Đề bài: Tả lại hình tượng thầy Ha-men trong truyện Buổi học cuối cùng
This post: Tả lại hình tượng thầy Ha-men trong truyện Buổi học cuối cùng
Tả lại hình tượng thầy Ha-men trong truyện Buổi học cuối cùng
I. Dàn ý Tả lại hình tượng thầy Ha-men trong truyện Buổi học cuối cùng (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu tác phẩm “Buổi học cuối cùng” và hình tượng của thầy Ha-men
2. Thân bài
a. Hoàn cảnh của buổi học cuối cùng
– Là buổi học tiếng Pháp cuối cùng ở vùng An-Dát và Lo-ren bởi vì quân Đức đã giành chiến thắng trong cuộc xâm lược
– Từ ngày mai ngôi trường và thầy giáo sẽ phải dạy tiếng Phổ cho các học sinh
– Không khí buổi học trang nghiêm, xúc động đầy tiếc nuối
b. Hình tượng thầy Ha-men trong buổi học cuối cùng
– Trang phục của thầy trong buổi học cuối: trang trọng như đi dự hội nghị, tiếp thanh tra => đây là buổi học quan trọng
– Thái độ đối với học sinh: dịu dàng, ân cần, giảng bài nhiệt huyết như muốn dạy hết tất cả.
– Điều tâm niệm của thầy: ngôn ngữ của dân tộc là tải sản quý giá và là chìa khóa để mở cửa ngục tù, thoát khỏi kiếp nô lệ => thể hiện lòng yêu nước sâu sắc, tự hào về tiếng nói của dân tộc.
– Hình ảnh cảm động khi thầy Ha-men viết lên bảng “Nước Pháp muôn năm!”: nỗi đau đớn, sự xúc động cực điểm => hành động và cử chỉ khác thường: người tái nhợt, nghẹn ngào, đầu dựa vào tường giơ tay ra hiệu cho học sinh
3. Kết bài
Đánh giá nhân vật thầy Ha-men, nêu cảm nghĩ của em về thầy giáo yêu nước Ha-men
II. Bài văn mẫu Tả lại hình tượng thầy Ha-men trong truyện Buổi học cuối cùng (Chuẩn)
Truyện ngắn “Buổi học cuối cùng” của nhà văn Pháp An-phông-xơ Đô-đê được sáng tác trong bối cảnh Pháp thất bại trong cuộc chiến tranh Pháp- Phổ. Hai vùng An-dát và Lo-ren bị nhập vào nước Phổ (Đức), từ đây người dân và học sinh chỉ được học và nói tiếng Phổ. Thầy giáo Ha-men trong truyện đã có buổi dạy tiếng Pháp cuối cùng của mình, một buổi học đầy xúc động và tiếc nuối. Hình tượng thầy Ha-men không chỉ là một thầy giáo yêu nghề mà còn rất yêu nước, yêu ngôn ngữ và tiếng nói của dân tộc, thầy đã khẳng định chân lý rằng chỉ có tiếng nói của dân tộc mới giúp các nước thuộc địa thoát khỏi kiếp nô lệ.
Trong buổi học cuối cùng của thầy Ha-men mọi thứ dường như trở nên trang trọng, nghiêm túc và xúc động lạ thường. Trong lớp học không chỉ có những học sinh quen thuộc mà còn có cả người dân trong làng, xã trưởng, bác phát thư và cả nhiều người khác. Mọi người đến đây để được lắng nghe buổi dạy tiếng Pháp cuối cùng trên chính quê hương nước Pháp của mình. Họ luyến tiếc và đau buồn khi hai vùng An-dát và Lo-ren đã bị nước Phổ xâm chiếm, từ ngày mai ngôi trường này và thầy giáo sẽ phải dạy tiếng Đức cho các học sinh, con em họ sẽ chẳng còn được học tiếng Pháp nữa và chính họ cũng phải học thứ ngôn ngữ của kẻ thù. Việc đến lớp học ngày hôm nay cũng chính là lời cảm ơn tới thầy giáo Ha-men trong suốt hơn 40 năm qua.
Thầy Ha-men hôm ấy cũng mặc trang phục khác hẳn ngày thường, thầy mặc chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn, chiếc mũ lụa đen thêu, đây là những trang phục sang trọng, chỉ dành cho “hôm có thanh tra hoặc phát phần thưởng”. Với cách ăn vận trang phục như vậy thầy Ha-men thể hiện rằng đây là một buổi học có ý nghĩa rất quan trọng. Theo lời kể của cậu bé Phrăng thì ngày thường thầy Ha-men hay quở mắng, giận dữ khi các em đi học trễ hoặc không thuộc bài. Thế nhưng hôm nay thầy Ha-men lại vô cùng dịu dàng, chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng chứ không hề trách mắng Phrăng khi cậu đi học trễ. Thầy chỉ mong các học sinh của mình sẽ trân trọng và hết sức chú ý vào buổi học tiếng Pháp cuối cùng này. Bằng giọng điệu trầm ấm, lời giảng giải nhiệt tình, sâu sắc, thầy Ha-men chỉ ra những sai lầm của cả thầy, trò và cả cha mẹ phụ huynh khi đã không coi trọng việc học tiếng dân tộc, tất cả sẽ bị sỉ nhục bằng câu nói “Các người tự nhận là dân Pháp, vậy mà các người chẳng biết đọc, biết viết tiếng của các người!”. Thầy đã dốc hết những hiểu biết của mình, tình yêu của mình với tiếng nói dân tộc để truyền đạt cho học sinh, những lời ấy sâu sắc và tha thiết găm sâu vào tiềm thức của những đứa trẻ.
Điều tâm niệm của thầy Ha-men chính là ngôn ngữ của dân tộc, là tài sản quý giá và là chìa khóa để mở cửa ngục tù, thoát khỏi kiếp nô lệ. “Thầy Ha-men đứng lặng im trên bục…ngôi trường bé nhỏ của Thầy”, thầy đã phải đau lòng biết mấy khi sắp phải giã từ nơi thân thuộc, rời xa nơi này mãi mãi. Thế rồi dù đau đớn, xúc động trào dâng khi chuông điểm mười hai tiếng, thời gian kết thúc buổi học đã đến, thầy vẫn can đảm, cố gắng viết lên bảng dòng chữ thật to “Nước Pháp muôn năm”, thầy đã kiệt sức, bất lực, dựa đầu vào tường vẫy tay ra hiệu cho học sinh. Hình ảnh này của thầy Ha-men thật khiến học sinh cũng như người đọc cảm động, một người thầy lớn lao đã dành cả cuộc đời cho tiếng dân tộc, đến bây giờ lại phải kết thúc ở đây, tại buổi học cuối cùng này.
Nhân vật thầy Ha-men được tác giả xây dựng rất thành công, qua hình tượng của thầy Ha-men người đọc đã cảm nhận được ý nghĩa của tiếng dân tộc trong các cuộc đấu tranh giành độc lập tự do. Khơi dậy lòng tự hào, yêu nước thiêng liêng trong mỗi con người, nếu để kẻ thù xâm lược đồng hóa bằng ngôn ngữ của chúng thì dân tộc ấy sẽ bị diệt vong. Hãy tự hào về người Việt Nam ta khi trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc nhưng vẫn không mất đi cái gốc tiếng Việt, ngược lại còn dùng tiếng Hán để làm giàu thêm ngôn ngữ của mình.
—————-HẾT————–
Trên đây là mẫu bài văn tả hình tượng nhân vật trong các tác phẩm, cụ thể là nhân vật Ha-men trong truyện “Buổi học cuối cùng”. Các em có thể tham khảo các bài liên quan đến tác phẩm này như: Phân tích tác phẩm Buổi học cuối cùng, Tóm tắt bài Buổi học cuối cùng, Sơ đồ tư duy buổi học cuối cùng, Kể sáng tạo truyện Buổi học cuối cùng.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục