Đề bài: Nền văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945 là “Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn”. Anh (Chị) hãy trình bày ý kiến của mình về nhận định trên.
This post: Trình bày ý kiến về nhận định: Nền văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám 1945…
I. Dàn ý Nền văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945 là Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi…
1. Mở bài
– Sơ lược về nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975.
– Khuynh hướng thẩm mỹ văn học – một nền văn học mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
2. Thân bài
a. Khuynh hướng sử thi:
* Khái niệm sử thi (tự tìm hiểu).
* Khái niệm khuynh hướng sử thi:
– Khuynh hướng thiên về các vấn đề lớn, mang tính chất toàn dân tộc, đề cập đến những vấn đề sống còn của đất nước, các vấn đề mà cả dân tộc đều hướng đến, trong đó nhân vật chính phải mang những vẻ đẹp mang tính chất thời đại, là hình mẫu lý tưởng chung của cả dân tộc.
* Biểu hiện của khuynh hướng sử thi trong nền văn học giai đoạn 1945-1975:
– Đề tài:
+ Tổ quốc: Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm/ Nguyễn Đình Thi
+ Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc: Đồng Chí, Việt Bắc, Tây Tiến,…
+ Xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội: Tiếng hát con tàu, Mùa lạc, Lặng lẽ Sa Pa,…
– Hình tượng nghệ thuật: Các nhân vật đậm khuynh hướng sử thi với lý tưởng cao đẹp, tinh thần chiến đấu kiên cường, mạnh mẽ đại diện cho cộng đồng (Tnú, Việt, người lính Tây Tiến,…)
=> Mỗi một ý phân tích từ 3-5 ví dụ để làm rõ.
b. Cảm hứng lãng mạn:
* Khái niệm:
– Cảm hứng lãng mạn cách mạng, cái tôi cá nhân dạt dào tình cảm yêu thương hướng đến những tình cảm lớn, hướng đến Tổ quốc, hướng đến nhân dân, cái ta chung luôn tồn tại những cái tôi cá nhân riêng biệt đồng hành và củng cố cho những tình cảm lớn được thêm phần vững chãi.
* Biểu hiện:
– Thi vị hóa hiện thực cuộc sống chiến đấu khắc nghiệt: Chỉ ra yếu tố lãng mạn trong các tác phẩm của giai đoạn này ví dụ: Việt Bắc, Tây Tiến, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây,…
– Lý tưởng hóa dáng vẻ đất nước trong những năm tháng xây dựng xã hội chủ nghĩa: Đất nước của Nguyễn Đình Thi,…
3. Kết bài
– Nêu cảm nhận.
II. Bài văn mẫu Nền văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945 là Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi…
Có thể nói rằng nền văn học Việt Nam giai đoạn những năm 1945-1975 là thời kỳ nở rộ của nhiều tác phẩm văn học có giá trị to lớn đã đóng góp cho lịch văn học nước nhà những thành tựu có ý nghĩa đặc biệt, cùng với đó là sự trưởng thành của nhiều thế hệ các tác giả đặc biệt là các tác giả viết về đề tài kháng chiến, đề tài đất nước trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Sở dĩ có được những tác phẩm nổi bật như vậy trước hết là nhờ vào sự thống nhất nền văn hóa của dân tộc sau khi cách mạng tháng tám thành công, đồng thời dựa trên những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước, giữa không khí đấu tranh sôi nổi của thời đại trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giới văn nghệ sĩ, đặc biệt là những người bước ra từ chiến trường lại càng có những cảm hứng sáng tác mới mẻ, gây được nhiều tiếng vang, khích lệ tinh thần đấu tranh kiên cường của dân tộc. Nếu để chỉ ra đặc điểm nổi bật, dẫn đến sự thành công của một loạt các tác phẩm, tác giả thời kỳ này thì chính là ở khuynh hướng thẩm mỹ văn học – một nền văn học mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
Trước hết bàn về khuynh hướng sử thi trong văn học giai đoạn 1945-1954. Sử thi đã xuất hiện trong nền văn học dân tộc từ rất lâu đời, lúc con người còn chưa chú ý đến việc ghi chép mà sử thi chỉ mang tính truyền miệng như một loại văn hóa dân gian. Nó là tác phẩm đồ sợ mang tính cộng đồng, thể hiện cuộc sống và nề nếp văn hóa của cả một dân tộc, nó luôn đề cập đến những cái chung nhất, là bức tranh lịch sử hưng thịnh và suy vong của một quốc gia, là lý tưởng to lớn mà cộng đồng dân tộc cùng mơ ước, cùng hướng đến, nhân vật chính là người anh hùng vĩ đại đại diện cho sức mạnh và vẻ đẹp của toàn dân tộc. Ở Việt Nam có thể kể đến một số những tác phẩm sử thi nổi tiếng của các dân tộc thiểu số như Đăm Săn, Khinh Dú, Xinh Nhã. Từ khái niệm về sử thi ta có thể suy ra khuynh hướng sử thi là khuynh hướng thiên về các vấn đề lớn, mang tính chất toàn dân tộc, đề cập đến những vấn đề sống còn của đất nước, các vấn đề mà cả dân tộc đều hướng đến, trong đó nhân vật chính phải mang những vẻ đẹp mang tính chất thời đại, là hình mẫu lý tưởng chung của cả dân tộc, đặc biệt nhân vật này có vai trò và số phận gắn liền với cách mạng, với dân tộc và đất nước, có tầm ảnh hưởng to lớn tác động đến tư tưởng của nhân dân.
Vậy ta sẽ cùng xét xem nền văn học Việt Nam giai đoạn này ảnh hưởng bởi khuynh hướng sử thi như thế nào. Đầu tiên nói về đề tài Tổ quốc một trong những đích đến lớn của nhiều văn nghệ sĩ, yêu cầu người nghệ sĩ phải có tầm hiểu biết, có đôi mắt nhìn bao quát cả một thời đại, đồng thời cũng phải nắm được bề dày của lịch sử dân tộc để viết sao cho chuẩn và thu hút, gây được ảnh hưởng tích cực sâu rộng trong nhân dân. Lấy ví dụ về Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, ta có thể thấy rằng khuynh hướng sử thi trước hết đã hiện lên một cách rõ ràng thông qua nhan đề của nó – “Đất Nước” – một đề tài có tính khái quát, là mối quan tâm của toàn dân tộc. Theo sau đó ở phần nội dung tác giả đã tinh tế dùng ngòi bút triết luận trữ tình sâu sắc kết hợp với các chất liệu văn học, văn hóa dân gian để đưa ra một khái niệm về Đất Nước thật mới mẻ, Đất Nước với chiều sâu văn hóa lịch sử biểu hiện trong quá trình hình thành, lớn lên và tồn tại. Đồng thời Nguyễn Khoa Điềm cũng rất tinh tế khi đưa quan điểm cách mạng và trong thơ với khẳng định Đất Nước là của nhân dân. Không chỉ vậy tính sử thi trong thơ Nguyễn Khoa Điềm còn thể hiện ở sự uy vũ, anh hùng trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Tương tự vậy Đất Nước của Nguyễn Đình Thi cũng mang khuynh hướng sử thi đậm nét trong việc xây dựng một tượng đài đất nước anh hùng, bi tráng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Một đề tài nữa cũng nổi bật và chiếm gần như một nửa dung lượng của nền văn học 1945-1975 chính là đề tài chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đề tài này đã làm nên tên tuổi của một loạt các tác giả ví như Chính Hữu với Đồng Chí, Quang Dũng với Tây Tiến, Phạm Tiến Duật với Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Tố Hữu với Việt Bắc, Nguyễn Trung Thành với Rừng xà nu, Nguyễn Thi với Những đứa con trong gia đình,… Các tác phẩm này thể hiện khuynh hướng sử thi ở việc bộc lộ những đau thương mất mát to lớn của nhân dân trong chiến tranh, đồng thời thể hiện được tinh thần anh dũng, trách nhiệm hy sinh của từng người con Việt Nam trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, đây có thể nói đều là những vấn đề vừa mang tính lịch sử vừa mang tính chất chung của cả cộng đồng dân tộc trong giai đoạn bấy giờ. Khuynh hướng sử thi không chỉ dừng lại ở hai đề tài kể trên mà còn nằm ở đề tài xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội sau cách mạng tháng tám thành công, có thể lấy ví dụ một số tác phẩm ví như Mùa lạc của Nguyễn Khải, Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, đều ca ngợi công cuộc gây dựng Tổ quốc của nhân dân, đề cao vẻ đẹp rừng vàng biển bạc của đất nước, với không khí sôi nổi và hào hùng trong lao động.
Không chỉ ở nội dung mang tính sử thi, mà các tác phẩm trong giai đoạn này đều xây dựng những hình tượng nhân vật mang đậm khuynh hướng sử thi, để làm nổi bật nội dung của tác phẩm. Có thể lấy ví dụ về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, hình ảnh những chàng trai thủ đô, giã từ áo trắng mực xanh lên đường đi chiến đấu với khí thế hào hùng, bi tráng, đôi chân họ đã vượt biết bao núi rừng Tây Bắc đầy khắc nghiệt, bao giọt mồ hôi, bao xương máu đã để lại trên mảnh đất ấy một cách kiêu hùng. “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/Chiến bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”, người lính Tây Tiến xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, trong trái tim họ chỉ có một lý tưởng, một niềm tin chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc. Có thể nói hình tượng người lính Tây Tiến đã trở thành tượng đài, là biểu trưng cho sức mạnh, tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của dân tộc ta những năm kháng chiến ác liệt nhất ở chiến trường biên giới phía Bắc. Một ví dụ khá rõ ràng khác về hình tượng người anh hùng mang khuynh hướng sử thi phải kể đến nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, kể về người con Tây Nguyễn trong quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở Tnú ta thấy hiện lên tất cả những đặc điểm của một người anh hùng lý tưởng, đại diện cho cả một cộng đồng dân tộc, từ lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu đồng bào sâu sắc, tinh thần dũng cảm, mạnh mẽ, kiên cường trong chiến đấu, đến cả những biến cố lớn trong cuộc đời mà nhân vật phải trải qua (mất vợ con, bị giặc đốt mười đầu ngón tay) để củng cố và làm sáng rõ lý tưởng của nhân vật, cũng như là cả cộng đồng. Hoặc tương tự các nhân vật khác ví như Việt trong Những đứa con trong gia đình, hay hình tượng người lính trong kháng chiến chống Pháp của Đồng chí đều thể hiện những vẻ đẹp chung của dân tộc đó là tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ, sức mạnh khắc phục mọi khó khăn gian khổ, lòng quyết tâm chống giặc cứu nước.
Đó là những nét chính về khuynh hướng sử thi của văn học Việt Nam sau cách mạng đến khi kháng chiến chống Mỹ thành công, ta tiếp tục bàn đến một khuynh hướng thẩm mỹ nổi bật của văn học trong thời kỳ này đó chính là cảm hứng lãng mạn cách mạng, cái tôi cá nhân dạt dào tình cảm yêu thương hướng đến những tình cảm lớn, hướng đến Tổ quốc, hướng đến nhân dân. Mà nói cho dễ hiểu đó là trong cái ta chung luôn tồn tại những cái tôi cá nhân riêng biệt đồng hành và củng cố cho những tình cảm lớn được thêm phần vững chãi. Trái ngược với quan điểm tình cảm cá nhân làm thụt lùi tinh thần chiến đấu, giảm ý chí và lòng quyết tâm của con người trong đấu tranh thì thực tế rằng chính cảm hứng lãng mạn lại trở thành bước đệm để nâng đỡ tinh thần của con người, củng cố niềm tin vào tương lai tươi đẹp của đất nước, giúp con người vượt qua những chặng đường gian khổ, đầy máu lửa và sự mất mát hy sinh. Trong các tác phẩm văn học giai đoạn 1945-1975 cả hứng lãng mạn được thể hiện thông qua một số khía cạnh, thứ nhất đó là thi vị hóa hiện thực cuộc sống chiến đấu khắc nghiệt. Có thể lấy ví dụ về Việt Bắc của Tố Hữu, ta luôn biết rằng chiến trường Tây Bắc là một trong những chiến trường khắc nghiệt bậc nhất, nhưng trong một đoạn thơ dường như cái khắc nghiệt ấy đã được làm giảm bớt đi bởi vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên.
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”
Hoặc trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật có đoạn:
“Không có kính ừ thì có bụi
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”
Rồi Phạm Tiến Duật cũng Viết trong Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây rằng “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Như vậy, sự ác liệt của tuyến đường Trường Sơn đã được tiếng cười tự tin, thoải mái, phóng khoáng của người lính lái xe, phong cảnh núi rừng chiến trận làm cho phai mờ, từ đó khích lệ, động viên tinh thần của những con người tham gia chiến đấu. Hoặc trong Tây Tiến cũng có những câu thơ mang đậm cảm hứng lãng mạn, vừa thể hiện vẻ đẹp trong tâm hồn của người lính vừa thi vị hóa sự khắc nghiệt của chiến trường Tây Bắc ví như: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” hoặc “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/Kìa em xiêm áo tự bao giờ/Khèn lên man điệu nàng e ấp/Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”. Tây Tiến của Quang Dũng là sự kết hợp dày đặc của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Không chỉ vậy cảm hứng lãng mạn còn được thể hiện thông qua việc lý tưởng hóa dáng vẻ đất nước trong những năm tháng xây dựng xã hội chủ nghĩa, có thể lấy một ví dụ trong Đất nước của Nguyễn Đình Thi, với đoạn thơ rất dài “Sáng mát trong như sáng năm xưa (…) Những dòng sông đỏ nặng phù sa”.
Nói tóm lại khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong nền văn học Việt Nam trong giai đoạn từ 1945-1975 đã đem lại cho các tác phẩm nhiều điểm nhấn và ấn tượng sâu rộng với độc giả, trở thành khuynh hướng thẩm mỹ chính, khơi gợi và thúc đẩy tinh thần lạc quan, lòng yêu nước, yêu đồng bào, tinh thần chiến đấu của nhân dân một cách mạnh mẽ. Đồng thời khiến nền văn học kháng chiến vừa mang tính uyển chuyển đi vào lòng người đọc bởi các yếu tố tự sự và trữ tình, nhưng cũng không mất đi vẻ hào hùng, bi tráng bởi các yếu tố sử thi với giọng văn, giọng thơ trang trọng, ngợi ca, mạnh mẽ.
Bên cạnh bài Nền văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945 là “Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi…các em học sinh có thể tham khảo thêm: Vì sao có thể nói văn học chân chính có khả năng nhân đạo hóa con người? Liên hệ thực tế văn học.,Trong một bức thư bàn luận về văn chương, Nguyễn văn Siêu có viết: “Văn chương (…) có loại đáng thờ, có loại ko đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Hãy phát biểu ý kiến về quan niệm trên, Buy-phông, nhà văn Pháp nổi tiếng, có viết: “Phong cách chính là người.” Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào?, Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra” để đạt kết quả cao trong bài Tập làm văn số 5, Ngữ văn 12 sắp tới.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)