Đề bài: Tả quả măng cụt
This post: Tả quả măng cụt
Tả quả măng cụt
I. Dàn ý Tả quả măng cụt (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về quả măng cụt mà em định tả (Em đã được ăn măng cụt hay nhìn thấy quả măng cụt ở đâu?)
2. Thân bài
– Hình dáng, kích thước quả măng cụt: quả hình tròn, nhỏ chỉ bằng khoảng một nắm tay trẻ em
– Đặc điểm bên ngoài vỏ
+ Vỏ có màu nâu đậm (nâu tím), cuống và tai gần cuống màu xanh, nâu nhạt
+ Vỏ dày và cứng, trơn nhẵn, dùng tay bóp mạnh hoặc phải lấy dao cắt đôi
+ Trên cuống có 4 đến 5 tai cứng khum khum chụm vào cuống tạo thành hình như một bông hoa
– Đặc điểm ruột bên trong:
+ Ruột chia thành các múi nhỏ như múi cam, quýt, múi to nhỏ khác nhau, không đồng đều.
+ Ruột màu trắng, mềm nhiều nước, có hạt cứng màu đen bên trong, số lượng hạt ít, quả chỉ có từ 1 đến 2 hạt.
– Hương vị và cách ăn:
+ Quả măng cụt ngọt và nhiều nước,
+ Hương thơm nhẹ, đậm vị, mềm dễ ăn
3. Kết bài
Nêu cảm nghĩ của em về quả măng cụt
II. Bài văn mẫu Tả quả măng cụt
1. Tả quả măng cụt, mẫu 1 (Chuẩn)
Hôm nay em sẽ giới thiệu với mọi người một loại quả có tên rất đáng yêu, loại quả này chỉ có ở trong miền Nam chứ miền Bắc không thể trồng được, đó chính là quả măng cụt.
Quả măng cụt có hình dáng tròn nhỏ bằng khoảng một quả bóng bàn, tròn xoe và có phần cuống nhô lên cao. Vỏ bên ngoài của quả măng cụt có màu tím sẫm pha với chút màu nâu nhưng khi nhìn phần vỏ bên trong ôm lấy phần ruột quả thì lại có màu đỏ như rượu vang. Vỏ quả măng cụt rất dày so với kích thước nhỏ bé của chúng, phải dày và cứng để bảo vệ được phần ruột quả rất mềm kia, phần vỏ này cứng và chát nên phải dùng dao loại bỏ. Khi ta dùng dao khoanh một vòng tròn theo chiều ngang của quả rồi tách ra, sẽ nhìn thấy phần ruột quả chín mềm màu trắng như sữa ở bên trong. Phần ruột này rất thơm, mềm và mọng nước.
Giống như quả cam, quả quýt, quả măng cụt cũng chia múi, một quả có từ 5 đến 6 múi, nhưng lại có múi to múi bé, không đồng đều. Hạt của măng cụt khá to, bằng hạt quả hồng xiêm hoặc nhỏ hơn, hạt khá cứng. Em rất thích ăn quả măng cụt vì vị ngọt thanh, mọng nước rất dễ ăn, một lúc có thể ăn vài quả.
Quả măng cụt trông nhỏ bé và xấu xí không đẹp mắt nhưng lại giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, phù hợp cho mọi lứa tuổi, các bạn hãy thử ăn quả măng cụt nhé.
2. Tả quả măng cụt, mẫu 2 (Chuẩn)
Trước khi được nhìn tận mắt và được ăn quả măng cụt em luôn tưởng tượng đến măng tre, mà măng thì phải là củ chứ sao lại gọi là quả được. Cuối cùng em đã hiểu tại sao lại gọi là quả măng cụt.
Nguồn gốc tên gọi của măng cụt là tên tiếng Thái Mangkut, người Việt ta gọi lái sang tiếng Việt là măng cụt. Lần đầu em nhìn thấy quả măng cụt lại một sạp bán hoa quả ven đường, em hỏi mẹ “Sao quả cà tím lại bán chung với hoa quả thế này”, thế là mẹ em và cô bán hoa quả đều cười, bảo rằng đó là quả măng cụt ăn rất ngon. Em muốn ăn thử nên đã xin mẹ mua cho vài quả.
Quả măng cụt nhỏ vừa lòng bàn tay của em, vỏ của nó cứng và hơi sần sùi. Phần cuống của nó có thêm 4 đến 5 tai cứng màu xanh, nhìn chúng giống như những cánh hoa nhưng lại úp mặt xuống phía dưới. Phía dưới chôn quả cũng có hình như một bông hoa rất lạ mắt, em rất tò mò không biết loại quả này ăn sẽ như thế nào. Phần vỏ của quả măng cụt trông thế mà rất dày và cứng, loại quả này không có nhựa. Phần ruột của măng cụt trông giống như một bàn tay mũm mĩm trắng trẻo đang chụm lại. Nó chia thành nhiều múi, có múi to, múi nhỏ giống như ngón tay có ngón to, ngón nhỏ. Đa phần các múi to sẽ có chứa hạt ở bên trong, hạt của nó to và khá cứng.
Đối với em, em thấy ăn măng cụt rất ngon, dễ ăn và cũng có mùi thơm nhẹ nữa. Sau khi biết loại quả này cũng rất tốt cho sức khỏe em lại càng yêu thích hơn.
3. Tả quả măng cụt, mẫu 3 (Chuẩn)
Các bạn đã từng được ăn thử loại trái cây được ví là nữ hoàng trái cây hay chưa. Tuy gọi là nữ hoàng trái cây nhưng loại quả này cũng khá bình dân, chỉ là không phổ biến ở miền Bắc chúng ta, đó là quả măng cụt.
Măng cụt là loại hoa quả của miền nhiệt đới, được trồng nhiều ở phía đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Loại quả này khi còn non có vỏ màu xanh nhưng khi chín vỏ của nó sẽ chuyển sang màu tím hoặc tím nâu sậm. Một quả măng cụt khi đã chín chỉ to bằng quả cam nhỏ hoặc quả quýt. Trên đầu chúng có đội một chiếc mũ được làm từ những cánh tai bao quanh phần cuống nhô lên, cuống và tai màu xanh rất nổi bật.
Không giống như quả ổi có thể ăn cả vỏ và quả cam, quýt chỉ phải bỏ đi lớp vỏ mỏng, vỏ của măng cụt rất dày và cứng, phải dùng dao tách ra. Sau khi tách ra ta sẽ thấy một bất ngờ, đó là ruột bên trong quả măng cụt có màu trắng muốt như bông, các múi căng mọng, to nhỏ khác nhau chụm lại trông rất xinh xắn, mũm mĩm và đáng yêu. Tách từng múi măng cụt rồi ăn bạn sẽ thấy chỉ một múi nhỏ đã cho ta cảm nhận vị ngọt mát, thơm nức mũi và rất ngon miệng. Măng cụt là loại quả lành, giàu dưỡng chất và tốt cho sức khỏe, vì thế các bạn có thể ăn thường xuyên cùng nhiều loại hoa quả khác cũng rất tốt.
Em rất mong muốn có cơ hội được vào những miệt vườn hoa trái của miền Nam, nhất là được đi trong vườn măng cụt, tận hưởng những quả măng cụt chín cây, chắc chắn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời.
—————-HẾT—————–
Bên cạnh bài Tả quả măng cụt, các em và phụ huynh có thể tham khảo thêm nhiều bài văn miêu tả loại quả khác như: Tả quả cam, Tả quả mít, Tả quả chuối, Tả quả xoài. Hy vọng các bài viết này sẽ giúp các em học sinh rèn luyện viết văn miêu tả, ngôn ngữ và cách miêu tả sao cho hay và hấp dẫn.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục