Đề bài: Thuyết minh về chùa Dâu ở Bắc Ninh
This post: Thuyết minh về chùa Dâu ở Bắc Ninh
Thuyết minh về chùa Dâu ở Bắc Ninh
I. Dàn ý Thuyết minh về chùa Dâu ở Bắc Ninh (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về đối tượng cần thuyết minh: chùa Dâu ở Bắc Ninh
2. Thân bài
a. Vị trí địa lý, tên gọi và lịch sử hình thành
– Thuộc thôn Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
– Các tên gọi khác: Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Định tự, chùa Bà Dâu
– Được khởi dựng từ thế kỉ II đầu Công nguyên (187-226), là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta.
– Được công nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2013.
b. Quá trình xây dựng và phát triển, đặc điểm kiến trúc
– Trải qua nhiều thời kỳ và nhiều đợt trùng tu lớn: thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, thời phong kiến đến nay.
– Xây dựng theo kiến trúc “Nội công – ngoại quốc” với diện tích rộng 1730 m2.
– Gồm các hạng mục: tam quan, tiền thất, tháp Hòa Phong, Tam bảo, tiền đường, hậu đường, thượng điện, thiêu hương, nhà khách, vườn tháp.
c. Ý nghĩa đối với Phật giáo nước nhà
– Trung tâm Phật giáo đầu tiên cổ nhất Việt Nam
– Nằm trong hệ thống Tứ pháp
– Lễ hội chùa Dâu 8/4 âm lịch hàng năm
3. Kết bài
Khẳng định vẻ đẹp, ý nghĩa và giá trị văn hóa tâm linh của chùa Dâu
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về chùa Dâu ở Bắc Ninh (Chuẩn)
Vùng đất Kinh Bắc xưa là một trong những cái nôi văn hóa dân gian Việt Nam, bên cạnh làn điệu quan họ tha thiết, ngọt ngào, chiếc nón quai thao duyên dáng, những làng nghề truyền thống làm tranh đông hồ, gốm Phù Lãng, Kinh Bắc xưa (Bắc Ninh ngày nay) còn nổi tiếng với hệ thống các đền chùa linh thiêng với tuổi đời hàng nghìn đến hàng trăm năm. Nổi bật nhất phải kể đến chính là chùa Dâu, đây là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, là địa điểm tâm linh quan trọng bậc nhất đối với nền Phật giáo nước nhà.
Với vị trí nằm cách thủ đô Hà Nội không quá xa, chùa Dâu trở thành địa điểm tâm linh được đông đảo du khách thập phương tìm về thành kính dâng hương lễ chùa. Ngôi chùa nằm tại thôn Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Dâu còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Định tự, chùa Bà Dâu.
Chùa Dâu nổi tiếng không chỉ bởi lịch sử xây dựng lâu đời từ thế kỉ II đầu Công nguyên (khởi công năm 187 và hoàn thành năm 226) mà còn bởi ngôi chùa này đánh dấu sự hình thành nền móng đạo Phật nguồn gốc Ấn Độ ở Việt Nam. Việc công nhận chùa Dâu là di tích quốc gia đặc biệt đã khẳng định giá trị văn hóa tâm linh, bảo vệ và gìn giữ quần thể di tích chùa Dâu chính là bảo vệ dấu tích quan trọng trong quá trình phát triển Phật giáo ở nước ta. Chùa Dâu tọa lạc trên một khu đất cao, rộng và bằng phẳng với tổng diện tích 1730 mét vuông. Chùa có cảnh quan đẹp, hài hòa với thiên nhiên, dù có tuổi đời lâu cùng với sự ảnh hưởng của thời gian, bối cảnh lịch sử nhưng chùa Dâu vẫn giữ lại được những dấu tích của một ngôi chùa cổ.
Chùa Dâu thờ thần mây Pháp Vân – một trong bốn vị thần hệ Tứ pháp (Mây, Mưa, Sấm, Chớp). Trải qua những biến cố và thăng trầm của thời gian, chùa Dâu đã có lần bị hỏa hoạn, rồi lại chiến tranh khiến ngôi chùa bị tàn phá và hư hỏng nhiều hạng mục. Quá trình trùng tu được diễn ra nhiều lần ở nhiều thời kỳ khác nhau song đợt trùng tu lớn nhất từ khi đất nước thống nhất là năm 2001 với kinh phí hàng chục tỷ đồng chùa đã được trùng tu, tôn tạo xứng tầm là một di sản quốc gia. Chùa được xây dựng theo kiến trúc “Nội công – ngoại quốc” gồm nhiều hạng mục: tam quan, tiền thất, tháp Hòa Phong, Tam bảo, tiền đường, hậu đường, thượng điện, thiêu hương, nhà khách, vườn tháp, hai dãy hành lang, ao chùa, hệ thống tường bao quanh. Nổi bật nhất và quan trọng nhất chính là Tháp Hòa Phong (cao chín tầng nhưng nay chỉ còn ba), tháp hình vuông dáng vững chãi tượng trưng cho ngọn núi, bốn góc tháp có bốn tượng Thiên vương trấn giữ, trên tháp treo khánh đồng cổ, trong lòng tháp thờ Tứ Thiên Vương. Tháp Phong gắn liền với câu thơ về chùa Dâu “Dù ai đi đâu về đâu/ Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về”. Mái ngói cổ kính cong vút với những bậc cửa và cánh cửa gỗ lâu đời.
Về chùa Dâu ngoài cảnh quan đồ sộ cổ kính ta còn được chiêm ngưỡng các pho tượng quý giá, những bức phù điêu chạm khắc tinh xảo mang đậm dấu ấn kiến trúc thời xưa. Để khẳng định vị trí và ý nghĩa của chùa Dâu đối với nền Phật giáo Việt Nam phải đi từ vị trí của chùa Dâu trong hệ thống Tứ pháp. Chùa Dâu là một trong bốn ngôi chùa gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, là ngôi chùa quan trọng nhất. Chùa Dâu là nơi ghi dấu ấn hình thành giao thoa của Phật giáo Việt Nam, được coi là Trung tâm Phật giáo đầu tiên cổ nhất Việt Nam.
Một trong những lễ hội được coi là cổ nhất nước ta còn tồn tại đến ngày nay chính là lễ hội chùa Dâu. Hội chùa Dâu được tổ chức long trọng, quy mô vào ngày 8 tháng 4 âm lịch hàng năm. Thời xưa lễ hội tập trung cả các vua chúa dự lễ, ngày nay lễ hội chùa Dâu thu hút khách thập phương từ khắp nơi trở về với mong muốn cầu bình an, mưa thuận gió hòa. Hoạt động chính của lễ hội là rước các tượng Tứ pháp, rước kiệu… lễ hội trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh người dân Kinh Bắc nói chung.
Chùa Dâu trong quá khứ hay hiện tại và về tương lai sẽ luôn là ngôi chùa quan trọng và ý nghĩa nhất trong hệ thống các ngôi chùa Việt Nam. Ngôi chùa không chỉ ghi đậm lịch sử dân tộc mà còn thấm đẫm bản sắc văn hóa, đời sống tâm linh con người Việt, trở thành di sản đặc biệt vô giá của đất nước. Trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đó thuộc về tất cả mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ.
—————-HẾT—————–
Bên cạnh chùa Dâu, trên khắp các vùng miền của Việt Nam còn rất nhiều ngôi chùa linh thiêng khác. Các em có thể tìm hiểu chi tiết qua các bài văn thuyết minh khác như: Thuyết minh về chùa Tam Chúc, Thuyết minh về chùa Bái Đính, Thuyết minh về chùa Một Cột, Thuyết minh về chùa Yên Tử. Hy vọng các bài văn trên sẽ mang lại cho các bạn nhiều kiến thức bổ ích.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)