Đề bài: Tả chiếc trống đồng Đông Sơn
This post: Tả chiếc trống đồng Đông Sơn
Tả chiếc trống đồng Đông Sơn
I. Dàn ý Tả chiếc trống đồng Đông Sơn (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về chiếc trống đồng Đông Sơn
2. Thân bài
a. Khát quát về nguồn gốc lịch sử của trống đồng Đông Sơn
– Thuộc nền văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ
– Các trống đồng Đông Sơn hiện còn được lưu giữ tại các bảo tàng lịch sử trong và ngoài nước.
b. Tả chi tiết các đặc điểm của trống đồng Đông Sơn
– Trống được đúc bằng đồng với khuôn hai mảnh
– Kích thước khá lớn, trung bình đường kính mặt trống gần 90 xăng ti mét, chiều cao trống trên dưới 60 xăng ti mét, nặng gần 100 ki lô gam.
– Hình dáng: phình ra hai đầu và thắt lại ở giữa, tang trống phía trên hình nón cụt, chân trống hình phễu, ở giữa hình trụ tròn.
– Trên mặt và thân trống được chạm khắc nhiều hình hoa văn, quai trống làm giống dây thừng bện.
c. Công dụng và ý nghĩa của trống đồng Đông Sơn
– Trống đồng được sử dụng như một nhạc khí, dùng trong các dịp lễ quan trọng, diễn cùng với dàn nhạc.
– Thời xưa trống đồng tượng trưng cho quyền lực của quân đội, tiếng trống báo hiệu ra trận.
3. Kết bài
Nêu cảm nghĩ của em về chiếc trống đồng Đông Sơn
II. Bài văn mẫu Tả chiếc trống đồng Đông Sơn
1. Tả chiếc trống đồng Đông Sơn, mẫu 1 (Chuẩn)
Trong chuyến đi tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội em đã có dịp được tận mắt chiêm ngưỡng chiếc trống đồng Đông Sơn, đó là một cổ vật vô cùng quý giá của dân tộc ta.
Chiếc trống đồng có lịch sử từ rất lâu đời, vì thế trông nó rất khác lạ so với những chiếc trống hiện đại ngày nay. Ấn tượng đầu tiên của em khi nhìn thấy chiếc trống đó là hình dáng và kích thước của trống. Đa số các trống khác phình ra ở giữa nhưng trống đồng Đông Sơn lại phình ra ở hai đầu và thu hẹp lại ở giữa. Hình dáng khá đặc biệt này của trống khiến em tò mò về âm thanh của trống khi được đánh. Tuy nhiên chiếc trống Đông Sơn được đúc hoàn toàn bằng đồng vô cùng chắc chắn và nặng gần 100 ki lô mét nên âm thanh của nó vô cùng vang và đanh.
Đứng từ xa nhìn qua tấm kính em vẫn nhìn rõ những hoa văn tinh xảo được chạm khắc trên phần mặt và thân trống. Trên mặt trống có các hoa văn hình ngôi sao, hình chim bay được bố trí đối xứng theo vòng tròn từ trong ra ngoài trông rất đều và đẹp mắt. Phần thân có quai trống bện giống như dây thừng, trên thân trống chạm khắc các hình người múa vũ nghệ, hình thuyền. Thông qua những hoa văn trang trí trên chiếc trống đồng Đông Sơn em có thể cảm nhận được những giá trị văn hóa mà người thời xưa muốn ghi dấu lại trên chiếc trống, đó là đời sống vui vẻ, có lao động có vui chơi.
Hình ảnh chiếc trống đồng Đông Sơn thật ấn tượng khiến cho người xem như em hay bất kì ai đều không thể quên dù chỉ nhìn thấy một lần. Em cảm thấy rất tự hào về nền văn hóa của cha ông ta từ thời xa xưa.
2. Tả chiếc trống đồng Đông Sơn, mẫu 2 (Chuẩn)
Một trong những cổ vật hiện còn của nền văn hóa lâu đời xa xưa trong lịch sử người Việt ta đó chính là những chiếc trống đồng Đông Sơn.
Hiện nay để có thể nhìn tận mắt chiếc trống đồng Đông Sơn phải đến các viện bảo tàng, hoặc có thể xem trống đồng Đông Sơn qua tranh ảnh, phim tài liệu nói về trống đồng Đông Sơn. Trong số các loại trống của nhiều giai đoạn lịch sử và nền văn hóa dân tộc khác nhau, trống đồng Đông Sơn vẫn là loại trống đặc biệt và bền nhất. Cho đến ngày nay vẫn tồn tại những chiếc trống từ thời xa xưa, màu sắc có thể đã kém đi nhưng những chi tiết hoa văn và hình dáng kích thước vẫn còn nguyên vẹn.
Các hoa văn chạm khắc trên trống đồng đa số liên quan đến đời sống sinh hoạt của con người thời cổ, các biểu tượng này được thể hiện thành vòng tròn, các vòng tròn đồng tâm trên mặt trống cách đều nhau. Ở giữa mặt trống là hình ngôi sao nhiều cánh tỏa ra xung quanh giống như tượng trưng cho mặt trời tạo nên sự sống cho vạn vật. Từ thời xa xưa ông cha ta đã đúc nên được một chiếc trống hoàn toàn bằng đồng bền chắc cho đến tận ngày nay cho thấy ngoài việc lo sản xuất phục vụ cuộc sống ấm no, con người thời kì này đã nghĩ đến sản phẩm để vui chơi, giải trí, hướng đến cuộc sống sung túc, vui vẻ.
Trống đồng được sử dụng như một nhạc khí, dùng trong các dịp lễ quan trọng, diễn cùng với dàn nhạc. Trống có thể dùng để đánh một mình nhưng cũng có thể kết hợp trong dàn nhạc với nhiều loại nhạc cụ khác nhau.
Thế hệ trẻ chúng em tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa và lịch sử dân tộc. Trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ những giá trị văn hóa đó qua việc bảo tồn các sản vật như chiếc trống đồng Đông Sơn.
3. Tả chiếc trống đồng Đông Sơn, mẫu 3 (Chuẩn)
Quê hương em ở Đông Sơn, Thanh Hóa, em rất tự hào vì quê hương mình là vùng đất cổ trong lịch sử dân tộc nơi có chiếc trống đồng Đông Sơn đại diện cho nền văn hóa Đông Sơn.
Em may mắn là con em của quê hương Đông Sơn, chính vì thế em rất quan tâm và yêu thích tìm hiểu về trống đồng Đông Sơn. Những chiếc trống đồng Đông Sơn cổ chỉ còn lại trong các bảo tàng lịch sử, tuy nhiên vẫn có thể nhìn tận mắt sờ tận tay những chiếc trống đồng Đông Sơn hiện đại ngày nay. Những chiếc trống đồng Đông Sơn ngày nay vẫn giữ nguyên hình dáng, lối kiến trúc hoa văn và chất liệu làm trống như thời xưa. Hình dáng trống vẫn là mở rộng về phía mặt và đáy trống, thu hẹp lại ở phần thân trống.
Trống đồng được đúc từ đồng chính vì thế nó có màu đồng đặc trưng, những hoa văn được chạm khắc trên mặt trống nổi vân sáng bóng, rõ nét. Những nét chạm khắc có hình khối rõ ràng, hình con người gắn với cuộc sống sinh hoạt. Nổi bật và đặc trưng nhất của mỗi chiếc trống đồng Đông Sơn đó là hình ngôi sao nhiều cánh ở trung tâm mặt trống. Ngôi sao này biểu tượng cho mặt trời và cũng liên quan đến tục thờ thần mặt trời của người xưa. Phần thân của trống đồng có ít họa tiết hơn, chủ yếu là các họa tiết to như hình con vật, chiếc thuyền. Nổi bật ở phần thân là quai trống, quai được thiết kế vòng cung như tai của cốc, chén nhưng họa tiết xoắn bện nhau nhau như chiếc dây thừng. Chiếc trống đồng to và nặng nhưng phần quai lại nhỏ bé hơn hẳn so với kích thước trống.
Ngày nay trống đồng Đông Sơn vẫn được đúc và bán ra thị trường rất phổ biến, mọi người sử dụng trống đồng như một món quà giá trị, nhạc cụ thiêng liêng và giàu ý nghĩa lịch sử.
—————–HẾT——————–
Đối với các bài văn miêu tả đồ vật, các em cần tập trung miêu tả về hình dáng nhận biết, đặc điểm cấu trúc và giá trị sử dụng của đồ vật đó. Mời các em cùng tham khảo chi tiết cách làm bài văn miêu tả đồ vật trong các bài sau: Tả chiếc đèn bàn, Tả chiếc đồng hồ đeo tay, Tả chiếc áo đồng phục, Tả chiếc xe đạp của em.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục