Đề bài: Thuyết minh về cây dừa
This post: Thuyết minh về cây dừa
Bài văn mẫu Thuyết minh về cây dừa
I. Dàn ý Thuyết minh về cây dừa (Chuẩn):
1. Mở bài
Giới thiệu cây dừa.
2. Thân bài
a. Nguồn gốc, xuất xứ:
– Dừa là hay còn có tên khác là cọ dừa, có tên khoa học chính thức là Cocos nucifera Arecaceae, thuộc họ Cau (Arecaceae).
– Hiện nay các nhà thực vật học vẫn còn rất nhiều tranh cãi về nguồn gốc chính thức của dừa, một số người cho rằng dừa có nguồn gốc ở các nước Đông Nam Á, một số khác lại cho rằng dừa có thể xuất phát từ miền tây bắc Nam Mỹ.
b. Phân loại:
* Dừa cao:
– Cây trưởng thành cao khoảng 12-20m, tăng trưởng nhanh nhưng cho trái muộn (thông thường khoảng sau 5 đến 7 năm), và đạt năng suất tối đa sau 15-20 năm.
– Quả to, cùi dừa dày và hàm lượng dầu dừa cao (65-70%).
– Sức chống chịu tốt, dễ canh tác.
– Một số giống dừa cao được trồng phổ biến ở Việt Nam là: Dừa Ta, dừa Dâu, dừa Lửa, dừa Giấy, dừa Sáp.
* Dừa lùn:
– Cây trưởng thành thường có độ cao dưới 10m, tăng trưởng chậm nhưng mau ra hoa và kết trái sau khoảng 3 đến 5 năm chăm sóc.
– Trái nhỏ, cùi dừa mỏng, nước nhiều và ngọt thanh, chủ yếu dùng làm nước giải khát.
– Sức chống chịu kém, dễ bệnh và chết.
– Một số giống dừa lùn phổ biến ở Việt Nam gồm có dừa Xiêm, dừa Tam Quan, dừa Ẻo, dừa Dứa.
c. Đặc điểm hình thái:
– Thân dừa là loại thân cột mọc thẳng, thân cứng, cao trong quá trình sinh trưởng không phân nhánh, cũng không có cành.
– Lá dừa tập trung ở ngọn cây, lá dừa xẻ thùy, tàu lá dài từ 3-7m phân thành nhiều lá nhỏ (lá chét) không đối xứng nhau qua gân giữa.
– Hoa mọc ra từ nách lá thành một dé (quầy), trên đó có cả hoa đực lẫn hoa cái, chúng tự thụ phấn hoặc thụ phấn chéo nhờ động vật hoặc gió. Hoa dừa sau khi được thụ phấn thì khoảng 7-8 tháng sau có thể thu hoạch lấy nước uống.
– Kích thước trung bình của trái dừa từ 15-20cm, quả hình trứng, có ba cạnh, da có thể mang màu xanh hoặc cam nâu. Dừa là loại quả hạch, sọ cứng được bao bọc bởi một lớp xơ dày, khi già thì cứng và hóa gỗ, bên trong sọ dừa kín là cơm dừa và nước dừa.
d. Phân bố:
– Có mặt ở nhiều nơi trên đất nước ta, thích hợp với loại đất thịt pha cát, đất bồi ven sông, suối, biển, thoát nước tốt.
– Ở nước ta các tỉnh vùng duyên hải miền Trung, đặc biệt là tỉnh Bến Tre là nơi dừa được canh tác nhiều nhất.
e. Công dụng:
– Quả dừa cho phần cơm dừa ngọt, bùi dùng để ăn, là nguyên liệu trong công nghiệp thực phẩm tạo ra các sản phẩm như mứt dừa, các loại bánh kẹo. Cơm của giống giống dừa thân cao chủ yếu dùng để ép lấy dầu dừa, sử dụng trong công nghệ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,…
– Nước dừa là loại nước giải khát tự nhiên ngon, bổ, rẻ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể người.
– Vỏ và xơ dừa được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất than củi, bên cạnh đó xơ dừa còn được sử dụng khá phổ biến trong việc làm chất độn phân bón.
– Sọ dừa hay gáo dừa là nguyên liệu để làm nhạc cụ hoặc một số đồ thủ công mỹ nghệ.
– Thân dừa được sử dụng trong xây dựng, điêu khắc chạm trổ,…
– Được trồng để tạo cảnh quan trong các resort, bên bờ biển, trong một số công trình kiến trúc nhà ở.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận chung.
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về cây dừa
1. Thuyết minh về cây dừa, mẫu số 1 (Chuẩn)
Nhắc đến đồng bằng Bắc Bộ, người ta nhớ đến hàng cau cao chót vót thoang thoảng hương thơm. Còn nhắc đến miền đất Nam Bộ, người ta sẽ nghĩ ngay đến cây dừa xanh mát. Cây dừa là loài cây quen thuộc của người dân Việt Nam, là hình ảnh thân thương gắn bó với tuổi thơ biết bao người.
Không ai biết chính xác cây dừa có nguồn gốc từ đâu. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu xác minh dừa là loài cây thuộc họ Cau. Tổ tiên của nó có nguồn gốc từ một đảo nhỏ thuộc Ấn Độ và các quần đảo ở khu vực Đông Nam châu Á. Từ những nơi này, cây dừa trôi theo dòng chảy đại dương bao la hoặc qua tay các nhà thám hiểm đi khắp nơi trên thế giới. Qua thời gian, dừa trở thành loài cây được trồng phổ biến ở nhiều quốc gia, được nhiều người yêu thích.
Dừa phát triển tốt ở điều kiện tự nhiên vùng nhiệt đới, đảo và vùng ven biển. Vì thế, nó được trồng rất nhiều ở các địa danh này. Ở Việt Nam, cây dừa xuất hiện từ khoảng trước công nguyên. Khu vực trồng nhiều dừa nhất là Bến Tre và Bình Định, ngoài ra còn có các đảo lớn nhỏ.
Dừa không có quá nhiều loại. Theo đặc điểm hình thái và mục đích sử dụng, người ta chia dừa thành 2 nhóm: giống cao và giống lùn. Dừa giống cao trưởng thành cao khoảng 12-20m, phát triển nhanh nhưng sau 5-7 năm mới cho trái. Quả to, cùi dừa dày và hàm lượng dầu dừa cao. Dễ trồng, chống chịu tốt.
Dừa giống lùn trưởng thành thường cao dưới 10m, phát triển chậm nhưng khoảng 3-5 năm sau đã ra hoa và kết trái. Quả dừa nhỏ, cùi mỏng, nước nhiều chủ yếu dùng làm nước giải khát. Ngoài 2 nhóm trên, còn có nhiều giống dừa được lai tạo để phù hợp khí hậu và điều kiện gieo trồng từng vùng.
Tuy nhiên, tất cả các giống dừa đều có nhiều đặc điểm chung về hình thái. Thân dừa mọc thẳng, hình trụ, cao khỏe, màu nâu sậm. Trên thâm có nhiều nốt vằn nối tiếp nhau. Lá dừa dạng xẻ thùy, tàu lá dài từ 3-7m và phân thành nhiều lá nhỏ. Lá mọc chủ yếu ở phần đầu ngọn nên đôi khi nhìn xa, cây dừa như một chiếc ô khổng lồ. Theo thời gian, cây phát triển cao lên, lá ở gốc già rồi rụng dần để lại mắt sẹo ở thân cây.
Những bài Thuyết minh về cây dừa hay nhất
Hoa dừa màu trắng ngà, mọc ra thành dẻ nhỏ từ nách lá. Mỗi giống giữa sẽ ra hoa ở từng thời điểm khác nhau nhưng trung bình là khoảng 30 – 40 tháng sau khi trồng. Hoa đực hoa cái sẽ tự thụ phấn hoặc thụ phấn chéo, kết thành quả. Quả dừa mọc theo chùm, chi chít nhau. Mỗi chùm phải có từ mười đến mười lăm quả. Quả dừa có 5 lớp bao bọc lấy nhau. Lớp đầu tiên là lớp vỏ ngoài cùng, cứng và có màu xanh. Phần kế tiếp là lớp xơ, lớp gáo dừa, cùi dừa và nước dừa ở trong cùng. Lúc chưa trưởng thành, cùi dừa mỏng, màu trắng trong. Dần dần chuyển sang màu trắng đục và dày lên lúc dừa già. Lớp xơ sẽ chuyển cứng, hóa gỗ. Rễ dừa là rễ chùm, bám chặt lấy lòng đất hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Ban đầu còn nhỏ, rễ cây màu trắng lớn lên sẽ chuyển sang màu nâu đỏ…
Cách lấy nước dừa thực tế khá phức tạp, nếu không quen thuộc thì sẽ rất khó. Đầu tiên chúng ta phải loại bỏ lớp vỏ bên ngoài và phần xơ dừa. Sau đó chọc vào mắt dừa (phần mềm bên trên) để đặt ống hút vào hoặc lấy nước ra ngoài. Dừa già thì phải chặt bỏ phần vỏ cứng ở đối diện cuống dừa rồi lấy cùi dừa và nước. Tùy từng mục đích sử dụng khác nhau sẽ có cách lấy phần bên trong dừa khác nhau.
Dừa gắn bó với đời sống con người, mang đến rất nhiều công dụng. Mỗi bộ phận của dừa đều có những giá trị khác nhau. Thân cây dùng làm cột chống hoặc chế thành đồ mỹ nghệ và vật liệu trong xây dựng, lá dừa héo khô thì dùng làm chất đốt bảo vệ môi trường. Rễ dừa là nguyên liệu quan trọng để làm các loại thuốc nhuộm, thuốc sát trùng làm sạch miệng hay điều trị bệnh lỵ, đánh răng. Dừa có tán lá xòe rộng nên hay được trồng ở các khu nghỉ dưỡng vừa tạo vẻ đẹp thẩm mỹ vừa dùng che nắng. Có nhiều lợi ích nhất là quả dừa. Nước dừa có vị thơm ngọt, béo ngậy mà không ngán, vừa giải khát vừa đẹp da. Ngoài ra dùng nấu cơm, thổi xôi hay nấu các loại chè, kho thịt cũng cực kỳ ngon. Cùi dừa bào mỏng nấu kèm xôi hay kho thịt mang lại hương vị tuyệt vời cho món ăn. Không những thế, nước dừa dùng làm thạch ăn ngọt ngọt mát lạnh. Mỗi dịp Tết, người ta còn cùi dừa nếp trắng non chế thành nhiều loại mứt màu sắc khác nhau, hương vị tự nhiên ngọt thanh rất hấp dẫn. Dầu dừa nấu từ phần cùi còn là loại mỹ phẩm cực an toàn, dùng dưỡng tóc, dưỡng môi vô cùng hiệu quả…
Chẳng biết tự bao giờ, cây dừa đã trở thành biểu tượng của người dân Việt Nam, trở thành một phần quan trọng của Tổ quốc thân yêu. Nó không chỉ là một loài cây có nhiều ích lợi mà còn mang ý nghĩa như chứng nhân cho sự trưởng thành của biết bao thế hệ, đáng trân trọng và lưu giữ.
2. Thuyết minh về cây dừa, mẫu số 2 (Chuẩn):
“Trên trời có giếng nước trong
Con ong chẳng lọt con kiến chẳng vừa”
Đó là một câu đố rất thú vị mà tôi nghĩ rằng tất cả học sinh chúng ta đều đã ít nhất một lần được nghe qua khi còn học ở bậc tiểu học. Thiết nghĩ trên đời sao lại có loài cây thú vị đến vậy, quả không chứa hạt mà lại chứa thứ nước ngon ngọt, khiến người ta uống một lần rồi là nhớ mãi. Thậm chí trong một bài hát nào đó người ta còn thiết tha mà cất lên rằng “uống nước dừa hay nước mắt quê hương”. Để thấy rằng cây dừa, trái dừa vốn dĩ từ bao đời nay đã trở thành thứ cây, thứ quả thân thiết, gắn bó sâu nặng với con người Việt Nam, tuy không thể sánh với cây tre, nhưng có lẽ ở một phương diện nào đó dừa vẫn được xem là những cây đa, cây lúa trong tâm tưởng người Việt Nam chăng?
Dừa là hay còn có tên khác là cọ dừa, có tên khoa học chính thức là Cocos nucifera Arecaceae, thuộc họ Cau (Arecaceae). Hiện nay các nhà thực vật học vẫn còn rất nhiều tranh cãi về nguồn gốc chính thức của dừa, một số người cho rằng dừa có nguồn gốc ở các nước Đông Nam Á, do dừa mọc và phát triển cực kỳ mạnh mẽ ở nơi đây. Nhưng một số khác lại cho rằng dừa có thể xuất phát từ miền tây bắc Nam Mỹ, thậm chí còn có chứng cứ về hóa thạch của các loài thực vật giống dừa xuất hiện ở New Zealand và Ấn Độ từ hàng chục triệu năm về trước. Một cách giải thích hợp lý được đưa ra rằng, bất kể dừa có nguồn gốc từ đâu thì việc nó có mặt ở nhiều các vùng lục địa trên trái đất là bởi cuộc “di cư” của các trái dừa trên các đại dương. Do tính chất nhẹ, nổi trên mặt nước và không thấm nước, nên khi gặp lục địa và điều kiện thích hợp các trái dừa trôi lênh đênh hàng tháng trên mặt biển vẫn có thể nảy mầm bình thường.
Ở Việt Nam có nhiều giống dừa với các tên gọi khác nhau, thế nhưng chủ yếu phân ra làm hai nhóm lớn là nhóm dừa thân cao và dừa thân lùn. Dừa cao hay còn gọi là dừa thường, cây trưởng thành cao khoảng 12-20m, cá biệt có cây cao tới 30m, tuy tăng trưởng nhanh nhưng cho trái muộn (thông thường khoảng sau 5 đến 7 năm), và đạt năng suất tối đa sau 15-20 năm. Dừa cao cho số lượng trái trên một quầy dừa ít, nhưng quả to, cùi dừa dày và hàm lượng dầu dừa cao (65-70%). Ưu điểm chính là sức chống chịu tốt, dễ canh tác. Một số giống dừa cao được trồng phổ biến ở Việt Nam là: Dừa Ta, dừa Dâu, dừa Lửa, dừa Giấy, dừa Sáp. Dừa lùn cây trưởng thành thường có độ cao dưới 10m, tăng trưởng chậm nhưng mau ra hoa và kết trái sau khoảng 3 đến năm chăm sóc. Số trái trên một quầy nhiều, trái nhỏ, cùi dừa mỏng, dẫn đến hàm lượng dầu thấp, nhưng nước nhiều và ngọt thanh, chủ yếu dùng làm nước giải khát. Tuy nhiên khi canh tác người nông dân cần phải có kỹ thuật bởi các giống dừa lùn có sức chống chịu kém, dễ bệnh và chết. Một số giống dừa lùn phổ biến ở Việt Nam gồm có dừa Xiêm, dừa Tam Quan, dừa Ẻo, dừa Dứa.
Bài văn Thuyết minh giới thiệu về cây dừa quê em
Về đặc điểm sinh học, ngoài khác biệt về chiều cao thì dừa cao và dừa lùn đều có một số điểm chung. Thân dừa là loại thân cột mọc thẳng, thân cứng, cao trong quá trình sinh trưởng không phân nhánh, cũng không có cành. Lá dừa tập trung ở ngọn cây, nên nhiều lúc nhìn từ xa cây dừa giống như một chiếc ô lớn xanh thẫm. Lá dừa xẻ thùy, tàu lá dài từ 3-7m phân thành nhiều lá nhỏ (lá chét) không đối xứng nhau qua gân giữa, các lá chét có màu xanh thẫm, ở giữa cũng có một gân chính. Khi cây cao dần lên thì lá ở gốc già và rụng đi để lại mắt sẹo ở thân dừa. Tùy theo giống dừa mà cây có thời điểm ra hoa và tuổi ra hoa khác nhau, hoa mọc ra từ nách lá thành một dé (quầy), trên đó có cả hoa đực lẫn hoa cái, chúng tự thụ phấn hoặc thụ phấn chéo nhờ động vật hoặc gió. Hoa dừa sau khi được thụ phấn thì khoảng 7-8 tháng sau có thể thu hoạch lấy nước uống. Kích thước trung bình của trái dừa từ 15-20cm, quả hình trứng, có ba cạnh, da có thể mang màu xanh hoặc cam nâu. Dừa là loại quả hạch, sọ cứng được bao bọc bởi một lớp xơ dày, khi già thì cứng và hóa gỗ, bên trong sọ dừa kín là cơm dừa và nước dừa, đây được coi là hai loại thực phẩm sạch số một, bởi nó được bảo vệ một cách kín kẽ bởi sọ dừa. Thậm chí trong một số trường hợp nguy cấp nước dừa còn trở thành dung dịch truyền trong y tế.
Dừa ở hiện nay có mặt ở nhiều nơi trên đất nước ta, bởi nó phù hợp với khí hậu nóng ẩm, và với nhiều loại đất khác nhau, nhưng thích hợp nhất vẫn là loại đất thịt pha cát, đất bồi ven sông, suối, biển, thoát nước tốt. Ở nước ta các tỉnh vùng duyên hải miền Trung, đặc biệt là tỉnh Bến Tre là nơi dừa được canh tác nhiều nhất, trở thành một loại cây có giá trị kinh tế cao và được rất ưa chuộng.
Dừa là thứ cây có nhiều công dụng. Quả dừa cho phần cơm dừa ngọt, bùi dùng để ăn, là nguyên liệu trong công nghiệp thực phẩm tạo ra các sản phẩm như mứt dừa, các loại bánh kẹo có hương vị thơm ngon, béo ngậy. Cơm của giống dừa thân cao chủ yếu dùng để ép lấy dầu dừa, sử dụng trong công nghệ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,… Bên cạnh cơm dừa, thì nước dừa chính là thành phần được ưa chuộng thứ hai, hiện nay ở nước ta nước dừa đã trở thành loại nước giải khát tự nhiên ngon, bổ, rẻ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể người. Nước dừa khi chưa bị bổ ra còn là dung dịch truyền vô trùng thay thế cho dung dịch glucose trong một số trường hợp nguy cấp. Vỏ và xơ dừa được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất than củi, bên cạnh đó xơ dừa còn được sử dụng khá phổ biến trong việc làm chất độn phân bón. Sọ dừa hay gáo dừa là nguyên liệu để làm nhạc cụ hoặc một số đồ thủ công mỹ nghệ. Thân dừa được sử dụng trong xây dựng, điêu khắc chạm trổ,… Ngoài ra dừa còn là một loại cây được trồng để tạo cảnh quan trong các resort, bên bờ biển, trong một số công trình kiến trúc nhà ở.
Như vậy có thể thấy dừa là một loài cây đã gắn bó thân thiết với con người Việt Nam ta từ nhiều đời nay, có nhiều đóng góp quan trọng không chỉ trong khía cạnh kinh tế, cuộc sống mà còn đem lại những giá trị văn hóa tinh thần, làm phong phú thêm đời sống xã hội của nhân dân ta. Với những lợi ích thiết thực như vậy cây dừa đáng được trân trọng và phát triển rộng rãi hơn nữa ở nước ta, đồng thời tạo cơ hội cho các sản phẩm từ dừa vươn ra thị trường nước ngoài đóng góp thêm vào nền kinh tế Việt Nam.
3. Thuyết minh về cây dừa, mẫu số 3:
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết đến cây dừa. Loài cây này rất phổ biến ở nước ta. Nó gắn bó với người dân lao động và trở thành một loài cây thân thuộc, biểu tượng cho những miền quê trù phú của Việt Nam.
Dừa là loài cây thuộc họ cau, có tên gọi khoa học là Cocos nucifera. Hiện nay, người ta vẫn chưa khẳng định chính xác được nguồn gốc của cây dừa. Có ý kiến cho rằng, dừa có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam của châu Á nhưng ý kiến khác lại khẳng định dừa có nguồn gốc từ vùng Tây Bắc của Nam Mĩ. Đây vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi của các nhà học giả. Ngày nay, dừa được trồng nhiều ở những nơi có khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, dừa đã có từ rất lâu đời, nó được trồng nhiều ở vùng lãnh thổ phía nam đặc biệt là ở tỉnh Bến Tre. Nhắc đến Bến Tre là nhắc đến những hàng dừa cao vút, trĩu quả và đây cũng là nơi sản xuất món đặc sản kẹo dừa nổi tiếng.
Thân cây có màu nâu, nó có thể phát triển tới chiều cao 30 m. Bao bọc xung quanh thân dừa là các tàu lá có kích thước khá dài. Trên mỗi tàu lá là các phiến lá màu xanh non, mọc đối xứng nhau qua gân lá tỏa ra các hướng. Khi các tàu lá này khô, chúng chuyển sang màu nâu rồi rụng dần xuống mặt đất. Hoa dừa nhỏ, mọc thành từng chùm và có màu trắng trông rất đẹp mắt. Sau quá trình thụ phấn, những hoa cái sẽ kết thành quả. Quả dừa cũng mọc theo chùm, nhìn từ xa nó trông thật giống với “đàn lợn con” trong câu thơ: “Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Chúng mọc chi chít nhau, trung bình mỗi buồng có khoảng từ mười đến mười lăm quả. Lớp ngoài cùng của quả dừa là lớp vỏ có màu xanh đậm và cứng. Tiếp theo là phần xơ, sau đó là lớp gáo dừa, cùi dừa và cuối cùng là phần nước dừa. Khi còn non, cùi dừa mỏng, có màu trắng trong. Khi già, nó chuyển sang màu trắng đục và trở nên dày hơn. Bộ rễ của dừa là rễ chùm, thích hợp sinh trưởng ở các vùng đất pha cát vì nó có sức chống chịu tốt. Dừa được chia thành nhiều loại như dừa sáp, dừa xiêm, dừa nếp,…Mỗi loại dừa lại có những đặc điểm và hương vị khác nhau. Dừa xiêm có nước rất ngọt, thường dùng để giải khát. Dừa dứa có kích thước quả nhỏ, vị thơm như mùi dứa nên được gọi bằng cái tên thân thuộc này.
Cây dừa có rất nhiều công dụng trong đời sống con người. Có thể nói, tất cả các bộ phận của cây đều được con người sử dụng vào những mục đích khác nhau với tác dụng nhất định. Nước dừa là loại nước giải khát chứa hàm lượng các chất dinh dưỡng cao. Người ta dùng nước dừa làm đồ uống, nước chấm làm cho món ăn thêm đậm đà, béo ngậy. Còn gì tuyệt vời hơn nếu trong ngày hè oi bức có ly nước dừa để xua tan đi mệt mỏi. Nước dừa giàu chất dinh dưỡng nên rất tốt cho da. Người ta sử dụng nước dừa để tắm cho trẻ sơ sinh nhằm mục đích làm trắng da cho trẻ. Lớp cùi dừa được sử dụng trong ẩm thực như một nguyên liệu quen thuộc. Chúng ta có thể thái cùi dừa theo từng khúc nhỏ để kho cùng với thịt hay chế biến nó thành món mứt dừa truyền thống,…Nước cốt dừa được chế biến từ cơm dừa là thành phần không thể thiếu trong các món ăn thịt kho tàu, cá kho, sắn hấp cốt dừa hay các món chè nhằm làm tăng hương vị và sự hấp dẫn cho món ăn ấy. Bên cạnh đó, nước cốt dừa còn được dùng chế biến kẹo dừa. Đây được coi là đặc sản của vùng đất Bến Tre. Kẹo dừa có vị ngọt thanh và rất thơm, thu hút bao du khách khi họ mua về làm quà tặng cho người thân, bạn bè.
Dầu dừa có tác dụng dưỡng da, làm cho làn da trở nên mịn màng. Ngoài ra nó cũng được dùng để dưỡng tóc giúp tóc khỏe, óng mượt hơn và chống rụng tóc. Gáo dừa được sử dụng làm gáo múc nước hay những đồ thủ công trang trí, làm đẹp cho không gian sống. Phần xơ dừa được sử dụng làm dây thừng hoặc làm nhiên liệu trong sản xuất than củi. Ngoài ra, người ta còn dùng xơ dừa để trồng cây nhằm kích thích sự phát triển của rễ cây được trồng.
Thân dừa khỏe và chắc chắn nên được dùng để dựng nhà hay làm cầu để người dân di chuyển qua lại trên các con kênh, con rạch một cách thuận tiện. Rễ dừa phơi khô có thể làm củi đun. Tàu dừa cũng góp phần công dụng không nhỏ trong đời sống con người, nó được dùng để lợp mái nhà, đun nấu. Người ta kết lá dừa thành những chiếc túi, chiếc giỏ vô cùng xinh xắn. Họ còn lấy lá dừa để làm chổi, những đứa trẻ thì kết lá dừa thành con châu chấu để vui đùa. Hoa dừa dùng để trang trí làm tăng tính thẩm mĩ cho không gian. Những con đuông dừa sống trên cây trở thành món ăn bổ dưỡng, hấp dẫn đối với những người yêu thích ẩm thực.
Như vậy, cây dừa có rất nhiều công dụng đối với cuộc sống của con người. Nó gắn bó gần gũi với mỗi chúng ta và trở thành hình ảnh đi vào trong thơ ca nhạc họa một cách tự nhiên nhất. Dừa không chỉ đơn thuần là một loài cây phục vụ nhu cầu sinh hoạt của con người mà còn là loài cây biểu tượng cho sức sống con người Việt Nam.
———————-HẾT———————–
Thuyết minh là dạng đề quen thuộc trong nội dung tập làm văn lớp 8, 9. Để rèn luyện kĩ năng viết văn thuyết minh cho mình, bên cạnh bài Thuyết minh về cây dừa, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu đặc sắc khác như: Thuyết minh về cây tre,Thuyết minh về cây phượng,Thuyết minh về cây lúa Việt Nam, Thuyết minh về cây hoa đào, Thuyết minh về cây chè , Hãy viết một bài văn để thuyết minh về vai trò của cây cối trong việc bảo vệ môi trường sống.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)