Vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống trong bài thơ Vội vàng, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 11 khác như: Phân tích quan niệm sống “vội vàng” của Xuân Diệu, Cảm nhận Vội vàng của Xuân Diệu, Phân tích Vội vàng của Xuân Diệu, Tâm trạng đắm say bồng bột của một lòng ham sống mãnh liệt đã được thể hiện như thế nào trong bài thơ Vội vàng.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục