Đề bài: Trình bày cảm nhận về người nghệ sĩ tự do Lor-ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca
This post: Trình bày cảm nhận về người nghệ sĩ tự do Lor-ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca
Bài mẫu nêu cảm nhận của em về hình tượng Lor-ca trong bài thơ Tiếng đàn ghi ta của Lor-ca
Bài làm:
Lor-ca là một nghệ sĩ thiên tài người Tây Ban Nha, đối với đời sống chính trị cũng như nghệ thuật của Tây Ban Nha ông có một tầm ảnh hưởng rất sâu rộng, vượt qua cả biên giới của đất nước này. Đặc biệt, Lor-ca là một trong những người đi đầu trường phái thơ tượng trưng siêu thực. Là một người cũng đi theo trường phái siêu thực, nhà thơ Thanh Thảo đã xây dựng rất thành công hình tượng người nghệ sĩ Lor-ca trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca”, người đọc đã được cảm nhận về cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến cũng như sự ảnh hưởng của Lor-ca đối với văn hóa Tây Ban Nha nói riêng và văn minh nhân loại nói chung.
“Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” – lời đề từ của bài thơ chính là lời trăng trối cuối cùng và là tâm nguyện của Lor-ca. Đàn ghi ta là một nhạc cụ truyền thống, tượng trưng cho nghệ thuật và xứ sở Tây Ban Nha, Lor-ca là một người nghệ sĩ, đàn ghi ta chính là phương tiện cho người nghệ sĩ sáng tạo. Ước nguyện của Lor-ca đã thể hiện tình yêu và sự gắn bó của ông đối với nền nghệ thuật nước nhà, ông sẵn sàng lùi mình vào quá khứ, lấy sự nghiệp và cống hiến của mình làm nền móng cho thế hệ sau thỏa sức sáng tạo. Mở đầu bài thơ, tác giả đã tái hiện và khẳng định hình ảnh của người nghệ sĩ Lor-ca trên nền nghệ thuật Tây Ban Nha, hai hình ảnh tượng trưng trái ngược “tiếng đàn bọt nước” và “áo choàng đỏ gắt” là biểu trưng cho sự sống – sáng tạo mong manh dễ vỡ của Lor-ca với môi trường chính trị bức bối, ngột ngạt của Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Tác giả cố tình đặt hai hình ảnh này song song với nhau nhằm thể hiện chân thực nhất cảnh Lor-ca đang phải gồng mình để chống chọi với chế độ phản động đầy thách thức. Tuy nhiên dù trong hoàn cảnh ngột ngạt, bức bối như vậy, người nghệ sĩ vẫn không ngừng sáng tạo và cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Tiếng đàn “li-la li-la li-la” vẫn luôn đi tìm kiếm cái tôi, cảm hứng sáng tạo mặc dù cái đích còn xa xôi, hành trình còn gian nan và nhọc nhằn “vầng trăng chếnh choáng”, “yên ngựa mỏi mòn”, Lor-ca dám sống, dám đương đầu và dám hi sinh hết mình vì nghệ thuật, vì một khát vọng cách tân nền nghệ thuật già nua.
“Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du”
Người nghệ sĩ Lor-ca không chỉ được nhắc đến với tư cách cá nhân mà còn là đại diện, là biểu tượng của cả đất nước Tây Ban Nha, nhà thơ cũng biểu lộ rõ sự ngưỡng mộ, khâm phục và kính trọng đối với Lor-ca, bởi trong con người Lor-ca đã chứa đựng tất cả những tinh hoa và vẻ đẹp của Tây Ban Nha. Cái chết của Lor-ca được nhà thơ tái hiện qua hình ảnh tượng trưng “áo choàng bê bết đỏ”, sự kinh hoàng ập đến khi Lor-ca đã bị bắn, cuộc sống bình yên bỗng tràn đầy tiếng đàn bị biến đổi liên tục “tiếng ghi ta nâu”, “tiếng ghi ta lá xanh”, “tiếng ghi ta tròn bọt nước”, “tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy”. Chỉ một viên đạn nhưng đã biến cuộc sống bình dị với tình yêu, hi vọng thành một cái chết thảm khốc và ai oán. Cách diễn đạt của nhà thơ cho ta cảm nhận được quá trình ập đến của cái chết cũng như sự đau đớn, xót xa trước sự ra đi của một người nghệ sĩ.
“không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”
Trước khi chết, Lor-ca đã có ước nguyện chôn cùng cây đàn với ý nhắn nhủ đưa ông trở về quá khứ, làm nền móng cho thế hệ tương lai xây lên lâu đài nghệ thuật vĩ đại, thế nhưng thực tế lại không có ai thấu hiểu và thực hiện tâm nguyện của Lor-ca. Tiếng đàn – biểu tượng cho nền nghệ thuật của Tây Ban Nha lại được ví như cỏ mọc hoang, điều đó có ý nghĩa rằng nền nghệ thuật Tây Ban Nha tuy phát triển nhưng lại không đi theo một đường thống nhất, cứ tràn lan theo sở thích và cảm hứng của mỗi người. Cái chết của Lor-ca là một nỗi đau không thể nguôi ngoai, những giọt nước mắt ánh trăng vẫn luôn khóc cho một tâm hồn long lanh trong đáy giếng. Tuy Lor-ca đã chết, nhưng đối với Thanh Thảo, Lor-ca chưa thực sự vĩnh viễn ra đi:
“đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng”
Đường chỉ tay chẳng qua chỉ là sự hữu hạn của đời người, còn dòng sông mới chính là sự vô hạn của cuộc đời, Lor-ca vẫn phải đi theo quy luật sinh tử nghiệt ngã và chúng ta cũng không thể tránh khỏi, nhưng đó là sự chủ động của Lor-ca. Lor-ca bơi sang ngang, “ném lá bùa cô gái Di-gan” vào xoáy nước, “ném trái tim mình” vào “lặng yên bất chợt”. Những hình ảnh tượng trưng đầy cao đẹp cho thấy sự thanh thản, chủ động trong cuộc đời của Lor-ca, ở phía bên kia dòng sông, người nghệ sĩ Lor-ca vẫn sống với nghệ thuật, vẫn không ngừng sáng tạo nghệ thuật trên chính chiếc “ghi ta màu bạc”.
Hình tượng người nghệ sĩ Lor-ca trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” đã được nhà thơ Thanh Thảo xây dựng từ sự sống đến cái chết. Dù ở trong giai đoạn nào của cuộc đời Lor-ca, ông vẫn luôn là một người nghệ sĩ, người chiến sĩ không ngừng chiến đấu và hi sinh hết mình cho nghệ thuật, cho những khát vọng cao cả. Và dù ở trong thời đại nào, tầm vóc và sự ảnh hưởng của Lor-ca vẫn còn mãi trong lòng độc giả. Với những hình ảnh tượng mang tính tượng trưng cao kết hợp với tổ chức bài thơ khác thường không vần, không dấu câu, không viết hoa đầu dòng, nhà thơ Thanh Thảo đã minh chứng cho thiên hướng cách tân thơ Việt của mình.
————- Hết ————–
Đàn ghi ta của Lor-ca là tác phẩm nổi bật trong ngữ văn lớp 12, ngoài bài làm văn Trình bày cảm nhận về người nghệ sĩ tự do Lor-ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca, học sinh và giáo viên có thể tham khảo thêm nhiều hơn nữa những bài văn mẫu khác như Ý nghĩa nhan đề Đàn ghi-ta của Lor-ca, Tìm hiểu bài Đàn Ghi-ta của Lor-ca, Phân tích bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca, Cảm nhận bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca của Thanh Thảo, hay cả những phần Soạn bài Đàn ghi ta của Lor-ca.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục