Giáo dục

Suy nghĩ về thân phận Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

    Suy nghĩ về thân phận Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều để thấy được bi kịch cuộc đời nàng, đức hy sinh của Kiều và niềm cảm thương sâu sắc của Nguyễn Du trước thực trạng con người bị hành hạ, bị chà đạp

Đề bài:

This post: Suy nghĩ về thân phận Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

Trình bày suy nghĩ của em về thân phận Thuý Kiều trong đoạn trích
Mã Giám Sinh mua Kiều
của Nguyễn Du.

***

Hướng dẫn làm bài nêu suy nghĩ về thân phận Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

1. Phân tích đề

– Yêu cầu đề bài: nêu suy nghĩ của bản thân về thân phận Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.

– Đối tượng làm bài: thân phận Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.

2. Các luận điểm chính cần triển khai

Luận điểm 1: Hình ảnh của Thúy Kiều trước khi gia đình gặp biến cố

Luận điểm 2: Hình ảnh tội nghiệp của Thúy Kiều trong cuộc trao đổi, mua bán

Luận điểm 3: Niềm cảm thương sâu sắc của tác giả trước thực trạng con người bị hành hạ, bị chà đạp

3. Lập dàn ý

a) Mở bài

– Giới thiệu đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

– Giới thiệu hoàn cảnh của nhân vật Thúy Kiều: bán mình để chuộc cha và em trai.

b) Thân bài

* Hình ảnh của Thúy Kiều trước khi gia đình gặp biến cố

– Vốn sinh ra trong một gia đình trung lưu lương thiện, sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”

– Một buổi chiều xuân đi tảo mộ, nàng có hai cuộc gặp gỡ đầy định mệnh. Một là số phận bi kịch của Đạm Tiên như thầm dự báo trước tương lai của Kiều, cuộc gặp sau là niềm đam mê, hạnh phúc với chàng Kim Trọng tài hoa.

– Trước biến cố của gia đình, nàng hi sinh và bán mình chuộc cha, từ bỏ tất cả để trở thành món hàng mua bán với gã con buôn đê tiện Mã Giám Sinh.

* Hình ảnh tội nghiệp của Thúy Kiều trong cuộc trao đổi, mua bán

– Tình cảnh tội nghiệp của Thúy Kiều

+ Nàng là một món hàng để người ta trao đổi, mua bán

+ Ý thức được nhân phẩm.

– Nỗi đau đớn, tái tê

+ Buồn rầu, tủi hổ, ngại ngùng

+ Ê chề trong cảm giác thẹn với lòng.

+ Đau đớn khi tình duyên tan vỡ.

+ Uất hận khi gia đình bị vu oan.

+ Tâm trạng đau khổ, xấu hổ, đau đớn.

* Tấm lòng của tác giả

– Khinh bỉ, căm phẫn tố cáo thế lực vì đồng tiền mà chà đạp lên nhân phẩm của con người.

– Tác giả có cái nhìn cảm thông, thương cảm với số kiếp “hồng nhan bạc mệnh” của Thúy Kiều.

=> Tác giả thể hiện niềm cảm thương sâu sắc trước thực trạng con người bị hành hạ, bị chà đạp.

=> Hóa thân vào nhân vật để nói lên nỗi tủi hổ, đau đớn của Kiều.

* Đặc sắc nghệ thuật:

– Sử dụng hình ảnh tương trưng, ước lệ.

– Dùng bút pháp tả thực để khắc họa, miêu tả và xây dựng nhân vật.

c) Kết bài

– Khái quát thân phận của Thúy Kiều: Nguyễn Du đã cho người đọc thấy phần nào số phận ai oán, bi thương của Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.

Xem thêm: Dàn ý phân tích chân dung Mã Giám Sinh và nội tâm Thúy Kiều

4. Sơ đồ tư duy

Văn mẫu tham khảo suy nghĩ về thân phận Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

Bài văn mẫu 1:

Nói đến Truyện Kiều là nói đến quyền sống con người bị chà đạp oan uổng. Tiêu biểu nhất cho tình trạng bị chà đạp có lẽ là đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều, trong đó, Kiều bị xem như một đồ vật. Đoạn văn đã thể hiện tài quan sát tinh vi, tài miêu tả sinh động và nhất là thể hiện tấm lòng yêu đời, thương đời của Nguyễn Du.

Sau khi quyết định bán mình chuộc cha. Kiều nhờ mụ mối dắt người mua đến. Đây là cảnh Mã Giám Sinh đến tự giới thiệu và mua người. Đặc sắc thứ nhất trong cảnh mua người này là hình ảnh kẻ mua người. Bao nhiêu khinh bỉ, ghê tởm đối với bọn buôn người, Nguyễn Du dồn vào việc khắc họa nhân vật Mã Giám Sinh: Y xuất hiện trước người đọc bằng mấy câu đối đáp cộc lốc của một kẻ hoàn toàn vô giáo dục:

Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh

Hỏi quê, rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần.

Thường người có giáo dục, khi được hỏi vấn danh, một nghi thức dạm hỏi, thì người được nói phải tự xưng là “tiểu sinh”, “vãn sinh” hoặc một cách gọi nào tỏ ý khiêm nhường. Đằng này Mã Giám Sinh nói trống. Lại nữa Mã Giám Sinh lại không phải là tên. Rõ ràng là trả lời qua quýt, để che giấu tông tích. Còn hỏi quê thì Mã đã nói dối. Y ở Lâm Tri lại nói chệch là Lâm Thanh, để đánh lừa.

Về ngoại hình nhà thơ chú ý tính chất không ra dáng trượng phu của Mã. Tuổi ngoại tứ tuần, tức là đã qua cái tuổi đi hỏi vợ, nhưng cạo sửa mặt mày ra vẻ trai tơ với áo quần bảnh bao kiểu chú rể, không tương xứng chút nào.

Về cử chỉ thì Mã cùng lũ đầy tớ là một bọn hạ lưu, không tôn ti trật tự, cho nên: “Trước thầy sau tớ xôn xao”, âm thanh mạnh ai nấy nói, chẳng ai nhường ai. Đi vào vấn danh mà cũng không giữ được một chút trang nghiêm lễ độ. Đặc biệt ghê tởm là Mã tự cho mình cái quyền “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, chướng tai gai mắt. Điều đó chỉ có thể giải thích là vì y cậy thế có tiền!

Toàn bộ cách ăn nói, cử chỉ, đứng gồi, ăn mặc đều chứng tỏ Mã Giám Sinh là một đứa vô loài, bất nhân. Nhưng bản chất tàn bạo, thô lỗ của kẻ có tiền Mã Giám Sinh bộc lộ rõ nhất trong cảnh mua người. Khi mụ mối giục Kiều bước ra cho khách xem mặt, thì Mã đã xem xét kĩ lưỡng như xem một đồ vật:

Mối càng vén tóc bắt tay 

Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai.

Vén tóc, bắt tay là cách giới thiệu hàng cho khách xem rất kĩ. Chưa đủ, Mã còn:

“Đắn đo cân sắc, cân tài. 

Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ”.

Mã còn thử xem Kiều có tài thật không, ép nàng đánh đàn, làm thơ cho hắn thấy. Hài lòng với Kiều, Mã mới bắt đầu ngã giá.

Cò kè bớt một thêm hai

Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.

Có hai chi tiết đáng chú ý: “cò kè” thêm bớt rất chi li, và “giờ lâu” tức là mất nhiều thì giờ lắm hắn mới ngã ngũ cái giá hơn 400 lạng. Mã không hề có cảm giác xúc động trước sắc tài của Kiều, trước sau hắn chỉ tính toán có một lỗ lãi, kiếm giá hời! Trong văn học Việt Nam không đâu có một cảnh mua người cụ thể, lạnh lùng, tàn nhẫn như vậy.

Nhưng số phận, tình cảm người bị bán như thế nào? Nhà thơ đã hết lòng thông cảm với nỗi đau của cô gái trẻ phải bán mình chuộc cha. Vừa tức cho cái oan của gia đình, cho đến cái cảm giác thẹn thùng sượng sùng phải chường mặt cho khách xem mặt. Khách bảo gì cô cũng phải làm mà tấm lòng thì sầu thảm như đưa ma cho tuổi trẻ mình. Nhà thơ không nói nhiều, chỉ ba nét:

“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà, 

Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng, 

Ngại ngùng dợn gió e sương, 

Ngừng hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày”; 

“Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai” là đã nói lên toàn bộ nỗi khổ đau, xấu hổ, tủi nhục của Kiều. Đây là bức tranh chiến thắng của đồng tiền trước tài sắc con người. Câu kết vừa là sự thật phũ phàng, vừa là một lời mai mỉa:

“Tiền lưng đã có việc gì chẳng xong!”.

Tóm lại, đoạn văn đã thể hiện sâu sắc thảm cảnh của con người, và nỗi lòng đau đớn, thông cảm của Nguyễn Du. Đoạn văn thể hiện một tài nghệ quan sát tinh tế, khắc họa sinh động. Nguyễn Du vĩnh viễn hoá một cảnh tủi nhục của con người để muôn đời ghi nhớ, nhằm tố cáo các thế lực tàn bạo, và đấu tranh cho nhân phẩm của con người.

>> Những bài văn hay phân tích nhân vật Mã Giám Sinh trong Mã Giám Sinh mua Kiều

Bài văn mẫu 2:

Nguyễn Du được tôn vinh không chỉ đơn thuần vì tài năng mà ở tấm lòng của ông với những kiếp sống bị đoạ đày, đau khổ. Trái tim nhỏ bé của nhà văn đập bởi nhịp đập của quần chúng cần lao, để mỗi ngày sống qua, mỗi cảnh trông thấy đều khiến cho nhà thơ “thêm đau đớn lòng“. Mà dù thời đại nào, hoàn cảnh nào, người đau khổ nhất trong những người đau khổ vẫn là người phụ nữ. Lòng nhân hậu của bậc thiên tài đã giúp ông hiểu sâu sắc được nỗi bất hạnh muôn đời của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến thối nát, để thốt lên đầy xót xa, ai oán trong thơ của mình:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Thuý Kiều là một trong những nhân vật có số phận như vậy. Trong Truyện Kiều của ông, nàng hiện thân cho những kiếp “hồng nhan bạc mệnh” điển hình của chế độ phong kiến xưa kia. Điều đó được thể hiện sinh động qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.

Vốn sinh ra trong một gia đình trung lưu lương thiện, sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”, Thuý Kiều và Thuý Vân vừa xinh đẹp tuyệt trần vừa trong trắng ngây thơ. Một buổi chiều xuân đi tảo mộ, nàng có hai cuộc gặp gỡ đầy định mệnh. Một là số phận bi kịch của Đạm Tiên như thầm dự báo trước tương lai của Kiều, cuộc gặp sau là niềm đam mê, hạnh phúc với chàng Kim Trọng tài hoa nhất bậc. Nếu không có “tai biến bất kì” thì cuộc đời cô gái “nghiêng nước nghiêng thành” này đã chẳng có trong thơ Nguyễn Du. Trước biến cố của gia đình, nàng biết chịu đựng và hi sinh khi quyết định bán mình chuộc cha. Mặc dù đau đớn vô cùng, Kiều vẫn phải rời xa gia đình, từ bỏ mối tình đầu đẹp đẽ và trong sáng với Kim Trọng để trở thành món hàng mua bán với gã con buôn đê tiện Mã Giám Sinh.

Khi mụ mối đưa người viễn khách họ Mã tới để hỏi Kiều về làm vợ thì cuộc gặp gỡ ban đầu đã diễn ra trong đau đớn tuyệt vọng. Mã Giám Sinh xuất hiện trong buổi đến xem mặt như một kẻ bất nhân, đê tiện nhất mà chỉ ngay đêm hôm đó Kiều đã nhận xét với mẹ mình rất đúng về hắn:

Khác màu kẻ quỷ người thanh

Chẳng hay con lại mắc tay bợm già.

Khó có thể hình dung ra cuộc gặp mặt nào não nề, đớn đau hơn thế! Tâm tình ngổn ngang, nỗi đau vì mối tình đầu tan vỡ, nỗi uất ức vì án oan mà cha và em trai phải chịu, nỗi xấu hổ, thẹn thùng khi bản thân lâm vào cảnh phải để người đàn ông lạ tới xem mặt,…

Hình ảnh nàng khi bước chân ra khỏi khuê phòng thật muôn vàn xót thương:

Nỗi mình thêm tức nỗi nhà

Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng.

Nước mắt của nàng thấm đẫm cả trang giấy, mỗi bước đi là mỗi bước xót đau. Những giọt nước mắt của tan nát, khổ đau làm quặn thắt lòng người đọc, khiến ai cũng thương thay cho thân phận nàng Kiều. Bước vào phòng khách với vẻ dè dặt, tủi hổ của người con gái khuê các:

Ngại ngùng dợn gió e sương

Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.

Hình ảnh thẹn thùng của nàng là nỗi xấu hổ của người con gái mới lớn không may rơi vào hoàn cảnh trớ trêu lại vừa là sự hổ thẹn cho thân phận bất hạnh của mình. Trước nỗi đau đớn của Kiều, Mã Giám Sinh không một chút mảy may thương cảm mà còn xem nàng như xem một món hàng cần mua ở chợ:

Mối càng vén tóc bắt tay

Nét buồn như cúc điệu gầy như mai.

Xem xét mọi vẻ chưa đủ, hắn còn thử tài của Kiều theo kiểu của kẻ có tiền muốn mua hàng hoá xứng đáng với đồng tiền sẽ bỏ ra:

Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.

Người thiếu nữ “sắc đành đòi một tài đành hoạ hai” được tên lái buôn họ Mã “đắn đo” mãi để “cân sắc cân tài”: ước lượng để sao mua được thật rẻ “món hàng” vô giá này. Chúng ta không thể không thương xót cho Kiều khi kẻ đê tiện “cò kè”, “thêm bớt” từng tí để ngã giá mua nàng với bốn trăm lượng… Kiều đau đớn thế nào khi nghĩ gã buôn thịt bán người ti tiện nhất thế gian này lại có thể làm chồng mình? Càng tan nát lòng hơn khi trong trái tim nàng in sâu hình bóng chàng Kim Trọng “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”. Bắt đầu từ đây cuộc đời nàng bước ngoặt sang một trang khác, không còn êm đềm, ngọt ngào như trước nữa.

Bằng ngòi bút tài hoa của mình, Nguyễn Du đã cho người đọc thấy phần nào số phận ai oán, bi thương của Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều. Đáng ra con người tài sắc “mười phân vẹn mười” này xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhất trong những người hạnh phúc, vậy mà xã hội phong kiến thối nát đã chà đạp phũ phàng khiến nàng phải gánh chịu khổ đau và bất hạnh trong mười lăm năm đoạn trường cay đắng. Trái tim tràn đầy nhân ái, yêu thương của nhà thơ đã để cho Kiều trong khi quyết liệt đòi quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc cho người phụ nữ nói chung thì cũng tố cáo sâu sắc cái xã hội lúc bấy giờ.

Đinh Thuỳ Linh, lớp 9-1, THCS Trưng Nhị, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Bài văn mẫu 3:

Tác phẩm Truyện Kiều là một tác phẩm bất hủ gắn liền với tên tuổi của đại thi hào Nguyễn Du. Truyện tập trung xoay quanh cuộc đời sóng gió của Kiều, cũng là cuộc đời của bao người phụ nữ trong thời phong kiến. Họ luôn phải chịu nhiều cay đắng, tủi nhục từ bọn người bất nhân, vô lương tâm dùng đồng tiền của mình chà đạp lên quyền sống của họ. Trong đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” đã lột tả trần trụi thân phận của nàng Kiều là một trường hợp tiêu biểu cho chế độ thời ấy.

Đoạn trích nằm ở đầu phần thứ hai (Gia biến và lưu lạc). Sau khi bị thằng bán tơ vu oan, gia đình Thúy Kiều lâm vào cảnh tan tác, đau thương. Của cải bị cướp đoạt, cha và em trai Kiều bị lũ sai nha “đầu trâu mặt ngựa” bắt bớ, khảo tra, đánh đập dã man. Cái giá mà chúng đưa ra thật là khủng khiếp: “Có ba trăm lạng việc này mới xong”. Kiều đành gạt nước mắt, gác mối tình đầu đẹp đẽ với Kim Trọng để bán mình chuộc cha và em ra khỏi chốn lao tù.

Đoạn này nói về việc Mã Giám Sinh đến mua Kiều. Đoạn trích là nốt nhạc buồn, khởi đầu cho cung đàn bạc mệnh của cuộc đời Kiều kéo dài suốt mười lăm năm. Cái tin Kiều muốn bán mình đã gây xôn xao dư luận cả một vùng rộng lớn vì không ai không biết đến nàng – một người con gái nức tiếng tài sắc vẹn toàn. Mã Giám Sinh đã nhờ người mai mối dẫn đến nhà để cưới nàng làm vợ lẽ.

Cái tài của Nguyễn Du là không miêu tả chung chung mà đi sâu vào những chi tiết tiêu biểu, chọn lọc, thể hiện được thần thái của nhân vật. Không ai biết rõ tung tích Mã Giám Sinh, chỉ biết hắn là người từ phương xa tới (“viễn khách”). Hỏi hắn thì hắn trả lời cộc lốc, không có chủ ngữ, không thèm thưa gửi:

“Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh” 

Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.

Hai câu mà chỉ cung cấp được một thông tin nhỏ là hắn mang họ Mã. Còn tất cả đều mập mờ, không rõ ràng. “Giám Sinh”  là tên gọi chung của các sinh viên trường Quốc tử giám chứ không phải là tên riêng. Còn “huyện Lâm Thanh” rộng bao la, ai biết hắn ở chỗ nào, gia thế ra sao? Cách nói năng của Mã đã bộc lộ một phần về con người hắn. Hắn chẳng có chút gì là nho nhã, thanh lịch của một chàng “giám sinh”, hạng người có học.

Nguyễn Du đã chụp cận cảnh làm rõ bộ mặt và trang phục của Mã:

Quá niên trạc ngoại tứ tuần,

Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.

Bộ mặt mày râu nhẵn nhụi dĩ nhiên là thiếu tự nhiên, râu cạo nhẵn, lông mày tỉa tót rất trai lơ. Từ “nhẵn nhụi” gợi cảm giác về một sự trơ trẽn, phẳng lì. Áo quần bảnh bao là áo quần trưng diện, cũng thiếu tự nhiên. Hai chữ “bảnh bao” thường dùng để khen áo quần trẻ em chứ ít dùng cho người lớn”. Phủ một lớp hào nhoáng lên vẻ ngoài nhân vật, tác giả đã chế giễu, mỉa mai tên buôn người họ Mã. Sự đả kích ngầm càng sâu cay hơn khi một người đã “trạc ngoại tứ tuần” (sắp lên lão) lại tỉa tót công phu, lại cố tô vẽ cho mình ra dáng trẻ trung như trai mới lớn.

Chân dung của y còn rõ nét qua hành động. Chỉ một câu:

“Trước thầy sau tớ lao xao”

Nguyễn Du đã tô đậm cái cung cách đi hỏi vợ lạ đời của Mã Giám Sinh. Thầy tớ hắn có khác chi một lũ người ô hợp, nhốn nháo, lộn xộn, lưu manh lấc cấc. Đặc biệt hành động thô lỗ, sỗ sàng của một kẻ vô học, đội lốt người học trò trường Quốc tử giám, đã hiện lên khá rõ qua chi tiết:

“Ghế trên ngòi tót sỗ sàng”

“Ghế trên” là ghế ở vị trí trang trọng, dành cho bậc cao niên, bậc huynh trưởng, bậc đáng kính. Kẻ đi hỏi vợ là bậc con cái mà lại “ngồi tót” thì thật chướng mắt, vô lễ. Bản chất con buôn của Mã Giám Sinh bộc lộ đầy đủ hơn trong cuộc mua bán Kiều. Miệng nói những lời hoa mỹ:

Rằng:”Mua ngọc đến Lam Kiều”  

Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?” 

Nhưng hành động của y lại hoàn toàn trái ngược. Một loạt các từ “cò kè, thêm bớt, ngã giá…” đã chứng tỏ Mã Giám Sinh là một kẻ buôn người sành sỏi, lọc lõi. Y đã lộ nguyên hình là một con buôn sành sỏi. Mã Giám Sinh đâu còn là người học trò trường Quốc tử giám như đã xưng danh. Mặc dù ăn mặc chải chuốt, nói những lời hoa mỹ, ra vẻ lịch sự nhưng dần dần bản chất xấu xa, đê tiện, giả dối của y đã lộ rõ.

Với bút pháp kết hợp giữa kể và tả, bằng một số nét phác họa về mối quan hệ mờ ám, vẻ ngoài chải chuốt, nói năng vô lễ, cử chỉ vô học, hành động vô lương, Nguyễn Du đã khắc họa sắc nét hình tượng Mã Giám Sinh, kẻ buôn người, từ ngoại hình đến tính cách. Mã Giám Sinh trở thành một điển hình bất hủ cho sự đê tiện, tàn ác.

Nói đến Kiều trong toàn bộ cuộc mua bán này, Nguyễn Du đã để cho Kiều câm lặng, không nói được một lời nào. Nỗi đau đớn, thẹn thùng, xót xa tủi hổ ê chề đã lên đến đỉnh điểm. Từ một người con gái, gia đình phong lưu, “Kín cổng cao tường”, nay biến thành một món hàng dưới bàn tay bẩn thỉu của mụ mối và Mã Giám Sinh, làm sao không khỏi đau đớn cho được.

Nguyễn Du đã sử dụng một loạt hình ảnh ẩn dụ, ước lệ, tượng trưng, lấy thiên nhiên làm chuẩn mực, để diễn tả tâm trạng của Kiều khác hẳn với đoạn miêu tả Kiều trong cuộc mua bán ở “Kim Vân Kiều truyện”, từ đầu đến cuối, Kiều tuyệt nhiên không nói một lời. Điều đó chứng tỏ sự sáng tạo của Nguyễn Du, sự am hiểu sâu sắc và thấu đáo tâm lý nhân vật của đại thi hào.

Nguyễn Du không đưa ra một lời nhận xét, đánh giá trực tiếp nhưng qua một loạt các hình ảnh, từ ngữ miêu tả dáng vẻ, tâm trạng Kiều “Ngại ngùng dợn gió e sương…mặt dày”, “nét buồn…như mai” chúng ta cũng cảm nhận được sự cảm thông, xót xa cho người con gái đẹp tài hoa nhưng đã bị những thế lực hắc ám trong xã hội phong kiến (bọn buôn thịt bán người, thế lực đồng tiền) chà đạp, biến thành một món hàng giữa chợ.

Nguyễn Du đã thành công trong việc khắc hoạ nhân vật chính diện và phản diện với sự am hiểu của sâu sắc tâm lý nhân vật của ông trong tác phẩm. Ông đã phơi bày một cách chân thật bản chất đê tiện, xấu xa của Mã Giám Sinh đồng thời lên án xã hội phong kiến, tố cáo gay gắt sự tàn nhẫn của đồng tiền và những kẻ xấu xa đã chà đạp lên tài sắc và nhân phẩm của người phụ nữ.

Tham khảo thêm: Phân tích đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

—————

Suy nghĩ về thân phận Thuý Kiều trong đoạn trích Mã giám sinh mua Kiều thuộc kiểu bài nêu cảm nghĩ của Văn mẫu lớp 9, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng chủ động tư duy mở rộng. Học sinh có thể dựa trên những phân tích về tâm trạng nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích gắn với hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ để nêu suy nghĩ về thân phận nàng Kiều, liên hệ mở rộng ra thân phận những người phụ nữ trong xã hội lúc đó nói chung.

Chúc các bạn học tốt và đạt điểm cao !

[Văn mẫu 9] Tuyển tập những bài văn hay nêu suy nghĩ về thân phận Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều (Nguyễn Du)

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button